Trung Quốc, chiến tranh, và tình cảm dân tộc (The Diplomat, 28/5/2014)
Dẫn: Bài viết này không trực tiếp phân tích tình hình Biển Đông, mà nói về tâm lý dân tộc của TQ trong những hành động gây hấn trong khu vực. Là một khía cạnh rất quan trọng, nhưng lại thường bị bỏ qua không được phân tích, để hiểu các động thái đã, đang và có thể sẽ có của TQ trong cuộc xung đột hiện nay với VN. Xin giới thiệu đến các bạn.
TS Vũ Thị Phương Anh - Dịch giả bài viết |
----------
TQ, chiến tranh, và tình cảm dân tộc
Phương Anh dịch http://thediplomat.com/2014/05/china-war-and-the-sentiments-of-a-nation/Bản chất của chiến tranh đã thay đổi hoàn toàn từ cách đây hai thế kỷ trước, khi Carl von Clausewitz viết cuốn sách Về chiến tranh (On War), luận án tuyệt vời của ông về chủ đề này. Đối với ông, những hình mẫu tuyệt vời về thiên tài chiến thuật là Napoleon và von Bulow; những kinh hoàng của một cuộc chiến tranh tuyệt đối và cơ giới vẫn còn chưa được nhắc đến. Mặc dù vậy, tác phẩm của von Clausewitz vẫn đưa ra một cái nhìn sâu sắc với sự cộng hưởng của các thời đại và các nền văn hóa. "Chúng tôi có khuynh hướng coi các cuộc chiến trong lý thuyết như là một cuộc thử nghiệm trừu tượng về sức mạnh, mà không có bất kỳ sự tham gia nào của cảm xúc," ông viết, "và đó là một trong hàng ngàn những lỗi lầm của các lý thuyết gia". Clausewitz cho rằng "trái tim và tình cảm của một dân tộc" là một yếu tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh chịnh trị và quân sự của một quốc gia. Trong số các tình cảm cao quý nhất chứa trong trái tim con người trước những sóng gió của một trận chiến, "phải thừa nhận rằng không có gì mạnh mẽ và bền vững hơn sự khao khát của một tâm hồn đối với danh dự và tăm tiếng", ông viết. Chiến tranh là tình cảm và là cảm xúc về đạo đức chứ không phải là sức mạnh cơ bắp, đó chính là thông điệp lớn nhất của ông. Và nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các loại xung đột trên thế giới.
Bất cứ ai quan sát khách quan về phản ứng của TQ đối với VN trong tháng qua mà không hiểu quan điểm của Clausewitz hẳn sẽ cảm thấy rất khó hiểu. Vì có điều gì đó thật phi lý. Trước hết, ngay lúc này đây TQ đang có những vấn đề về an ninh, với nhiều cuộc tấn công liên quan đến vấn đề Tân Cương trong mấy tháng qua. Hơn nữa, TQ đang cùng lúc có nhiều vụ xung đột lãnh thổ kéo dài, trong đó xung đột với Nhật và Philippines là căng thẳng nhất. Ngoài ra, quan hệ của nước này với ngay cả Bắc Triều Tiên cũng đang trong tình trạng xấu, và có những lời đồn đoán rằng TQ đang gây sức ép lên nhà lãnh đạo trẻ có tính cách thất thường của quốc gia láng giềng ở phía Đông Bắc để không xảy ra một vụ thử hạt nhân nữa. Với tất cả những khó khăn này đang xảy ra cả bên trong và bên ngoài đất nước TQ, tại sao họ lại còn tiếp tục gây hấn với các nước láng giềng, và cả cộng đồng quốc tế, một hành động tượng trưng cho sự xâm phạm đến vùng lãnh thổ đang tranh chấp và tạo ra hình ảnh một gã láng giềng hung hăng đang gây sự đến độ ảnh hưởng đến đầu tư của TQ tại VN và phải di tản dân TQ đang làm việc và sinh sống tại VN về nước? Chẳng những không được lợi gì, mà những điều đang xảy ra thậm chí đang ảnh hưởng xấu đến lợi ích của chính TQ nữa.
