Chú giải của Noel Quesson
Phải
mất ba thế kỷ, các Công đồng của Giáo Hội mới định nghĩa chính xác Ba
Ngôi. Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, mọi sự đã được đem đến trong Tin Mừng,
đặc biệt là Tin Mừng của Thánh Gioan. Cuộc đàm thoại với Nicôđêmô mà
chúng ta đọc hôm nay là một đoạn trích ngắn, thật sự đã làm cho chúng ta
khám phá một điều gì đó chủ yếu: “tranh luận” hẳn là không đi tới đâu,
phải đi theo Đức Giêsu và dấn thân với Người. ông Nicôđêmô đại diện cho
các môi trường trí thức Do Thái ông là bậc thầy trong dân Israel (Ga
3,10)… Tuy nhiên ông không hiểu! trước tiên Ba Ngôi không phải là một
vấn đề hóc búa của trí tuệ mà một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình
yêu! Và tình yêu này mang một khuôn mặt: Đức Giêsu trên thập giá. Gioan
là tông đồ duy nhất đã dám đối mặt với cảnh tượng ấy của tình yêu điên
rồ của Thiên Chúa, khi tham dự vào bi kịch trên đồi Golgotha, cả cuộc
đời Ngài, thánh Gioan đã suy niệm trước Đức Giêsu “được gương cao” khỏi
mặt đất trước mắt Ngài. Thánh Gioan đã nói với chúng ta sự suy niệm ấy.
Đồng thời nó cũng là chân lý sâu xa nhất về căn tính của Đức Giêsu.
“Thiên Chúa yêu đến nỗi…”
Trước khi đi xa hơn trong câu này, tôi để cho những chữ ấy thấm vào người tôi.
Vậy ra đây là vấn đề tình yêu. Và một tình yêu sẽ làm những chuyện điên rồ người ta đã đoán ra điều đó trong trạng từ “đến nỗi”…
Israel
biết rằng Thiên Chúa yêu thương. Toàn bộ Cựu ước là một chung cư về
điều đó. Bài đọc đầu tiên cho chúng ta nghe lại mặc khải với Môsê trong
sa mạc Sinai:”Ta là Đức Chúa Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay
nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,4-9). Vâng, toàn bộ Kinh
Thánh đều biết tình yêu của Thiên Chúa nhưng không một ai có thể đoán
được tình yêu ấy đi tới mức nào?
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…”
Từ
thế gian mà trong tiếng Hy Lạp là “kosmos”, trong Tin Mừng Thánh Gioan
thường có nghĩa xấu, ở đây cần biết rằng thế gian, toàn vũ trụ được
Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương thế gian mà Người đã làm
ra. Người ta thương yêu cái gì mình đã làm ra. Nhưng cần biết rằng Thiên
Chúa yêu thương mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương một ‘anh nọ’ và một
‘chị kia’. Và tôi đặt những khuôn mặt cụ thể được yêu thương hoặc
không… trên những từ ấy. Thiên Chúa đã yêu thương anh X. đến nỗi… Thiên
Chúa yêu thương chị Y đến nỗi.
‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nối đã ban…”
Hai
động từ này: ‘yêu’ ‘ban’ ở thì quá khứ bất định trong ngôn ngữ Hy lạp
và dịch thì quá khứ trong tiếng Pháp (trong tiếng Việt là “đã yêu” và
“đã ban”). Thiên Chúa đã yêu và đã ban. Đây là một hành động chính xác,
có ngày giờ nơi chốn. Quả thật! Đức Giêsu Nagiaret con của Bà Maria, con
người thật đã can thiệp vào lịch sử cách nay hai mươi thế kỷ trong một
xã hội của Đế quốc La mã đồng thời đó cũng là một biến cố của hoàn vũ đã
biến đổi triệt để lịch sử của nhân loại. Kinh Tin Kính của chúng ta
không phải là một chuỗi các ý tưởng, nhưng là một chuỗi “sự kiện”: Thiên
Chúa đã sáng thế, Đức Giêsu đã được trinh thai bởi Chúa Thánh Thần;
Người đã đau khổ, đã chết đã sống lại…
Phụng
vụ của chúng ta không phải là những ngày lễ các ý tưởng: Chúng ta không
mừng lễ công lý, tình huynh đệ và cả đức tin. Cách nói: “lễ đức tin tạo
ra sự lẫn lộn. Tin Mừng không phải là sách bàn về học thuyết, là một
“tường thuật kể lại các biến cố… mà tác giả là Thiên Chúa. Chính Thiên
Chúa là “chủ thể” của hành động: Người yêu… Người ban…
“Người đã ban Con Một…”
Nếu
đọc lướt qua nhanh câu này, người ta có thể chỉ nghĩ đến sự Nhập Thể:
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người! Nhưng có một tính từ nhỏ:
Con “Một” tính từ ấy xem ra có thể tầm thường với bất cứ người nào không
biết Kinh Thánh. Vả lại, đối với thính giả Do Thái, hai từ ấy (Con, Con
Một) nhắc đến một đoạn văn của Cựu Ước trong trí nhớ của mọi người: vị
đại tổ phụ sáng lập đức tin, Abraham đã chấp nhận hiến tế con trai, con
duy nhất của ông (St 22,2-22,16). Đối với Gioan điều này ám chỉ đến sự
“tận hiến” trên đồi Golgotha, chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Trong
một câu trước, Gioan đã nói với chúng ta rằng: “Con Người phải được
giương lên như con rắn đồng trong sa mạc” (Ga 3,14). Thánh Phaolô cũng
đã viết: ‘Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã
trao nộp vì hết thảy chúng ta” ( Rm 8,32). Tình yêu ấy là vô cùng tận!
