1 - Chữa bệnh mắt vàng
Một buổi chiều mùa thu năm1965, thủa tôi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, theo trường sơ tán về thôn Hữu Định, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc cũ (phần đất Bắc Giang ngày nay).
Trong lúc tôi đang làm việc, bỗng có ông Tô Duy là bạn học cùng khóa, bên khoa hội hoạ đến tìm tôi, nhờ tôi sang chữa bệnh cho con gái chủ nhà, nơi ông ở nhờ.
Khi tôi tới, ông Tô Duy gọi cô gái chừng 13-14 từ trong buồng bước ra. Tôi hơi sửng sốt, khi nhìn thấy mắt cô ta rất lạ. Lòng trắng mắt cô như một tàu lá vàng ươm. Lòng đen mắt cũng đã bắt đầu chớm vàng. Thần của mắt cũng hơi đờ đẫn. Tôi hỏi ông Tô duy xem ông đã phát hiện ra chứng này ở cô bé từ bao lâu. Ông Tô nói : "Có lẽ chưa đầy một giờ đồng hồ, bởi vì mới xế trưa nay tôi còn thấy mắt cô bé rất bình thường."
Tôi chợt tính rằng ở đây cách bệnh viện huyện trên phố Thắng dài hơn tám cây số đường đồi, trời lại sắp tối, cần gặp ông chủ nhà để bàn cách đưa đưa cô bé đi bệnh viện ngay. Vừa lúc đó thì ông chủ về, tôi liền nói với ông như quyết định : "Ông đi mượn ngay một cái võng, hai cái xe đạp, chuẩn bị một cây tre buộc võng, để đưa cô bé đi bệnh viện cho kịp thời."
Trong khi ông chủ nhà đi mượn võng và xe đạp, tôi mở quyển sách Châm cứu tư sinh kinh, tra đến mục "Mục hoàng." Sách viết rằng : "Não hộ, Chí dương, Đảm du, ý xá, trị mục hoàng." Tôi vội lấy kim, sát trùng rồi châm các huyệt kể trên, lưu kim, vê kim kích thích tả pháp, lần lượt theo đúng thứ tự trước sau.
Qua chừng mươi phút, ông chủ nhà và bà con dắt về hai xe đạp đã buộc sẵn võng, dựa ở tường hoa trước sân. Cũng lúc ấy, ông Tô Duy reo lên kinh ngạc : "ồ mắt đã trắng trở lại rồi." Chả là khi tôi châm kim, ông Tô Duy và vài người nữa ngồi phía trước mặt cô gái, họ chăm chú theo dõi đôi mắt của cô. Nghe tiếng reo ấy, tôi cũng ngừng tay vê kim, đứng dậy đi vòng sang phía trước cô gái để quan sát. Quả nhiên thấy đúng như thế.
Lúc này ông chủ và bà con từ ngoài sân ùa cả vào nhà.Tôi nói với ông chủ một cách nửa tin tưởng, nửa dè chừng rằng : "Có lẽ chưa nên đưa em đi bệnh viện ngay lúc này, cũng không nên trả xe đạp và võng. Hãy đợi tối nay tôi sang châm cho em một lần nữa, nếu sáng mai bệnh không trở lại thì ta có thể yên tâm chữa ở nhà. Nếu thấy bệnh trở lại, ta đưa em đi bệnh viện cũng còn kịp, vì hiện giờ này thấy bệnh của em đã đỡ nhiều."
Sáng hôm sau tôi sang thăm bệnh cho cô gái, thấy mắt cô trắng và thần thì trong sáng như chưa có bệnh. Tuy vậy tôi vẫn châm cho cô gái một lần nữa, từ đó bệnh khỏi hẳn.
