2 - Chữa bệnh sốt rét sưng lá lách .
Mùa thu năm 1966, đoàn cán bộ mang ký hiệu K.19 của tôi đi B6, hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, đến địa phận binh trạm.
Theo thường lệ, hàng ngày, khi tới bãi khách, chúng tôi lo nấu cơm ăn, căng tăng võng nghỉ ngơi. Tối hôm đó, ông Hiếu, dược sỹ cao cấp, công tác ở trường Đại học Y Khoa Hà Nội, đi cùng đoàn (bấy giờ chúng tôi thường gọi nhau bằng đồng chí, hoặc anh, đến nay ông cũng trạc tuổi tôi rồi, nên tôi gọi bằng ông cho phải) tới nói với tôi :" Đồng chí Sửu à, tôi vừa gặp một ông chính uỷ binh trạm 4. Ông là người đồng hương Hà Tĩnh của tôi. Ông ấy bị sốt rét, lá lách sưng độ bốn, người yếu lắm. Ông đang có cơn sốt mà vẫn phải vào binh trạm 5 để họp. Từ hôm nay, ông ấy đi cùng cung đường với đoàn ta. Khi gặp tôi ( tức ông Hiếu ), biết tôi là dược sỹ cao cấp chính hiệu, lại là đồng hương, ra đi từ Hà Nội, ông ấy hỏi tôi xem có thuốc gì hiệu quả hơn những thuốc thường dùng hiện nay hay không? Tôi nói với ông ấy rằng, số thuốc tôi mang theo cũng chỉ là thuốc phòng và chữa sốt rét, mọi người đều được cấp phát như nhau.
Nhìn thấy ông ấy mang bệnh nặng, mình là dược sỹ mà không có loại thuốc gì giúp được, trong lòng tôi buồn lắm. Đồng chí thử dùng phép châm cứu để chữa giúp ông ấy, cũng là giúp tôi mà."
Nể lòng ông Hiếu, vì ông vốn rất quý tôi. Hàng ngày, khi đi qua những nơi có cây thuốc, ông thường hái lấy rồi chỉ bảo cho tôi. Ông như một ông giáo dạy nghề tận tuỵ, vô tư, nên tôi đã nhận lời đề nghị của ông. Ông Hiếu liền đi làm công tác tư tưởng cho vị chính uỷ nọ, để ông này chấp nhận cách chữa của tôi. Hồi đó, châm cứu chữa bệnh chưa được phổ cập như ngày nay, không phải ai cũng biết và tin tưởng. Từ đấy mỗi ngày hành quân tới b•i khách mới, tôi nhờ đoàn viên cùng tổ ba người với tôi, giúp việc thổi cơm, nấu nước, thay cả phần việc khác của tôi, để tôi đi chữa bệnh.
Theo sách Châm cứu học tôi mang theo, trong phần trị liệu học, bệnh này phải cứu bằng mồi ngải ở ba huyệt :Tỳ du, Bĩ căn, Chương môn. Nhưng trong thực tế của hoàn cảnh hành quân mang nặng, trèo đèo, lội suối cả ngày. Tới nơi để tạm nghỉ qua đêm thì đã quá mệt, nên tôi thay phép cứu bằng ôn châm cho đỡ tốn thời gian, ở mỗi cán kim, tôi đốt 2 mồi ngải nhỏ. Đồng thời, để tăng hiệu quả trong một số ngắn ngày, tôi đã thêm huyệt Công tôn vào trong phương này.
Điều kỳ diệu đã đến với ông chính uỷ là, sau đêm ôn châm đầu tiên, sang ngày hôm sau, mặc dù chưa phải là đã khỏi được như người bình thường, nhưng ông tự thấy tỉnh táo hơn, bước chân leo đồi, vượt dốc của ông cũng đã nhẹ nhàng hơn. Sau lần ôn châm thứ hai, đến sáng ngày hôm sau, ông đã đòi người cần vụ đưa chiếc ba lô của ông để ông đeo cho dễ đi. Cái ba lô của ông tuy chẳng nặng nề là bao, nhưng trước đó, nó đã phải để người cần vụ đặt lên trên cái ba lô vốn qúa nặng nề và cồng kềnh của anh.