sự điên rồ của tình yêu.
“Để ai tin vào con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên
Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến
đến từ phía Người. Nhưng như chúng ta biết rõ, để có tình yêu, nếu chỉ
có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía
chưa đủ … mà phải có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả, … đức tin là lời
đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa: người
ta trao đức tin cho người khác, người ta làm cho người ấy tin tưởng, tín
thác cho nhau, người ta được “đính hôn”!
Cái
được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống:
“ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Đó là một song
luận khắc nghiệt: hoặc là …hoặc là.. đó là một chọn lựa quyết định:
trong trường hợp này người ta không sống, trong trường hợp kia người ta
được sống… không có con đường trung bình mà là sự phân đôi triệt để khốc
liệt. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự
sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc người ta ở lại với nhân
tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả
quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa.
Và theo nhà văn Bernanos, Xatan muốn làm chúng ta trở thành “Ông Ouinn”…
là ông vừa nói “có” (oui) và “không” (nn.. non) ông nước đôi đó nói
“có” khi bắt đầu nói “không”.
“Quả
vậy Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế
gian, nhưng để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”.
Tư
tưởng này của Đức Giêsu rất cách mạng. Trong đạo Do Thái cùng thời với
Đức Giêsu , người ta thường loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt
thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qumran chứa đầy quan niệm ấy của phái
Manikêu: con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của bóng tối trong
một cuộc chiến đấu một mất một còn, không khoang nhượng. Gioan Tẩy Giả
gần với tâm thức đó, cũng chờ đợi một Đấng Mêsia trả thù và xét xử (Mt
3,10-12).
Nhưng
quan điểm của Kitô giáo về thế gian thì hoàn toàn quân bình hơn. Không
phải là một quan điểm lạc quan, bịt mắt trước sự xấu ác và không nghe
thấy khát vọng bao la về một “thế giới tốt đẹp hơn”… cũng không phải là
quan điểm bi quan luôn luôn lặp lại rằng thế giới thì xấu xa… nhưng là
một quan điểm “cứu độ” thừa nhận sự xấu ác của thế gian nhưng không phải
lên án nó, nhưng để cứu nó! Đức Giêsu cứu thế thật tuyệt vời!
Còn
chúng ta thì sao? có phải chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu ấy
không? chúng ta có yêu thương thế gian như Thiên Chúa không? nghĩa là
bằng sự đấu tranh chống lại điều ác và tội lỗi của thế gian để cứu độ
nó. Tình yêu thương của chúng ta có tính “cứu chuộc” không? nghĩa là
trước hết phải thực hiện và sáng suốt trên những khuyết điểm và tội lỗi
của anh em chúng ta (cả chúng ta nữa) bị lệch lạc méo mó nhưng chúng ta
cũng phải có đủ lòng nhân hậu để cứu giúp họ ra khỏi tình trạng ấy và
ban cho họ cơ hội để đổi mới…
Tôi còn phải cầu nguyện nhiều về hai từ: ‘không nên đoán xét’ mà hãy ‘cứu’.
“Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…”
Đối
với Đức Giêsu, đức tin thoát khỏi sự phán xét. Như thể sự phán xét đã
“hiện đại hoá” vào ngày hôm nay, và đặt vào đôi tay của con người: chính
con người tự phán xét mình. Và Đức Giêsu nói rằng đức tin là sự phán
xét ấy: “ai tin là người được cứu, còn ai không muốn tin đã bị lên án
rồi…”
“Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi”.
Chúng
ta thấy những lời này rất nghiêm khắc, bởi vì chúng ta nghĩ đến bao
nhiêu người không tin, trong vòng bà con hoặc trong chính gia đình chúng
ta, và trong thế giới bao la đó những nền văn minh lớn hoàn toàn không
có được khả năng biết Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ
ra khỏi Tin Mừng các công thức căn bản ở đó con người bị thúc bách phải
chọn lựa “theo” hoặc “chống”…”có” hoặc “không”…tuy nhiên phải có sự phân
biệt chủ yếu:
1.
Khi gởi đến các Kitô hữu đã thật sự tuyên xưng đức tin, thì lời cảnh
báo nghiêm khắc ấy tức là không được chối bỏ đức tin mà mình đã tuyên
xưng là một lời mời gọi không ngừng lặp lại sự tuyên xưng ấy bằng cách
mỗi ngày canh tân sự chọn lựa sống theo Đức Giêsu Kitô của mình: nghĩa
là “phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!”.
2.
Về phần mọi người khác, chưa bao giờ có cơ hội chọn lựa Đức Giêsu một
cách thật sự có ý thức, cá nhân là trưởng thành… thì điều mà chúng ta
biết về tình yêu Thiên Chúa (Đấng đã sai Con của Người đến thế gian
không phải để lên án thế gian mà để cứu độ nó), cho phép chúng ta hy
vọng rằng nhiều người trong số những người thực tế ‘không theo Đức Giêsu
cũng đã theo Người dù họ không biết điều đó (và quả là thiệt thòi cho
họ) bằng cách sống làm người của họ “theo Đức Giêsu Kitô” nghĩa là “phó
dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!”
“Vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”
Và
một lần nữa chúng ta biết chọn lựa ấy khẩn thiết như thế nào… ngay từ
bây giờ. Nhưng trong một đoạn văn song song khác, Đức Giêsu sẽ nói rằng
một “kỳ hạn của ân sủng” sẽ được ban cho con người, bởi vì chỉ đến ngày
sau hết mà “lời của Đức Giêsu sẽ xét xử những kẻ từ chối Người (Ga
12,47-50). Điều đó không loại bỏ sự khẩn thiết của ngày hôm nay… nhưng
tất cả đời sống của chúng ta mỗi ngày là sự phán xét của chúng ta…
Để
kết thúc sự suy niệm này, chúng ta biết rõ hơn tại sao trang Tin Mừng
này được chọn cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba
Ngôi không phải là một vấn đề mà người ta đề cập như một sự trình bày lý
thuyết và trừu tượng… đó là một thực tại của tình yêu người ta bước vào
thực tại ấy để sống tình yêu ngay từ HÔM NAY bởi đức tin trong Đức
Giêsu.
Một Tình Yêu không thể tin được - Lm PX Vũ Phan Long, ofm
1.- Ngữ cảnh và Bố cục
Sách các Dấu lạ của TM IV
(2,1–12,50) nói về các dấu lạ lồng vào một cái khung thời gian nhằm
giới thiệu chân tính của Đức Giêsu, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Cuộc
đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô (3,1-21) nằm trong phần đầu
(2,1–4,54), phần này có bố cục như sau:
A
(2,1-11.12) : Khởi đầu các dấu lạ tại Cana miền Galilê: biến nước
thành rượu (c. 12 là câu chuyển tiếp [nói về thời gian
và không gian]sang đoạn sau).
B
(2,13-22.23-25 +) : Thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem và đối
thoại với người Do-thái về Đền Thờ mới (cc. 23-25 là những câu “làm cầu”
nối 2,13-22 với 3,1-21).
C (2,23-25; 3,1-21) : Đối thoại với Nicôđêmô về việc sinh bởi trên cao và diễn từ về việc có sự sống vĩnh cửu.
C’(3,22-36; 4,1-3
+) : Đối thoại của Gioan Tẩy Giả với các môn đệ ông về chú rể đến từ
trên cao và diễn từ về sự sống (Đoạn 3,22-24 là dẫn nhập chuyển tiếp.