Cuối năm 1973, sau khi từ chiến trường Miền Nam ra, tôi trở lại thăm thôn Hữu Định, thăm chủ nhà tôi ở nhờ, và thăm bà con trong thôn, những người đã giúp đỡ tôi thời gian sơ tán ấy. Trong lúc tôi đang vui chuyện cũ, mới với mọi người, chợt thấy một ông tóc đã muối tiêu nhảy vọt qua bức tường hoa, từ sân nhà bên ông đi tắt sang cho nhanh. Ông nhìn tôi và hỏi tôi
: "Anh Sửu còn nhớ tôi không?."Rồi không đợi tôi trả lời, ông đã nói tiếp : "Tôi là bố con bé bị bệnh mắt vàng mà anh đã chữa cho ngày ấy. Cháu đã lấy chồng, có con rồi . Anh Sửu à, suốt từ đấy đến bây giờ mắt của cháu không bị vàng lại nữa."
Ngày nay, với học viên, mỗi khi dậy đến bệnh gan, mật, tôi thường kể lại chuyện này để nhắc cho học viên biết quý bộ sách Tư sinh kinh. Nhiều phương kinh nghiệm của cổ nhân ghi trong sách đó, tôi dùng chữa cho bệnh nhân đều có hiệu quả mãn ý. . Tôi cũng không quên nhắc lại một nguyên tắc: Muốn khai thác giá trị của phương kinh nghiệm, trước hết, phải khai thác từ mỗi du huyệt trong phương đó.
Theo phần Du huyệt học trong sách này, cũng như ở các bộ sách dạy châm cứu khác nói chung, tác dụng chủ trị của huyệt đều được ghi đầy đủ.
Các tác dụng đó được quy vào mấy mặt sau đây
1- Tác dụng vào bệnh tạng phủ bên trong tương ứng với vị trí của huyệt (nếu huyệt nằm ở vùng lưng trên, lưng dưới, ngực, bụng).
2- Tác dụng vào bệnh tại chỗ, lân cận và những nơi đường kinh đó đi qua. Đồng thời tác dụng đến tạng phủ sở thuộc của đường kinh đó.
3- Tác dụng đặc hiệu đến nơi có bệnh ở rất xa (gọi là tác dụng viễn đạo), hoặc bệnh ở những đường kinh khác, không có quan hệ tạng phủ, kinh lạc biểu lý nhau với đường kinh sở thuộc.
4- Có những huyệt không nằm trên đường kinh nào, nhưng lại có tác dụng đặc hiệu lạ lùng, gọi là Kinh ngoại kỳ huyệt.
5- Nhiều sách xuất bản gần đây, sau những chủ trị của huyệt, còn ghi thêm tác dụng phối hợp của huyệt, thực chất là những phương kinh nghiệm. Trong đó, có phần tác dụng của bản huyệt góp vào cùng tác dụng của các huyệt khác trong phương.
Về trị liệu, ta thấy : Một huyệt có tác dụng chủ trị nhiều loại bệnh; một bệnh có thể dùng nhiều huyệt để trị. Do vậy, một phương trị hiệu quả bệnh nào đó, thường là một tập họp giá trị đặc hiệu của số huyệt trong phương với bệnh đó. Từ đây cho tới hết tập truyện, mỗi phương kinh nghiệm, ta đều cùng nhau phân tích theo cách nêu trên. Bắt đầu từ phương huyệt chữa bệnh mắt vàng này.
- Huyệt Não hộ - Cấm châm đứng kim, cấm cứu. Cứu làm cho người ta câm. Châm đứng kim vào não là chết ngay. Phải châm kim luồn dưới da, mũi kim chếch từ dưới lên. Chủ trị :... mặt đỏ mắt vàng; ,,, - Huyệt Chí dương. Chủ trị : viêm gan, viêm túi mật, giun chui ống mật...vàng da - Huyệt Đảm du - Chủ trị : Viêm gan, viêm túi mật, giun chui ống mật, mát vàng, hoàng đản - Huyệt ý xá - Chủ trị : bệnh gan, viêm gan, viêm túi mật, mình nóng mắt vàng. Tổng hợp tác dụng chủ trị của 4 huyệt trong phương, đã cho hiệu qủa chữa chứng mắt vàng rất tốt. Cũng qua đây, ta lại thấy được, các cụ xưa nhận thức đúng như khoa học ngày nay : Chứng mắt vàng là do bệnh ở gan, mật.
Trích trong Hồi Ký Lê Văn Sửu
0 Nhận xét