Quê hương này không để bán

22:34 |
Tuấn Khanh

NS Tuấn Khanh

Cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam giới thiệu rõ một màn trình diễn thô vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa.

Chưa ai kịp có ý kiến, chưa ai kịp nói những khúc mắc trong lòng mình thì vài tiếng đồng hồ sau, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng ra lệnh lên kế hoạch để sử dụng 500 triệu USD bồi thường. Mọi thứ bị đặt vào bối cảnh như chuyện đã rồi. Số phận con người Việt Nam, biển quê hương Việt Nam cứ như việc đã rồi.
Chưa hề có cuộc điều tra nào thật sự cho biết mức tổn hại của 250km bờ biển Việt Nam bị hủy hoại, nguy hiểm tồn đọng thế nào. Hơn một triệu người phải từ bỏ cuộc sống ổn định của mình, chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mong sống sót, rồi sẽ phải bù đắp ra sao, và bao lâu? Lịch sử ngàn năm của một quốc gia sống với biển, thịnh vượng với biển, nay phải đành gầm mặt lìa bỏ mọi thứ. Thậm chí ghê sợ hơn, là phải bỏ trống, đành buông cả một vùng quê hương mà Trung Quốc đang ngày đêm háo hức lấn chiếm. 500 triệu USD đó, có nghĩa lý gì?
Vậy câu hỏi ở đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy, chắc vẫn chưa kịp tính vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị công an, thanh niên xung phong, trật tự đô thị…  đánh đập, giam cầm, kết tội theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”, liệu có giải quyết được những lời nói dối thô bỉ của các cấp chính quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và cá an toàn?
Hàng loạt ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Nhân Tuấn vẫn còn đó. Ai sẽ từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ? Nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là chủ trương lớn của ai?
Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải đứng sau lưng, dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những người Việt bị đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị thúc đứng lên, cố mỉm cười nhân ái đến kiệt sức trên quê hương mình.
Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền.
Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!
Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói phải phải mất đến 84 ngày “đấu tranh” mới có kết quả về nguyên nhân của thảm họa. Cám ơn ông đã gợi ý: Ai trong đất nước này là loại thế lực khiến một chính phủ phải “đấu tranh” đến suốt 84 ngày? Hóa ra, có một thủ phạm nào đó, rất ghê gớm mà chính phủ phải mất đến gần 3 tháng để vượt qua. Hôm nay Formosa Hà Tĩnh đã thú nhận và cúi đầu, thì sao thủ phạm im lặng ấy, lại vẫn nấp trong bóng tối sau cuộc “đấu tranh”?
84 ngày thật mệt mỏi của Chính phủ, nhưng rồi cũng chỉ nhằm góp chung kết quả của những người dân Việt Nam bình thường đi tìm một sự thật, về một tia sáng của công lý. 84 ngày ấy, của hàng chục triệu người Việt mất ăn mất ngủ, lo toan cho số phận của mình, của biển, của cá, của quê hương. Rất nhiều người trong đó có cả câu trả lời nhanh hơn một hệ thống có hàng chục ngàn nhà khoa học, có hàng ngàn công an, dùi cui và hàng rào kẽm gai nhưng tê liệt trước thực tế.
Những câu hỏi đặt ra trong bài viết này về cuộc họp báo, có lẽ cũng không cần lời đáp, vì ai ai cũng đã hiểu. Mọi thứ đã thành một thông điệp im lặng chuyển vào dòng máu nóng thức tỉnh của mỗi đứa con da vàng trên đất nước này.
84 ngày để có kết quả của Chính phủ – chỉ xin nhắc thêm rằng đừng quên số phận những người thợ lặn bị nhiễm độc ở Vũng Áng đã chết và đang bệnh tật. Đừng quên 155 trẻ em Đông Yên vì bị chính quyền dành đất cho Formosa mà phải thất học suốt 2 năm, bên cạnh sự đe nẹt của công an. Đừng quên hàng trăm những đoàn viên thanh niên Cộng sản ngây thơ tin theo mệnh lệnh lừa dối của cấp trên để cùng nhau tắm biển vui đùa làm thí điểm. Đừng quên hàng trăm công chức, dân chúng cả tin hưởng ứng ăn cá để giúp chính quyền xóa một sự thật rằng họ và những người khác sẽ không có một tương lai.
Cũng đừng quên những con người âm thầm trong 84 ngày đó, cật lực đưa tin, ghi hình, chuyển cảnh báo đến cho người dân được biết về thảm họa. Họ dấn thân không vì tiền, cũng không vì bị xúi giục, bất chấp cả những nguy nan từ phía chính quyền để đưa bằng được sự thật đến cuộc sống. Như chiến binh Pheidippides chạy đến thành Arena để báo tin về cuộc chiến Marathon phải vượt qua rất nhiều gian truân. Còn những con người Việt Nam nhỏ nhoi ấy thì phải vượt qua mọi thứ rình rập, thậm chí là mọi loại ngôn luận từ những kẻ thù của công lý và sự thật, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, để đốt lên những ngọn đuốc giữa đêm đen.
Có một thông điệp đánh kính trọng và cao cả được đưa đến từ những con người vô danh ấy. Hãy lắng nghe từ dòng máu và nhịp tim Việt Nam đó, thông điệp được gửi đi như sấm động: Quê hương này không để bán.

