Cuộc chiến ngàn năm THUỐC NAM-THUỐC BẮC
Hoàng Tuấn
Phổ
Một hiệu thuốc của người Việt |
Mỗi
dân tộc, để sinh tồn, phải có nền y học dân tộc riêng của mình. Truyền thuyết
Trung Hoa nói vua Thần Nông mỗi ngày nếm 100 thứ cây cỏ, trong đó có 70 thứ
độc, nhiều lần ông bị ngộ độc suýt chết, nhưng cũng nhờ có loại cây cỏ giải độc
nên thoát chết.
Bởi
vậy, vua Thần Nông đã tìm ra thuốc chữa bệnh. Việt Nam cũng có vua Thần Nông,
vua của nghề nông, không phải một mà nhiều ông, rất nhiều ông. Thần Nông Việt
Nam không liều mạng như Thần Nông Trung Quốc. Ông thông minh hơn, biết dựa vào
thiên nhiên, nhờ vào động vật sống trong thiên nhiên để tìm ra cây lành, cỏ
độc. Con chó mẹ sau khi đẻ con ra vườn tìm ăn một thứ lá cây, thành tên chó
đẻ, một vị thuốc quý. Con khỉ trên rừng bị tên bắn, hái lá đắp vào vết
thương, người ta trông thấy, dựa vào đặc điểm đặt tên bồ cu vẽ. Trâu bò
gặm cỏ trên đồng, loài dê ăn lá trên núi, cỏ lá gì chúng ăn là lành, thứ gì
chúng thà nhịn đói chứ không đụng mõm là độc, v.v… Từ những kiến thức cơ bản
ấy, người xưa không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, tổng kết, dân gian truyền miệng,
có chữ thì ghi chép.
Lục
địa Trung Quốc rộng lớn, núi cao, rừng rậm, cây cỏ nhiều. Trên cơ sở đó, dược
liệu họ phong phú và phát triển. Nhưng khí hậu Trung Quốc tùy từng miền mà có
khô hanh, lạnh giá, băng tuyết, cây cỏ không tươi tốt bằng phương Nam bốn mùa
xanh màu xanh sự sống. Bản chất người Trung Quốc từ ngàn xưa, thích chiếm đoạt
đất đai và ham làm giàu bằng nhiều thủ đoạn. Trẻ em Việt Nam cũng biết điều
này, thường hay hát: “Ngộ bên Tàu là ngộ mới sang, sang Nam Việt bán buôn
làm giàu…”. Một trong những con đường làm giàu của họ là thuốc Bắc.
Thời Trần, chợ Cửa Đông lớn nhất kinh thành, riêng hẳn một phố Thuốc Bắc. Nhiều
hiệu bán thuốc Bắc có cả thầy thuốc Bắc. Từ kinh thành, thuốc Bắc tỏa đi nhiều
ngả đường đến các thị trấn, thắt chặt dây thòng lọng vào cổ thuốc Nam.
Thu hái thuốc Nam trong vườn nhà |
Nhưng
thuốc Nam không dễ chết. Ngược lại, có sức sống mãnh liệt riêng của nó. Đối
diện với phố Thuốc Bắc chợ Cửa Đông là những hàng mẹt, thúng, mủng, chiếu bày
la liệt những cây, lá, củ, quả… có tác dụng chữa bệnh, nhà nông thu hái từ rừng
núi Hải Đông lên, Sơn Tây xuống. Nhiều dược vị Trung Quốc không có hoặc không
tốt bằng, giá cả lại rất rẻ. Tại đây thương trường cũng là chiến trường. Người
Trung Quốc mua dược liệu Việt Nam là tiêu thụ hàng hóa cho Việt Nam. Nhưng họ
đem về nước sơ chế rồi lại bán sang nước ta giá đắt gấp nhiều lần với cái tên
thuốc Bắc. Chỉ có thể dẫn ra một ít ví dụ: binh lang (hạt cau già), trần
bì (vỏ quýt rừng), sinh khương (gừng sống), can khương (gừng
phơi râm mát), khiếm thực (củ súng), liên nhục (hạt sen), long
nhãn (cùi nhãn) v.v… Đại hồi mọc ở một số tỉnh biên giới Trung Việt,
nhưng đại hồi chỉ mọc nhiều ở Lạng Sơn và chất lượng tốt nhất. Củ mài
Việt Nam - Trung Quốc đều có, riêng củ mài Bắc Ninh tốt nổi tiếng (Hoài
sơn). Trung Quốc trồng nhiều ở Quảng Tây, Quảng Đông giáp giới Việt Nam, cho quế
nhục, quế bì, quế chi làm thuốc nhưng không tốt bằng quế Việt Nam, đặc biệt
là quế Thanh Hoa (Trịnh Vạn) rồi đến Nghệ An (Quỳ Châu). Cho đến lộc nhung,
gạc nai,… cũng vậy.
