Bùn đỏ tràn bờ ở Tân Ray. Điều đáng lo sợ đã xảy đến.
KHAI KHOÁNG Ở TÂY NGUYÊN- NGUY CƠ CHO CẢ DÂN TỘC.
Bùn đỏ tràn ra ngoài và đập bị vỡ sau mưa lớn - ảnh Tuổi trẻ |
Tục ngữ Việt Nam có câu “con không cha như nhà không nóc”, hiểu theo cách này- Tây nguyên chính là điểm tiếp thông giữa trời và đất của khu vực. Đỉnh Ngọk Linh không cao hơn Fansipan ở cực Bắc, nhưng rễ núi gân đồi từ nó lan tỏa ra một vùng rộng lớn hơn: Rừng Tây nguyên, kể cả một phần Trường sơn Bắc, chính là cái phễu hứng và rót nước mưa vào các tầng nước ngầm từ bắc miền Trung cho đến đông Nam bộ.
Bất kỳ sự kiện thời tiết khí hậu nào trong khu vực, bão tố dù ngoài khơi xa biển Đông hay bên kia biển Tây, gió mùa Đông bắc rồi Tây nam, gió Lào mang khí hậu đại lục,…đều ảnh hưởng tới Tây nguyên trước tiên- Tây nguyên chính là cái phong vũ biểu tự nhiên, khổng lồ cho toàn khu vực. Nội dung ấy đã hàm chứa trong hai câu thơ: “…Đầu đỡ vòm trời chân xoài biển cả, vai vắt khăn mây dãi lụa mềm.”(Thu Bồn).
Cũng có thể hiểu rằng đây chính là nguồn cội của nhiều tộc người, nhiều nền văn hóa và văn minh tại ĐNÁ. Điều ấy hiển nhiên, vì không ở đâu trên thế giới này có được những nhạc cụ cổ xưa ít nhất có hơn 5.000 năm tuổi như trống đá, khánh đá, đàn đá, tù và đá,…như ở Tây nguyên. Thế giới cũng đã ngưỡng vọng đến một “truyền nhân” của chúng là không gian văn hóa cồng chiêng có một không hai ở Tây nguyên, và Tây nguyên như thể là vốn cổ quý hiếm của toàn nhân loại.
Qua các di vật khai quật được, các nhà Khảo cổ học nhân văn cũng phải khẳng định rằng đã có một thời đoạn từ 2.000 đến 20.000 năm trước loài người đã từng tập trung sinh tụ ở Tây nguyên với mật độ rất cao, sau đó lại lan tỏa xuống các vùng đồng bằng vừa phơi ra sau thời kỳ biển tiến. Những nội dung đó cũng bàng bạc trong kho tàng hàng trăm bộ sử thi, mà in ấn ra cũng tốn hàng chục tấn giấy.
Một bằng chứng hùng hồn là cả miền đồng nghiêng Bắc Việt Nam đều nói tiếng Kinh bằng âm vị Tây nguyên. Người trong cả nước khi cần diễn xướng mọi lời ca đều phải phát theo âm vị của họ.
Đã có nóc thì ắt phải có mái nhà, một số người cũng nói rừng Tây nguyên là mái nhà ĐNÁ. Cái nóc nhà hai mái này thật kỳ diệu, chúng nguyên là một khu dự trữ sinh quyển khổng lồ- tiếp nhận và gìn giữ những gen, những dòng gen động thực vật, vi sinh vật,…, vừa di chuyển vừa tiến hóa, thích nghi mà giới Sinh học gọi là diễn thế- từ đời nọ đến đời kia qua hàng chục triệu năm, từ Hymalaya xuống, từ phía Tây sang, từ các đảo (dẫu đã chìm mất từ ngàn xưa do sụt lún) ngoài biển Đông tiến vào,…
Nhờ đó mà ta còn nghe đến những loài quý hiếm của cả thế giới như Tê giác ở Lộc Bắc, Hồng hạc kéo về quây tổ ở Yok Đôn,…hay những hóa thạch sống như Thủy tùng ở Dak Lak, Thông hai lá dẹt ở quần sơn Lang Biang,…kể cả những Con Người ở đây- vừa có những điểm tương đồng văn hóa với nhiều sắc dân châu Phi, châu Đại dương, kể cả châu Mỹ,…nhưng vừa có những đặc điểm cổ xưa mà ngày nay không còn tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Nhưng mái nhà ấy đặt trên những chiếc cột nào và nền móng của các trụ cột ấy là gì ? Trước nhất, các nhà địa chất trên thế giới đều thống nhất Tây nguyên là những khối nâng, như khối nâng Kontum và là những địa khối “khó hiểu” cả về quá trình thành tạo.
