NƯỚC ĐẠI VIỆT TA THỜI TRẦN ĐÃ "THOÁT TRUNG" NHƯ THẾ NÀO?
(Bài 1)
Đào Tiến Thi
Giữa lúc này, nếu chỉ nghĩ sao đuổi được cái giàn khoan láo xược của Trung Cộng, mà không nghĩ đến căn nguyên sâu xa của nó, thì dẫu đuổi được cái giàn khoan này lại có cái giàn khoan khác xuất hiện và nhiều vấn đề rắc rối về kinh tế, chính trị, xã hội khác nữa cho Việt Nam.Chiến lược “tàm thực” (tằm ăn dâu) của Trung Cộng sẽ từng bước được thực thi. Sinh mạng dân tộc Việt Nam đã mỏng manh lại ngày càng thêm mỏng manh.
Cho nên cách đặt vấn đề của Quỹ Phan Châu Trinh trong hội thảo ngày 5-6-2014 “Làm thế nào để thoát Trung?” là rất trúng và đúng. Chỉ có thoát Trung thì đất nước mới phát triển, và đất nước có phát triển thì mới có độc lập thực sự. Và cũng chỉ có thoát Trung – thoát khỏi thân phận con tin – thì cũng mới có tình hữu nghị Việt – Trung đích thực.
Trước khi bàn vào vấn đề, xin lưu ý một điểm: nhiều bạn trẻ hiện nay cứ tưởng Việt Nam đã bị trói vào Trung Cộng từ thời hai nước theo chế độ cộng sản. Sự thực cái dây trói hiện nay là trói lần thứ hai. Chứ trước hội nghị Thành Đô (ngày 3 và 4-9-1990) về “bình thường hoá quan hệ” giữa hai nước, trong một khoảng thời gian dài 12 năm (1978 – 1990), tức là từ khi nhà cầm quyền Trung Cộng gây ra vụ “Nạn kiều” vu cáo Việt Nam “khủng bố, bài xích, xua đuổi người Hoa” tháng 4-1978 cho đến trận Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam tháng 3-1988,chúng ta chẳng còn phải dính líu, nợ nần gì với Trung Cộng cả. Trong suốt thời gian nói trên hai nước đã là kẻ thù không đội trời chung của nhau. Ngoài cuộc chiến tranh biên giới 2-1979 với 60 vạn quân Trung Cộng tham gia còn có cuộc tranh giành đẫm máu cao điểm 1509 (Lão Sơn) từ2-1984 – 7-1984 và vô vàn cuộc xung đột nhỏ trên biên giới Trung – Việt. Ấy là chưa kể những năm này hai nước không ngày nào không chửi nhau trên sóng phát thanh. Có năm Tết (theo trí nhớ của tôi là năm 1987), khó mà nghe được đài tiếng nói Việt Nam trên làn sóng trung bình, vì đài phát thanh Bắc Kinh phát đúng vào tần số của đài tiếng nói Việt Nam, mà sóng của họ lại mạnh hơn. Riêng Trung Cộng còn có hệ thống loa đặt dọc biên giới, chửi Việt Nam ra rả suốt ngày.
Để “thoát Trung”, chúng ta có hai cách (và nên dùng cả hai cách):
- Tiếp nhận những giá trị hiện đại của văn minh nhân loại.
- Học tập những kinh nghiệm trong truyền thống của cha ông.
Bài này đi vào một phần của cách thứ hai: việc “thoát Trung” thời Trần.