Xem thêm…

PHÁ LUẬT

06:44 |
Lê Luân

Khi Formosa chưa nhận tội về việc gây xả thải đầu độc biển miền Trung, người ta đã cố tình lái sự việc theo nhiều hướng khác nhau và còn phủ nhận do Formosa gây nên. Đến khi không còn chối cãi được nữa thì chính Chính phủ, chính quyền sở tại lại tiếp tục hành vi dung dưỡng và "nâng đỡ" cho kẻ thủ ác gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho hàng triệu người dân, đe doạ sinh mạng biết bao con người, tước đi sinh kế lâu dài và kể cả việc bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo cho quê hương, tổ quốc của ngư dân.

Việc khoan hồng, bao dung hay độ lượng hãy xem xét đến như một tình tiết giảm nhẹ khi đã có một quyết định khởi tố vụ án, đem những kẻ cố tình xả thải, kể cả những kẻ đã bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong cấp phép, giám sát, quản lý gây ra thảm hoạ này ra toà án để xét xử.

Chúng ta không thể hành xử tuỳ tiện, không coi trọng pháp luật của chính đất nước mình được. Vì biết bao người biểu tình yêu cầu phải minh bạch, phải làm rõ nguyên nhân thảm hoạ cá chết, phải làm rõ Formosa có liên quan và là thủ phạm hay không, thì họ đã bị bắt, giữ trái pháp luật, bị đánh đập mà không hề bị xử lý, rồi những người yêu nước biểu tình còn vị vu cho là bị kích động, xúi giục, thậm chí được trả ít tiền bởi những "tổ chức phản động" mơ hồ nào đó.

Nếu đã xác định không vì kinh tế mà hy sinh môi trường thì phải tôn trọng và hành xử theo luật pháp. Không nương nhẹ hay phải cân nhắc vì luật pháp là luật pháp, và vì có đạt được sự ổn định cũng như phát triển hay không chính là nhờ sự áp dụng đúng đắn, nghiêm minh pháp luật chứ không phải bởi sự nhân đạo thuần tuý. Nếu không nó sẽ tạo ra sự "nhờn thuốc" hoặc sự coi thường luật lý đối với chính đất nước mà đã ưu ái nó.

Nếu mọi lời xin lỗi kèm theo bồi thường chút ít tiền bạc mà thoát tội thì có lẽ xã hội và thế giới sẽ loạn bởi những hành xử hết sức tuỳ tiện như vậy.

Hành vi và hậu quả đã rõ ràng, việc cúi đầu xin lỗi chỉ là trách nhiệm mang tính tự thức và đạo đức, tức có thể làm hoặc không làm từ kẻ thủ phạm, và việc bồi thường thiệt hại chỉ là hành động "khắc phục hậu quả" chứ không có nghĩa nó xoá đi hay chuộc lại được hành vi tội phạm đã thực hiện.

