V. T. V.
Nhân
blog Lề Trái đăng bài của tác giả Trần Dương về VTV, tôi cũng xin góp
vài ý về cảm nhận của tôi đối với cái đài truyền hình vốn là cơ quan
ngang bộ này.
Một: VTV thừa nhân lực, thiếu
việc làm (nhưng chắc thu nhập vẫn cao?). Chương trình thời sự chẳng hạn,
nếu như kênh truyền hình khác chỉ cần 1 người đọc tin thì VTV1 xài đến 3
vị ngồi cùng một cái bàn dài hoặc 4 vị ngồi 2 bàn cách ra nhau. Vì
người nhiều việc ít nên không cần khẩn trương. Các vị ấy đưa một cái tin
rồi lại quay ra hỏi nhau, thêm mắm muối hoặc chêm những lời bình luận
nhạt nhẽo vô vị, không có thông tin (làm tốn thời gian của khán/thính
giả). Có lúc từ bàn này các vị ấy “câu” sang bàn tận đầu kia trong cái
studio rộng mênh mông để hỏi nhau!
Nhìn cảnh đọc tin hoặc dẫn chương
trình, có thể thấy ông tổng giám đốc VTV phải chịu rất nhiều ‘sức ép’
nhận người. Sức ép đây chắc có nhiều loại, gồm 4-5 cái “Ệ” mà dân gian
hay nói (quan hỆ, t…tỆ,…).
Hai: Các vị dẫn chương trình của
VTV thể hiện mình dường như ở đẳng cấp quá cao. Khi nói với khán giả,
nhiều vị (đặc biệt là các chị) có cái nhìn về phía ống kính, tức là về
phía khán giả, với vẻ như đang khích lệ con nít, trong khi chương trình
dành cho cả những đối tượng cao tuổi và những người đáng kính khác.
Khi phỏng vấn một khách mời ít
nhiều có tài năng hoặc công trạng, nếu vị khách đó còn khá trẻ, người
phỏng vấn (của VTV) thường gọi người ta bằng “bạn”, trong khi vì lịch sự
nên gọi là anh/chị. Nếu vị khách kém người phỏng vấn vài ba tuổi thì
người phỏng vấn có thể gọi là em, nhưng hãy để hết buổi phỏng vấn đã, ra
ngoài muốn gọi là gì chẳng được! Hãy nhớ đó không phải khách mời riêng
của người phỏng vấn, mà của đài truyền hình (mà chính đài TH, nếu xứng
đáng, cũng là đại diện cho khán/thính giả khi phỏng vấn khách mời).
Ba: Nhìn trang phục và cách trang
điểm của những người dẫn chương trình, nhất là các chị, có thể thấy quý
vị ở VTV quan niệm rằng càng trái tự nhiên, càng khác người thì càng
đẹp. Nếu kẻ điên mà khoác lên người mấy tấm vải màu mè và đắt tiền, bôi
son lung tung lên mặt thì cũng là đẹp.
Bốn: VTV đang “Ba Vì hóa” tiếng
Hà Nội và tiếng Việt. Giọng đọc như của các nghệ sỹ Trần Đức, Thanh
Hùng, Kim Tiến giờ đây đang trở thành “lạc hậu”. Thay vào đó là những
kiểu phát âm kỳ quái, dấu má loạn xạ. Và nuốt âm. Ví dụ “Đài truyền hình
Việt Nam” thì họ đọc thành “Đái tr-ình viêt nàm”, “đấu trường” thành
“đầu trương”,…
Năm: Người của VTV luôn tỏ ra
giỏi ngoại ngữ bằng cách chêm vô tội vạ những từ tiếng Anh (phát âm bồi)
vào câu tiếng Việt. Những người dân thường không biết tiếng Anh không
thể hiểu họ đang nói cái gì. Nếu họ chêm vào câu tiếng Việt những từ
tiếng tây mà đọc lên biết là không phải từ Việt con đỡ. Đằng này họ chêm
cả những từ mà khi chính họ đọc lên thì người nghe tưởng đó là từ Việt,
gây hiểu nhầm tai hại. Ví dụ, từ “fan” họ đọc hẳn thành “phen”, và họ
nói câu: “Sao A bị một phen tấn công”. Một người lao động bình thường là
sao hiểu từ “phen” này vốn là từ “fan” trong tiếng Anh được. Vài ví dụ
khác. Từ “show” vốn đã là buổi biểu diễn, nhưng họ nói “sâu diễn”. Từ
“shower” nghĩa là mưa rào thì họ nói “mưa sâu”,…
Thật đáng buồn là họ không hiểu
được rằng người giỏi ngoại ngữ không bao giờ liên tục chêm tùy tiện
tiếng tây vào tiếng ta như vậy. Tiếng nào ra tiếng ấy mới là có văn hóa.
Còn nhiều, rất rất nhiều những
trò ẩm ương trên VTV. Không biết lãnh đạo cái đài truyền hình này có bao
giờ nghe/xem cấp dưới của mình làm những trò gì không? Hay họ có xem mà
thấy hay, thấy tốt cả?
(Tất nhiên, tôi biết trong VTV
cũng có những người rất đáng kính trọng, ví dụ đội ngũ làm kỹ thuật hoặc
các phóng viên điều tra dấn thân vào những nơi nguy hiểm.)
0 Nhận xét