“Mọi thay đổi đều bắt đầu từ một nhóm ít người có lòng quyết tâm”
Trương Tự Minh (dịch)
Tra
tấn – hay bức cung, nhục hình – không phải là hiện tượng đã thuộc về dĩ
vãng. Nó vẫn hiện hữu ở thời hiện đại, ngay trong thế kỷ 21. Sau các vụ
án oan của Nguyễn Thanh Chấn hay gần đây là nghi vấn án oan Hồ Duy Hải
và Nguyễn Văn Chưởng, tình trạng bức cung, nhục hình trong tố tụng hình
sự Việt Nam đang dần trở thành một vấn đề nhức nhối. Trong một xã hội
pháp trị nơi mà nền tư pháp được xem là phương tiện chính danh duy nhất
để đạt được công lý, một khi có lỗ hổng trong nền tư pháp, con đường dẫn
đến công lý cũng sẽ bị đứt đoạn.
Karen Tse là luật sư chuyên bào chữa
trong các vụ án hình sự, đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền, sáng
lập viên của tổ chức International Bridges to Justice chuyên hỗ trợ và
đào tạo luật sư bào chữa cho các nước đang phát triển. Luật Khoa tạp chí
trân trọng giới thiệu bài trình bày của cô trong chương trình TED Talks
hồi tháng 7/2011 về việc làm cách nào để khắc phục và xóa bỏ tình trạng
phổ biến của bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự.
Bài liên quan: Từ Afghanistan: ‘Tôi đã bảo vệ nền pháp trị như thế nào‘
Làm thế nào để xóa bỏ bức cung, nhục hình?
Năm 1994, tôi đến một nhà tù ở Cambodia
để gặp một cậu bé 12 tuổi đang bị giam tại đây, em đã bị bức cung và
không có luật sư bảo vệ. Nhìn vào mắt em, tôi nhận ra hàng trăm bức thư
vận động tự do mà mình đã viết cho những tù nhân chính trị sẽ không có
tên em. Bởi vì 12 tuổi thì chưa thể làm gì to tát cho ai cả. Em không
phải là một tù nhân chính trị, em chỉ là một cậu bé đã ăn trộm một chiếc
xe đạp mà thôi. Lúc đó tôi cũng nhận ra rằng không chỉ riêng Cambodia,
trong số 113 quốc gia đang phát triển vẫn còn tồn tại tình trạng bức
cung, nhục hình, có đến 93 nước đã luật định quyền được có luật sư và
nghiêm cấm việc, bức cung, nhục hình.
Tôi đã nhìn thấy một cơ hội to lớn cho
chúng ta, cộng đồng thế giới, cùng nhau bắt tay để chấm dứt tình trạng
sử dụng bức cung, nhục hình như một công cụ điều tra. Chúng ta thường
nghĩ hình thức đối xử đó chỉ có tù nhân chính trị mới phải chịu hoặc chỉ
xảy ra trong những trường hợp tồi tệ nhất, nhưng trên thực tế, 95% các
vụ bức cung, nhục hình hiện tại lại không thuộc về tù nhân chính trị, mà
nạn nhân là những người bình thường bị đẩy vào một hệ thống tư pháp đã
hỏng. Thật không may, bởi vì bức cung, nhục hình là hình thức điều tra
tiết kiệm nhất – nó rẻ hơn rất nhiều so với yêu cầu tuân thủ đúng quy
trình tố tụng hay việc đảm bảo quyền được có luật sư và tiếp cận luật sư
từ sớm – cũng dễ hiểu khi tình trạng này diễn ra thường xuyên. Tôi tin
chúng ta với tư cách là cộng đồng quốc tế, một khi đã quyết định thực
hiện, chúng ta có thể cùng nhau chấm dứt tình trạng bức cung, nhục hình
trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải có 3 điều. Đầu tiên là việc đào tạo, tiếp sức và kết nối các luật sư biện hộ.
Điều thứ hai: đảm bảo người bị bắt giữ
hoặc tình nghi được tiếp cận luật sư từ sớm trên quy định lẫn thực tiễn.