Năm
43, tướng xâm lược Mã Viện tiến vào Cửu Chân (Thanh Hóa) vơ vét trống đồng tiêu
diệt linh khí phương Nam, linh hồn Lạc Việt. Mã Viện tiêu diệt nền văn hóa Việt
Nam, không quên chất hàng xe đầy cây bo bo (hạt làm thuốc) Trung Quốc
gọi là ý dĩ chở về nước. Những năm tháng Trung Quốc đô hộ Việt Nam, bắt
dân ta phải tiến cống sừng tê, ngà voi, ngọc trai,… đều có tác dụng làm
thuốc trị bệnh vô cùng quý hiếm…
Đời
vua Trần Hiến tông đêm trăng trung thu chơi thuyền Hồ Tây, Thái tử Vượng ngã
xuống nước, chỉ còn thoi thóp thở. Vua triệu thầy thuốc giỏi Trâu Canh
đến chữa. Trâu Canh là con Trâu Tôn, dòng dõi đại y sư Trâu Diễn. Trâu Tôn vào
quân đội phục vụ quân xâm lược Nguyên Mông sang nước ta cướp phá. Quân Nguyên
Mông đại bại, Trâu Tôn bị bắt, vua Trần tha tội vì y biết nghề thuốc. Trâu Canh
nối nghiệp cha làm thuốc, rất được tín nhiệm. Đáng lẽ chỉ cần châm vào huyệt nhân
trung và mệnh môn hỏa, thái tử Vượng tỉnh lại ngay và khỏe mạnh bình
thường. Nhưng Trâu Canh châm vào hiểm huyệt khiến thái tử Vượng lớn lên bị liệt
dương, không thể sinh con nối dõi. Vua Hiến tông chỉ có Vượng là con trai, tất
anh em trong họ tranh giành ngôi báu, tạo cơ hội để nhà Nguyên phát binh mã kéo
sang đánh lấy Đại Việt dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật.
Chị
ruột thái tử Vượng, công chúa Thiên Ninh rất thông minh và quyết đoán, bằng mọi
cách muốn em trai chữa khỏi bệnh liệt dương. Vua Hiến tông sai Trâu Canh tìm
phương thuốc cứu chữa. Trâu Canh ra chợ Cửa Đông mua mấy hàng thuốc Nam các thứ
thông dụng: Diêm sinh (lưu hoàng), cây chân chim (ngũ gia bì), củ
súng (khiếm thực), củ mài (hoài sơn)… cho vua Dụ tông (thái tử
Vượng) trong uống, ngoài đắp. Dụ tông quả nhiên khỏi bệnh. Nhưng Trâu Canh chưa
cho gặp các cung nữ vội, bắt phải thông dâm với chị ruột (công chúa Thiên Ninh)
ba lần… Sau đó, những cung nữ được chọn dâng lên vua do Trâu Canh đã bí mật
gian dâm trước. Thời gian sau, bệnh Dụ tông tái phát như cũ, nhưng một số cung
nữ vẫn có chửa! Thượng hoàng Hiến tông sai tra hỏi, họ đều thú nhận. Hiến tông
khép Trâu Canh án tử hình. Dụ tông xin tha tội chết, chỉ cách tuột chức tước,
vì dù sao y cũng có công chữa bệnh cho vua. Đám cung nữ xấu số bị đuổi ra khỏi
cung. Họ không thể mang giống nòi Trâu Canh. Họ ra chợ Cửa Đông tìm đến các mế
nàng bán thuốc Nam, xin được thương tình “cho” ấm thuốc lá…
Vua
Dụ tông chết sớm, ngôi báu truyền sang Nhật Lễ. Vốn Lễ là con trai Kép hát
Trung Quốc Dương Khuông do Cung Túc vương Nguyên Dục thích vợ anh ta đẹp, hát
hay lấy về làm lẽ đã có mang 3 tháng, sau đẻ ra Nhật Lễ. Nhật Lễ được làm vua,
ra lệnh tàn sát tôn thất, giết cả Thái hậu, đưa người họ Dương và phe cánh vào
triều nắm giữ các chức vụ trọng yếu. Đất nước đứng bên bờ vực thẳm…
Thiên
Ninh công chúa (chị ruột Dụ tông) họp gia nô làm lính, hẹn Cung Định vương Trần
Phủ hội quân tại bến sông Đại Lại Thanh Hóa rồi kéo ra Thăng Long bắt giết
Dương Nhật Lễ, đưa Trần Phủ lên ngôi làm Nghệ tông. Đất nước lại đứng vững sau
cơn nguy biến nhất thời.