Biển, chỉ có một, nhà đầu tư thì có nhiều và chúng ta có quyền lựa chọn. Vì vậy không thể đánh đổi bằng sự dung dưỡng hành vi tội ác đối với dân chúng bằng cách sử dụng đạo lý "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" ngoài luật pháp như vậy. Điều đó chỉ tạo nên sự vô pháp vì sự dễ dàng "chạy tội" hoặc "thoát khỏi luật pháp" nhẹ nhàng đến thế. Và càng đưa ra cách hành xử ấy, dân chúng sẽ dần càng không còn tin vào pháp luật, không tin vào cách giải quyết của chính quyền, không tin vào sự nghiêm minh hay nhà nước pháp quyền nào nữa.

Nếu dung dưỡng tội ác tày trời với hậu quả khủng khiếp và lâu dài này của Formosa thì ai khoan hồng với bầu Kiên, kẻ kinh doanh trái phép những thứ mà đáng ra cần được khuyến khích cho nền kinh tế? Ai khoan hồng cho Tăng Minh Phụng làm ăn chân chính lừng lẫy một thời? Ai là người khoan hồng cho những doanh nhân tù tội vì những quy định mơ hồ và cáo buộc tối nghĩa đã từng xảy ra?

Bởi vậy, cần khởi tố vụ án cố ý huỷ hoại môi trường, đầu độc, phá huỷ môi sinh một cách đặc biệt nghiêm trọng. Đó mới là đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân và của tổ quốc lên trên hết. Chứ không phải vì môi trường đầu tư hay một vài nhóm người nào đó đến mảnh đất này, đầu độc hại dân mình rồi lại yêu cầu sự khoan hồng với tội ác của chúng.

Chính quyền khoan hồng với thủ phạm, vậy ai khoan hồng với nhân dân? Vì cá chết, biển nhiễm độc, người ta vẫn thản nhiên xúi dân an tâm ăn cá và tắm biển. Thật tàn độc và kinh hoàng.
Khoan dung với tội ác mà không thông qua luật pháp nghiêm minh, đó chính là tự sát.
Xem thêm…