Và quyết tâm đi đến cùng là điều kiện thứ ba.
Cảm hứng thay đổi từ Cambodia
Vào năm 2000, tôi bắt đầu suy nghĩ, nếu
chúng ta cùng hợp sức làm thì sao? Chúng ta có thể giúp gì cho 93 quốc
gia đó? Và tôi đã lập nên International Bridges to Justice (IBJ). IBJ có
mục tiêu chấm dứt việc sử dụng bức cung, nhục hình như một công cụ điều
tra, đồng thời đảm bảo các quyền tiếp cận quy trình tố tụng đúng luật
được thực thi ở 93 quốc gia bằng cách hỗ trợ các luật sư có kinh nghiệm
tham gia từ sớm vào quy trình tố tụng ở đồn cảnh sát cũng như tại phòng
xử án.
Những kinh nghiệm đầu tiên tôi có được
là ở Cambodia. Tôi nhớ hồi đến đất nước này lần đầu vào năm 1994, khắp
cả nước có chưa đến 10 luật sư sau khi Khmer Đỏ đã thảm sát gần như tất
cả họ. Nhưng thậm chí trải qua 20 năm, cả nước cũng chỉ có vỏn vẹn 10
người hành nghề luật. Thế nên mới có chuyện, khi bước vào trại giam để
gặp một cậu bé 12 tuổi, bạn cũng sẽ bắt gặp ở đó nhiều phụ nữ. Bạn sẽ
hỏi: “Vì sao các chị ở đây?” Để rồi bọn họ đáp: “Tôi đã ở đây 10 năm vì chồng tôi phạm tội nhưng người ta không bắt được anh ấy”. Đúng vậy, đó là nơi mà nền pháp trị không hề tồn tại.
Trong buổi tập huấn cho nhóm các luật sư biện hộ đầu tiên, tôi vẫn còn nhớ một mẩu đối thoại như sau. Tôi hỏi cả nhóm: “Các bạn làm gì trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án?” Một sự im lặng bao trùm lớp học. Cuối cùng một học viên nữ đứng lên cất tiếng: “Thưa
giảng viên, tôi đã từng bảo vệ cho hơn 100 người, nhưng tôi chưa từng
phải điều tra hồ sơ nào vì tất cả bọn họ đều đã khai nhận tội”.
Và thế là lớp chúng tôi đã thảo luận về
hai vấn đề. Thứ nhất, lời khai nhận tội có thể không đáng tin cậy. Và
điều thứ hai, chúng tôi sẽ không khuyến khích cảnh sát tìm mọi cách lấy
lời khai, nhất là khi pháp luật đã cấm.
Đã phải cần rất nhiều can đảm để các
luật sư biện hộ tham gia chương trình tập huấn quyết định sẽ đứng lên và
hỗ trợ nhau đảm bảo thực thi quy định đó. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những
vụ việc đầu tiên chúng tôi tiếp nhận. Như trong một trường hợp, tất cả
25 người bọn họ, một luật sư biện hộ đại diện đứng phía trước, những
người còn lại ở đằng sau ủng hộ cô ấy. Nhưng các thẩm phán vẫn kiên
quyết: “Không, không, không! Tòa sẽ làm đúng như trước giờ vẫn làm”.
Thế rồi một ngày vụ việc như ý cũng đến.
Bị cáo là một phụ nữ bán rau. Cô ấy ngồi bán bên ngoài một ngôi nhà.
Người phụ nữ nói cô đã nhìn thấy có người từ trong chạy ra, cô nghĩ đó
chính là thủ phạm trộm nữ trang. Dẫu vậy khi cảnh sát đến, mặc dù trên
người cô không có gì nhưng cảnh sát vẫn bắt cô đi. Lúc đó cô đang mang
thai. Trên người cô có nhiều vết bỏng của đầu thuốc lá. Cô bị sảy thai
trong quá trình điều tra. Thế rồi vụ án của cô được đưa ra tòa xét xử.
