Hé nắp ấm để rót nước - Tuyên thông phế khí để chữa phù
1. Ấm trà & Bệnh phù
Trong
sinh hoạt, khi rót trà có lẽ mỗi người trong chúng ta đều đã từng gặp
phải tình huống: Nếu nắp ấm đậy kín hoàn toàn, trà từ ấm rất khó chảy
ra. Thế nhưng, chỉ cần hé nắp ấm trà lên một chút, để tạo ra một khe hở
nhỏ, là nước sẽ chảy ra dễ dàng! Từ kinh nghiệm đó, trên nắp phần lớn
các ấm trà, những người thợ gốm đã tạo sẵn một lỗ nho nhỏ, để khi rót
nước không bị tắc.
Trong
Đông y, rất nhiều ý tưởng và phương pháp chữa bệnh đã hình thành từ
những quan sát thực tế về hoạt động sinh lý và biến đổi bệnh của cơ thể.
Trải qua quá trình vận dụng và rút kinh nghiệm trong thực tiễn chữa
bệnh, chúng được tổng hợp và kết tinh dần dần, thành những lý luận.
"Học thuyết Tạng tượng" là hệ thống lý luận đã hình thành theo con đường như vậy.
Bệnh
phù, trong Đông y gọi là "thủy thũng". Theo lý thông thường, cần sử
dụng biện pháp lợi tiểu. Có điều, trong khá nhiều trường hợp, bệnh nhân
bị mắc chứng thủy thũng, cho uống các loại thuốc lợi tiểu, như râu ngô,
mã đề, phục linh, tỳ giải, ... vẫn không đái được!
Trên
lâm sàng, mỗi khi phải đối mặt tình huống như vậy, lại phải vắt óc suy
nghĩ, để tìm ra một biện pháp khác! Đối với trường hợp sử dụng thuốc lợi
tiểu mà bệnh nhân vẫn không đái được, thầy thuốc Đông y thời xưa đã
liên tưởng đến cái ấm trà. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, là sử dụng "Mô
hình ấm trà" để mô phỏng và phân tích quá trình bài tiết nước từ bên
trong cơ thể ra ngoài.
Trong
mô hình trên, "vòi ấm" có thể so sánh với "bàng quang" trong cơ thể
người. Còn "nắp ấm" thì được so sánh với... "tạng Phế". Đọc đến đây,
người chưa làm quen với lý luận về Tạng Phủ của Đông y, có thể cảm thấy
như vậy là vô lý, hoang đường, ... Thế nhưng, trong suốt quá trình thực
tiễn chữa trị bệnh tật hàng ngàn năm qua, "Mô hình ấm trà" đó đã mang
lại kết quả trị liệu không thể phủ nhận. Mặt khác, như chúng ta sẽ thấy ở
dưới, cách so sánh như vậy cũng rất bài bản, hoàn toàn phù hợp
với lý luận về Tạng Phủ của Đông y học.
2. Theo Đông y:
Các hoạt động sống (hoạt động sinh lý) của cơ thể con người do hệ thống
"Tạng Phủ" đảm nhiệm. "Tạng Phủ" bao gồm "ngũ tạng" (5 tạng) là Can,
Tâm, Tỳ, Phế, Thận; và "lục phủ" (6 phủ) là Đởm, Tiểu tràng, Vị, Đại
tràng, Bàng quang, Tam tiêu. Bàng quang (một trong "lục phủ") là cơ quan
có chức năng tàng trữ và bài tiết nước tiểu, rõ ràng có thể so sánh với
cái vòi ấm. Còn tạng Phế (một trong "ngũ tạng") là một hệ thống bao gồm
nhiều nhóm chức năng. Ngoài chức năng "chủ khí ty hô hấp" (chủ khí và
điều tiết hô hấp) mọi người đều biết, Phế còn đảm nhiệm nhiều chức năng
quan trọng khác, như "hành thủy", "chủ bì mao", ...
