Bà Phạm Chi Lan:Việt Nam tự lệ thuộc Trung Quốc thế nào?
(Doanh nghiệp)
- Tìm kiếm kênh mới, bỏ tư duy làm ăn
kiểu dễ dãi và nâng giá trị, chất lượng sản phẩm mình có là cách để Việt
Nam thoát Trung dễ dàng.
Chia sẻ với Đất Việt trước
hàng loạt các ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải bước ra khỏi sự
lệ thuộc đối với Trung Quốc, nhất là trong tình hình căng thẳng trên
Biển Đông hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thằng là: có
nhiều kênh để làm ăn, tạo điều kiện để Việt Nam nâng giá chính mình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trong một số trường hợp vừa qua chính mình đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc Trung Quốc |
Việt Nam tự đặt mình vào thế lệ thuộc
PV: - Thưa
bà, thời gian gần đây có nhiều ý kiến nhắc tới việc nền kinh tế của
Việt Nam phải tìm cách để thoát khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc. Thế
nhưng thời gian qua thực tế tỉ trọng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt
Nam thấp nhưng lại chiếm ở những ngành trọng điểm. Còn về xuất khẩu với
các lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động nhưng vẫn bị lệ thuộc
Trung Quốc (xuất khẩu gạo, nông sản...). Theo bà điều này có thể lý giải
như thế nào?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: -
Tôi cũng đã nói trong một số trường hợp vừa qua chính mình đã tự đặt
mình vào vị thế lệ thuộc khi mà các dự án phải dùng tổng thầu EPC đưa ra
đấu thầu thì rút cục là hấu hết các dự án rơi vào tay Trung Quốc.
Tại
sao vậy? Trước hết là chính quy định của mình trước đây là khi đấu thầu
lại chú trọng yếu tố giá cả là số một. Do vậy khi người ta dùng xảo
thuật chào với giá thấp nhưng mà không biết sẽ đảm bảo chất lượng như
thế nào. Họ đã làm mù mờ các điều kiện kỹ thuật mà chỉ nhấn mạnh điều
kiện về giá cả. Rồi chúng ta lao theo và quyết định đưa vào. Bằng cách
đó chúng ta đã đưa tất cả những dự án này vào tay người Trung Quốc.
Bây
giờ Nhà nước đã chỉnh lại. Luật đấu thầu sửa đổi trong đó tiêu chuẩn số
một là phải đáp ứng về chất lượng. Cái đó quá quan trọng. Những công
trình lớn hàng trăm triệu đô la thì yêu cầu số 1 phải là chất lượng chứ
không phải là giá cả rẻ.
Chúng ta hãy nhìn trên thế
giới, sẽ không có sản phẩm chất lượng cao mà giá rẻ đâu. Chúng ta đừng
so sánh như vậy. Nếu mình đặt địa vị mình là người tiêu dùng cuối cùng
thì cũng không ai đi mua hàng độc hại với giá rẻ trong khi chọn lựa ăn
ít hơn nhưng dùng hàng chất lượng cao hơn.
Đối với
nền kinh tế quốc gia cũng vậy. Trước đây mình có những chính sách không
rõ ràng. Luật trước đây có những kẽ hở tạo điều kiện cho người dự thầu
các dự án được chọn cuối cùng thì lấy tiêu chuẩn giá là số 1. Vì vậy các
công ty của Trung Quốc nhiều khi thắng được các công ty của Pháp, Đức,
Nhật Bản khi chọn làm tổng thầu cho Việt Nam.
Hai
nữa là cơ chế giám sát. Thực sự nhà nước sau đó nhiều khi buông giám sát
để cho chủ đầu tư làm là chính. Song nói thật nếu không có đủ cả trình
độ lẫn đạo đức dễ bị bịt mắt nhận những sản phẩm tồi mà không biết đánh
giá như thế nào.
Còn về vấn đề đạo đức cứ có một số
tiền lại quả nào đó là cho qua hết cho những cái yếu, cái tồi (thậm chí
vi phạm hợp đồng)… chọn cho lợi ích riêng của mình.
Phải thoát khỏi kiểu làm ăn dễ dãi
PV: - Vậy theo bà vấn đề mấu chốt để thoát Trung là gì?
Chuyên gia Phạm Chi Lan:
- Để thoát Trung trước hết tự bản thân mình phải xem lại mình điều
chỉnh cách thức phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại của mình. Lâu nay
phải nói rằng chiến lược của Việt Nam đi rất đúng đường. Chúng ta đàm
phán tham gia vào WTO, gia nhập một sân chơi toàn cầu và một loạt các
hiệp định với các đối tác quan trọng.
Hiện nay thì
ai cũng biết Việt Nam đang đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương
(TPP) để tham gia vào khối kinh tế trong đó chỉ có 12 nước tham gia
nhưng lại chiếm một lượng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư rất
lớn. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Chúng ta
cũng đàm phán với Liên minh châu Âu hiệp định FTA gồm có 28 quốc gia.
Hiệp định này có điều kiện tương tự như TPP nhưng cao cấp hơn, đòi hỏi
chặt chẽ hơn, kể cả về cải cách thể chế nhưng tạo cơ hội cho Việt Nam
nhiều mặt. Nó không đơn thuần là thị trường lớn hơn cho xuất nhập khẩu
hoặc có nguồn đầu tư lớn hơn mà còn tự cải cách được mình về thể chế
kinh tế, cách thức làm ăn để nâng chuẩn mình lên cùng với các nước tiên
tiến trên thế giới.