Và lần đầu tiên vị thẩm phán đã đứng lên nói: “Đúng, không có bằng chứng phạm tội nào ngoài lời khai nhận tội của bị cáo do bị bức cung. Bị cáo sẽ được phóng thích”.
Cứ như thế các luật sư biện hộ tiếp tục
nhận lần lượt vụ này đến vụ khác. Và như bạn thấy, từng bước từng bước
một, họ bắt đầu thay đổi lịch sử pháp lý ở Cambodia. Nhưng Cambodia
không phải là đất nước duy nhất. Tôi đã từng nghĩ, chỉ có Cambodia thôi
sao? Hay các nước khác cũng vậy? Sự thật là nhiều quốc gia khác cũng gặp
tình trạng tương tự.
Sự hợp tác của cộng đồng luật sư tạo nên sự khác biệt
Ở Burundi (một quốc gia ở Trung Phi –
ND), tôi bước vào nhà tù và gặp một cậu bé không phải 12 tuổi mà chỉ mới
8 tuổi, em bị bắt vì đã trộm một chiếc điện thoại di động. Tôi cũng gặp
một người phụ nữ là mẹ của một em nhỏ 3 tuổi. Tôi đã bồng cô bé vô cùng
kháu khỉnh đó lên và nói với mẹ bé: “Con chị rất đáng yêu”. Rồi mẹ em nói: “Vì nó mà tôi phải ở đây”.
Người phụ nữ đó bị buộc tội lấy cắp hai cái tã lót và một chiếc bàn là
cho con mình, sau đó bị đưa vào tạm giam. Tôi đã đến gặp trưởng trại
giam và nói với ông ấy: “Các anh phải thả cô ấy ra. Thẩm phán sẽ trả tự do cho cô ấy”. Thế rồi vị này trả lời: “Chúng
ta có thể xem xét việc đó, nhưng cô nhìn nhà tù của tôi mà xem. Tám
mươi phần trăm trong số hai nghìn người ở đây không có luật sư. Chúng
tôi thì làm được gì?” Vì vậy, nhiều luật sư dũng cảm đã cùng nhau
thiết lập một cơ chế giúp họ tiếp nhận vụ việc. Nhưng chúng tôi nhận ra
điều làm nên sự khác biệt không nằm ở việc đào tạo hay tập huấn mà quan
trọng ở mạng lưới kết nối của các luật sư.
Chẳng hạn ở Cambodia. Nữ luật sư mà tôi
nói ban nãy không chiến đấu một mình mà bên cô còn có 24 đồng nghiệp sát
cánh. Tương tự như vậy, các luật sư Trung Quốc thường chia sẻ với tôi: “Khi chúng ta hợp sức cùng nhau, cảm giác như có một ngọn gió mát lành thổi qua sa mạc”. Hay ở Zimbabwe, tôi vẫn còn nhớ một luật sư tên Innocent. Anh đã đến một nhà tù mà ở đó mọi người đều nói: “Chúng tôi đã ở đây được 1 năm, 8 năm, 12 năm mà không có luật sư bảo vệ”.
Sau đó anh gặp tôi và chúng tôi cùng trải qua một khóa tập huấn. Bởi vì
đã nghe nhiều lời than vãn và điều tiếng nên anh chia sẻ: “Nhiều người nói không thể có công lý ở đây vì chúng tôi không có đủ nguồn lực để làm điều đó”. Rồi anh nói tiếp: “Nhưng tôi muốn chị biết rằng việc thiếu thốn nguồn lực không bao giờ là lý do chính đáng cho tình trạng bất công và oan sai”. Và như thế, anh đã cùng 68 luật sư khác lập nên một nhóm làm việc có tổ chức để nhận bảo vệ cho nhiều vụ việc.
Dẫu vậy, vẫn có yếu tố quan trọng ở khâu
đào tạo luật sư và đảm bảo họ tham gia vào quá trình tố tụng từ sớm.
