TMSS: cổ nhân nói cấm có sai: ĐI ĐÊM CÓ NGÀY GẶP MA! VIỆT CỘNG GẶP MA TRUNG CỘNG RỒI ĐÂY!
Ngô Nhân Dụng
Ngày Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014,
Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh công bố bài “Hoạt động của giàn khoan HYSY 981:
Khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc.” Trong bài này
Cộng Sản Trung Hoa đã trình bày lập luận tại sao quần đảo Hoàng Sa thuộc
Trung Quốc. (HYSY-981 viết tắt tên Hai Yang Shi You, Hải Dương Thạch
Du, là tên công ty CNOOC, người Việt Nam quen viết tắt là HD-981). Ðây
là một hành động “Vừa đánh trống vừa ăn cướp.”
Ngay sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981 vào biển Việt Nam, mục này
đã khuyên chính quyền Cộng Sản Việt Nam (Việt Cộng) hãy theo gót
Philippines kiện Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) ra trước các tòa án
trọng tài quốc tế. Sau đó, tại Singapore, ông Nguyễn Tấn Dũng nói sẽ
dùng biện pháp pháp lý với Trung Quốc về vụ Hoàng Sa, Trường Sa; mà
không xác định sẽ làm gì. Các viên chức chính quyền cộng sản tiếp tục
nói họ “đang chuẩn bị hồ sơ” đưa Trung Cộng ra tòa. Mãi không thấy chuẩn
bị xong. Bây giờ thì Trung Cộng đi bước trước.
Sau đó, bàn về lá thư của Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai năm 1958, mục
này đã đề nghị chỉ có một giải pháp thoát khỏi hậu quả của lá thư bán
nước này, cũng như thoát khỏi các thỏa hiệp ở hội nghị Thành Ðô 1990, là
xóa bỏ chế độ cộng sản. Dân Việt Nam thành lập một thể chế chính trị
mới, chính quyền mới tuyên bố xóa bỏ tất cả các thỏa hiệp bất bình đẳng,
công khai hoặc bí mật, đã ký kết với Cộng Sản Trung Hoa.
Bây giờ thì người dân Việt Nam hiểu rõ tại sao Việt Cộng chuẩn bị mãi
không xong hồ sơ kiện Trung Cộng ra tòa. Vì họ biết sẽ đuối lý. Chỉ có
một cách thoát ra khỏi cảnh bế tắc này là xóa bỏ chế độ cộng sản; hoặc
ít nhất là phủ nhận và kết tội các chính quyền cộng sản từ thời Hồ Chí
Minh, Phạm Văn Ðồng (1958) đến Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười (1990). Cả hai
điều đó, đảng Cộng sản Việt Nam không thể làm được, để cho bây giờ Trung
Cộng đi kiện trước tòa án dư luận Liên Hiệp Quốc.
Ngày Thứ Hai, 8 tháng 6, phó trưởng đoàn Trung Cộng ở Liên Hiệp Quốc
Vương Dân (Wang Min) đã đọc một bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thi
hành Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), với lời khoe
khoang rằng Bắc Kinh luôn luôn tôn trọng công ước này. Trong cùng ngày,
Vương Dân chính thức yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại New
York, chuyển tới 193 quốc gia hội viên bản thông báo của Bắc Kinh về vụ
tranh chấp trên Biển Ðông. Các văn kiện trên kèm theo các bằng cớ để
Trung Cộng chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Những hành động mới của Bắc Kinh sẽ buộc chính quyền Cộng Sản Việt
Nam không thể “chuẩn bị” mãi không xong hồ sơ thưa kiện. Việt Cộng phải
đối diện với quyết định: Hoặc đứng ra thưa kiện Trung Cộng trước Liên
Hiệp Quốc hay các tòa án trọng tài quốc tế khác, hoặc tiếp tục lặng
thinh, không nói cũng không làm làm gì cả, tức là chịu thua. Cho tới
ngày Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014, Việt Cộng vẫn chưa có hành động hay lời
nói nào; một tình trạng tê liệt từ đầu não.
Trong khi đó thì Trung Cộng đã chuẩn bị sẵn hồ sơ. Và họ đang yêu cầu
ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phổ biến cho tất cả các nước hội viên
trên thế giới.
