TMSS: quả như ông giáo làng nhận định: người khôn nói mánh người dại đánh đòn! Đàng này đánh trực diện mà vẫn chả biết chi!
---------
Dương Đình Giao
Người làm nghề dạy học, do có
điều kiện về thời gian, lại hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ nên phần
lớn, con cái đều ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn, nếu chưa được
khen ngợi thì cũng ít bị chê trách.
Tuy thế, trong suốt cả đời dạy
học, tôi vẫn thường thấy có những thầy, cô (kể cả những người là Hiệu
trưởng Hiệu phó) con cái không được như mong đợi, đứa thì nghịch ngơm,
hư hỗn, đứa thì học hành chểnh mảng, nhưng nể là “con thầy, con cô” nên
chẳng ai nỡ cho ở lại lớp hay xếp loại hạnh kiểm yếu.
Khi chuyện trò, để
giữ thể diện cho “khổ chủ”, người ta thường dùng câu tục ngữ “dao sắc
không gọt được chuôi”. Nói để giữ sĩ diện cho nhau thế thôi chứ ai cũng
biết, những thầy cô có con là học sinh hư này phần lớn đều là những nhà
giáo bất dắc dĩ, chuyên môn nghiệp vụ thì phần lớn đều chuyên tu tại
chức, còn tư cách đạo đức thường đều “có vấn đề” cả. Con cái là người
biết rõ nhất về người sinh ra chúng nên những điều hay lẽ phải cha mẹ
răn dạy con thường ít có sức thuyết phục. Lại thêm chúng biết cha mẹ
được nể vì ở trường nên lại càng trở nên “nước đổ lá khoai”. Nói “dao
sắc không gọt được chuôi” là nói để động viên nhau, làm đẹp lòng nhau
thế thôi, chứ trong bụng, ai cũng nghĩ “đến con cái mình đẻ ra còn chẳng
dạy được, mong gì đến việc dạy con thiên hạ!”. Những ai có con hư hỏng
mà lại dùng câu tục ngữ này để biện hộ thì thường được coi là những kẻ
hợm hĩnh, coi trời bằng vung. Có những người như thế, nhưng ít lắm.
Tục ngữ xưa cũng có câu “ném
chuột vỡ bình” là để răn con người ta làm việc gì nên thận trọng, đừng
để làm việc có mục đích tốt mà gây hậu quả xấu. Thường lời khuyên là của
người đứng bên ngoài, nhằm nhắc nhở thái độ có chừng mực của người
được khuyên, người sắp hành động. Người hành động có thể tâm niệm điều
ấy trong lòng chứ không mấy ai nói ra thành lời. Nói ra khác gì bảo với
mọi người rằng “tôi còn đắn đo, cân nhắc, còn lâu và thậm chí chưa chắc
đã làm”.
Giá như ông Nguyễn Phú Trọng nói
cái câu “ném chuột vỡ bình” từ khi ông mới nhậm chức Trưởng ban phòng
chống tham nhũng thì người ta thấy ông quả là người thận trọng đáng kính
nể. Nhưng nay ông đã đảm nhiệm chức vụ gần hết nhiệm kỳ; sau những
tuyên bố rất mạnh mẽ mà mấy năm rồi cuộc chiến chống tham nhũng vẫn giẫm
chân tại chỗ; người trợ thủ đắc lực được ông tin cậy thì “thân đang
bại, danh đang liệt” ở trời tây, lời tuyên bố này khác gì một hành động
“bó giáp quy hàng” và vô tình khuyến khích cho lũ chuột tham nhũng kia,
cứ tha hồ mà bòn rút, đục khoét thoải mái rồi tìm những cái bình (bất kể
loại bình gì) mà chui vào sẽ được an toàn tuyệt đối.
Giá như những người giúp việc
tham mưu “xui” ông nói những lời thật mạnh mẽ về phòng chống tham nhũng
như trước kia, rồi gợi ý để một đại biểu cử tri nào đó dùng câu tục ngữ
để khuyên ông thì buổi tiếp xúc cử tri sẽ thật hoàn hảo, cái việc đứng
nhìn bất lực trước kẻ thù tham nhũng sẽ chẳng có người nhận ra. (chẳng
khó gì để tìm nhất là ngoài cái phong bì đã nhận như mọi người, nói xong
lại được đưa lên tivi cho thiên hạ ngưỡng mộ).
Thế mới biết, các cụ ta xưa đúc
kết cách ứng xử ở đời thành những câu tục ngữ đã khó, nay ta vận dụng
những bài học kinh nghiệm ấy vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng
đâu có dễ!
0 Nhận xét