DEEPWATER HORIZON VÀ FORMOSA

06:38 |


Mạnh Kim

Tháng 2-2015, bốn bang Alabama, Louisiana, Florida và Mississippi đã chấp nhận mức đền bù 18,7 tỷ USD đối với tập đoàn dầu khí BP sau sự cố nổ giếng khoan Deepwater Horizon vào ngày 20-4-2010, khiến hơn 378 triệu lít dầu thô tràn ra vịnh Mexico (chưa kể 11 người thiệt mạng). Trước đó, năm 2012, BP đã bị Bộ tư pháp Hoa Kỳ phạt 4,525 tỷ USD tội “có trách nhiệm hình sự” từ sự cố Deepwater Horizon, trong đó có 11 tội ngộ sát và một tội dối trá Quốc hội Hoa Kỳ. Nói cách khác, ngoài mức phạt 4,525 tỷ USD của Bộ tư pháp, BP còn bị kiện thêm từ bốn tiểu bang chịu tổn hại trực tiếp.
Trong 18,7 tỷ USD mà bốn bang phạt BP, có 5,9 tỷ USD liên quan các thiệt hại kinh tế và 700 triệu USD cho các tổn thất môi trường “có thể có mà các nhà khoa học chưa xác định được” ở thời điểm ra phán quyết. Tổng cộng, BP phải bỏ ra 45,5 tỷ USD trong vụ Deepwater Horizon. BP cũng cam kết chịu sự giám sát của các cơ quan chức trách thuộc Chính phủ Mỹ trong 4 năm về đạo đức và an toàn lao động. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) còn cấm BP tạm thời không được ký bất kỳ hợp đồng nào mới với Mỹ.
Các nghiên cứu tổn hại môi trường từ sự kiện Deepwater Horizon được khảo sát toàn diện và thực hiện một cách độc lập: từ sự kết hợp của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), Đại học Stanford và Viện hải dương học Monterey Bay (đăng trên chuyên san Science năm 2014); hoặc từ 17 khoa học gia Mỹ và Úc, đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences trong cùng năm. Trong khi đó, Bộ y tế và các cơ quan liên quan xem xét những tác hại sức khỏe. Với chính quyền các bang ven vùng vịnh Mexico, họ tính toán những tổn hại kinh tế, trong đó có du lịch.
Tháng 6-2010 (chỉ hai tháng sau sự cố), BP đã cử đại diện gặp Tổng thống Obama để thiết lập Quỹ GCCF (Gulf Coast Claims Facility), gồm 20 tỷ USD, để giải quyết tức thời các đơn kiện (liên quan những tổn thất tài nguyên thiên nhiên, tổn hại kinh tế các bang địa phương và các cá nhân). GCCF chỉ được dùng để đền bù trực tiếp chứ không được phép sử dụng để đóng phạt. Người quản lý quỹ GCCF là luật sư Mỹ Kenneth Feinberg. Cho đến cách đây không lâu, hơn một triệu đơn kiện từ 220.000 cá nhân và doanh nghiệp đã được GCCF xử lý và hơn 6,2 tỷ USD được trả từ quỹ này. Với Tổng thống Obama, ông yêu cầu các bộ trưởng Bộ Nội vụ, An ninh Nội địa, các giám đốc EPA, NOAA đến tận vịnh Mexico để khảo sát. Ông nói rõ: “Vụ tràn dầu này là thảm họa môi trường tệ hại nhất mà Mỹ từng đối mặt. Đừng để xảy ra sai lầm: chúng ta sẽ chiến đấu với vụ tràn dầu bằng bất cứ gì chúng ta có và dù kéo dài như thế nào. Chúng ta sẽ phải buộc BP đền bù thiệt hại mà họ gây ra. Chúng ta sẽ làm bất kỳ gì cần thiết để giúp duyên hải vùng Vịnh và người dân ở đó hồi phục từ thảm kịch này”.
Nhắc lại vụ Deepwater Horizon để thấy rằng có vô số án lệ môi trường để tham khảo. Vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon gây tràn dầu là một sự cố, không phải là hành vi man trá cố tình, nhưng nó vẫn không giúp BP thoát được tội và phải chịu mức tổn phí khổng lồ 45,5 tỷ USD; cho dù BP, ngay sau sự cố, đã giải trình minh bạch với công chúng Mỹ bằng 193 trang báo cáo; cho dù BP đã lập tức hút dầu tràn để giảm thiểu tối đa tổn hại môi trường.
Nhắc lại vụ Deepwater Horizon để thấy rằng vụ Formosa và cách xử lý trước tội ác kinh khủng mà họ gây ra là quá nực cười. Nó là một sự trêu chọc công luận. Nó là một sự khinh bỉ và sỉ nhục đối với hàng triệu người dân miền Trung đã và sẽ gánh chịu hậu quả trong rất nhiều năm và thậm chí nhiều thế hệ. Không một đánh giá nào được nêu ra để thấy căn cứ vào đâu mà phạt tròn trĩnh 500 triệu USD. Cũng không có một phiên tòa nào được thiết lập để xử một trọng án hình sự và tội ác của nó gây ảnh hưởng đến kinh tế lẫn sức khỏe với mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Bộ y tế đã không có bất kỳ động thái nào về đánh giá tác hại đến sức khỏe con người. Quan trọng nhất, chính quyền địa phương bốn tỉnh miền Trung, lẫn các doanh nghiệp và cá nhân, đã không hề được hỏi ý kiến. Họ chắc chắn không thể đơn phương kiện Formosa.
Người dân, nạn nhân trực tiếp, đã bị quẳng ra ngoài rìa một cách vô cùng tàn nhẫn. Họ sẽ sống như thế nào là câu hỏi mà chắc chắn sự thỏa hiệp trị giá bèo bọt 500 triệu USD không thể giải đáp. Ngư trường và mức độ an toàn của môi trường biển trong tương lai là vấn đề mà chắc chắn những trò hề rẻ tiền như quan chức rủ nhau đi tắm và ăn hải sản không bao giờ có thể giúp xóa được sự lo lắng vốn không chỉ không giảm bớt mà còn tích tụ dồn nén ngày một nhiều hơn trong dân. Giờ đây, nhắc lại trò hề tuyên truyền này chỉ thấy lợm giọng. Cá chết là một chuyện. Sự tự trọng và liêm sỉ một dân tộc đang bị đánh chết và trương thối hơn cả xác cá là một chuyện khác.
nguồn: Fb Manh Kim

Xem thêm…

Nguyên nhân cá chết hàng loạt có tính thuyết phục đến đâu?

