Chương XI
Ý NGHĨA NHỮNG KINH NGHIỆM
NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI
1.
Có thể nói rằng khi phân tích các chương đầu sách Sáng thế chúng ta
thấy mình phải xây dựng lại theo một nghĩa nào đó những yếu tố cấu thành
kinh nghiệm nguyên thủy của con người. Theo chiều hướng đó, bản văn
yahvit là một nguồn đặc thù bởi đặc tính của nó. Nói về những kinh
nghiệm nhân bản nguyên thủy, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa nền tảng của
chúng hơn là khía cạnh thời gian xa xưa. Bởi thế điều quan trọng không
phải là những kinh nghiệm ấy thuộc về thời tiền sử của con người ( một
thứ “tiền sử thần học”), nhưng chúng luôn nằm ở cội rễ của mọi kinh
nghiệm nhân bản. Điều này vẫn đúng cả khi trong cuộc sống hằng ngày của
con người, người ta không để ý nhiều đến những kinh nghiệm cơ bản này.
Thật vậy, những kinh nghiệm nguyên thủy này được đan dệt sâu vào trong
cuộc sống hằng ngày đến nỗi cách chung ta không nhận ra tính đặc biệt
của chúng. Trên cơ sở những gì đã được phân tích cho tới bây giờ, chúng
ta đã có thể nhận thấy điều mà chúng ta ngay từ đầu gọi là «mạc khải của
thân xác» một cách nào đó giúp ta khám phá ra sự lạ thường của cái bình
thường. Điều đó là có thể bởi vì mạc khải (mạc khải ban đầu được diễn
tả trước tiên trong trình thuật yahvit St 2-3, sau đó trong St 1) xét đến chính những kinh nghiệm nguyên thủy ấy, trong đó gần như hiện ra đầy đủ sự độc đáo tuyệt đối
của người nam cũng như nữ: xét như là con người, nghĩa là, nhờ thân xác
của mình. Kinh nghiệm về thân xác, như chúng ta khám phá trong các bản
văn kinh thánh đã được trích dẫn, hẳn là nằm ở ngưỡng cửa của mọi kinh
nghiệm “lịch sử” sau đó. Tuy nhiên, kinh nghiệm ấy xem ra cũng dựa trên
một chiều sâu hữu thể[1]
đến độ con người không nhận biết nó trong đời sống thường nhật của
mình, dẫu rằng cách nào đó, nó được giả thiết và mặc nhiên công nhận như
là thành phần của tiến trình hình thành nên hình ảnh của chính mình.
2. Thiếu suy tư dẫn nhập đó ta không thể xác định được ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy cũng như phân tích đoạn St 2,25 như sau: «Bấy giờ cả hai, con người và vợ mình, đều trần truồng, nhưng họ không cảm thấy xấu hổ». Thoạt tiên, truyền thống yahvit đưa chi tiết có vẻ thứ yếu này vào trong trình thuật tạo dựng con người khiến ta có cảm tưởng như đó là một việc không thích hợp hay không đúng chỗ. Người ta có thể nghĩ rằng đoạn văn được trích dẫn không so sánh được với những gì đã được bàn đến trong những câu trước đó, và theo nghĩa nào đó nó vượt quá ngữ cảnh. Nhưng nhận định này không còn đứng vững khi phân tích sâu xa hơn. Thật vậy, St 2,25 là một trong những yếu tổ chủ chốt của mạc khải nguyên thủy, cũng quan trọng như những đoạn Sáng thế khác (2,20 và 2,23), là những đoạn đã giúp ta biết ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy và sự hợp nhất nguyên thủy của con người. Ngoài những điều này, ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy, như yếu tố thứ ba được nêu bật trong ngữ cảnh. Điều này trong phác thảo kinh thánh đầu tiên của khoa nhân học không phải là cái gì tùy phụ. Nhưng trái lại, nó chính là chìa khóa để hiểu được đầy đủ và tường tận.
3. Hiển nhiên, chính yếu tố này của bản văn kinh thánh cổ đóng góp đặc biệt cho thần học về thân xác, và là yếu tố tuyệt đối không thể bị bỏ qua. Những phân tích về sau sẽ xác nhận điều đó. Nhưng trước khi bàn đến, tôi xin phép nêu một nhận xét rằng chính đoạn St 2,25 đòi hỏi minh nhiên phải nối kết những suy tư về thần học thân xác với chiều kích chủ thể tính của nhân vị. Thật vậy, chính trong chủ thể tính này mà ý thức về ý nghĩa của thân xác được triển nở. Đoạn St 2,25 nói về điều ấy cách trực tiếp hơn những đoạn khác của bản văn yahvit, vốn được xác định như ghi chép đầu tiên của ý thức con người. Khi nói những con người đầu tiên, cả nam lẫn nữ, «đều trần truồng» mà «không cảm thấy xấu hổ», đoạn văn ấy chắc chắn mô tả tình trạng ý thức của họ, đúng hơn, kinh nghiệm về thân xác của nhau. Nghĩa là nó biểu lộ cái kinh nghiệm của người đàn ông về người phụ nữ bộc lộ mình nơi thân xác trần truồng, và tương tự ngược lại, cái kinh nghiệm về đàn ông của người đàn bà. Khi khẳng định «họ không cảm thấy xấu hổ», tác giả cố mô tả kinh nghiệm về thân xác ấy của nhau với mức chính xác cao nhất. Có thể nói mức chính xác này phản chiếu một kinh nghiệm cơ bản của con người theo nghĩa “thông thường” và tiền khoa học, nhưng nó cũng tương hợp với những đòi hỏi của khoa nhân học và nhất là nhân học hiện nay, vốn sẵn sàng tham khảo cái được gọi là những kinh nghiệm chiều sâu, như kinh nghiệm về sự xấu hổ [1].