Đoạn 4,1-3 là những câu “làm cầu” nối [vì kết] 3,22-36 với [vì chuẩn bị
cho] 4,4-42; đoạn này minh nhiên quy chiếu về 3,22-23 và hướng tới
4,43-45).
B’(4,1-3.4-42) : Đối thoại với người phụ nữ Samari về việc có nước hằng sống và việc phụng tự đích thật.
A’(4,43-45.46-54)
: Dấu lạ thứ hai tại Cana miền Galilê: chữa con trai một quan chức nhà
vua (cc. 43-45 là đoạn chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian] từ
4,4-42 sang 4,46-54).
Chúng
ta thử xác định cấu trúc của phân đoạn 3,1-21 (nhờ đó, có thể biết vị
trí của cc. 14-21). Về hình thức bản văn, chúng ta ghi nhận rằng
Nicôđêmô có nói ba lần ở cc. 2, 4 và 9. Đáp lại ba câu nói của ông, Đức
Giêsu trả lời bằng công thức long trọng, “Thật, tôi bảo thật ông” (cc.
3, 5 và 11; đi trước c. 11 là một nhận xét đối-thủ-luận [ad hominem]).
Ba câu trả lời của Đức Giêsu cứ mỗi lần mỗi dài hơn. Về phương diện tư
tưởng, có những liên hệ đến Ba Ngôi: các lời Đức Giêsu nói ở cc. 3-8
liên hệ đến vai trò của Thần Khí; những lời ở cc. 11-15 liên hệ đến Con
Người; những lời ở cc. 16-21 liên hệ đến Thiên Chúa Cha. Nếu tổng hợp
hai phương diện hình thức và tư tưởng, chúng ta có thể xác định bố cục
của 3,1-21 như sau:
* Câu 3,1: Dẫn nhập cho toàn bài (nối 2,23-25 với ch. 3).
1. Phân đoạn 1
(cc. 2-8): Sinh ra bởi trên cao nhờ bởi Thần Khí là điều cần thiết để
được đi vào trong Nước Thiên Chúa; sinh ra bởi tự nhiên thì không đủ.
(a) cc. 2-3: Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: sự kiện sinh ra bởi trên cao.
(b) cc. 4-8: Câu hỏi và câu trả lời thứ hai: cách thức sinh ra – nhờ bởi Thần Khí.
2. Phân đoạn 2
(cc. 9-21): Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi Con đã lên
cùng Cha, và điều này chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Giêsu.
- cc. 9-10: Câu hỏi và câu trả lời thứ ba dẫn nhập vào toàn phân đoạn.
(a) cc. 11-15: Con phải lên cùng Cha (để ban Thần Khí).
(b) cc. 16-21: Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết để được hưởng nhờ ân huệ này.
Theo R.E. Brown, tác giả TM IV đã để lại một vài dấu chỉ giúp khám phá ra lược đồ ngài theo để tổ chức bản văn.
Phân đoạn 1 bắt đầu với lời khẳng định của Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư” (c. 2); câu này được đặt trong thế cân bằng với mở đầu của Phân đoạn 2 với lời Đức Giêsu, “Ông là bậc thầy (tôn sư) trong dân Israel, … chúng tôi nói những điều chúng tôi biết” (cc. 10-11).
Ngoài cách bố cục thành hai phân đoạn, dường như toàn bài được viết theo kỹ thuật đóng khung (bằng các ý tưởng cùng một trường ngữ nghĩa):
(a)
Bản văn bắt đầu với việc Nicôđêmô đến với Đức Giêsu ban đêm; bản văn
kết thúc với đề tài người ta phải bỏ bóng tối để đến với ánh sáng.
(b)
Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị tôn sư
từ Thiên Chúa mà đến; phần cuối của bản văn cho thấy rằng Đức Giêsu là
Con Một Thiên Chúa (c. 16) mà Thiên Chúa đã sai đi vào trong thế gian
(c. 17) như là ánh sáng cho thế gian (c. 19).
(c)
Nếu chúng ta coi 2,23-25 như là phần mở đưa vào “xen” Nicôđêmô, chúng
ta lại có một bản văn đóng khung khác: ở 2,23, chúng ta đã nghe nói đến
những người “đã tin vào danh Người”, nhưng niềm tin của họ không thỏa
đáng vì họ không đến để thấy Người là ai; ở 3,18, chúng ta thấy lời Đức
Giêsu nhấn mạnh rằng ơn cứu độ chỉ được ban cho những ai “tin vào danh
của Con Một Thiên Chúa”.
