Phía sau ánh pháo hoa

21:22 |
Tuấn Khanh
Mấy người bạn làm việc ở thành phố, nói với tôi rằng năm nay họ muốn về quê sớm hơn thường lệ. Chỉ mới qua tuần đầu của tháng Chạp, đã thấy họ khăn gói lên đường. Hỏi ra mới biết, năm nay tiền thưởng Tết đâu có bao nhiêu, lo sợ vé xe tăng giá, ở lại thì vừa buồn, vừa thiếu cái ăn nên ai nấy lục đục về sớm. Túi tiền eo hẹp của người nghèo là kim chỉ nam tuyệt đối cho mọi thứ. Tết có thiếu thốn chút đỉnh thì ở quê nhà vẫn hơn.
Ảnh: kenh14
Nhiều năm rồi, chưa có thấy có cái Tết nào mà niềm vui trọn vẹn. Có năm người về quê chết ngộp trên xe, rồi có người bị xô xuống đường vì không đủ tiền, có người kẹt ở lại, ra đường bán hàng vặt vãnh cho qua một cái Tết… Tết Việt giờ sao luôn làm lòng người phân vân: Tiền không đủ cho gia đình, món ăn thì lo sợ độc hại, đó là chưa nói năm nào hết Tết, số thống kê người chết vì tai nạn nhiều như một cuộc chiến tranh không tuyên bố.
Cô bạn người người Bắc ngồi nhìn những ánh nắng cuối năm của miền Nam, nói rằng cô thấy nhớ nhà ghê quá. Nhưng mỗi lần về thì lòng cô lại ngổn ngang. Cuộc sống giờ rực rỡ hơn nhiều lắm, rực rỡ như một sân khấu nhưng khi hạ màn xuống thì cũng lắm quạnh hiu. Nắng vàng se se, long lanh của miền Nam cuối năm, làm cô nhớ biết bao những phông lạnh mù sương gắn những đốm hoa đào cô đơn, như những phận người lung lay trước gió.
Tết năm nay cũng vậy. Bên cạnh những bản báo cáo thành tích tự hào của nhiều thành phố, nhiều tỉnh… Thì các con số đói nghèo cũng tăng lên. Báo Tiền phong cho biết, Tổng cục Thống kê báo cáo rằng đúng mùa Tết này, Việt Nam có 5,3 ngàn hộ thiếu đói (tăng 15,2% so với tháng trước). Bản báo cáo này cho biết như vậy là có khoảng 21,4 ngàn người thiếu ăn.
Bất chấp các con số báo cáo thành đạt, luôn tăng trưởng và lợi nhuận hàng năm, so với cùng kỳ năm ngoái, số hộ thiếu đói tăng hơn 55% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 46%. Đó là một bức tranh hiện thực mà Tổng cục Thống kê Việt Nam đã thông báo, công chính một cách đáng khen, dù có thể chưa dàn trải đủ.
Vậy là có một sự thật cần nói rõ: hôm nay, trên đất nước này, chúng ta còn rất nhiều người nghèo, còn rất nhiều cuộc đời cần được chia sẻ.
Trên các tờ báo, đầy thông tin về các tỉnh hối hả xin gạo cứu trợ, xin nợ lại tiền nộp ngân sách… nhưng lại thúc giục doanh nghiệp, từng gia đình… đóng góp để lấy tiền bắn pháo hoa đón xuân. Có tỉnh thì lập kế hoạch bắn pháo hoa lên đến tiền tỉ, có tỉnh thì vài trăm triệu đồng. Các quan chức luôn biện hộ rằng Tết đến, nếu không có pháo hoa thì thương dân chúng thiếu niềm vui. Thậm chí, loại tuyên bố này cũng có không ít người bám theo ủng hộ, với lập luận rằng dù nghèo, người đang đói cũng có quyền được hưởng thụ pháo hoa.
