Công an làm hàng rào ngăn cản ở đại lộ Bund, nơi xảy ra thảm họa giẫm đạp, 02/01/2015.
REUTERS/Aly Song
Con số hàng mấy chục người
thiệt mạng trong vụ chen lấn dịp Tết Dương lịch ở Thượng Hải vừa qua, đã
đưa ra ánh sáng những điểm yếu của một nước Trung Quốc đang phát triển
mạnh, nhưng chính quyền cộng sản không thích ứng kịp với nhịp độ thay
đổi nhanh chóng của xã hội.
Tối thứ Tư 31/12/2014, chỉ ít lâu
trước khi bước sang năm mới 2015, thay vì một cuộc tập hợp hoan hỉ, yên
bình mừng năm mới tại thủ đô kinh tế Trung Quốc, sự kiện này đã trở
thành một cuộc hỗn loạn chết người, nơi người ta đã mang ra 36 xác
chết.
Vụ giẫm đạp trong đám đông tại Bund, đại lộ lịch sử bên bờ sông Hoàng
Phố, cũng đã làm cho 49 người bị thương. Đây là thảm kịch tệ hại nhất
tại Thượng Hải, từ sau vụ hỏa hoạn ở một tòa nhà chọc trời năm 2010 làm
cho 58 người thiệt mạng.
Li Juan chỉ đứng cách cô em gái Li Na có vài mét, nhưng đành phải bất
lực nhìn cô giữ trẻ thở hơi cuối cùng. Anh rơi lệ khi nói với AFP : «
Tôi không thể tin được là em gái tôi không còn nữa. Chính quyền phải
chịu trách nhiệm về thảm kịch này ! Chỉ có vài công an đứng rải rác dọc
theo đại lộ Bund ».
Một video nghiệp dư đăng trên trang sina.com cho thấy một đám đông
khổng lồ rất hỗn độn, đang đông đảo lên một cách bất ngờ, chen lấn nhau
trên các bậc thang dẫn lên con đường dạo mát Bund chạy dọc theo dòng
sông Hoàng Phố. Trong đám đông hỗn độn này, một vài nhân viên công an
hiếm hoi tỏ ra bất lực trong việc ngăn cản những kẻ đang xô đẩy người
khác, trong lúc các nạn nhân đã bất tỉnh.
Một viên chức cao cấp của công an Thượng Hải, Cai Lixin, được nêu tên
trên một trang mạng nhà nước, đã nhìn nhận rằng do không có « các sự kiện được chính thức tổ chức »
ở địa điểm phổ biến này, nên lực lượng an ninh được bố trí ít hơn rất
nhiều so với buổi lễ quốc khánh năm ngoái. Nhận định này sau đó đã bị
xóa mất.
Ngành công an tự biện hộ bằng việc khẳng định là đã gởi 700 nhân viên đến tại chỗ, sau khi thảm kịch đã xảy ra.
Năm ngoái, khoảng 300.000 người đã tụ tập tại đại lộ Bund để mừng năm
mới. Lượng người đi vui chơi năm nay đã tăng vọt. Tối qua Tân Hoa Xã
nhìn nhận : « Chính quyền Thượng Hải đã phải lãnh một trận bão chỉ trích vì không có được những biện pháp dự phòng cần thiết ».
Đối với những người dân Thượng Hải được AFP tiếp xúc tại chỗ, thì
không có gì phải nghi ngờ : chính quyền chính là thủ phạm, do việc quản
lý quá tệ hại những cuộc tụ tập đông người ; trong một đất nước mà chỉ
những cuộc mít-tinh lớn do chính đảng Cộng sản tổ chức mới được cho
phép.
Theo các nhân chứng, số lượng người đông đảo và tâm lý hoảng loạn đã
ngăn trở sự can thiệp của lực lượng cứu hộ, đặc biệt là các xe cứu
thương không vào được.
Một cư dân mạng có biệt danh Shenshan Laohan 96886 viết : « Tôi
tin rằng đây là một vụ điển hình cho sự thiếu trách nhiệm của các cơ
quan chính phủ phụ trách vấn đề an ninh. Họ đã đánh giá quá thấp tình
hình, và đã thất bại trong việc sử dụng những biện pháp cần phải thực
hiện tại chỗ ».
Cai Jinjin thổ lộ sau cái chết của cô em họ Qi Xiaoyan, 21 tuổi, từ tỉnh An Huy lên chơi ba ngày trước đó : « Tôi chưa bao giờ tin nổi là một vụ như thế lại có thể xảy ra tại Thượng Hải ».
Trong một chỉ trích hiếm hoi, Tân Hoa Xã cho rằng thảm kịch trên là «
một tín hiệu báo động, nhắc nhở cho nền kinh tế thứ nhì thế giới :
Trung Quốc vẫn luôn là một quốc gia đang phát triển, và việc quản lý các
vấn đề xã hội rất yếu kém. Tại các nước phát triển, rất hiếm khi những
sự cố tương tự lại gây ra thiệt hại nặng nề như thế ».
Hôm qua, thứ Sáu 02/01/2015, chính quyền đã nhận diện được 32 trên
tổng số 36 người bị thiệt mạng. Nạn nhân trẻ nhất là một cậu bé 12 tuổi.
Tổng cộng có 28 nạn nhân từ 25 tuổi trở xuống, và 21 người trong số đó
là nữ giới.
« Tại bệnh viện, chúng tôi đã phải chờ đợi từ nửa đêm cho đến tận
21 giờ tối hôm sau mà không có bất cứ một thông tin nào, cho đến khi
người ta bảo tôi hãy đến nhà tang lễ để nhận xác chồng tôi » - Fan
Ping kể lại. Chồng của cô là Du Shuanghua, chết đi ở tuổi 37, là người
cao tuổi nhất trong số các nạn nhân. Cô chưa dám nói gì với đứa con trai
độc nhất mới lên tám.
Tại nhà quàn, các gia đình hết sức đau buồn, một phụ nữ đã ngất đi vì tuyệt vọng. Một người cha đau khổ nói : « Con trai tôi đang nằm trong đó, tôi không thể nào tin được ». Xu Jianzhong, một tài xế taxi nhận xét : « Chắc chắn đại đa số các nạn nhân đều là con một trong gia đình ».
Trong những năm gần đây, Thượng Hải được coi là tủ kính biểu trưng
cho sự thành công của Trung Quốc, với khu phố siêu hiện đại Phố Đông
(Pudong), hệ thống xe điện ngầm hàng đầu thế giới, xe lửa từ tính và thị
trường chứng khoán đã đạt kỷ lục năm 2014.
Mặt trái của sự thành công « là vấn đề quản lý » - đó là nhận xét của
nhà kinh tế Andy Xie, mà nguyên quán là đại đô thị 24 triệu dân, chưa
kể số lượng người nhập cư. Ông nói : « Tất cả những người đổ vào
thành phố đã gây ra các vấn đề xã hội. Quản lý Thượng Hải không phải là
chuyện dễ dàng, không có thành phố nào tương tự như vậy trên thế giới ».
0 Nhận xét