Lê Luân
Khi Formosa chưa nhận tội về việc gây xả thải đầu độc biển miền Trung, người ta đã cố tình lái sự việc theo nhiều hướng khác nhau và còn phủ nhận do Formosa gây nên. Đến khi không còn chối cãi được nữa thì chính Chính phủ, chính quyền sở tại lại tiếp tục hành vi dung dưỡng và "nâng đỡ" cho kẻ thủ ác gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho hàng triệu người dân, đe doạ sinh mạng biết bao con người, tước đi sinh kế lâu dài và kể cả việc bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo cho quê hương, tổ quốc của ngư dân.
Việc khoan hồng, bao dung hay độ lượng hãy xem xét đến như một tình tiết giảm nhẹ khi đã có một quyết định khởi tố vụ án, đem những kẻ cố tình xả thải, kể cả những kẻ đã bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong cấp phép, giám sát, quản lý gây ra thảm hoạ này ra toà án để xét xử.
Chúng ta không thể hành xử tuỳ tiện, không coi trọng pháp luật của chính đất nước mình được. Vì biết bao người biểu tình yêu cầu phải minh bạch, phải làm rõ nguyên nhân thảm hoạ cá chết, phải làm rõ Formosa có liên quan và là thủ phạm hay không, thì họ đã bị bắt, giữ trái pháp luật, bị đánh đập mà không hề bị xử lý, rồi những người yêu nước biểu tình còn vị vu cho là bị kích động, xúi giục, thậm chí được trả ít tiền bởi những "tổ chức phản động" mơ hồ nào đó.
Nếu đã xác định không vì kinh tế mà hy sinh môi trường thì phải tôn trọng và hành xử theo luật pháp. Không nương nhẹ hay phải cân nhắc vì luật pháp là luật pháp, và vì có đạt được sự ổn định cũng như phát triển hay không chính là nhờ sự áp dụng đúng đắn, nghiêm minh pháp luật chứ không phải bởi sự nhân đạo thuần tuý. Nếu không nó sẽ tạo ra sự "nhờn thuốc" hoặc sự coi thường luật lý đối với chính đất nước mà đã ưu ái nó.
Nếu mọi lời xin lỗi kèm theo bồi thường chút ít tiền bạc mà thoát tội thì có lẽ xã hội và thế giới sẽ loạn bởi những hành xử hết sức tuỳ tiện như vậy.
Hành vi và hậu quả đã rõ ràng, việc cúi đầu xin lỗi chỉ là trách nhiệm mang tính tự thức và đạo đức, tức có thể làm hoặc không làm từ kẻ thủ phạm, và việc bồi thường thiệt hại chỉ là hành động "khắc phục hậu quả" chứ không có nghĩa nó xoá đi hay chuộc lại được hành vi tội phạm đã thực hiện.
Biển, chỉ có một, nhà đầu tư thì có nhiều và chúng ta có quyền lựa chọn. Vì vậy không thể đánh đổi bằng sự dung dưỡng hành vi tội ác đối với dân chúng bằng cách sử dụng đạo lý "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại" ngoài luật pháp như vậy. Điều đó chỉ tạo nên sự vô pháp vì sự dễ dàng "chạy tội" hoặc "thoát khỏi luật pháp" nhẹ nhàng đến thế. Và càng đưa ra cách hành xử ấy, dân chúng sẽ dần càng không còn tin vào pháp luật, không tin vào cách giải quyết của chính quyền, không tin vào sự nghiêm minh hay nhà nước pháp quyền nào nữa.
Nếu dung dưỡng tội ác tày trời với hậu quả khủng khiếp và lâu dài này của Formosa thì ai khoan hồng với bầu Kiên, kẻ kinh doanh trái phép những thứ mà đáng ra cần được khuyến khích cho nền kinh tế? Ai khoan hồng cho Tăng Minh Phụng làm ăn chân chính lừng lẫy một thời? Ai là người khoan hồng cho những doanh nhân tù tội vì những quy định mơ hồ và cáo buộc tối nghĩa đã từng xảy ra?
Bởi vậy, cần khởi tố vụ án cố ý huỷ hoại môi trường, đầu độc, phá huỷ môi sinh một cách đặc biệt nghiêm trọng. Đó mới là đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân và của tổ quốc lên trên hết. Chứ không phải vì môi trường đầu tư hay một vài nhóm người nào đó đến mảnh đất này, đầu độc hại dân mình rồi lại yêu cầu sự khoan hồng với tội ác của chúng.
Chính quyền khoan hồng với thủ phạm, vậy ai khoan hồng với nhân dân? Vì cá chết, biển nhiễm độc, người ta vẫn thản nhiên xúi dân an tâm ăn cá và tắm biển. Thật tàn độc và kinh hoàng.
Khoan dung với tội ác mà không thông qua luật pháp nghiêm minh, đó chính là tự sát.
0 Nhận xét