05:57 |


Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-06-30
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng, ảnh chụp chiều 30/6/2016 tại Hà Nội. AFP




Nguyên nhân thảm họa cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền trung khởi đi từ Hà Tĩnh chính thức được cơ quan chức năng trung ương Việt Nam thông báo sau cuộc họp chính phủ vào chiều ngày 30 tháng 6. Đối với giới khoa học - kỹ thuật thì những nguyên nhân được đưa ra có tính thuyết phục đến đâu?

“500 triệu USD không ăn thua”

Gia Minh phỏng vấn giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Trước hết ông cho biết:
GS Lê Huy Bá: Tôi cũng hoan nghênh chính phủ mặc dù có chậm nhưng có đưa lên sự thật như thế là điều tốt để an dân.
Gia Minh: Thế nhưng thông tin như thế có đáp ứng được yêu cầu về mặt khoa học đối với một người như ông không?
Cân đong, đo đếm thì 500 triệu USD không ăn thua. Phải đền bù cho hơn triệu ngư dân sống ven biển, bám biển về mặt sinh kế lâu dài chứ không phải một, hai, ba tháng… là đủ. Ngoài ra còn phải điền bù thiệt hại về tài nguyên và đền bù thiệt hại về môi trường. 
-GS Lê Huy Bá
GS Lê Huy Bá: Về mặt khoa học thì phenol, cyanur tác động rất nhanh có thể giết sinh vật, con người, cá một cách nhanh chóng. Ngoài ra nguy hiểm của độc chất kim loại nặng chưa thấy báo cáo; hoặc họ bỏ qua hay sao?
Theo tôi còn có các chất crom 3, crom 6, thủy ngân, cadimi… vì trong quá trính súc rửa, sản xuất thép thế nào cũng có. Mà đó mới nguy hiểm lâu dài.
Gia Minh: Nếu không nêu ra hết tất cả những kim loại gây hại như thế thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến các công tác tiếp theo mà các cơ quan chức năng nói đến?
GS Lê Huy Bá: Nó sẽ ảnh hưởng vì kim loại nặng lắng xuống lớp trầm tích đáy biển, đáy bờ biển. Bỏ quên việc làm sạch đáy biển mà đó là điều rất nặng nề không phải dễ mà làm được. Ngoài ra rạn san hô bị hỏng. Tôi sợ dể bỏ quên khoản ấy!
Gia Minh: Formosa nói bồi thường 500 triệu đô la Mỹ; theo ông khoản tiền đó ngoài việc bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại mất sinh kế đánh bắt hải sản thì để làm sạch môi trường một dải bờ biển dài 200 kilomet ra sao?
GS Lê Huy Bá: Cân đong, đo đếm thì 500 triệu USD không ăn thua. Phải đền bù cho hơn triệu ngư dân sống ven biển, bám biển về mặt sinh kế lâu dài chứ không phải một, hai, ba tháng… là đủ. Ngoài ra còn phải đền bù thiệt hại về tài nguyên và đền bù thiệt hại về môi trường.
Tài nguyên biển thiệt hại nhiều và phải tính đủ đề đền bù. Còn về môi trường thì theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả. Riêng cho môi trường thì 500 triệu USD không có nghĩa gì cả.
Rồi còn sức khỏe cộng đồng: độc mãn tính cả 10-15 năm sau mới phát ra. Như ở Nhật cả 20,30 năm sau vẫn còn bị. Nếu tính đủ thì phải tính hết như thế.
000_9Y4WA-622.jpg
Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường.
Gia Minh: Theo giáo sư cần phải làm gì để đạt hiệu quả trong việc làm sạch môi trường?
GS Lê Huy Bá: Bây giờ trả lời câu hỏi đó rất khó. Như tôi nói số tiền như thế đề dàn trải ra cho tất cả vấn đề như vừa nêu là không đơn giản. Riêng chuyện phục hồi lại hệ sinh thái biển là việc làm kinh khủng lớn. Ví dụ muốn có san hô trở lại thì phải cấy san hô nhưng trong điều kiện nước biển phải trong, không bị pH cao quá hay thấp quá nữa. Cấy san hô không phải như cấy lúa mà phải cấy từng giàn cố định dưới đáy biển. Việc làm đó rất phức tạp.
Việc hốt trầm tích bị nhiễm độc cũng lớn lắm rồi.
Formosa cam kết 5 điểm nhưng thực ra chỉ có ba điểm đầu đáng lưu ý, hai điểm cuối là vuốt đuôi thôi. Ba điểm đầu là xin lổi nhân dân, thứ hai có đền bù, thứ ba khắc phục thì người dân Việt Nam với tinh thân nhân đạo, tha thức có thể chấp nhận phần nào đó thôi.
Đây là một bài học kinh nghiệm rất quí báu đối với đầu tư nước ngoài, nhất là những nước như Trung Quốc với công nghệ lạc hậu, văn hóa công nghiệp thấp; không phải như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển…
Những nước công nghiệp thấp chỉ làm để lấy tiền thôi!