Thời
Trần, Nho học nước ta bắt đầu phát triển. Những tài năng lỗi lạc, danh sĩ xuất
chúng: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Trương
Hán Siêu… đều xuất thân cửa Khổng sân Trình. Nhưng quan trường đất chật, nho sĩ
người đông, không “tiến vi quan” thì “đạt vi sư”. Ai cũng làm nho sư (thầy đồ)
kiếm đâu ra học trò? Đành “sư” nào là “sư”: Địa lý sư, y sư, bốc sư, pháp sư,…
Nhiều người chọn nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người, giúp đời. Họ nghĩ học
thuốc Bắc dễ kiếm sống vì chỉ có thuốc Bắc mới có sẵn thầy để học, sách để đọc
và thuốc Bắc để chữa bệnh. Họ xuất thân từ nông thôn, hành nghề ở nông thôn.
Nhưng thuốc Bắc giá đắt, đa số nông dân nhà nghèo khó, vẫn dùng thuốc Nam là
chính vì rẻ tiền, lắm khi không mất tiền. Ví dụ: Chị Cò có thằng Cu bị đi phân
lỏng đến nhà thầy thuốc Nam hỏi “xin” tí thuốc. Thầy (chỉ là bà lang vườn) bảo:
“Nhà chị về nhà hái mấy ngọn ngấn hương, mấy búp chè, mấy đọt ổi, thêm vài ba
hạt muối, nhai nát trún cho cháu vài ba lần thì khỏi!” Chị Cò nghe lời thầy về
làm theo, quả nhiên thằng Cu khỏi.
Ở
nông thôn, thực tế, từ vườn ngõ nhà mình đến đầu làng cuối xóm, ngoài đồng
ruộng, bái hoang, chỗ nào cũng mọc đầy cây cỏ có tác dụng chữa bệnh. Người dân
nào cũng ít nhất biết một vài bài thuốc Nam đơn giản chữa bệnh. Thành ngữ “Thầy
nhà lá vườn” phản ánh khá chính xác tình hình thuốc thang và công việc chữa
bệnh trước kia ở nông thôn nước ta.
Thầy
thuốc Bắc thường phải có dao cầu, bồ thuốc, nhưng ít khách, thị trấn xa, hay bị
“què vị” (thiếu vị) không dễ “bổ vị” (mua bổ sung) đành phải tính bài “thay vị”
Bắc bằng vị Nam. Thì nhà thầy có cả kho “bán không ai mua, cho không ai lấy”.
Nhà thầy cũng như nhiều nhà khác, trên một mảnh vườn hẹp, có biết bao cây
thuốc, vị thuốc quý: Cây núc nác đầu ngõ, vỏ tác dụng như vị hoàng bá,
cây vối sau nhà vỏ là hậu phác, cỏ gấu mạnh như gấu, củ của nó là hương
phụ, cây cứt lợn mọc đầy bờ vườn là vị hy thiêm, cây cau cao vút,
hạt già là vị binh lang, dây trầu không leo cây cau có thể thay vị phòng
phong, v.v…
Nam
dược thần hiệu
là bộ sách lớn đặc biệt giá trị của Đại y sư kiêm đại thiền sư Tuệ Tĩnh. Ông
chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”, là người đầu tiên đặt nền móng cho
việc tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng nền y học dân tộc nước nhà, trước hết vì:
Thiên
thư đã định rõ Nam bang
Thổ
sản cũng khác miền Bắc quốc.
Tuệ
Tĩnh trên tinh thần khoa học, không bài ngoại hay bài xích Trung y Bắc dược.
Ngoài bộ Nam dược thần hiệu, ông biên soạn rất công phu bộ “Hồng
Nghĩa giác tư y thư”, trong đó ông sở đắc khá nhiều cái hay của y lý
Trung Hoa. Trong bài phú “Thuốc Nam” bằng quốc âm, Tuệ Tĩnh viết:
Tôi
Tiên sư kính đạo Tiên sư
Thuốc
Nam Việt chữa người Nam Việt.