Gần đây tôi có đến Ai Cập, và cảm hứng đã đưa tôi đến gặp một nhóm luật
sư ở đây. Họ cho biết: “Cô xem, bây giờ trên đường không còn cảnh
sát nữa. Cảnh sát là một trong những nguyên nhân chính khiến dân chúng
đã xuống đường làm cách mạng. Nhiều người từng là nạn nhân bức cung,
nhục hình của cảnh sát”. Tôi thắc mắc: “Nhưng hàng chục triệu đô-la đã được rót vào các dự án phát triển hệ thống pháp lý ở đây. Chuyện gì đã xảy ra?”
Tôi cũng đến gặp một trong những cơ quan
tiến hành các dự án trên. Khi đó họ đang có chương trình tập huấn dành
cho các công tố viên và thẩm phán. Việc chọn lựa hai nhóm này thay vì
các luật sư bào chữa là sự thiên vị thường thấy ở đây. Họ cho tôi xem
một cuốn sổ tay hướng dẫn, phải nói đó là một tài liệu rất hay. Tôi thầm
nhủ sẽ tham khảo nội dung từ cuốn sổ tay này, vì nó có đầy đủ mọi thông
tin. Theo luật, các luật sư bào chữa có thể có mặt trong quá trình cơ
quan điều tra làm việc. Thật hoàn hảo. Các công tố viên cũng được đào
tạo rất bài bản. Nhưng tôi vẫn nói với họ: “Tôi có một câu hỏi, đó là khi hồ sơ vụ án được chuyển đến văn phòng công tố, chuyện gì đã xảy ra cho người bị buộc tội?” Sau một hồi ngập ngừng, người ta trả lời: “Họ đã bị bức cung”.
Như vậy mấu chốt không chỉ ở công tác
đào tạo, tập huấn cho luật sư mà nó còn là việc tìm ra cách thức đảm bảo
luật sư được tiếp cận thân chủ trong giai đoạn đầu của quá trình điều
tra. Các luật sư chính là tấm lá chắn giúp người bị tình nghi, buộc tội
không rơi vào tình trạng bị nhục hình, bức cung khi đang ở trong tay cơ
quan công quyền. Nói với các bạn điều vừa rồi, tôi biết các bạn sẽ hỏi: “Nghe chừng làm được đó, nhưng liệu có thực sự khả thi không?” Dẫu nghe có vẻ to tát, nhưng có nhiều lý do giúp tôi tin rằng có thể.
Lý do đầu tiên chính là những người luật
sư đang trực tiếp thực hiện công việc khó khăn này, những người luôn
tìm ra cách tạo nên điều kỳ diệu nhờ quyết tâm đi đến cùng của mình.
Không chỉ có Innocent, anh bạn luật sư người Zimbabwe tôi kể ban nãy, mà
đó còn là tất cả các luật sư trên khắp thế giới đang làm công việc bào
chữa trong các án hình sự. Ở IBJ, chúng tôi có một chương trình là
JusticeMakers (tạm dịch: Người kiến tạo công lý). Trước đó vì nhận ra có
nhiều người can đảm muốn đứng lên làm điều đúng đắn, chúng tôi đã cố
gắng tìm cách hỗ trợ họ. Kết quả là một cuộc thi trực tuyến được tổ chức
với giải thưởng 5.000 đô-la dành cho những ý tưởng sáng tạo góp phần
thực thi công lý. Cuối cùng chúng tôi đã có 30 JusticeMakers ở khắp nơi
trên thế giới, từ Sri Lanka đến Swaziland hay Cộng hòa Congo. Với 5.000
đô-la, họ đã làm nên những điều tuyệt vời thông qua chương trình SMS,
chương trình hỗ trợ pháp lý cùng nhiều sáng kiến khác.
Không chỉ có các JusticeMakers, bên cạnh
đó chúng tôi còn sát cánh với những người nhìn thấy mình đang đứng cùng
ai và biết rõ cùng nhau họ sẽ đi đến đâu.