Lợi ích nhóm?

Gia Minh: Đó là phía Formosa đã nhận, còn phía ký giấy cho họ thực hiện và đơn vị làm công tác giám sát thì ra sao?
Việc kiểm soát, kiểm tra ô nhiễm cũng chưa chặt; trong đó có thể có phần của lợi ích nhóm nữa (dù chuyện này chưa rõ lắm!). 
-GS Lê Huy Bá
GS Lê Huy Bá: Vấn đề quản lý của Việt Nam còn lỏng lẻo. Ngoài ra cách làm đánh giá tác động môi trường của Việt Nam không ổn. Nhà nước phải có một cơ quan riêng để chủ động trong việc đánh giá tác động môi trường; chứ không phải giao cho chủ đầu tư thuê tư vấn làm.
Tiếp nữa việc kiểm soát, kiểm tra ô nhiễm cũng chưa chặt; trong đó có thể có phần của lợi ích nhóm nữa (dù chuyện này chưa rõ lắm!).
Gia Minh: Ông bộ trưởng Trần Hồng Hà nói đến khả năng phải làm hồ sinh học chứa chất thải. Hệ thống xả thải hiện nay (của Formosa) chắc phải làm lại?
GS Lê Huy Bá: Đúng rồi, họ phải làm lại hồ xử lý sinh học, sinh hóa. Rồi đường ống xử lý nước thải sinh hoạt, đường ống xử lý nước thải của nhà máy thép. Các hệ thống đó phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan của nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó còn phải có bộ phận xử lý chất thải rắn. Ngoài chất thải ra còn không khí nữa. Điều chúng ta quan tâm nhiều do cá chết; nhưng khí thải của các nhà máy thép như xỉ than, bụi lò cũng ghê gớm lắm. Nhưng với công nghệ của ông (Formosa) thì chắc chắn còn nhiều vấn đề lắm.
Gia Minh: Qua vụ việc này ý thức của người dân sẽ được nâng lên và họ sẽ có thông báo giám sát cho cơ quan chức năng?
GS Lê Huy Bá: Tôi thấy vụ này cũng là một thử thách: người dân cũng phải biết mình có quyền lợi được góp ý kiến như thế nào. Cộng đồng phải tham gia ý kiến vào các dự án từ nhỏ cho đến lớn.
Gia Minh: Cám ơn giáo sư.

Xem thêm…

Copyright ©THT - Được biên soạn và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau - Ghi rõ nguồn:quatangsusong.blogspot.com/ - Khi phát hành thông tin trên trang này
Gx Đaminh | Namkna | Trung Tâm Học Vấn Đaminh | Kho tài liệu hay |