Hồ sơ của Trung Cộng được tóm tắt trong tất cả các bản tin trên thế
giới. Nhiều nhà quan sát ngoại quốc đã bị Trung Cộng thuyết phục, có
người tin rằng Trung Cộng có lý, viết “...đối với quần đảo Hoàng Sa, nơi
tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc khá mạnh.” (for the Paracel Islands,
where China's sovereignty claims are fairly strong - Zachary Keck viết
trên tạp chí The Diplomat, ngày 10 tháng 6, 2014). Trong ba ngày liên
tiếp, cả chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam không nói một lời nào
chính thức phủ nhận những “chứng cớ” mà Trung Cộng đưa ra, ở Bắc Kinh và
ở New York.
Chứng cớ của Trung Cộng bao gồm bức thư Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai
năm 1958, mà Bắc Kinh đã công bố từ tháng trước, nay lại đưa ra thêm
những chứng cớ khác.
Trong văn kiện gửi cho 193 nước trong Liên Hiệp Quốc, Vương Dân nhấn
mạnh rằng quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) thuộc chủ quyền
Trung Quốc và không hề có tranh chấp. “Không có tranh chấp” nghĩa là
Trung Cộng có thể đưa giàn khoan vào vùng đó mà không vi phạm công ước
về luật biển. Tất cả luận cứ của Việt Nam trong vụ này là Hoàng Sa thuộc
nước ta, Trung Cộng đã chiếm, tức là đang có tranh chấp.
Nhưng Vương Dân còn nói “trước năm 1974 không có một chính quyền nào
liên tiếp cai trị nước Việt Nam đã phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ
quyền này.” Ðây là một điều hoàn toàn sai sự thật. Chính quyền Pháp và
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn xác định chủ quyền tại Hoàng Sa,
Trường Sa, đã thành lập đài khí tượng trên một hòn đảo, nằm trong hệ
thống thông tin khí tượng quốc tế. Tại hội nghị San Francisco tháng 9
năm 1951, thủ tướng chính phủ quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã xác nhận
chủ quyền trên các đảo này và được 46 trong 51 quốc gia đồng ý. Mãi đến
năm 1974, Trung Cộng mới tấn công và chiếm đóng. Viên đại sứ Trung Cộng
nói như trên vì họ vẫn lừa gạt cả thế giới, nói rằng trận hải chiến
Hoàng Sa năm 1974 là do khi quân Trung Cộng đến kiểm soát Hoàng Sa,
thuộc lãnh thổ của họ, thì hải quân Việt Nam Cộng Hòa khiêu khích, tấn
công. Nhưng Liên Hiệp Quốc vẫn còn lưu giữ hồ sơ những công hàm phản đối
của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 2 năm 1974.
Vương Dân còn viết rằng, “Việt Nam đã chính thức công nhận quần đảo
Tây Sa (sic) thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa.” Ðiều này mọi
người Việt Nam biết là sai và có thể phản bác trên dư luận thế giới. Ðời
nhà Nguyễn đã thành lập “đội Hoàng Sa” bảo vệ an ninh quần đảo. Năm
1956, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã ký sắc lệnh thành lập quận Hoàng Sa.
Bà thủ tướng Ðức mới tặng cho Tập Cận Bình một bản đồ Trung Quốc cổ, in
từ đời nhà Thanh, trong đó lãnh thổ Trung Quốc ở cực Nam là đảo Hải Nam,
hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa. Thư viện lịch sử Việt Nam đang
lưu giữ tập bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà
Thanh xuất bản năm 1904, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.
Một cuốn sách, Compendio di Geografia (Ðịa lý thế giới) của nhà địa
lý học người Ý Adriano Balbi, xuất bản lần đầu ở Livorno năm 1824, tái
bản nhiều lần, xác định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bản còn được
lưu trữ tại thành phố Torino ở miền Bắc nước Ý là bản in năm 1850 ở
Livorno.