Lấy ví dụ ở Trung Quốc. Nước này đã ra
những quy định rất tốt ngăn cấm cảnh sát sử dụng hình thức nhục hình,
bức cung; nếu vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Tôi đã ngồi cạnh một
trong những đồng nghiệp can trường của mình và nói: “Chúng ta có thể vận dụng quy định này như thế nào? Làm sao để chúng ta chắc rằng nó sẽ được thực thi? Quy định này là rất tốt”. Rồi anh bạn đồng nghiệp hỏi lại tôi: “Cô có kinh phí không?” Tôi nói không. Nhưng anh tiếp lời: “Không sao, chúng ta vẫn có cách”.
Thế là vào ngày 4 tháng 12, anh đã tập
hợp ba nghìn thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản đến từ 14 trường
luật hàng đầu. Họ đã cùng nhau in áp phích phổ biến thông tin về các quy
định mới. Họ đến các đồn cảnh sát và bắt đầu điều mà anh bạn đồng
nghiệp của tôi gọi là một cuộc cách mạng pháp lý bất bạo động nhằm mục
tiêu bảo vệ quyền công dân.
“Mọi thay đổi đều bắt đầu từ một nhóm ít người có lòng quyết tâm”
Tôi đã nói về yêu cầu đào tạo và hỗ trợ
các luật sư bào chữa. Chúng ta cũng đã nhắc đến việc cần đảm bảo về mặt
quy định lẫn thực tế người bị tình nghi hoặc buộc tội được tiếp cận luật
sư sớm trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, điều kiện thứ ba, cũng là
điều quan trọng nhất, đó là quyết tâm đi đến cùng.
Nhưng mọi người thường nói với tôi: “Chị biết đó, công việc này rất hay, nhưng nó lý tưởng quá. Khó thành hiện thực lắm”.
Tôi cho rằng những câu nói như vậy thật thú vị vì cũng chính những lời
tương tự đã được nói với những người đã chấm dứt tình trạng nô lệ và xóa
bỏ chế độ Apartheid. Mọi thay đổi đều bắt đầu từ một nhóm ít người có
lòng quyết tâm.
Tôi xin chia sẻ một dòng thơ mà các đồng nghiệp của tôi thường đọc cho nhau nghe: “Can trường lên bạn ơi, hành trình còn dài, đường ta bước khó tường minh, và dẫu còn nhiều chông gai, nhưng từ sâu thẳm bên trong, bạn không hề đơn độc”.
Tôi tin nếu chúng ta, cộng đồng quốc tế, có thể hợp sức lại giúp đỡ
không chỉ các luật sư mà còn tất cả những ai là một phần của hệ thống tư
pháp và muốn thay đổi, chúng ta có thể cùng xóa bỏ tình trạng sử dụng
bức cung, nhục hình như một công cụ điều tra. Tôi luôn chọn một cái kết
cho bài nói của mình, vì tôi chắc chắn câu hỏi mà tôi nhận được sẽ là: “Nhưng tôi có thể thực sự làm gì?”
Với câu hỏi đó, tôi xin được trả lời thế này. Đầu tiên, bạn biết mình
phải làm gì. Thứ hai, tôi sẽ kết thúc phần trình bày của mình bằng câu
chuyện về cậu bé Vishna, người đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của tổ
chức International Bridges to Justice.
Lúc gặp tôi, Vishna là một cậu bé 4 tuổi
sinh ra trong một trại giam ở tỉnh Kandal, Cambodia. Vì em được sinh ra
như thế nên mọi người, kể cả các cai tù, ai cũng quý mến em. Cậu bé là
người duy nhất được phép chui ra chui vào giữa những song chắn cửa ngục.
Rồi em bắt đầu lớn, đầu em cũng phát triển dần lên. Thế nên vào một
ngày, sau khi chui lọt qua song thứ nhất và thứ hai, đến song thứ ba cậu
nhóc phải từ từ di chuyển đầu mình mới cho qua được, rồi vòng ngược trở
lại, song thứ ba, thứ hai, thứ nhất. Em thường nắm lấy ngón út của tôi,
vì em muốn mỗi ngày được đi vòng quanh thăm các tù nhân trong trại. Tất
nhiên em chẳng thể gặp được tất cả bọn họ mỗi ngày, nhưng lúc nào em
cũng muốn gặp hết thảy 156 tù nhân ở đó. Tôi thường bồng cậu bé lên để
em đưa ngón tay qua những song sắt và chạm đến người tù bên trong.