"Hành thủy"
là điều tiết quá trình vận chuyển, phân phối và bài tiết thủy dịch
trong cơ thể. Người xưa gọi đó là "thông điều thủy đạo". Trong cơ thể
người, tạng Phế lại nằm ở vị trí cao nhất trong ngũ tạng lục phủ, do đó
người xưa đã so sánh tạng Phế với cái nắp ấm. Cũng vì tạng Phế được hình
dung như cái nắp ấm, nên trong Đông y, tạng Phế còn có tên gọi là "hoa
cái" (chữ "cái" ở đây có nghĩa là cái "nắp đậy", "cái vung", ...).
"Phế
chủ bì mao" nghĩa là tạng Phế chủ quản hoạt động sinh lý của da và
lông, sự đóng mở của lỗ chân lông và quá trình bài tiết mồ hôi cũng liên
quan mật thiết tới Phế.
Trên
lâm sàng, sử dụng các vị thuốc có tác dụng làm ra mồ hôi (phát hãn), để
"tuyên thông Phế khí", giúp cho Phế khí được thông sướng, không còn bế
tắc, có tác dụng tương tự như "hé nắp ấm" trong khi rót trà.
Như vậy, do Phế "chủ hành thủy" và "chủ bì mao", nên so sánh nắp ấm với tạng Phế cũng là việc phù hợp Y lý.
*• Phát hãn, thông phế khí để chữa phù thũng*
3. Một bệnh án tiêu biểu:*
Nguyễn Văn H, nam, 8 tuổi, 3 tháng trước bị sốt nóng và phù nhẹ. Tại
một phòng khám, bác sĩ chẩn đoán là bị cảm. Đã cho uống thuốc hạ nhiệt
và giảm đau của Tây y, kết hợp với thuốc thanh nhiệt của Đông y.
Kết quả: Sốt có giảm đôi chút, nhưng hiện tượng phù lại bị nặng thêm, toàn thân và chi dưới bị phù rất nặng.
Đến khám lại, cháu H được cho làm thêm các xét nghiệm.
Kết quả chẩn đoán của Tây y: "Viêm thận cấp".
Sau
đó, bệnh nhi được đưa vào bệnh viện để điều trị theo phương pháp kết
hợp Đông y và Tây y. Lúc đầu, dùng thuốc lợi tiểu của Tây y có đỡ, nhưng
sau đó hiện tượng phù ngày càng nặng thêm, toàn thân, tứ chi đều phù
nặng. Âm nang (bìu dái) phình to như quả bóng. Bụng trướng, rốn lồi ra
ngoài. Mặt phù nặng, khiến hai mắt không thể mở to. Tiểu tiện nhỏ từng
giọt, ngực đầy tức, suyễn thở, không thể nằm ngang, phải kê cao đầu lên,
da khô, sốt 37,8 độ, ...
Tại
bệnh viện, cũng đã sử dụng các thứ thuốc lợi tiểu của Đông y, với liều
rất cao. Ví dụ, phục linh, xa tiền tử (hạt mã đề), ... đã dùng tới 120g
(gấp 10 lần liều lượng thông thường). Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn không thể
đái ra được nhiều.
Cuối
cùng, bệnh viện đã mời một lương y giàu kinh nghiệm đến khám. Sau khi
tìm hiểu bệnh tình và bắt mạch, vị lương y nhận thấy, bệnh phù của cháu
bé phát sinh là do "phong tà" xâm phạm cơ thể, làm chức năng của tạng
Phế tổn thương, chức năng "hành thủy" bị trục trặc khiến nước bị ứ đọng,
sinh ra "thủy thũng".
Kết luận chẩn đoán theo Đông y:* "Phế khí uất kết. Thủy đạo bất thông".
Để
chữa trị cần sử dụng phương pháp "Tuyên thông phế khí, hành thủy tiêu
thũng". Dựa trên phép trị đó, bệnh nhi đã được cho dùng "Việt tỳ thang
gia giảm/", thành phần chủ yếu là những vị thuốc có tác dụng phát hãn
(làm ra mồ hôi), tuyên thông phế khí, như ma hoàng, tử tô (cành lá tía
tô), hạnh nhân, cát cánh, tang bạch bì (vỏ trắng rễ dâu tằm), ...
