Triết lý Tư duy – Hành động trong “Hiện tượng con Người” của Teilhard de Chardin [1]
Theo Boxitvn
Phạm Toàn
Trước mặt tôi là hai lời giới thiệu tổng quát về công trình Hiện tượng Con Người của
Pierre Teilhard de Chardin – một là của dịch giả Đặng Xuân Thảo, trong
bản tiếng Việt đầu tiên tác phẩm này, và một là của Julian Huxley trong
Lời giới thiệu tác phẩm de Chardin sang tiếng Anh.
Cuốn
sách trình bày một quan điểm độc đáo về vũ trụ. Quan điểm này mở rộng
thuyết tiến hóa đến lĩnh vực tinh thần và được coi là bước tiến quan
trọng trong sự hòa giải giữa khoa học hiện đại và tôn giáo.
Nghiên
cứu trong cuốn sách khởi đầu từ một nghịch lý con người, biểu lộ qua
việc khoảng cách hình thái học giữa con người và khỉ giống người là
không đáng kể, trong khi đó con người lại khác những động vật đó biết
bao. Để giải thích nghịch lý này, tác giả lần theo qui trình tiến hóa
trong quá khứ, cho đến tận những cội nguồn của sự sống trên trái đất.
Bằng cách nhìn ra những đường nét chủ đạo của qui trình đó (đôi khi bị
che phủ bởi những vẻ bề ngoài đối nghịch), tác giả chỉ ra các điều kiện
chung mà sự sống trong quá khứ phải thỏa mãn để có được diện mạo như
ngày hôm nay. Rồi từ đó, tác giả rút ra qui luật về độ phức hợp và ý
thức.
Cũng chính từ
cách nhìn này, tác giả nhận ra sự cần thiết của việc đưa vào qui trình
đó một biến số mới nhằm diễn giải hợp lẽ hiện tượng con người. Biến số
đó là mặt nội tại của sự vật, hay chính là tâm thần, được giả định hiện
hữu dưới một dạng sơ đẳng ngay từ cấp độ tế bào. Theo những nấc thang
tiến hóa, cấp độ tâm thần ngày càng tăng lên và bắt đầu từ con người tác
động của nó trở nên nổi trội sau khi đã trở thành ý thức có phản tư[2].
Còn đây là lời giới thiệu bản dịch Hiện tượng con người sang tiếng Anh của Julian Huxley:
Trong tác phẩm Hiện Tượng Con Người,
Teilhard de Chardin đã phân tích và đưa ra được một bảng tổng hợp với
ba tầng bậc, giữa thế giới vật chất và vật lý với thế giới tư duy và
tinh thần; giữa quá khứ và tương lai; giữa tính đa dạng và đa số với sự
thống nhất và cái đơn nhất. Ông dùng phương pháp khảo sát từng sự kiện
và từng đề tài trong kiểu tiến hóa riêng của chúng trong mối tương quan
với quá trình phát triển của chúng trong thời gian và trong vị trí chúng
đang tiến hóa. Vì vậy mà ông có thể quan niệm cái toàn thể như một thực
tại nhận thức được không như một cơ chế tĩnh tại mà như một quá trình.
Hệ quả là, ông đã có thể bước sang tìm kiếm ý nghĩa của Con Người trong
tương quan với các di sản của quá trình kéo dài bao quát ấy; tầm vóc ấy
với lập trường ấy của ông khiến ông đạt tới thành tựu quá lớn lao trong
nghiên cứu.[3]
Nghịch lý của nghịch lý
Tác phẩm của de Chardin nói đến ở đây là một cuốn luận văn viết lúc tài năng đã hoàn toàn chín[4]
nghiên cứu về hiện tượng TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI, riêng chủ đề ấy do một
nhà thần học viết ra cũng đủ để thấy tính nghịch lý của nó.
Ta
biết rằng, trong Kinh Thánh, chương Sáng Thế đã ghi: "Thiên Chúa phán:
chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng
ta... Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng
tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có
nam có nữ" (ST 1, 26 - 27). Kinh Thánh còn cho thấy: "Ðức Chúa là
Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và
con người trở nên một sinh vật..." (ST 2, 7). Ở một chỗ khác, Kinh Thánh
còn nói: "Này Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người
giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Chúa ban
phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là "người" ngày họ được sáng tạo" (ST
5, 1 - 2).
Ấy thế nhưng vì duyên cớ gì de
Chardin lại chuyển sang nghiên cứu sự ra đời và sự tiến hóa của con
người nhưng lại không đi theo giáo điều cả ngàn năm đó?