Ta thường nói Đại Việt thời Trần ba lần đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên, đó là cách nói tắt; nói chính xác, lần thứ nhất (1258) là đánh thắng đế quốc Mông Cổ và hai lần sau (1285,1288), đánh thắng đế quốc Nguyên. Triều Nguyên là một “mảnh vỡ” của đế quốc Mông Cổ, thiết lập ở Trung Quốc sau khi Hốt Tất Liệt (Khubilai) đánh thắng triều Tống. Triều Nguyên cai trị Trung Quốc từ 1271 đến 1368, bị Trung Quốc hoá, hoàn toàn trở thành một triều đại của phong kiến Trung Quốc, được tính vào lịch sử Trung Quốc chứ không phải vào lịch sử Mông Cổ. Triều Nguyên áp sát ta gần 100 năm. Việc thoát Trung thời Trần chủ yếu là “thoát Nguyên”.
Có thể nói luôn: ông cha ta thời Trần không bao giờ tự trói mình với nhà Nguyên và còn luôn tìm cách tránh không để nhà Nguyên lừa trói nhà nước Đại Việt vào họ.
Nếu không kể việc ba lần đánh cho giặc Mông Nguyên tơi bời thì việc “thoát Trung” của nhà Trần (cũng như ngày nay) gồm hai mặt: nội trị và ngoại giao. Để đáp ứng nhu cầu nóng bỏng những ngày này, xin trình bày phần ngoại giao trước.
I- CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO
1. Song hành giữa cứng rắn và mềm dẻo
Vào lúc nhà Trần thiết lập thì trên thảo nguyên Trung Á mênh mông cũng xuất hiện một đế quốc hùng mạnh và hung hãn vào bậc nhất lịch sử nhân loại: đế quốc Mông Cổ. Ngay từ đầu thế kỷ XIII, quân Mông Cổ đã tấn công các nước Kim, Tây Hạ (bắc và tây Bắc Trung Quốc ngàynay) và hàng loạt quốc gia ở Trung Á. Năm 1252, quân Mông Cổ tấn công và tiêu diệt nước Đại Lý (vùng Tứ Xuyên, Vân Nam của Trung Quốc ngày nay, trong đó Vân Nam liền biên giới vớiĐại Việt. Cuối năm 1257, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Uriangkhadai), viên tướngđã từng chinh chiến ở các nước Liêu, Ba Tư, Ba Lan, Hungary, được coi là bách chiến bách thắng, đưa thư dụ hàng Đại Việt.
Trước thế hung hãn của giặc, nhà Trần chẳng những không đầu hàng mà còn bắt giam sứ giả để tỏ rõ quyết tâm chống giặc. Khi quân Mông Cổ tràn vào Thăng Long thì thấy ba tên sứ giả vẫn đang bị trói giam trong ngục và một tên đã chết.
Trong khoảng từ 1258 – 1285, trước khi bước vào cuộc kháng chiến lần thứ hai, là thời kỳ đấu tranh ngoại giao. Giai đoạn đầu, quân Mông Cổ rút hết về nước để tham gia cuộc nội chiếnnên giả vờ giao hảo với nước ta. Thư của Hốt Tất Liệt năm 1261 viết: “Phàm mũ áo, điển lễphong tục cứ theo chế độ cũ của nước mình, không phải thay đổi”. Hoặc: “Ta đã cấm các biên tướng Vân Nam không được xâm phạm bờ cõi, quấy nhiễu nhân dân”. (Nghe cứ na ná như là “mười sáu chữ vàng”!)
Vua tôi nhà Trần không hề tin vào những lời lẽ trên, cũng không tự cao vì mới chiến thắng,nên đã gấp rút tuyển quân, chế tạo vũ khí, sắm chiến thuyền và luyện quân để đề phòng quân giặc quay trở lại. Trong khoảng gần 30 năm hoà hoãn, không lúc nào buông lơi cảnh giác.