Ngay cả câu hỏi vì sao Bau xit lại có và trữ lượng khá lớn ở Tây nguyên cũng còn nhiều giả thuyết, mà có nhiều nhà khoa học vận dụng cả lý thuyết hiện đại về kiến tạo mảng, về sự va chạm giữa các lục địa trôi dạt,…cũng lúng túng. Có phải chúng đi lên bề mặt Tây nguyên theo các ống của lò mác-ma từ tầng SiAl dưới xa lớp thạch quyển mỏng manh này không, thì vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
Nên những con số điều tra về trữ lượng vừa được vị Bộ trưởng Công thương nói ra vẻ xác quyết trước “Hội Nghị gật” là hết sức bịa đặt, mỵ dân, và …đeo kính cực râm cho các vị trong các “bao lãnh đạn” vốn mù mờ về địa chất.
Còn những trụ cột chính là cây rừng, đất rừng, con chim con thú ở rừng, con suối, con sông và cả những con người. Chỉ những người con của mái nhà đó mới ra sức giữ rừng để cùng tồn tại và phát triển với rừng. Nguồn nuôi sống của họ là rừng. Tách họ ra khỏi rừng hay triệt phá rừng là đã giết chết họ nhiều phần, nhất là tri thức bản địa và đời sống văn hóa, tâm linh.
Những tộc người trên Tây nguyên không xa lạ gì người Tàu, họ gọi là người Lô và
cả người Ấn- gọi là người Chà. Nhưng quá trình Hán hóa và Ấn hóa đã không để lại một dấu vết nào lên nền văn minh của họ, đó là điều “kỳ lạ” mà tất cả các nhà truyền giáo, các nhà dân tộc học đều đã nhận ra- độc đáo nhất bán đảo Ấn-Trung / Đông Dương (Indochine) này. Lý giải duy nhất đúng là vì họ đã sẵn có một nền văn minh vật chất riêng và khác, song rất sâu bền. Họ cũng đã có một vũ trụ quan riêng, một thế giới tâm linh riêng và dường như có cả triết lý sống rất riêng.
Ví dụ như người Jray/Giarai có cả ba vua Nước-Lửa-Gió mà không thể tìm thấy ở bất kỳ tộc người nào. Nó lại đúng với Tam tài Đồ hội: Thiên-Địa-Nhân/Trời-Đất-Người. Trời gồm có Nhật-Nguyệt-Tinh/ Trời-Trăng-Sao. Đất có Thủy-Hỏa-Phong/Nước-Lửa-Gió. Người có Tinh-Khí-Thần… Thế mà ngày nay, người Jray nói: sao các ông chỉ học Phong-Thủy ? phải học Lửa chứ, Lửa mới thay đổi được Gió và Nước (các yếu tố tự nhiên) (?!) Có sách vở PhongThuỷ/Feng Shui nào của Ta, Tàu hay Tây dạy điều đó không ?
Trước viễn cảnh một hai thế hệ nữa dân tộc này phải sống với biển dâng, Tây nguyên và vùng rìa của nó chính là điểm sinh tụ sau cùng của gần 50 triệu người, nó phải chấp nhận một tải lượng quá lớn về việc cung cấp nước sạch, đất sạch, môi trường xanh sạch để bảo đảm cái ăn, cái mặc, chỗ ở, các công trình công cộng,…thì ai đó đã có “chủ trương lớn” khai khoáng bauxite trên Tây nguyên cũng cần nghĩ lại rằng họ đã ra tay tận diệt giống nòi mình một cách không thương tiếc.
Những công dân tương lai của vài mươi năm nữa sẽ chết vì những viên đạn mà một số kẻ lạm quyền ngụy biện mượn của quân thù nổ súng hôm nay.
Còn cận cảnh, ai cũng thấy rõ ràng là việc di dân hữu ý và tự do lên Tây nguyên đã hình thành một quần thể kẻ cướp, cướp rừng của toàn dân, cướp đất bằng mọi thủ đoạn nhờ sự giúp đỡ của những người thân có chức quyền, và ngay cả một số bộ máy cầm quyền từ trên chí dưới.
Tác hại trước mắt là một vùng rộng lớn ở Đông nam bộ trong đó có khu vực kinh tế năng động nhất gồm Bình dương, Đồng nai, Vũng Tàu, TpHCM,…đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng, dẫn đến sự suy thoái sản xuất không hồi phục được.