Sẽ
có thể có những lý giải nghịch lý ấy bằng nguồn gốc ra đời – de Chardin
là con của một gia đình mà mẹ ông là cháu của ông trẻ Francois-Marie
Arouet, tức là nhà triết học kiêm nhà văn Voltaire. Chắc chắn, khi lớn
lên, trong học hành, de Chardin phải suy nghĩ về cung cách đóng góp cho
Đời bằng những tiểu thuyết luận đề của thế hệ Ánh sáng qua Zadig (hay là chuyện số phận) và qua Candide (hay là chuyện lạc quan) của Voltaire, cũng như qua Émile (hay
là chuyện giáo dục) của Jean-Jacques Rousseau. Chắc chắn de Chardin
phải nghĩ về một con đường khác với lối hoạt kê hoặc lối ẩn dụ như ở
những người đi trước để có thể có đóng góp cho Đời tích cực hơn, hiệu
quả hơn.
Cũng có những lý giải gán cho việc de
Chardin tham gia Dòng tu mang chính tên Jesus. Cũng có thể như vậy lắm
đối với dòng tu nhiều danh tiếng và cũng nhiều tai tiếng ấy. Rõ ràng là
chúng ta chớ nên quên Alexandre de Rhodes cũng là tu sĩ Dòng Tên, đã
lênh đênh tới phương Đông xa xôi, và de Rhodes chính là một trong những
tác giả bộ chữ quốc ngữ người Việt Nam đang sở hữu. Cũng không nên bỏ
qua tính thời đại trong quyết định của nhiều đấng bề trên của de Chardin
đã cho phép nhà thần học này được tiếp tục nghiên cứu khoa học tự
nhiên: không có sự cho phép đó, khó có thể có một de Chardin là nhà địa
chất, là nhà cổ sinh vật học, là người đã tham gia khám phá vùng hang
động karste ở Chu Khẩu Điếm để loài người biết rõ thêm một di chỉ người vượn Bắc Kinh.
Tác phẩm Hiện tượng con người của Teilhard de Chardin có bố cục như sau:
- Lời dẫn nhập, như một lời thưa về phương pháp nghiên cứu; sau đó là những ý lớn sau
Phần I : Sự Tiền Sinh, (bản tiếng Anh dịch thoát nghĩa là Before Life Came),
nội dung là “cuộc sống” trước khi có sự sống, trong đó khảo sát (1)
Chất liệu kết cấu của vũ trụ, (2) Cái nội tại của sự vật, (3) Trái đất
non trẻ với cái ngoại tai và cái nội tại của nó.
Phần
II: Sự Sống, có nội dung là (1) sự xuất hiện sự sống, (2) Sự lan rộng
của sự sống, và (3) lời reo vui về “Đất Mẹ” với Nữ thần Canh nông
Demeter làm biểu trưng, và ở cuối chuơng lại một sự reo vui nữa về tin
mừng xuất hiện Tư Duy.
Phần III: Tư Duy, gồm (1) Sự ra đờì của tư duy, (2) Sự triển khai của Tuệ quyển, và (3) Trái đất hiện đại, sự thay đổi thời đại.
Phần IV: Sự Sống Siêu Việt (bản tiếng Anh dịch là Survival) với nhiều chương hơn đụng chạm tới Lối thoát tập thể, tới Cá nhân, tới Tôn giáo, cùng một lời kết về Bản chất của hiện tượng con người.
Nội
dung cuốn sách thật quy mô, đồ sộ - giọng văn lại cực kỳ nhã nhặn mà
thuyết phục. Do sức của người giới thiệu có hạn, chúng tôi cố gắng giới
thiệu chắt lọc cuốn sách và giới hạn trong ba điều – là những ấn tượng
của một bạn đọc tuổi cao nhưng trí lực thì thấp – mong sao với ba ấn
tượng này đó có thể là vừa đủ để hiểu và yêu cuốn sách (qua đó phần nào
hiểu và yêu tác giả).
Ba điều mang tính ấn tượng đó nằm trong:
(1) Hành trình một cuộc đời và những yếu tố chi phối phương pháp nghiên cứu con người của tác giả Teilhard de Chardin;
(2) Biến số Tư duy-Người trong khám phá căn bản của tác giả với khái niệm Tuệ quyển của Trái đất này;
(3) Khái niệm Siêu việt-Người như một nhắn gửi Loài Người đương đại của công trình và của tác giả.