Từ 1267, quan hệ với Mông Cổ căng thẳng dần, đặc biệt từ 1271, khi triều Nguyên được thành lập ở Trung Quốc. Nhà Nguyên đưa ra rất nhiều yêu sách mà nếu thực hiện đầy đủ thìđồng nghĩa với việc nộp dần nền độc lập. Nhưng để tránh đụng đầu sớm với kẻ thù, vua Trầnmột mặt nhân nhượng những gì có thể, mặt khác kiên quyết từ chối những đòi hỏi quá đáng củavua Nguyên. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại khá nhiều sự việc ứng phó khôn ngoan của vua quan nhà Trần. Ví dụ vua Trần nhận sắc phong “An Nam quốc vương” của vua Nguyên, chứ không chịu lạy chiếu thư của vua Nguyên Hốt Tất Liệt. Thư phúc đáp của vuaTrần viết: “Sứ thần không nên làm lễ ngang hàng với một nước. Vả lại, trước đây thiên triều đã có việc dụ cho mọi việc trong nước tôi cứ theo tục cũ của bản quốc. Thế thì việc nhận chiếu chỉ của thiên triều đem kính để tại chính điện, còn vua thì lui xuống nhà riêng, đấy là điển cũ của nước tôi đấy”.
Tháng 4-1272, nhà Nguyên sai sứ sang hỏi mốc giới cột đồng trụ ngày trước. Vua Trần cũng giả vờ sai Lê Kính Phu đi xem xét xét lại. Kính Phu tâu: “Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được”. Từ đó về sau vua Nguyên cũng không hỏi đến nữa.
Vua Trần cũng luôn lấy cớ “có bệnh” để không bao giờ sang chầu vua Nguyên. Chịu cống nạp phẩm vật (bạc vàng, ngọc lụa) chứ không cống nạp nho sỹ, thầy thuốc và thợ thủ công. Chịu phận làm “tôi” nhưng không cung cấp gạo cho quân Nguyên khi quân Nguyên đi đánh Champa. Nhà Trần không cấm các thương gia người Hồi Hột (Uyghur/ Duy Ngô Nhĩ) vào buôn bán nhưng cấm dân ta không được giao dịch với bọn này để cô lập chúng, khiến chúng không có đất để hoạt động gián điệp trên đất nước ta. Và khi cần thì nhà Trần tìm cách khống chế bọn này, không cho chúng về nước để cung cấp tin tức. Nhà Trần còn tìm cách mua chuộc các đạt lỗ hoa xích (chứ quan giám sát của nhà Nguyên đặt ở nước ta) và các quan lại Mông Cổ cai trị vùng Vân Nam, không để chúng can thiệp vào các chính sách của Đại Việt.
2. Thiết lập liên minh Việt – Chăm chống xâm lược
Champa (Chăm hay Chiêm Thành) là một nước phía nam Đại Việt, biên giới cho đến hồi cuối thế kỷ XIII là khoảng phía bắc tỉnh Quảng Trị này nay.
Thời chống Tống dưới triều Lý, trước kế hoạch xâm lược của nhà Tống, trong đó có việc lôi kéo Champa tấn công từ phía Nam, Lý Thánh Tông thân chinh (cùng đại tướng Lý Thường Kiệt) đánh Champa, phá tan lực lượng quân sự của Champa, bắt sống vua Chăm. Sau đó vua Chăm phải dâng đất Bố Chính, Ma linh, Địa Lý (nam Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) để được trả về. Từ nửa sau thế kỷ XII, nhà Lý đi vào con đường suy bại, vua Chăm thường cho quân ra cướp bóc miền biên giới và ven biển phía Nam cùng yêu sách đòi lại đất cũ.
Vào đầu đời Trần, vua Chăm Jaya Paramesvaravarman (ở ngôi 1220 – 1250) vẫn giữ thái độ kỳ thị Đại Việt, thân thiện Chân Lạp. Năm 1252, vua Trần Thái Tông đem quân đánh Champa, hạ kinh đô, bắt tù binh rồi rút quân về. Em Jaya Paramesvaravarman lên kế ngôi, miễn cưỡng cống nạp Đại Việt. Năm 1265, Indravarman IV lên ngôi. Ông bỏ Chân Lạp đang suy thoái, quay sang thân thiện với Đại Việt đang trên đà hưng thịnh.