Thật ngạc nhiên với khả năng lãnh đạo và tư duy nghèo nàn của các quan chức, khi cho rằng pháo hoa là niềm vui cốt lõi của các vùng nghèo đói và khó khăn. Hầu như tỉnh nào cũng rập khuôn làm theo một mô hình, mà tin rằng vài phút hư ảo trên bầu trời đó, sẽ xoa dịu được phiền muộn của những người nghèo, cũng như làm giảm nhẹ đi sự quan tâm của dân chúng về việc yếu kém trong việc cầm quyền ở địa phương, khiến phải xin cứu giúp lương thực và nài nỉ, bòn rút tiền pháo hoa từ các doanh nghiệp địa phương.
Có thể các nhà lãnh đạo của từng địa phương ấy quên rằng, trong cái đói, cái rét của nhiều nơi đón mùa xuân này, nụ cười nhìn theo tiền của pháo hoa bay lên trời, có thể là những nụ cười chua chát.
Cũng có không ít lời nguỵ biện rằng không được tước đi quyền hưởng thụ của người nghèo: Họ đói nhưng họ cũng có nhu cầu xem bắn pháo hoa. Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ không đủ áo mặc, đứng trên những núi rác tăm tối ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh và nhìn về ánh đèn màu rực sáng ở trung tâm, ban đêm. Giữa cái quyền được hưởng thụ sự hoa lệ xa xôi đó, chắc chắn những đứa trẻ nghèo vẫn chuộng hơn được một bữa ăn tử tế, được mặc quần áo đầy đủ và đi trên con đường đến tương lai hơn là sự ban phát ngắn ngủi và vô nghĩa.
Tôi đã chứng kiến những người bạn của mình, đến từ những vùng miền khác nhau, răng không thể nào trắng nổi vì lúc bé được cho uống trụ sinh mỗi khi bệnh. Trên vai họ không có những vết trồng trái chủng ngừa như những đứa trẻ thành phố chúng tôi. Những người bạn răng vàng ấy cũng đã từng nhìn thấy pháo hoa nhiều lần trong đời mình, nhưng cũng ao ước rằng phải chi trong đời mình từng được chủng ngừa như chúng tôi. Những ánh sáng pháo hoa mong manh ấy nếu được đổi bằng các liều thuốc cho lũ trẻ hôm qua và hôm nay thì đã có ích biết dường nào?
Quả đúng, là người nghèo, người đói cũng cần được hưởng thụ pháo hoa. Nhưng ít ra cũng không nằm trong một bối cảnh éo le như vậy. Và cũng đừng nguỵ trang cho một năm điều hành xã hội thất bại của các chính quyền địa phương bằng dăm phút pháo hoa. Người nghèo chắc chắn sẽ vui khi nhìn thấy pháo hoa, nhưng đó là một cuộc vui theo ý lãnh đạo, không có quyền lựa chọn thì đó chỉ là gán đặt.
Những người bạn công nhân của tôi vội vã về quê, chắc họ cũng không chờ đón pháo hoa lộng lẫy nơi thành phố. Mà họ chỉ muốn trong vòng tay gia đình, mà dĩ nhiên trong giấc mơ đời của họ, là một gia đình không còn đói nghèo, chứ không phải có đủ pháo hoa.
Cô bạn người Bắc của tôi nhớ hoa đào, nhớ bữa cơm với mẹ. Chắc cô ấy không mong pháo hoa bằng một bữa cơm giao thừa đầm ấm và no đủ cho gia đình mình. Đánh đổi điều ấy bằng pháo hoa – chắc là cô bạn ấy sẽ nói “không”.
Và cũng có khi, niềm vui cho người nghèo đó – như các quan chức vẫn tuyên bố, không hẳn là xác quyết từ một cuộc thăm dò chính thức nào đó, mà chỉ là lời biện minh cho những kẻ muốn được hưởng thụ, nhưng lại thích gán sự thèm khát của mình cho người khác.
Xem thêm…