Người dân và các khu công nghiệp hút nước ngầm ngày một sâu hơn, tốc độ lún sụt của cả khu vực ngày càng nhanh hơn, việc chống ngập (hàng chục tỉ đô-la) gần như lãng phí và vô hiệu quả nếu so với con số “25 tỉ đô” đầu tư vào khai khoáng mà không chắc đạt được chút lời lãi gì.
Khi áp lực của nước ngọt suy giảm thì sự xâm lấn của nước mặn sẽ càng sâu và lan vào càng xa, đã có những nông dân mất đất, ngư dân mất đìa và nhiều làng xã đang ngập dần. Cục diện mười năm nữa của người dân ven biển, ven sông và ven đô sẽ cực kỳ bi đát.
Có thể nhiều ngàn năm trước, màu đỏ khó phai của oxyt sắt đã để lại tên đất Xích Thổ và nước Xích Quỷ trên Tây nguyên, nay còn tìm thấy người xưa ghi lại trong nhiều thư tịch cổ. Nếu những túi bùn đỏ hiện diện, bụi đỏ phát tán khắp rừng, sông suối đỏ quạch thì chúng ta xem như đã bị nhuộm đỏ bởi sự ngu dốt.
Vì ai dám chắc rằng với cái đà thi nhau đắp đập thủy điện trên các nhánh sông và ngay cả sông Mê Kông- mà bụng chứa hàng tỉ tấn nước thường là những đứt gẫy địa chất- sẽ không gây ra động đất. Mà chỉ cần những dư chấn liên tiếp của chúng cũng đủ gây ra thảm họa không khắc phục được. Lúc ấy, nước Xích Quỷ lại hồi sinh chăng, hay chỉ còn bọn quỉ đỏ độc chiếm ?
Mất đất rừng thì không thể có cơ hội phục hồi rừng. Sự biến dạng cả địa hình địa mạo, biến mất cả lâm tướng lâm hình sẽ buộc những nguồn gen cổ xưa quý hiếm mất hẳn. Mất rừng thì Tây nguyên với văn hóa làng rừng, với các sinh vật vốn cộng cư với rừng cũng đi vào sự đồng hóa, tuyệt chủng. Đó là tội ác diệt chủng và là tội ác hủy hoại môi sinh của con người, phá vỡ hoàn toàn cơ hội xây dựng một đất nước giàu mạnh và bền vững.
Tục ngữ cũng có câu “nhà dột trên nóc dột xuống” hay “dòi từ trong xương dòi ra”, cho thấy rằng sự việc đã quá nghiêm trọng và rất khó giải quyết. Nhưng cũng mừng thay khi nghe chính phủ nói chưa cấp phép khai thác. Như vậy là có tín hiệu lạc quan- rằng trên nóc đã chống được dột.
Người viết bài này đã thấy những con suối đỏ ngầu chảy qua đất Nhân Cơ cũng như Tân Ray trong những ngày mưa dầm vừa qua, thấy những chiếc xe vàng đầy đất đỏ, áo xanh mũ vàng líu lô xập xí xập ngầu, xa xa là ngọn cờ “xích diện ngũ hành tinh”… mà chưa biết phải diệt dòi bằng thuốc gì, nếu không phải bằng chính cây Thuốc dòi đọt đỏ mọc lơ thơ trên những đồi có vỉa bauxite ?
Tôi thành tâm cầu mong rằng chuyện bắt tay từ lâu giữa những người tự cho là mình có toàn quyền với đất nước và hậu thế- là không có thật hoặc vẫn có cách giải kết như các cụ dạy: “quay đầu là bờ”.
Tôi hoàn toàn tin rằng việc khai khoáng ở Tây nguyên sẽ dừng lại và dừng hẵn để chuẩn bị ngay cho cuộc di dân tây Nam bộ trước biển tiến chỉ trong vài thập kỷ tới. Lúc đó nếu mỏ khoáng đã bị kẻ cướp khai thác, môi trường đã tan hoang thì các hố bùn và tầng đất đỏ đã kết von, chết cứng sẽ là mồ chôn tập thể phần lớn dân tộc này.
Sự tồn vong của dân tộc trước phút giây nguy cấp này cũng bao hàm nội dung TBT Nông đức Mạnh cảnh báo: “…có thể quyết định tồn vong của chế độ.” Chợt tôi nhớ E. Hemingway đã dẫn một đoạn văn để lấy tựa cho tác phẩm của mình; “…xin đừng hỏi rằng CHUÔNG NGUYỆN HỒN AI, chuông nguyện hồn anh đấy.”
QUAN LANG, ĐOÀN NAM SINH 20/7/09
(Bài đã đăng trên Bauxit VN)
0 Nhận xét