Nhưng Vương Dân còn viết thêm rằng, “Quan điểm này đã phản ảnh trong
các bản tuyên bố của chính phủ họ, trong các văn kiện cũng như trong báo
chí, bản đồ và sách giáo khoa.” Khi nói đến “chính phủ họ, its
government,” Vương Dân chỉ có thể nói về chính quyền cộng sản đã cai trị
Việt Nam từ sau năm 1975. Và cả Bộ Ngoại Giao Trung Cộng lẫn phái đoàn
của họ ở Liên Hiệp Quốc đã trưng ra các bằng chứng cho thấy là chính
quyền Cộng Sản Việt Nam đã đồng ý với Trung Cộng về chủ quyền trên hai
quần đảo.
Ðây là một đòn chí tử đánh thẳng vào đầu đảng Cộng Sản Việt Nam. Có
thể nói Trung Cộng đã hoàn toàn bỏ rơi, không còn thương tiếc Việt Cộng
nữa. Vì những bằng cớ do Bắc Kinh đưa ra chỉ chứng tỏ Việt Cộng đã bán
nước. Sau khi chịu miếng đòn này, đảng Cộng Sản Việt Nam phải gọi là
“Ðảng Phá Sản.” Ðảng Cộng Sản đã theo chủ trương kinh tế quốc doanh làm
phá sản kinh tế Việt Nam. Họ đã dùng hành động man trá, làm phá sản đạo
lý trong đời sống con người Việt Nam. Nay, Trung Cộng đưa thêm bằng cớ
chứng tỏ Cộng Sản Việt Nam đã theo một chính sách ngoại giao phá sản hơn
nửa thế kỷ, ngay từ năm 1950 khi họ ghi vào cương lĩnh đảng là theo
“chủ nghĩa Mao Trạch Ðông” và đón các cố vấn Trung Cộng vào dạy họ làm
cách mạng vô sản.
Ngoài bức công hàm Phạm Văn Ðồng, Trung Cộng còn dẫn chứng các bản đồ
và sách giáo khoa môn địa lý do Việt Cộng xuất bản, trong đó công nhận
chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo. Trong cuốn Ðịa Lý Lớp Chín,
in năm 1974, bài viết về “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” có đoạn nói
rõ ràng “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa (sic) đến các đảo Hải
Nam, Ðài loan, quần đảo Hoành Bồ, Châu Sơn... làm thành một bức “trường
thành” bảo vệ lục địa Trung Quốc...” Năm 1974 cuốn sách này ra đời, Lê
Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng đều còn nắm quyền cao nhất nước. Sách
giáo khoa trong chế độ cộng sản do chính quyền soạn, kiểm duyệt và ấn
loát. Ðầu năm 1974, Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và các tử sĩ Hoàng Sa hy sinh
vì tổ quốc khi nước ta bị Trung Cộng tấn công.
Trong khi đó chính quyền cộng sản miền Bắc hồ hởi mô tả Hoàng Sa,
Trường Sa nằm trong “bức trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc.”
Cuối cùng, làm cách nào để dân tộc Việt Nam bác bỏ được những lời
ngụy biện của chính quyền Trung Cộng? Giải thích lại bức công hàm Phạm
Văn Ðồng chỉ đi vào ngõ bí, nói để lòe bịp dân Việt được nhưng không thể
đưa ra cãi trước tòa án và dư luận thế giới. Trung Cộng đã đưa ra quy
tắc Estoppel trong luật pháp, không cho phép ai nói và làm ngược lại
những điều mình đã nói hay làm trước đó, gây thiệt hại cho người khác.
Cũng không thể nói rằng các sách giáo khoa và bản đồ của chế độ cộng sản
đã in sai, nay xin cải chính lại. Vì guồng máy kiểm soát và duyệt y các
sách giáo khoa được Ban Tuyên Giáo thi hành, do chính đảng Cộng Sản chủ
trì.
Chỉ có một cách thoát ra khỏi ngõ bí này là xóa bỏ chế độ cộng sản.
Dân tộc Việt Nam cần lập ra một thể chế chính trị mới, giống như các
nước cộng sản Ðông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ đã làm. Chính quyền
mới tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ nhục nhã, xóa bỏ tất cả các thỏa
hiệp bất bình đẳng, công khai hoặc bí mật, đã ký kết với Cộng Sản Trung
Hoa. Khi đó, nước Việt Nam có thể nói dõng dạc với cả thế giới rằng
Hoàng Sa, Trường Sa vĩnh viễn thuộc chủ quyền dân tộc Việt.
0 Nhận xét