SẤM ĐỘNG GIỮA TRỜI ĐÔNG

20:21 |
Suốt thời gian qua, dân tình Việt Nam, từ bác nông dân cho tới giới tri thức. Từ thôn quê cho tới thị thành, người ta nín thở theo dõi đại hội XII đảng Cộng Sản tại Việt Nam. Người thì ủng hộ phe này, người ủng hộ phe nọ với những màn đấu đá và suy luận đến ngạc nhiên. Tuy nhiên, theo báo chí thì kết quả đã có và đã có ngài Tổng bí thư.


Dân mong chờ tin ai là Tổng bí thư cho dù mình không có quyền chọn lựa. Mong chờ vì vị trí đó sẽ quyết định tương lai Việt Nam thế nào, đặc biệt trong bối cảnh suy trầm và lệ thuộc Trung Quốc như hiện nay. Dân mong chờ vì muốn biết được sự thật nhưng lại cứ bị úp mở và xỏ mũi. Xỏ mũi từ giới trí thức cho tới bác xe ôm hay anh nông dân ngoài ruộng. Điều đơn giản, sự thật nào để đất nước được tự do và cất cánh thì chưa thấy nhưng thấy tiếng sấm nổ vang trời.

Tiếng sấm nổ vang rền giữa trời đông ngay sau những ngày tuyết rơi trắng xóa với cảnh em bé không mảnh quần. Tiếng sẩm vang trời giữa cảnh con trâu, bạn của nhà nông, gia sản, cơ nghiệp của nhà nông bị tuyết phủ trắng xóa và chết đứng giữa đường. Cơn nổ ấy nổ đúng vào đêm có kết quả của đại hội đảng Cộng Sảng XII.

Ngay khi có kết quả, ông trời đã đau bụng. Suốt đêm 27/1/2016, trời nổi cơn giông và sấm chớp đì đoàng khắp trời Bắc. Cái rét chưa hết mà cơn mưa rào xối xả đã làm đồng ruộng trắng phau với những giọt nước mắt lã chã của nhà nông. Cái rét chưa dứt nhưng con mưa rào đã đổ, đổ mạnh tràn bờ như tiết trời tháng bảy. Thật kỳ lạ, chưa tới tiết cốc vũ hay kinh chập, đúng hơn là chưa lập xuân mà đã có sấm sét và mưa rào. Sấm sét và mưa rào giữa trời đông với cái lạnh vẫn còn đeo bám. Sấm chớp kéo dài suốt đêm 27 cho đến hết chiều ngày 28 mới ngưng. Phải chăng trời đang đau bụng, đang khóc và đang vang lên những tiếng kêu xé lòng. Tiêng trời hay tiếng của người dân Việt.

Ngày trước, khi học triết học, thầy giáo dạy rằng: con người là tiểu vũ trụ trong Đại Vũ Trụ. Vì thế, giữa con người và thiên nhiên đất trời luôn có đồng ứng. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tới và năm tới. Những ngày cuối năm đang dần trôi qua mở màn cho năm Bính Thân 2016 sắp tới. Cùng ngẫm xem chuyện gì sẽ xảy ra. Phải chăng sẽ có động, nhất là trong bối cảnh, thanh niên trai tráng đang được điều động ngày càng gắt gao lên đường nhập ngũ. 

Phải chăng sẽ có động khi người dân Việt Nam tang thương trải qua binh biến liên miên nên cam chịu để được yên bình. 

Phải chăng, sau thời gian chấp nhận sự yên bình thể lý với những cái động trời bên trong nay sẽ động cả trong lẫn ngoài. 

Trời động hay người động!? Cùng gẫm xem từng thế hệ qua đi và gẫm xem những gì sắp tới, nhất là tiếng sấm nổ giữa trời đông trùng hợp trong bối cảnh lạ kỳ này!

Nguồn: tyvhv.blog
Xem thêm…

Chuyện chàng trai sống cùng chiếc tủ lạnh chứa… hài nhi

06:42 |
TMSS: Tạ ơn Chúa vì đức tin của Sơn và những người trong nhóm của em!
------------
Mỗi tuần, nhóm Nguyễn Văn Sơn lượm nhặt được chừng 300 - 400 hài nhi rồi lưu những sinh linh trong tủ lạnh, cuối tuần đem chôn cất.