Hành trình đến Hiện tượng Người
Ngay
từ phần Dẫn luận, tuy không nói trắng ra, nhưng de Chardin đã khiến cho
bạn đọc cảm nhận thấy xưa nay việc nghiên cứu Con Người diễn ra chỉ như
xem xét một đối tượng bất kỳ, không thấy đó chính là mình đang nhìn
mình, mình đang cảm nhận chính mình. Trong một chừng mức nào đó, công
trình Nguồn gốc các loài chẳng hạn hình như vẫn mới chỉ nhìn thấy con người tiến hóa theo cung cách chẳng khác gì muôn loài: tiến hóa bằng thích nghi và tiến hóa bằng cạnh tranh sinh tồn. Thế nên, cái luận điểm được công bố năm 1859 trong cuốn sách của Charles Darwin về “sự sống sót của kẻ thích nghi nhất” (the survival of the fittest) đã được diễn giải sai trong những hệ thống phân biệt chủng tộc, phân biệt đẳng cấp thành “kẻ mạnh nhất là kẻ sống sót”[5].
Ta
nên biết rằng, đầu thế kỷ trước, de Chardin đã từng trải qua một quá
trình ba năm dạy học và tham gia khai quật địa chất ở Ai Cập (tại đây
ông đã tận mắt thấy và sở hữu một hóa thạch răng cá mập), sau đó lại có
bốn năm học thần học thêm tại Sussex, người đã đạt được khả năng thực
thụ về địa chất và cổ sinh vật học. Một chi tiết khác cũng đáng chú ý:
trước khi được truyền chức linh mục vào năm 1912, de Chardin được đọc
cuốn sách bị Nhà Thờ cấm, cuốn Évolution Créatrice (“Tiến Hóa
Sáng Tạo”) của Henri Bergson, hiển nhiên de Chardin phải chịu ảnh hưởng
và sẽ càng dấn thân sâu vào các hoạt động thực hiện theo lý thuyết tiến
hóa mà riêng mình đang ấp ủ.
Khoảng từ năm 1919,
sau những khổ ải cùng những trầm tư của anh lính cáng thương ngoài mặt
trận, sau những đối thoại âm thầm với quá khứ dài dặc của loài người,
Teilhard de Chardin lấy bằng tiến sĩ ở đại học Sorbonne năm 1922. Đến
năm sau, 1923, việc qua Trung Hoa trong một năm đã như một định mệnh mở
đường cho chuyến đi Trung Hoa lần sau – sự tiếp xúc với lối tư duy Khổng
học sẽ càng kích thích de Chardin dấn thân vào những suy nghĩ triết học
về con người, chắc chắn sẽ phải mang tính tích cực thực sự, dân chủ
thực sự, hòa đồng thực sự. Thế rồi, cú đánh nặng nề vào de Chardin có lẽ
là sự kiện xảy ra năm 1950 khi đơn xin phép xuất bản cuốn Le Groupe Zoologique Humain ("Nhóm động vật người”) của ông bị Roma từ chối, cấm in. Mà cuốn sách đó lại như là một kiểu “đề cương chi tiết” cho công trình Hiện tượng con người sau này!
Chính
vì thế mà những năm qua Hoa Kỳ sẽ là những năm hết sức phong phú đối
với hoạt động của nhà triết học hiện đại ấy. Năm 1948, de Chardin được
mời sang Hoa Kỳ lần đầu. De Chardin được tạo điều kiện đi thăm nhiều nơi
trên thế giới mà quan trọng hơn cả có lẽ là cơ hội để được đến Châu
Phi, đến tận nơi khai quật “người vượn Nam phương” Australopithecus. Năm 1951, de Chardin trở lại Hoa Kỳ và lần này thì ở lại hẳn và có trụ sở tại New York. Công trình lớn của đời de Chardin, Hiện tượng con người vẫn
chưa được phép của Nhà thờ cho xuất bản. Nhưng theo luật, thì sau khi
tác giả chết đi, bản thảo có thể được người khác đứng ra xuất bản. Và vì
thế mà bây giờ ta có Hiện tượng con người và toàn bộ công trình khoa học triệt để của một ông thầy tu vĩ đại.
Hành
trình cả đời người đã tạo ra và hun đúc phương pháp tổng quát của
Teilhard de Chardin để thực sự đến được hiện tượng con người là nghiên
cứu sự tiến hóa của đối tượng đó trong sự tiến hóa chung. Con người
không thể như trong quá khứ, chỉ biết “tự đóng kịch cho mình xem”, không thể chỉ nhìn vào bản thân, và trong cái toàn cục đó, Con
Người sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài Nhân Loại;
cũng như Nhân Loại sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài
Sự Sống, cũng như Sự Sống sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên
ngoài Vũ Trụ.