Nếu chính sách ngoại giao chỉ là một quá trình đơn thuần lý trí, trong đó nguyên nhân và hậu quả luôn nối tiếp nhau một cách suôn sẻ, thì chúng ta có thể dò đoán mục đích chiến lược của Bắc Kinh để có thể hiểu được những bước đi gần đây của nó. Nhưng có lẽ sẽ là khôn ngoan hơn nếu chúng ta quan tâm đến những gì Clausewitz đã viết về khía cạnh tình cảm và đạo đức của chiến tranh. TQ đang trở thành một quốc gia giàu có và (thông qua sự giàu có này) mạnh hơn lên một cách nhanh chóng. Điều này diễn ra trước đôi mắt hoài nghi và ác cảm của phần còn lại của thế giới, những người không thích hệ thống chính trị của nó. Sự sụp đổ của TQ đã được dự đoán nhiều lần trong hai thập kỷ qua, dù có thể nói đa số chỉ là sự mơ tưởng. Vượt qua tất cả những thách thức, Trung Quốc đã vươn lên chiếm ưu thế. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu giờ đây nó cảm thấy có quyền phô diễn sức mạnh của nó, và đẩy lui các nước khác.
Hãy thêm vào những điều ấy sức nặng của ký ức. Sự kiện của cách đây 75 năm đôi khi vẫn mới như ngày hôm qua trong tâm lý của người Trung Quốc. Những người trẻ có thể không biết nhiều về các chi tiết của thời kỳ chiến tranh từ năm 1932 trở đi, nhưng những tạp âm trên truyền thông xã hội của Trung Quốc đã chắc chắn gây cho họ sự tức giận và cảm xúc về thời gian ấy. Lãnh đạo Trung Quốc có thể gặp những vấn đề khi muốn tạo ra sự thống nhất về chính sách xã hội bên trong đất nước, nhưng tất cả các bằng chứng đều chỉ ra một thực tế là khi họ đưa hình ảnh quân đội và những người lính thực hiện các hoạt động như họ đang làm ở vùng biển Hoa Nam (biển Đông), thì công chúng luôn đứng về phía họ, và lúc ấy có sự tinh thần thống nhất chói ngời ngự trị trên cả nước. Có nhà lãnh đạo lại không muốn khai thác điều này hay không, vào một thời điểm mà đất nước đang có quá nhiều vấn đề khó khăn và gây tranh cãi khác?
Biết đến tình cảm của công chúng về những nỗi oán hận trong lịch sử cũng như sự thất vọng do không mấy ai quan tâm đến vị thế quốc tế của đất nước là một chuyện. Nhưng cần phải có những lãnh đạo mà nếu nói theo lời của Clausewitz là phải có năng lực đạo đức và trí tuệ sâu sắc để có thể điều hướng tình cảm này một cách hiệu quả, chứ không phải là để cho nó bị xô đẩy đến những cuộc đụng độ bất ngờ mà kết quả có thể hoàn toàn không có lợi cho họ. Cảm xúc và tình cảm của công chúng là những đồng minh mạnh mẽ trong một cuộc xung đột - thậm chí kể cả khi cuộc xung đột ấy là giả mạo.
Nhưng nếu có bất kỳ một chiến lược gia nào tại Bắc Kinh bị cám dỗ để thử tạo ra một cuộc đụng độ quân sự dọc theo biên giới hàng hải, thì họ cần một lần nữa đọc lại nhà lý luận vĩ đại người Đức này. Clausewitz đã viết rằng điều tối cần thiết trong quân sự, một lĩnh vực hoạt động đầy rủi may, là phải có một quân đội "đày dạn chiến trường" - được rèn luyện thực sự trong chiến tranh, và sử dụng những kinh nghiệm của chính mình hơn là lý thuyết. Và ở đây việc liên hệ đến Việt Nam sẽ là một lời cảnh tỉnh. Lần cuối cùng các lực lượng Trung Quốc có bất kỳ kinh nghiệm chiến đấu đáng kể nào chính là vào năm 1979 trong cuộc đụng độ với Việt Nam. Cuộc chiến ấy đã kết thúc thất bại. Hiểu rõ về tình trạng thiếu kinh nghiệm thực tế của kinh nghiệm quân đội TQ cũng có nghĩa là, dù cho TQ rất ồn ào và đe dọa, nhưng chỉ trong những trường hợp đặc biệt nhất thì lãnh đạo Trung Quốc mới thực sự nhấn nút cho cuộc xung đột. Và điều đó đối với tất cả chúng ta, những người dù đang ở bên trong hay bên ngoài Trung Quốc, là một tin hết sức tốt lành.
0 Nhận xét