Đẹp Thay Bước Chân Người Sứ Giả
Chia sẻ của một giáo dân, từ câu chuyện lịch sử và những bước chân Đa Minh trên quê Việt...
Sách sử ghi lại, năm 1533, có người Tây tên là Inekhu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ huyện Giao Thủy.
Và, tiếp theo dấu chân của những nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam đó là hai linh mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) cũng từ Malacca tới, suốt 6 năm đi truyền đạo tại Quảng Nam đời Chúa Nguyễn Hoàng vào thời gian 1580-1586.
Vì số tín hữu tân tòng tiếp tục gia tăng, việc truyền giáo đòi hỏi rất khẩn trương tại đất nước Việt Nam. Ðức Cha Phanxicô Pallu đã kêu gọi các nhà truyền giáo để lo công việc cấp bách này.
Từ Manial, Giám Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo Felipe Pardo, O.P. đã phái hai Linh Mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona đi lối Trung Linh (Bùi Chu) lên Phố Hiến (Hưng Yên) ngày 7/7/1676.
Năm 1693 Giám Mục Deydier qua đời, Ðức Cha De Bourges xin Tòa Thánh trao giáo phận này cho Dòng Thánh Ða Minh, vì từ 20/8/2679 tất cả số nhân sự của Dòng đã tập trung về đây.
Cha Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo sát nhập các cơ sở truyền giáo của Hội Dòng tại Bắc Việt hồi đó vào Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Mân Côi tại Phi Luật Tân. Từ Nhà Tổng Quyền S. Sabina (tại Roma) cha Raimondo Lezoli, O.P., được Thánh Bộ Truyền Giáo đề cử sang tiếp tay với cha Juan de Santa Cruz hồi đó đang ở Trung Linh, về sau Tòa Thánh yêu cầu ngài chính thức lãnh trách nhiệm tất cả miền Ðông.
Ngày 2/2/1702 tại Kẻ Sặt cha Raimondo Lezoli được thụ phong Giám Mục tiên khởi của Dòng Ða Minh tại Bắc Việt. Nền móng vững chắc Ða Minh đã được xây dựng trên mảnh đất Việt Nam, và một trong những hạt giống Dòng Thuyết Giáo đã gieo sâu trong lòng dân tộc bản xứ, tức là sự tôn sùng tràng hạt Ðức Mẹ Mân Côi vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Ngày 18/3/1967, tức 291 năm sau (1676-1967), Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez tuyên bố: thành lập Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo riêng biệt với danh hiệu Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.
Từ ngày ấy, bước chân người sứ giả của Dòng Anh Em Thuyết Giáo lại rảo bước trên mọi nẻo đường.
Như nhiều cha thừa sai khác đã đổ máu, đã nằm xuống trên quê hương Việt Nam thân yêu thì các cha Dòng Anh Em Thuyết Giáo cũng thế. Đó là sứ vụ, đó là nét đẹp, đó là điểm son của cuộc đời truyền giáo. Truyền giáo là đồng thân đồng phận với người nghèo, đồng thân đồng phận với những anh chị em mà mình được sai đến và đẹp nhất là gửi trao cả cuộc đời, trao cả mạng sống mình nơi mình được gửi đến.
Dòng máu tử đạo đã nhuốm màu trên cánh đồng truyền giáo trên quê hương Việt Nam thân yêu cũng có dòng máu của Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Trong 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam, có 5 linh mục của Dòng Anh Em Thuyết Giáo.
Dòng máu tử đạo, dòng máu truyền giáo đã thấm, đã chuyển vào trong từng thành viên Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Mỗi người một sứ mạng, mỗi người một công việc … Tất cả đều nhắm vào việc truyền giáo, nhắm vào việc xây dựng xã hội, con người ngày tốt đẹp hơn như lòng Chúa mong muốn.
Hòa nhập với thời đại, hợp với dòng chảy của Giáo Hội, Dòng Anh Em Thuyết Giáo cũng đã có nhiều sinh hoạt thu hút cũng như nâng cao đời sống của tín hữu như các huynh đoàn dòng Ba Đa Minh, sinh hoạt giới trẻ, mục vụ, lưu xá sinh viên … Và đặc biệt hơn nữa, sống sứ vụ truyền giáo cùng với Giáo Hội, Tỉnh Dòng đang vươn ra các tỉnh miền Bắc và qua các nước bạn Lào, Thái Lan …
Để hội nhập văn hóa, để hội nhập đời sống với cộng đồng nơi xứ lạ quê người không phải là chuyện giản đơn. Những bước đầu chập chững sống truyền giáo ở môi trường mới gặp rất nhiều thử thách gian nan. Có thể nói rằng không phải ai cũng làm được dẫu rằng bên ngoài nhìn thấy như “dễ nuốt”. Cả một hành trình thử thách và cam go mở ra trước mắt cho người truyền giáo.
Như mọi người đã biết, ngày 2 tháng 6 năm 2014, ngày nằm xuống của Cha Giacôbê Vũ Văn Hanh cũng là ngày ghi dấu đức tin của Dòng Anh Em Thuyết Giáo - Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam – trên mảnh đất Thái Lan thân yêu.
Cha Giacôbê ra đi trên đường thi hành sứ vụ mục tử của mình. Cha ra đi cùng với các bạn nghèo, cha ra đi cùng với những người di dân đang tìm mưu sinh nơi chốn tha thương.
Một cái chết, một sự ra đi bên ngoài là đau đớn, là mất mát lớn nhưng lại là dấu ấn, là cuộc đời của người truyền giáo.
Nét đẹp của cha Giacôbê là Cha đã sống đồng thân đồng phận với những con người nghèo, nghèo thật sự chứ không phải nghèo trên danh nghĩa, nghèo trên giấy tờ. Cha đã cùng ăn, cùng ở, cũng sống với những người vì hoàn cảnh phải tìm kế sinh nhai ở đất khách quê người. Cha đã hòa nhập, cha đã sống với người nghèo và cha đã chết với người nghèo.
Cuộc đời của Cha Giacôbê như là tấm gương của sứ vụ truyền giáo. Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng. Còn nhiều và còn nhiều Giacôbê khác của Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam đang sống trên nhiều nẻo đường truyền giáo.
Tin rằng nhờ ơn Chúa cũng như lời chuyển cầu của Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là nguồn trợ lực cho sứ vụ truyền giáo của Dòng Anh Em Thuyết Giáo trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.
Tuệ Mẫn
0 Nhận xét