Con người là tâm điểm của thế giới, con người phải nhận sứ mạng đó, và phải tự thấy rõ, Con Người không phải là tâm điểm tĩnh của Thế Giới, – như từ lâu họ vẫn nghĩ vậy; mà Con Người là trục và hướng của Sự Tiến Hóa, – và chẳng phải điều này lại càng đẹp hơn rất nhiều đó sao.
Trong
con mắt và cách làm việc của con người thực chứng, de Chardin vận dụng
những thành tựu của nhiều ngành khoa học để lùi xa nhất theo trục thời
gian, để nhìn và làm cho nhìn thấy Con Người trong thế
tiến hóa. Được giúp sức bởi các môn Vật lý học và Sinh vật học trên
đường hiện đại hóa, Teilhard de Chardin đã nhận rõ sự thống nhất trong đa dạng của sự vật, nhận rõ tổ chức sinh thành ngày càng tỉ mỉ trong quá trình sáng tạo vũ trụ, như đã bộc lộ trong các đơn vị tiền nguyên tử chuyển sang nguyên tử, từ nguyên tử đến vô cơ, và về sau đến mô hữu cơ, rồi từ đó đến các đơn vị sống tiền tế bào đầu tiên hay những tập hợp mô, và rồi tới các tế bào, tới các cá thể đa bào, đến các thể có đầu óc, đến con người nguyên sơ, và rồi đến các xã hội văn mình.
Teilhard de Chardin nhận thấy tính đồng qui mang bản chất người được biểu thị trên cấp độ di truyền và sinh học: sau khi Homo Sapiens
bắt đầu phân hóa thành các chủng tộc riêng biệt (hay các tiểu loại)
việc di dân và hỗn chủng (inter-mariage) dẫn đến hiện tượng ngày càng
nuôi dưỡng nhau giữa tất cả các loại người khác nhau. Kết quả, con người
là loại thành công độc nhất trong việc duy trì mình như là một nhóm hay
chủng loại tương dưỡng duy nhất, và đã không đi xa ra ngoài thành nhiều
tập hợp tách biệt về mặt sinh học (giống như loài chim, với khoảng
8.500 loại, hay các côn trùng với hơn một nửa triệu).
Nhưng, sự tiến hóa như thế vẫn mới chủ yếu cho thấy vẻ bên ngoài của vấn đề. Teilhard de Chardin cón nhấn mạnh thêm vào mặt nội tại của sự vật – và đây là đóng góp lớn khác nữa của de Chardin, đó là việc đưa tư duy người vào sự tiến hóa như một biến số hoàn toàn mới của sự triển diễn.
Biến số Tư duy-Người
Trước hết là những biểu hiện bề ngoài đầy ấn tượng. Teilhard de Chardin viết:
Điều
gì đã xảy ra giữa các địa tầng cuối cùng của Thế Thượng Tân (khi Con
Người vắng mặt) và tầng tiếp theo nơi các nhà địa chất phải sững sờ nhận
ra những khối thạch anh được đẽo gọt đầu tiên? Và độ lớn đích thực của
sự đột biến này là như thế nào?
Và ở một đoạn khác, chính de Chardin đã trả lời – câu trả lời mới đầu còn trầm tĩnh, cuối cùng kết thúc như một tiếng reo vui, Tư duy đã ra đời:
Trong
khi tâm thần của Loài Ngựa, Loài Hươu, Loài Hổ phát triển lên, cũng như
Côn Trùng, chúng trở thành tù nhân của những phương tiện để chạy và để
săn mồi mà các chi của chúng đã có được. Ngược lại, ở Bộ Linh Trưởng, sự
tiến hóa, không đáng kể và vì thế vẫn để các phần còn lại mềm dẻo, đã
hoạt động ngay ở trong bộ não. Và đó là lý do chính cho việc chúng dẫn
đầu trong sự đi lên, hướng đến ý thức cao nhất. Trong trường hợp có ưu
thế và đơn biệt này, sự trực sinh cụ thể của dòng trùng hợp đích xác với
Sự Trực Sinh chủ đạo của chính Sự Sống: theo một câu nói của Orborn, mà
tôi mượn và thay đổi nghĩa, sự trực sinh này là “phát sinh quí tộc”, – và vì thế mà không bị giới hạn.
Từ
đó ta có được kết luận đầu tiên rằng, nếu, trên Cây Sự Sống, Động Vật
Lớp Thú tạo nên một Ngành chủ đạo, cái Ngành chủ đạo; và Bộ Linh Trưởng,
tức là sinh vật dùng não và tay – là mũi tên chỉ hướng của Ngành này, –
và các loài Khỉ Giống Người là cái mầm kết thúc cái mũi tên đó.