Gần như mọi tù nhân ở đó đều nói cậu bé
là niềm vui lớn nhất và tia nắng ấm đối với họ. Họ luôn trông ngóng em
mỗi ngày. Và tôi luôn nói với mọi người: Vishna là một cậu bé 4 tuổi. Em
sinh ra trong một nhà tù chẳng có gì cho em, không của cải vật chất.
Nhưng cậu bé luôn có một cảm nhận về trách nhiệm cao cả của mình, điều
mà tôi tin ai trong chúng ta sinh ra cũng đều có. Em nói: “Có thể
con không làm được mọi thứ. Nhưng con được sinh ra trên đời này, con có
khả năng làm được điều gì đó. Con sẽ làm điều con có thể”. Thế nên
cảm ơn các bạn, những người đã có tầm nhìn viễn kiến để cùng chúng tôi
tạo nên một thế giới mới. Xin mời các bạn bước vào hành trình này cùng
chúng tôi.
Xin cảm ơn đã lắng nghe.
Đôi nét về Karen Tse:
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1986 ở
California, Karen Tse dành hai năm tiếp theo giúp đỡ người tỵ nạn ở Hong
Kong và Thái Lan. Tại những trại tập trung này cô đã chứng kiến nhiều
trường hợp người tỵ nạn bị bắt bỏ tù mà không qua xét xử. Từ đó cô bắt
đầu nhận thấy mối liên hệ giữa những vi phạm nhân quyền và lỗ hổng trong
tư pháp hình sự, vì vậy cô quyết định theo học luật ở Đại học
California (UCLA Law School). Năm 1994, sau khi ra trường, Karen đến
Cambodia trong một chương trình đào tạo pháp lý do Liên Hiệp Quốc tài
trợ. Trong thời gian ở đây, cô đã đào tạo và hỗ trợ về mặt chuyên môn
cho giới luật sư hình sự, công tố viên và thẩm phán. Cô cũng vận động để
tư pháp hình sự nước này tổ chức phiên tòa xét xử đầu tiên. Những trải
nghiệm cô có được suốt những năm làm việc ở quốc gia Đông Nam Á này đã
dẫn đến sự ra đời của International Bridges to Justice – IBJ (tạm dịch:
tổ chức Cầu nối Quốc tế đến Công lý) 6 năm sau đó.
Năm 2000, IBJ được thành lập với nhiệm vụ
đào tạo và hỗ trợ các luật sư bào chữa trong lĩnh vực hình sự ở các quốc
gia đang phát triển. IBJ hướng đến việc bảo vệ những người đang bị giam
giữ trái luật, không có luật sư và có nguy cơ cao trở thành nạn nhân
của bức cung, nhục hình – nhóm người mà Karen ước tính con số hiện lên
tới hàng chục ngàn trong những hệ thống tư pháp đã quá tải, bị lỗi hoặc
chứa nhiều tiêu cực. Bên cạnh đó, IBJ phối hợp cùng các hội nhóm xã hội
dân sự trong hoạt động giám sát cơ quan tư pháp hình sự qua các báo cáo
và bằng chứng hình ảnh, tư liệu. Tổ chức này cũng đã tham gia vào quá
trình tư vấn xây dựng luật và các cơ chế pháp lý nhằm đảm bảo quyền con
người trong tố tụng hình sự. Những năm đầu hoạt động, Karen cùng tổ chức
của cô đã có nhiều đóng góp mang tính đột phá trong cải cách tư pháp ở
Trung Quốc, Việt Nam và Cambodia. IBJ hiện đang có mặt ở 16 quốc gia
thuộc châu Á và châu Phi.
Karen tâm niệm: “Tôi tin chúng ta có thể xóa bỏ nạn bức cung, nhục hình trong thế kỷ này”.
|
0 Nhận xét