TRẦN DƯƠNG
Nói
cho cùng, khi bàn về quyền con người, cần phải thừa nhận cả những cái
quyền nghe mắc cười như quyền (là người) ngu, kệch cỡm hoặc thiếu văn
hóa. Không ai có quyền thóa mạ hay chèn ép người khác chỉ vì người đó
thiếu hiểu biết. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng.
Nhưng khi nói về những người làm ở
một cơ quan văn hóa tầm cỡ quốc gia như VTV thì lại là chuyện khác.
Người thiếu văn hóa có quyền tiếp tục sống thiếu văn hóa, nếu làm việc
bên ngoài loại cơ quan này. Còn nếu làm việc trong đó, nhất là với vai
trò người dẫn chương trình, thường xuyên xuất hiện trên màn hình TV, mà
vẫn muốn tiếp tục lối sống thiếu văn hóa, thì đáng ra phải bị loại bỏ
khỏi nơi đó. Vì sao cần loại bỏ? Vì cơ quan như VTV là cơ quan truyền
thông nhà nước, duy trì hoạt động bằng tiền thuế của dân. Dù cơ quan này
có kết hợp làm kinh tế thì cũng phải dùng những máy móc thiết bị vô
cùng đắt tiền, được mua về bằng tiền thuế của dân, và những người “làm
kinh tế” này làm việc đó trong khi ăn lương bằng tiền thuế của dân. Hàng
chục ngàn tỉ đã đổ vào đó. (Nếu có tiền đầu tư của nước ngoài thì dân
sẽ phải trả.) Một lý do nữa là những biểu hiện thiếu văn hóa ở một nơi
như vậy có tác động ghê gớm đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ
cả nước.
Nói về những cái khó chịu phải
thấy mỗi lần mở các kênh truyền hình VTV thì có lẽ phải viết hàng ngàn
trang cũng chưa đủ. Có thể tóm tắt bằng câu của một nhà văn là: “Sáu
mươi là tuổi nhĩ thuận, nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt
nhìn cái gì cũng thấy có gai.”
Ở đây, chỉ xin bàn về cái “tôi”,
về chữ “tôi” vẫn thường được dùng bởi những người dẫn chương trình của
VTV, đặc biệt là VTV1 (kể cả những người đọc tin thời sự, vốn không
thích gọi mình là phát thanh viên, mà tự xưng là biên tập viên).
Khi mở chương trình tin tức của
một kênh truyền hình nước ngoài, chỉ thấy người đọc tin đọc rất khẩn
trương. Nhìn chữ mà đọc. Hết phần tin thì sang tiết mục khác. Đến phần
bình luận thời sự thì người đọc tin không còn trên màn hình nữa. Thay
vào đó là một chuyên gia nghiên cứu thời cuộc (được mời) hoặc một quan
sát viên chính trị (mời hoặc người của đài truyền hình phụ trách chuyên
mục này). Với VTV thì khác. Các chị tự xưng biên tập viên đọc tin nhưng
làm ra vẻ không cần giấy mà đang nói vo (kỳ thực là nhìn chữ trên một
màn hình đặt trước mặt), và để chứng tỏ đang “ứng khẩu”, các chị ấy
thỉnh thoảng giả về ề à hoặc nói lẫn đôi chút. Rồi đang đọc, một chị
bỗng dừng lại “tương tác” với khán giả, ví dụ hỏi: “Các bạn thấy thế
nào? Tôi thì tôi thấy thế này…” (Thú thật, những lúc như vậy, tôi thấy
kển sống lưng!)
Khi bàn về một vấn đề nóng ngoài
xã hội hoặc một vấn đề nhận thức, VTV, cũng như truyền hình các nước, tổ
chức một diễn đàn bàn tròn, mời các chuyên gia, học giả hoặc chính
khách đến để phỏng vấn và bàn bạc. Tuy nhiên, nếu ở nước ngoài, người
dẫn chương trình – thay mặt đài truyền hình – chỉ nêu câu hỏi, và cuối
buổi có thể tóm tắt vài ý (với sự nhất trí của khách mời) để tổng kết,
thì người dẫn chương trình của VTV cũng nêu ý kiến của mình như một
chuyên gia ngang hàng với khách mời, thậm chí nhiều khi thể hiện vai trò
“định hướng”. “Theo tôi thì thế này, còn ông thì thấy thế nào?” – chị
dẫn chương trình hỏi một vị khách. Nếu giỏi vậy, sao không tổ chức để
mấy người trong đài truyền hình bàn với nhau, còn phải mời chuyên gia?
Cái tôi của các anh chị dẫn
chương trình VTV còn chen vào cả những bản tin dự báo thời tiết. “Anh…
ơi, tình hình thời tiết hôm nay thế nào hả anh? Tôi thì tôi thấy rét run
rồi đó.” – người dẫn chương trình hỏi. Và người báo thời tiết hiện ra.
Anh ta không truyền đạt nội dung bản tin thời tiết, mà xuýt xoa kêu
lạnh, đọc những câu như văn tả cảnh trời rét của học trò tiểu học, rồi
tỏ ra thương khán giả bằng lời khuyên: “Tôi khuyên những người ra đường
nên mặc áo dày, đội mũ len…” Nực cười không tưởng tượng được!
Khi xưng hô và thể hiện mình như
vậy, các anh chị này đã hoàn toàn lẫn lộn vai trò và vị thế của mình.
Với tư cách người dẫn chương trình, họ có oai không? Có quan trọng
không? Có. Chắc chắn là có. Nhưng họ oai chính vì cái tôi của họ lùi
xuống bình diện thứ hai, và họ đang đại diện cho cả đài truyền hình để
phổ biến những thông tin có ích đến công chúng hoặc lấy ý kiến của các
chuyên gia. Đưa cái tôi ra trong trường hợp đó, họ sẽ chỉ trở nên nhỏ bé
và vô duyên. Làm sao trong một diễn đàn bàn về một lĩnh vực nhận thức
mang tính khoa học, họ có thể sánh ngang với các chuyên gia trong lĩnh
vực đó được!
Nói như vậy không có nghĩa là coi
người dẫn chương trình của đài truyền hình thuộc loại người thấp kém
hơn các chuyên gia. Không hề! Nếu họ giỏi nghề dẫn chương trình, thì về
mặt đó các chuyên gia về kinh tế, chính trị hay khoa học không sánh được
với họ. Mỗi lĩnh vực hoạt động đều có giá trị riêng của nó. Những người
dẫn chương trình thật sự giỏi có thể được hàng triệu người ngưỡng mộ và
tôn vinh. Nhưng đó luôn là những người tập trung toàn bộ vào công việc.
Khi họ đang dẫn chương trình, cái tôi của họ hoàn toàn bị quên bởi
chính họ. Nhưng người nghe/xem thì không thể không kính phục họ.
0 Nhận xét