4. Nói đến tính chính xác của trình thuật ở đây, trong mức khả năng của tác giả bản văn yahvit có được, chúng ta thấy cần phải xem xét những cấp độ của kinh nghiệm của con người “lịch sử”, là kẻ vốn mang trong mình di sản tội lỗi. Nhưng những kinh nghiệm ấy, xét về phương pháp luận, lại xuất phát từ chính tình trạng vô tội nguyên thủy. Trước đây chúng ta đã thấy rằng khi qui chiếu đến «thuở ban đầu» (mà chúng ta đã lần lượt phân tích qua các ngữ cảnh) Đức Kitô đã gián tiếp nói đến tính liên tục và kết nối giữa hai tình trạng ấy, như thể Người cho phép ta được băng qua thềm biên giới theo chiều ngược trở lại từ tình trạng tội lỗi “lịch sử” của con người lên đến tình trạng trong trắng nguyên thủy. Chính đoạn St 2,25 đòi hỏi cách riêng phải vượt tuyến. Ta dễ nhận thấy đoạn văn này, với ý nghĩa về sự trần truồng nguyên thủy nội tại trong đó, được đặt trong toàn thể ngữ cảnh của trình thuật yahvit như thế nào. Thật vậy, sau đó vài đoạn, cũng chính tác giả ấy viết: «Bấy giờ mắt của cả hai người mở ra và họ thấy mình trần truồng; họ kết lá vả làm khố che thân» (St 3,7). Trạng từ «bấy giờ» nói lên một thời điểm mới và một hoàn cảnh mới, hệ quả của sự bẻ gãy Giao ước thứ nhất. Đó là hoàn cảnh sau khi con người bị sa chước cám dỗ về cây biết thiện biết ác, cũng đồng thời là thử thách đầu tiên về “đức vâng phục”, nghĩa là biết nghe Lời Chúa trong tất cả sự thật của Lời ấy và đón nhận Tình Yêu, đúng theo tất cả những gì Thánh Ý Đấng Tạo Dựng đòi hỏi. Thời điểm mới hay hoàn cảnh mới này cũng hàm ẩn một nội dung mới và một phẩm chất mới của kinh nghiệm thân xác, người ta không còn có thể nói «họ trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ». Bởi thế, sự xấu hổ không chỉ là một kinh nghiệm nguyên thủy, nhưng còn là một kinh nghiệm “giới hạn”.
5. Sự khác biệt về cách thức diễn tả giữa hai đoạn St 2,25 và St 3,7 rất có ý nghĩa. Trường hợp trước: «họ trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ»; trường hợp sau: «họ thấy mình trần truồng». Phải chăng điều đó muốn nói rằng trong thuở ban đầu «họ đã không nhận thấy mình trần truồng»? rằng họ đã không biết và không thấy sự trần truồng thân xác của nhau? Sự biến đổi quan trọng mà bản văn kinh thánh ghi nhận về kinh nghiệm xấu hổ (sách Sáng thế vẫn còn nói tới, nhất là ở 3,10-12), xảy ra ở một bình diện sâu hơn bình diện của thị giác thuần túy. Việc phân tích đối chiếu giữa St 2,25 và St 3 đưa tới kết luận đương nhiên rằng vấn đề ở đây không phải là chuyến biến từ “không biết” sang “biết”, nhưng là một thay đổi triệt để về ý nghĩa của sự trần truồng nguyên thủy của người phụ nữ đứng trước người đàn ông và người đàn ông đứng trước người phụ nữ. Nó hiện lên từ tâm thức của họ, như hoa trái của cây biết thiện biết ác: «Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?» (St 3,11). Sự thay đổi này liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm về ý nghĩa của thân xác mình trước mặt Đấng Tạo Hóa và các loài thọ tạo. Sau đó, con người đã xác nhận điều ấy: «Tôi nghe tiếng bước chân của Ngài trong vườn và tôi sợ, vì tôi trần truồng, nên tôi lẩn trốn» (St 3,10). Nhưng cách đặc biệt, sự thay đổi ấy (bản văn yahvit đã mô tả cô đọng và đầy kịch tính) liên hệ trực tiếp đến tương quan giữa người đàn ông và người đàn bà, giữa phái nam và phái nữ.
6. Trong những phần khác của suy tư về sau này chúng ta sẽ còn phải trở lại phân tích sự thay đổi này. Giờ đây, khi đã đạt đến biên giới của cái «thuở ban đầu» mà Đức Kitô đã qui chiếu, chúng ta phải tự hỏi liệu có thể bằng cách nào đó tái tạo lại ý nghĩa nguyên thủy của sự trần truồng không, là điều mà trong sách Sáng thế vốn làm nên bối cảnh trực tiếp của giáo lí về sự hợp nhất của con người xét như là nam và là nữ. Điều ấy xem ra có thể được, nếu chúng ta lấy kinh nghiệm xấu hổ như điểm qui chiếu vì trong bản văn kinh thánh cổ kinh nghiệm ấy đã được trình bày rõ ràng như một kinh nghiệm “giới hạn”.
Chúng ta sẽ cố tái tạo lại ý nghĩa ấy trong những bài suy niệm sau này.
--------------
[1] X. ví dụ như M. Scheler, Über Scham und Schamgefühl, Halle 1914; Fr. Sawicki, Fenomenologia wstydliwosci [Hiện tượng luận về sự xấu hổ], Kraków 1949; và cả K. Woityla, Milośc i odpowiedzialność, Kraków 1962, tt. 165-185 (bản dịch tiếng Ý Amoree responsabilità, Roma 19782 , tt. 161-178).
[1] Chiều sâu hữu thế đó thuộc yếu tố cấu thành bản tính của con người.
0 Nhận xét