Do
thời tiết, khí hậu, đất nước phương Nam khác miền Bắc quốc, hoạt chất, tinh
chất cây cỏ Nam Bắc tất không hoàn toàn giống nhau. Khí chất, bản tính người
Việt Nam với người Trung Quốc cũng vậy. Đó là một đề tài hết sức thú vị, nhưng
ở đây, trong một bài viết ngắn, không thể đi sâu.
Thuốc Bắc bán ở chợ An Huy-T.Quốc |
Nhưng
thuốc Nam không thể mất, thầy lang không thể chết. Vì người Nam vẫn sinh tồn và
phát triển, dù trải qua bao cuộc chiến tranh hủy diệt.
Một
lý do rất đơn giản, thiết thực là thuốc Nam tiện và lợi. Những thầy thuốc trong
Thái y viện thời Lê được đọc sách Bản thảo chữ Hán từ Thần nông bản
thảo cổ xưa đến Bản thảo cương mục, Bản thảo tòng tân, Bản
thảo thập di, Bản thảo vấn đáp, Nam phương thảo mộc trạng,
v.v… Chắc chắn họ phát hiện quá nửa số dược vị trong Bản thảo cương mục
nổi tiếng của Lý Thời Trân (đời Minh), ở Việt Nam cũng có và tác dụng chữa bệnh
giống nhau.
Tiêu
biểu cho giới thầy thuốc thời Lê là danh y Trần Ngô Thiêm, sống nửa đầu
XVIII, người làng Tây Mỗ, Từ Liêm (Hà Nội), một ngự y rất được các vua nhà Lê
tín nhiệm. Những phương thuốc kinh nghiệm của ông truyền lại, ngoài phương dược
cổ rút ra từ y thư Trung Hoa được các danh sư Trương Trọng Cảnh, Trần Tu Viên,…
bàn luận nhiều và một số phương thang do ông tự cải tiến, có không ít bài thuốc
theo kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân, ông sưu tầm được. Trong đó, nhiều
phương thuốc mang tính Bắc - Nam kết hợp. Đặc biệt, Trần Ngô Thiêm sử dụng cả
thuốc dân gian kinh nghiệm của người Việt. Ví dụ: Bệnh trẻ em bị kinh phong méo
mồm, lấy máu mào gà bôi vào thóp và góc hàm em bé sẽ khỏi. Nếu trẻ em bị kinh
phong phát sốt: Chích máu mào gà hòa với ít bột hùng hoàng cho uống, v.v…
Đời
Tây Sơn, ngọn cờ “Nam dược thần hiệu” do Tuệ Tĩnh dựng lên (thế kỷ
XIV hay XVII?) được vua Quang Trung phất cao bằng việc thành lập Viện nghiên
cứu chữa bệnh bằng thuốc Nam (Nam dược cục) do danh y Nguyễn Hoành làm Viện
trưởng (Ngự y chính, chánh cục) là đòn chí mạng vào độc quyền thuốc Bắc của
Trung Quốc. Theo lương y Nguyễn Minh Cầu (hậu duệ Nguyễn Hoành), Nguyễn Hoành
có soạn sách Nam dược bản thảo, Y học nhập môn ca… Rất tiếc, sau
khi vua Quang Trung mất (1792) Nam dược cục không được vua Quang Toản
quan tâm, Nguyễn Hoành xin giải chức, về quê Thiên Linh, huyện Quảng Xương,
Thanh Hóa, làm một lang vườn!
Thực
tế, không phải mới từ Lê - Tây Sơn mà đời Trần thuốc Nam đã được chú trọng với
việc Trần Hưng Đạo gây trồng vườn cây thuốc Nam trên núi Sơn Dược (Hải Dương),
ẩn sĩ Trần Tu (Thời Trần - Hồ) cũng có một vườn “thuốc tiên” trên đỉnh Am Tiên,
núi Nưa (Thanh Hóa)…
Triều
Nguyễn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí, chú trọng mục sản vật, trong
đó sưu tầm, ghi chép những vị thuốc quý ở từng địa phương như sâm báo, sâm
Bố Chính, quế Thường Xuân, ý dĩ Thanh Hóa, nam tinh Vĩnh Lộc, sơn dược Kinh Bắc,
v.v… Rất độc đáo và đặc sắc một số cây thuốc Nam được khắc hình lên đỉnh vạc
lớn đặt ở sân nhà Thái miếu kinh thành Huế: Quế Thanh (Nghị đỉnh), Hương
nhu (Thuần đỉnh), Sa nhân (Thuần đỉnh), Hột sen (Nhân đỉnh), Quả
nhãn (Tuyên đỉnh), Tía tô (Dụ đỉnh), Kiệu (Chương đỉnh), Tỏi
(Huyền đỉnh), Gừng (Tuyên đỉnh), Hành (Cao đỉnh), Hẹ (Nhân
đỉnh), Đậu xanh (Chương đỉnh), Đậu trắng (Dụ đỉnh), Đậu ván
(Nhị đỉnh)… Khắc ghi vào đỉnh vạc những cây thuốc, vị thuốc quý của Nam dược là
cách khẳng định giá trị muôn đời của thuốc Nam trường tồn bất diệt cùng với
người Việt Nam, giang sơn gấm vóc, đất nước yêu quý Việt Nam.