Uống
hết một thang, mồ hôi bắt đầu tiết ra được một ít, tiểu tiện lượng nước
tiểu đã nhiều hơn trước. Uống hết thang thứ hai, thì nước tiểu ra như
tháo cống, ngày đêm hơn chục lần. Hiện tượng phù đã rút rất nhanh, ...
Tiếp tục cho dùng thuốc theo phương pháp biện chứng luận trị một thời
gian nữa, bệnh thuyên giảm dần và cuối cùng đã được xuất viện!
*• Bệnh thận, không nhất thiết phải chữa tạng thận:*
Theo Đông y:
Quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể có liên quan mật thiết nhất đến 3
tạng Tỳ, Phế và Thận. Thủy dịch vào cơ thể, trước tiên được tiêu hóa và
hấp thụ, thông qua chức năng "kiện vận" của tạng Tỳ. Sau đó được đưa
lên trên, vào tạng Phế, nhờ chức năng "hành thủy", "thông điều thủy đạo"
của tạng Phế, mà phân bố ra khắp toàn thân, rồi đưa xuống dưới, vào hệ
thống Thận. Tại đây, nhờ tác dụng "ôn hóa" của tạng Thận, thủy dịch được
tái hấp thụ, còn phần cặn bã sẽ đi vào Bàng
quang, bài tiết ra ngoài.
Như
vậy, quá trình chuyển hóa nước, từ khi vào cơ thể, cho đến khi bài tiết
ra ngoài, chỉ có thể hoàn thành đầy đủ, nếu như hoạt động của toàn bộ
hệ thống Ngũ tạng Lục phủ, đặc biệt là 3 tạng Tỳ, Phế và Thận diễn ra
bình thường. Chỉ cần hoạt động của 1 tạng trong bộ 3 chủ chốt đó bị trục
trặc, là quá trình chuyển hóa nước sẽ bị đình trệ, nước sẽ đọng lại ở
dưới da, gây nên phù thũng.
Trên
lâm sàng, như trường hợp cháu H ở trên, "phong tà" xâm phạm, khiến cho
Phế khí bị uất kết, chức năng "hành thủy" của Phế bị trục trặc, phải sử
dụng những vị thuốc phát hãn, tuyên thông Phế khí để chữa.
Còn như, nếu là phù thũng
do tạng Tỳ "kiện vận" không tốt, thì cần dùng biện pháp, vị thuốc điều
chỉnh chức năng của tạng Tỳ. Hay như, nếu là phù thũng do chức năng "ôn
hóa" của tạng Thận không được kiện toàn, thì cần phải dùng biện pháp, vị
thuốc có tác dụng kiện toàn chức năng tạng Thận. Như vậy, có thể thấy,
để thông tiểu tiện chữa phù thũng, không phải lúc nào cũng sử dụng
phương pháp "hé nắp rót nước" – tuyên thông Phế khí. "Hé nắp rót nước" không phải phương pháp vạn năng chữa bệnh phù.
Từ
đây cũng có thể dễ dàng nhận thấy, bệnh thận theo chẩn đoán của Tây y,
không hoàn toàn đồng nhất với bệnh Thận trong Đông y. Mặt khác, các bệnh
thận trong Tây y, không chỉ liên đới đến tạng Thận, mà còn có thể liên
quan đến tạng Tỳ, tạng Phế, cũng như một số tạng phủ khác, theo quan
niệm Đông y. Từ đây còn có thể nhận thấy, để dùng Đông dược đạt kết quả
tốt, ngoài việc nắm vững tính năng của vị thuốc, bài thuốc cụ thể, thầy
thuốc Đông y còn cần tinh thông, hiểu thấu những vấn đề thuộc về Y lý.
Lương y THÁI HƯ
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Theo Thuocvuonnha
Theo Thuocvuonnha
0 Nhận xét