Tôi nghĩ rằng có rất nhiều kênh
khác nhau để Việt Nam có thể làm ăn. Vấn đề chính ở đây là tự Việt Nam
phải thoát ra khỏi cách làm ăn quen kiểu dễ dãi với một đối tác dễ dãi
như Trung Quốc. Bây giờ xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khoảng
10% và nhập khẩu tới 30%. Về điều này hoàn toàn chúng ta có thể điều
chỉnh được.
Nếu như xuất khẩu chúng ta có thể giảm
dần việc xuất khẩu khoáng sản thô tiến tới tăng cường chế biến để xuất
khẩu thì sẽ có giá trị hơn, tạo được công ăn việc làm ở trong nước.
Ngay
cả đối với nông sản cũng vậy. Chúng ta kêu gọi mãi xuất khẩu nông sản
có hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm
cao hơn thì chắc chắn chúng ta bán được với giá tốt hơn nhiều so với
việc bán giá rẻ sang thị trường Trung Quốc.
Mặt
khác nữa về thị trường xuất khẩu cũng có nhiều cái tôi cho rằng hơi cực
đoan khi cứ hướng đến xuất khẩu trong khi thị trường trong nước vẫn còn
rất rộng.
Ví dụ vải Bắc Giang, Hải Dương cứ lo
liệu Trung Quốc năm nay có mua hay không trong khi cả thị trường miền
Nam, miền Trung bao nhiêu người dân cũng có nhu cầu và có thể mua. Tại
sao lại cứ lo bán sang biên giới hơn là trong nội địa.
Hay
như dưa hấu miền Nam cũng vậy, chở lên biên giới để rồi người ta không
mua khiến thối hỏng, trong khi dưa hấu ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vẫn
rất đắt. Những cái đó mình phải tự điều chỉnh thị trường nội địa.
Nhập
khẩu cũng vậy. Về cơ bản chúng ta nhập khẩu rất nhiều sản phẩm trung
gian, đứng về góc độ các nước đang phát triển thì đây mới là phần mang
lại giá trị gia tăng cao. Nó là đầu vào cho các ngành kinh tế.
Nếu
bây giờ chúng ta chuyển sang thực hiện tái cơ cấu một số ngành sản
xuất, tập trung các ngành công nghiệp phụ trợ thì hoàn toàn có thể
chuyển từ thế nhập khẩu thị trường bên ngoài thành những ngành sản xuất ở
Việt Nam để cung ứng cho thị trường Việt Nam. Hoặc tìm kiếm nhập khẩu
từ các nước khác. Các sản phẩm chúng ta đang nhập từ Trung Quốc thì Ấn
Độ cũng có. Một số nước ASEAN khác cũng có cho nên không nhất thiết phải
phụ thuộc Trung Quốc.
Về giá có thể sẽ đắt về ngắn
hạn nhưng tôi nghĩ về trung hạn và dài hạn hoàn toàn có thể bù đắp
được. Bởi vì hiện nay những cái chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc có
những khi bị đội giá lên. Điển hình như các hợp đồng mà Trung Quốc thực
hiện ở Việt Nam bị kéo dài thời gian, ban đầu bỏ thầu một nhưng trên
thực tế đắt gấp hai gấp ba lần.
Rồi sự không minh
bạch trong làm ăn, tham nhũng, đi đêm ở đó dẫn đến giá rẻ nhưng lại hóa
cao và nền kinh tế phải trả giá mà chính những người nộp thuế đang phải
gánh chịu.
Nếu chúng ta chuyển sang làm với các
thị trường đàng hoàng hơn thì cắt được phần giá cao đó thì thừa đủ bù từ
việc tìm kiếm nguồn công nghệ cao hơn, thiết bị đắt hơn.
Tôi
nghĩ hiệu quả kinh tế thì đừng lo. Tôi trông chờ nhất ở cơ hội này để
tạo cơ hội cho Việt Nam tự phát triển. Lý do là vì mấy năm vừa rồi ngành
công nghiệp Việt Nam bị bế tắc, bão hòa khi các doanh nghiệp cảm thấy
những sản phẩm mình vẫn làm nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn – kể cả
trong nước. Bây giờ phải đi vào những ngành mới. Đây là những ngành mà
chúng ta cứ cắm cổ mua ở nước ngoài thì bây giờ là cơ hội cho các doanh
nghiệp ở Việt Nam có thể phát triển ở nước mình.
Điều
kiện cần là hệ thống chính sách phải có điều kiện mạnh mẽ, điều chỉnh
việc phân bổ nguồn lực làm sao hướng về những ngành có khả năng tạo lợi
nhuận cao. Cũng như hệ thống chính sách khuyến khích phải làm sao cắt bỏ
dần những doanh nghiệp chạy theo hướng tìm kiếm đặc lợi bằng cách
chuyển sang khuyến khích doanh nghiệp làm ra giá trị gia tăng cao, mang
lại lợi ích cho nền kinh tế.
Nếu làm được thì chính các doanh nghiệp này sẽ tạo nên diện mạo khác cho nền kinh tế, giảm đi thế lệ thuộc vào Trung Quốc.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bài sau: Thoát Trung:Cách để nông sản Việt tự đứng trên đôi chân của mình
Bích Ngọc (thực hiện)
0 Nhận xét