Thời
kỳ kháng chiến 30 năm chống giặc ngoại xâm (1945-1974) nguồn thuốc Bắc khan
hiếm, thuốc Nam càng được khẳng định vai trò “Nam dược trị Nam nhân” và
khả năng “thần hiệu” của nó.
Tỉnh
Thanh Hóa, thời kỳ phong kiến chống bành trướng xâm lược phương Bắc, ra đời
loại hình trò diễn dân gian. Rất nhiều trò Ngô, nội dung hài hước, chế
diễu, đả kích quân Tàu thực dân “sang Nam Việt bán buôn làm giàu” bằng các thủ
đoạn xảo quyệt, vô nhân tính. Ví dụ: Trò Khách xưa ở làng Thiết Đanh,
Yên Định và Bằng Trình, Thiệu Hóa. Một chú khách Tàu bán thuốc Bắc (đi cùng
thầy địa lý Tàu) quảy đôi bồ rao thuốc: “Cái nị (ông, bà)! Cái nị! Thôốc lớ!
Thôốc lớ! Ngộ tựa (từ) Quảng Tông (Quảng Đông), ngộ sang Pắc kè (Bắc kỳ), cái
nị muốn thôốc chi, ngộ cũng pán!” Một người Nam nói đế: “Thôốc thôốc,
thôốc chi mà thôốc? Bải (phải) rồi! Củ chuối, củ nâu, nấu chín, nhuộm đen thành
thôộc tịa (thục địa)!” Người khác đế thêm: “Thôốc thôốc! Thôốc tốt nhờ
thang, cả làng nhờ thuốc thầy Tàu: Đau bụng thì uống nước đồng, đau mắt lấy mủ
xương rồng mà tra, nhức đầu lấy đá mà va…!” Khán giả cùng cười vang. Thầy
Tàu cũng nhe bộ răng trắng nhởn ám khói vàng khè cười hềnh hệch !... (1)
Đó
là bản chất, bản tính tàn ác, xảo quyệt, trơ tráo của người Trung Quốc. Cho nên
ông cha ta từ xưa đã chỉ rõ chân tướng : “Thuốc Nam đánh giặc thuốc Bắc lấy
tiền(2). Nay, thuốc Bắc vẫn xuất sang ta, dùng nhiều hóa chất
độc hại khi gieo trồng, bào chế cùng hạng thầy Tàu rởm, khoe khoang chữa bách
bệnh nan y đều chung mục đích như tổ tiên họ “Sang Nam Việt bán buôn làm
giàu” không từ thủ đoạn lừa đảo, cướp của, giết người!
Xem
ra cuộc chiến ngàn năm thuốc Nam - thuốc Bắc chỉ là một trong nhiều trận địa
cam go, chưa có hồi kết...
HTP
- 20/6/2014
............
(1) - Câu này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng người Tàu để răng
trắng (không nhuộm răng như người Việt) vì hút thuốc phiện nên răng ngả màu vàng
khè.
(2) - “Đánh giặc”, nghĩa bóng ở đây là “chữa bệnh”. Ý nói, các vị thuốc Nam được đặt cái tên chữ thuốc Bắc, giả làm thuốc Bắc. Bệnh khỏi là do thuốc Nam của ta, nhưng tiền thu về lại bỏ vào túi thương nhân Tàu, thầy thuốc Tàu. Câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”, “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân giải thích: “ý nói: thuốc nam công hiệu, còn thuốc bắc thì đắt tiền”. Các giải thích này tối nghĩa, do tác giả không hiểu được nghĩa đen - bản chất sâu xa của vấn đề (chú giải của Hoàng Tuấn Công)
0 Nhận xét