Đầu năm 1280, sau khi chiếm xong đất Trung Quốc, Hốt Tất Liệt tiếp tục bành trước về phương Nam. Nhưng vì đã từng thua Đại Việt hồi 1258 nên lần này Hốt Tất Liệt tính đánhChampa trước nhằm tạo bàn đạp tấn công Đại Việt và các nước Đông Nam Á. Nhà Nguyên bắt vua Trần cho mượn đường tiến đánh Chăm, nhưng vua Trần cự tuyệt. Vua Nguyên lại đòi vua Chăm sang chầu nhưng vua Chăm cũng không đi.
Tháng 12-1282, quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy tấn công thành Quy Nhơn. Quân Chăm nhờ có sự chuẩn bị kĩ, đặc biệt có thành gỗ và máy bắn đá, đã đánh trả quyết liệt. Nhưng trước hoả lực mạnh của quân Nguyên, giữa tháng 2-1283, thành vỡ. Tuy nhiên, vua Chăm rút quân lên miền rừng núi, tiếp tục kháng chiến.
Quân Nguyên tấn công thành Đồ Bàn (Bình Định) là kinh đô của Champa lúc bấy giờ. Quân Chăm bỏ thành, rút lên vùng rừng núi, đồng thời cầu cứu Đại Việt. Nhà Trần cho 2 vạn quân và 500 chiến thuyền vào giúp Champa.
Giữa năm 1283, vua Nguyên sai A Lý Hải Nha (Arickhaya) chỉ huy 3 vạn quân tăng viện cho Toa Đô đồng thời lại bắt vua Trần cung cấp lương thực và cho mượn đường qua Đại Việt nhưng nhà Trần vẫn từ chối. Quân Nguyên buộc phải đi đường biển để vào Champa do đó rất chậm. Chờ mãi viện binh chưa đến, lại bị quân Chăm tấn công, Toa Đô buộc phải lui quân ra phía bắc Champa, giáp biên giới Đại Việt để chờ quân tiếp viện. Tại đây, quân Toa Đô tiếp tục bị quân Champa bao vây, cô lập.
Đầu năm 1285, quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tiến đánh Đại Việt. Toa Đô rút một bộ phận đánh ra Thanh Hoá nhằm hội với quân Thoát Hoan. Bộ phận còn lại tiếp tục đóng ở đâynhưng đến khi quân Nguyên thua ở Đại Việt thì cũng phải rút nốt.
Như vậy cuộc kháng chiến của Champa (có sự trợ sức của Đại Việt) đã góp phần trì hoãn cuộc tiến công của quân Nguyên vào Đại Việt và đến lượt mình, cuộc kháng chiến của Đại Việt lại góp phần giải phóng hoàn toàn Champa.
Trong cuộc kháng chiến lần hai và ba, ngoài liên minh với Champa cũng cần kể thêm ở đây,còn có 1200 quân phủ Tư Minh (Quảng tây) không chịu khuất phục quân Nguyên, sang quy phục nước ta và được nhà Trần chấp nhận (1283).
Mối liên minh Việt – Chăm trong chống xâm lược Nguyên còn tạo tiền đề cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước về sau. Năm 1301, nhân có sứ bộ Champa từ Đại Việt về nước, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã sang chơi Champa – một cuộc viếng thăm thân mật, không chính thức – kéo dài tám tháng liền (tháng 3-1301 – tháng 11-1301). Chính trong cuộc viếng thăm này, Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1306, lễ cưới được tổ chức. Sính lễ gồm rất nhiều vàng bạc và đất đai hai châu Ô, Lý (nam Quảng Trị vàThừa Thiên – Huế ngày nay). Ngay năm sau nhà Trần cho sáp nhập hai châu này vào Đại Việt với tên gọi Thuận và Hoá (Thuận Châu, Hoá Châu).
(Còn nữa)
0 Nhận xét