Chấp nhận cưới mẹ để bảo vệ… con của người ta

Ngày ở Vinh, hễ nghe tin bạn nữ nào trót dại, lỡ mang bầu mà đang có ý định phá bỏ thì bằng nhiều cách, Sơn tìm đến để động viên, an ủi rồi khuyên cô gái ấy giữ lại giọt máu của mình.

Chính bởi nghĩa cử này mà Sơn suýt thành chồng của 1 cô gái mà cậu không hề có tình yêu.

Cô gái ấy bởi tin lời đường mật của bạn trai nên đã hiến dâng tất cả. Biết cô có bầu, gã trai kia quất ngựa truy phong.

Đau đớn, cô gái ấy định cứu vớt đời mình bằng cách giải quyết cái thai lùm lùm trong bụng.

Hay tin, Sơn vội vàng tìm đến nơi cô ta ở trọ. Sau một hồi thuyết phục không thành, Sơn bảo, nếu em sợ không lấy được chồng thì anh sẽ lấy, con em cứ đẻ ra để anh nuôi.

Mấy ngày đầu, cô gái đó cũng chẳng tin nhưng thấy Sơn nhiệt tình chăm sóc, nâng niu nên tin lời Sơn nói.

Sơn chăm người phụ nữ mang bầu này hệt như người chồng hiếm muộn chăm vợ. Để cô gái yên tâm sinh nở, Sơn dẫn cô ta về nhà mình ra mắt.

Bố mẹ Sơn ban đầu phản đối dữ dội. Tuy nhiên, biết tính con, ông bà cũng đành chấp nhận cảnh đất phải chịu giời.

Khi bé trai kháu khỉnh của cô gái chào đời, giữ lời, Sơn rục rịch chuẩn bị mọi thứ cho chuyện trăm năm.



Quá đau đớn trước những hài nhi chết thảm, Sơn chấp nhận đánh đổi hạnh phúc của mình để giữ lại sự sống cho 1 bé trai

‘Thương cô ấy một thì thương đứa bé mười nên em mới liều thế chứ. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị cưới cũng thấy lo lo’, Sơn kể.

Điều Sơn lo lắng là không thể đem hạnh phúc thật sự đến cho cô gái đã đau khổ vì lỡ dở ấy bởi giữa 2 người chưa bao giờ tồn tại tình yêu.

Thấy Sơn thỉnh thoảng ngồi trầm tư một mình, cô gái ấy hiểu ra vấn đề. Một buổi, khi Sơn đi làm, cô ấy đã gói ghém hành lý rồi bồng con ra đi.

Trong lá thư chia tay, cô gái ấy bảo, Sơn là ân nhân của đời cô và cả đời con cô nữa. Nếu không có sự cưu mang của Sơn thì con cô chẳng thể tồn tại trên cõi đời này.

Sơn bảo, sau này, khi kể chuyện của cô gái đó cho 1 người bạn nghe, anh này vô cùng xúc động.

Như duyên số sắp đặt, sau một thời gian qua lại thì người bạn này đã cùng cô gái kia thành vợ thành chồng.

Trộm hài nhi – ‘nghề’ nguy hiểm

Công ty nơi Sơn làm việc chuyển ra khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) chừng hơn 2 năm trước.

Sơn bảo, ra khu công nghiệp này, sau khi ổn định chốn ở, chỗ làm thì việc đầu tiên mà Sơn làm đó là đi ‘khảo sát’ tình hình… nạo phá thai.

Vậy là như lần mới chân ướt chân ráo xuống Vinh, cứ sau ca làm việc thì Sơn lại lọ mọ đến các bãi rác để lượm nhặt hài nhi.

Thấy làm việc một mình thì… quá tải, Sơn đã tìm đến những công nhân đồng hương để họ trợ giúp.



Mỗi lần đi nhặt hài nhi, các thành viên trong nhóm của Sơn đều phải che kín mặt để tránh bị mọi người phát hiện

Sơn tìm cộng sự là những cô gái hiền lành bởi ý nghĩ phụ nữ thì sẵn có tình mẫu tử dù chưa 1 lần làm mẹ.