2.- Vài điểm chú giải
- Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.
- ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15): Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
- Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapaô ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapaô
được diễn tả ra thành hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên
Chúa được bày tỏ ra trong cuộc Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.
- đã ban (16): Đông từ didomi
không chỉ nhắm đến cuộc Nhập thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c.
17), nhưng nhắm đến cả cuộc đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương
cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ này tương tự với paradidomi, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didomi ở Gl 1,4.
- Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellô này song song với “ban” (didomi)
ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng có cặp động từ này, “sai” và
“ban” ở 14,16.26. Gioan dùng hai động từ có nghĩa là “sai phái” có vẻ
không phân biệt: pempô (26 lần) và apostelô (18 lần).
- Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc từ đi theo) trong Ga thì hầu như song song với cụm từ “Con Người” theo truyền thống Nhất Lãm.
- không phải để lên án thế gian
(17): Câu này xác định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận
khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga 4,42; 1 Ga
4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian
này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ
thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất thiết đưa loài người
đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người,
là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược lại,
từ chối tin vào Người.
- được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).
- vì đã không tin (18): Mê pepisteuken ở thì hoàn thành (perfect) có nghĩa là “đã và vẫn không tin”, một thái độ cứng lòng tin kéo dài.
- tin vào danh (18): “Danh” chính là bản thân Đức Giêsu.
- làm điều ác (20): Kiểu dùng động từ “làm” với “điều tốt”, “sự thật”, hoặc “điều xấu” (xem cc. 20.21) là một kiểu nói Sê-mít.
3.- Ý nghĩa của bản văn
* Con phải lên cùng Cha (11-15)
Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một
khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên Chúa ban trong bí tích Rửa Tội, nhờ
quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong khởi đầu mới này, chúng ta
không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên Chúa (x. 1 Ga
5,1). Thế nhưng đức tin chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu
cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa
đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi
Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa
và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không
qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của chính
bản thân chúng ta.
Làm
thế nào để tránh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống
chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng
qua sa mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds 21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con
rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy
thì được sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm
tội, Thiên Chúa đã đặt định rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là biểu tượng của
ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng Chịu Đóng Đinh
là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương
toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một
cường độ và một chiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta
phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn
chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho
chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Ngài.
* Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết (16-21)
Thiên
Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài
quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta
vẫn ở trong tình trạng bấp bênh: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ
không cần chúng ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta
phải mở ra với sự ân cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ
lùng ấy, phải tin vào Con Thiên Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta
xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên
Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự
đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và
sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.
Điều cần thiết này có vẻ hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện
tượng lạ lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c.
19). Có những lý do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối;
những lý do này nằm nơi lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự
nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều thiện thì mới dám ra trước ánh sáng,
người ấy không có gì phải che giấu. Chúng ta không thể coi nhẹ tầm quan
trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều thiện”, đó là những gì
chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng nghe Ngài, chân
thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì chúng ta
làm không theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa,
nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng
mình, thậm chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì
khép lại với Thiên Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận
được mạc khải xán lạn về tình yêu của Ngài. Không nghiêm túc quan tâm
đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao có thể tin vào tình yêu của Ngài?
Chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa rời khuynh hướng ích kỷ và
làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa!
Ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra với ánh
sáng của tình yêu Ngài.
+ Kết luận
Chỉ trong mấy câu Ga
3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được khẳng
định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ
tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ
đại và trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né
mà nói rằng Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mây trên gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa rất thực hữu!
4.- Gợi ý suy niệm
1.
Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm
sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người
mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của
người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và
sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành
thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định
mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi
đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận
của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay
từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng
hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).
2.
Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái
ân cần săn sóc khác, Chúa Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá
trị tối cao được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm
đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho từng người biết con đường
đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến
cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.
3. Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu
nhiệm rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên
Chúa không mạc khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải
tuyên xưng các dữ kiện của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước
rất giới hạn và phiến diện, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn
của Đức Giêsu Kitô.
4.
Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã
được mạc khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách
ban Thánh Thần cho chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl
4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái
mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần ban cho. Thánh Thần đối
nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục
(3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con Một của Ngài đến với chúng ta, để Người
Con cứu chúng ta bằng cách thông ban Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp
ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).
st
0 Nhận xét