Ngày thứ ba, đoàn chúng tôi và ông đi đến một trạm mà từ đó ông rẽ đường về nơi ông họp.Trạm này vốn không phải là nơi chúng tôi được nghỉ lại cách ngày. Nhưng vì nhu cầu chữa bệnh cho ông, ông đã hội ý để ban chỉ huy trạm bố trí bãi khách, mời đoàn chúng tôi nghỉ lại. Đồng thời, kết hợp chữa cho ông lần thứ ba, thứ tư vào tối hôm đó và cả tối hôm sau nữa.
Trong ngày nghỉ lại ở trạm, ông chính uỷ đã nhờ chiến sỹ giao liên của trạm đưa hàng hoá vào buôn đồng bào gần đó, đổi lấy gà và gạo nếp. Ông giao cho trạm nấu cơm, làm gà, mời ban chỉ huy đoàn K.19, tôi và ông Hiếu vào liên hoan với ông. Ông còn bàn với trạm cung cấp thêm cho cả đoàn một số lương khô, mắm ruốc, v.v.... Điều này là một cử chỉ đặc biệt, ngoại lệ thông thường của binh trạm. . Trong cuộc chuyện trò, ông chính uỷ không thể dấu được nỗi vui mừng, tin tưởng, khi ông kể về cảm giác sức khoẻ của mình. Ông thấy đã có nhiều thay đổi tốt lên. Để chứng nghiệm việc này, bác sỹ trưởng đoàn tên là Minh, nguyên giữ chức phó bệnh viện trưởng bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, ông đã hăng hái sờ nắn, kiểm tra lâm sàng vùng gan, lách ông chính uỷ. Sau đó, ông đã có lời nhận xét rằng : " Thật là hiệu quả. Gan và lách của chính uỷ đã nhỏ đi rất nhiều."
Đêm đó, tôi nói truyện với bác sỹ Chính trong đoàn về câu truyện trong trạm giao liên. Tiếp theo, tôi phân tích phương huyệt theo du huyệt học, muốn để ông hiểu thêm về tác dụng của mỗi huyệt trong phương, như: Huyệt Tỳ du - Chủ trị : gan, lách sưng to, cổ trướng ; tích tụ bĩ khối, sốt rét lâu ngày... Huyệt Bĩ căn (loại huyệt lạ ngoài kinh) - Chủ trị : Gan, lá lách sưng to, Huyệt Chương môn - Chủ trị : Lá lách sưng to... Huyệt Công tôn (loại lạc huyệt của kinh tỳ, chuyên trị bệnh mạn tính của tạng phủ sở thuộc) - Chủ trị : sốt rét; sốt thể lạnh...
Tổng hợp tác dụng của 4 huyệt trên, chữa hiệu qủa nhanh chứng bệnh sốt rét sưng lá lách của ông chính ủy, mọi người đều đã chứng nghiệm hôm nay.
Thưa các bạn, kinh nghiệm lần đầu đó, sau này đã giúp tôi chữa được nhiều ca bệnh của đồng đội sốt rét, gan lách sưng to như thế. Trong suốt hơn năm năm trời ở nơi rừng sâu, nước độc của miền Cực nam Trung Bộ, kinh nghiệm này đã là chất keo gắn bó tôi với đồng đội. Cho đến sau này, khi trở về miền Bắc, con gái tôi và học viên của tôi cũng theo phương đó, chữa cho nhiều anh em đi bộ đội nghĩa vụ phục viên, những thanh niên đi đào vàng, đào đá quý trở về, nếu bị mắc bệnh sốt rét rừng, có gan lách sưng to, họ đều được chữa khỏi sau từ bảy đến mười ngày.
Bệnh sốt rét rừng, có sưng gan lách hiện nay đang còn nhiều, tôi ghi lại chuyện này, cũng là ghi lại một phương đã có nhiều kiểm chứng để đồng nghiệp tham khảo thử dùng
Trích trong Hồi Ký Lê Văn Sửu
0 Nhận xét