Nghe Sơn trình bày ý định của mình, ban đầu những cô gái ấy đều giãy nảy.

Thân con gái, đi ra ngoài tối còn giật mình thon thót huống chi đối diện với những sinh linh tội nghiệp mà đa phần thân thể chẳng còn vẹn nguyên.

Rồi kiên trì vận động, hiểu được việc làm cao cả của Sơn, nhiều bạn trẻ đã gật đầu ưng thuận.

Có được những cộng sự, Sơn bắt đầu triển khai kế hoạch của mình. Các bạn gái được Sơn phân công đến bệnh viện, đến các phòng khám tư để vận động xin những hài nhi mà người ta vừa phá bỏ.

‘Có nơi sau vài lần vận động thì họ nghe ra, họ đồng ý cho mình nhưng cũng có nơi nói thế nào họ cũng không chịu, thậm chí đuổi thẳng cổ’, Sơn kể.

Với những nơi không xin được thì Sơn và mọi người quyết định đánh cắp. Cứ khi đêm xuống, khi phòng khám đó đóng cửa đi ngủ, các thành viên trong nhóm của Sơn tìm đến.

Nơi nào phòng khám đó vứt rác thải thì nơi đó có hài nhi, kinh nghiệm của Sơn đã chỉ ra điều đó.

Nhóm của Sơn giờ có hơn chục người. Mỗi người được giao ‘phụ trách’ 1 phòng khám. Chẳng ai bảo ai, cứ quá 12 giờ đêm thì lặng lẽ lấy xe máy lên đường ‘thực thi nhiệm vụ’.

Phi xe đến mục tiêu, vội vàng tấp vào tìm kiếm nếu thấy, hoặc không thấy thứ mình cần tìm thì cũng phải nhanh chóng lên xe dời khỏi hiện trường.

Sở dĩ mọi người phải ‘tác nghiệp’ thật nhanh bởi sợ chủ nhà phát hiện.
Chiếc tủ lạnh Sơn và các bạn bảo quản hài nhi được đặt trong phòng

‘Nếu họ phát hiện ra thì ngay lập tức lần sau họ sẽ vứt hài nhi ở chỗ khác. Như vậy thì lại mất công theo dõi, lần tìm’, Sơn bảo.

Theo lời 1 thành viên trong nhóm của Sơn thì công việc của họ còn hơn cả ‘nghề nguy hiểm’.

‘Đêm hôm khuya khoắt lại ôm khư khư bọc ‘chiến lợi phẩm’ thì ai chẳng nghĩ mình là kẻ xấu. Để người ta bắt được sẽ no đòn’, thành viên này chia sẻ.

Chiếc tủ lạnh chứa linh hồn và những ‘mùa’ phá thai đau đớn

Chừng 1 – 2 giờ đêm thì ‘nhóm đạo chích’ của Sơn trở về ‘đại bản doanh’. Lúc này, họ mới kiểm tra kỹ lưỡng những thứ mà mình lượm được.

Những cô gái vẻ ngoài rụt rè nhút nhát nhưng khi vào việc thì bạo dạn vô cùng. Các cô phân loại những rác bẩn bám theo thi thể hài nhi rồi làm vệ sinh cho những sinh linh tội nghiệp đó.

Khi vệ sinh xong cho các bé, Sơn đặt chúng trước ban thờ rồi thắp nến cầu nguyện. Xong đâu đó thì đặt các bé vào tủ lạnh để bảo quản, tránh côn trùng xâm nhập.

Cuối tuần hoặc khi tủ lạnh đã đầy thì Sơn cùng mọi người vượt mấy chục cây số đưa các bé đến an táng tại 1 nghĩa trang ở Sóc Sơn (Hà Nội).

Sơn bảo, bất cứ đêm nào Sơn và mọi người cũng rơi lệ bởi các hài nhi mà mình tìm được. Có đêm, nhóm kiếm được cả trăm em. Có em đã rõ cả chân tay, mặt mũi.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, công việc của Sơn và các cộng sự cũng có mùa bận rộn. Sơn gọi là mùa bởi những khi ấy, hài nhi bị ném vào thùng rác nhiều hơn.

Theo đó, cứ Trung thu, Valentine, ngày 8/3 qua đi độ hơn tháng thì mọi người tất bật bởi có vô số những hài nhi phải rời xa bụng mẹ.

‘Trung thu là tết thiếu nhi, mà sao người lớn cứ đi chơi nhiều, chơi nhiều rồi lại làm liều…’, Sơn đọc lại bài đồng dao bằng giọng buồn buồn.

Theo Sơn thì những hài nhi xấu số trên đa phần là của công nhân. Sơn khẳng định điều đó là bởi cứ đến cuối tháng, khi các doanh nghiệp đồng loạt trả lương thì lượng hài nhi mà nhóm Sơn tìm được tăng đột biến.

‘Công nhân đa phần là nghèo, chỉ khi có tiền thì họ mới dám đi phá thai thôi’, Sơn chua chát.


Một thành viên của biệt đội ‘trộm’ hài nhi phân loại những thi hài mà mình nhặt được

Bao giờ trong rác hết… người!?

Là công nhân kỹ thuật nên lương của Sơn cao ngất. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, Sơn đã phải nghỉ làm.

Sơn bảo, trước đây, biết việc Sơn đang làm, anh em trong công ty đã tạo điều kiện để Sơn ‘trốn việc’ mỗi khi có ai đó báo ở chỗ này, chỗ kia có hài nhi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bởi lượng việc nhiều nên Sơn không còn được ưu ái nữa.

‘Cũng đã mấy lần em định từ bỏ việc đi tìm hài nhi để tập trung vào công việc nhưng không được. Nói thật, cứ khi em có ý định đó thì đêm không tài nào ngủ được’, Sơn thật thà chia sẻ.

Sơn bảo, Sơn đang tổ chức lại bộ máy hoạt động của nhóm và một vài tháng nữa, khi tất cả mọi thứ đã đi vào ổn định thì cậu lại tiếp tục tìm việc làm.

Theo Sơn, công việc của em có thể chậm vài tháng, thậm chí vài năm nhưng việc đón các sinh linh tội nghiệp kia thì không thể chậm trễ một phút, một giây.

Nằm lẫn trong rác những sinh linh tội nghiệp dễ thành mồi cho chó, mèo hoang dại.

Ở Bắc Ninh, nhiều lần Sơn đã phải đóng vai ông bố bất đắc dĩ. Căn nhà, nơi Sơn và mọi người ở nhiều khi là nơi nương thân của các bà bầu vì tình mà ôm hận.

Tới đây, họ được Sơn và mọi người chăm sóc, chờ cái thai trong bụng khai hoa nở nhụy.


Một nữ công nhân khi có bầu đã được nhóm của Sơn cưu mang và hạ sinh 1 bé gái bụ bẫm

Khi những bà bầu ấy lâm bồn, Sơn lại lóc cóc đưa họ đến bệnh viện. ‘Năm vừa rồi, em dính luôn phải 2 bà đẻ mổ. Khổ, tốn cả mấy chục triệu bạc. Có lần thì em phải cắm xe mới có tiền viện phí’, Sơn kể.

Sơn bảo, đêm nào đi trộm hài nhi, Sơn cũng cố gắng bới tìm thật kỹ để không bỏ xót em nào.

Muốn làm tròn bổn phận của lương tri với các sinh linh bé nhỏ nhưng Sơn luôn ước mình và các thành viên trong nhóm phải về tay không sau đêm ‘tác nghiệp’.

‘Buồn là chuyện ấy vẫn không xảy ra. Đêm nào cũng thấy các bé nằm trong đống rác’, Sơn rầu rĩ.

* Tên nhân vật trong bài đã được đổi theo yêu cầu

Còn tiếp…

Xem thêm…

Copyright ©THT - Được biên soạn và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau - Ghi rõ nguồn:quatangsusong.blogspot.com/ - Khi phát hành thông tin trên trang này
Gx Đaminh | Namkna | Trung Tâm Học Vấn Đaminh | Kho tài liệu hay |