Và
từ đó, chúng ta hãy bổ sung rằng, ta có thể dễ dàng xác định ra chỗ đôi
mắt chúng ta phải dừng lại trên Sinh Quyển, trong khi chờ đợi điều phải
đến. Chúng ta đã biết rằng, ở khắp nơi, tại đỉnh những tuyến dòng đang
hoạt động, chúng tự nóng lên bởi ý thức. Nhưng trong một vùng được xác
định rõ, ở giữa Lớp Thú, nơi hình thành những bộ não có hiệu lực nhất mà
Tự Nhiên từng tạo nên, những tuyến này bừng đỏ. Và thậm chí ở ngay giữa
vùng này, một điểm nóng sáng rạng tỏa.
Chúng ta hãy đừng rời mắt khỏi cái đường nhuốm đỏ ánh rạng đông này.
Sau hàng nghìn năm nó vươn lên ở bên dưới tầm nhìn của chúng ta, rồi một ngọn lửa sẽ bùng lên, tại một điểm khu trú tuyệt đối.
– Tư Duy đã ra đời!
Tư
duy đã ra đời. Cái biến số này góp phần ra sao vào cuộc tiến hóa của
Người? Có phải tư duy là đặc quyền chỉ riêng Người mới có?
Tiến
hóa, như là một sự phát triển “tự nhiên” của Tự nhiên, đã diễn ra với
mọi loài. Có một sự tiến hóa ngoại tại mà tiêu biểu là sự thay đổi có
tính “cơ bắp”. và cũng có một sự tiến hóa về tâm trí. Ngay bây giờ,
người ta vẫn còn như đã từng nghiên cứu và bao nhiêu mực đã đổ ra để có
những cuốn sách về “Trí khôn loài vật” đó sao?[6]
Vậy cái biến số Tư duy có thể áp dụng cho mọi loài có não. Song, cái
ngưỡng tạo ra sự phân biệt Con Người với mọi động vật có xướng sống,
nhất là với động vật thuộc bộ Linh trưởng là một yếu tố hoàn toàn mới
của Tư duy: Teilhard de Chardin đưa ra khái niệm Tư duy Phản tư. Đó là
sự nhận thức về bản thân, và đó là sự biết rằng mình biết.
Trên
quan điểm thực nghiệm (cũng chính là quan điểm của cuốn sách này), Sự
Phản Tư, như đúng từ đó chỉ ra, là khả năng đạt được nhờ một ý thức tự
quay ngược về bản thân, để chiếm hữu chính mình như một đối tượng, đối
tượng này được phú cho độ vững chắc và giá trị đặc biệt sau đây: không
chỉ là nhận thức, — mà tự nhận thức về bản thân; không chỉ là biết, mà
biết rằng mình biết. Bằng sự cá thể hóa bản thân ở sâu thẳm trong bản
thân mình này, phần tử sống (mà trước đó lan rộng và phân chia trên một
phạm vi khuyếch tán của các tri giác và các hoạt động) lần đầu tiên tạo
nên một tâm điểm nơi mọi biểu diễn và kinh nghiệm thắt nút lại và tự làm
kiên cố thành một tập hợp có ý thức về sự tổ chức của mình.
Rồi
bản thân sự phản tư cũng tiến hóa tới ngưỡng của nó. Sự tiến hóa đó
diễn ra trên ba cấp độ. Ở cấp độ phần tử, nó đánh dấu sự tiến hóa thành
Người của cá thể người. Ở cấp độ dòng, nó đánh dấu sự tiến hóa thành
Người của loài. Và sau hết, ở một cấp độ thứ ba, cấp độ toàn hành tinh,
nó đánh dấu sự ra đời của Tuệ quyển (noosphère).
Khái
niệm Tuệ quyển được hiểu như thế nào? Trong sinh quyển của Trái đất,
Tuệ quyển là một tầng mới hay một lớp mới trên mặt trái đất, một tầng tư
duy đặt trên tầng sống của sinh quyển và tầng vật liệu vô cơ vô sinh,
tầng thạch quyển (lithosphère). Trong cách diễn giải lần đầu tiên năm
1925, trong tác phẩm La Vision du Passé (“Cái Nhìn về Quá khứ”),
Teilhard de Chardin gọi đó là “quyển” của tư duy, quyển của phát minh
sáng tạo có ý thức, quyển của sự thống nhất về tâm hồn có cảm nhận đầy
đủ (“une sphère de la réflexion, de l’invention consciente, de l’union
sentie des âmes”)[7].
Đối với Teilhard de Chardin, noosphere - tuệ quyển, là thuật ngữ diễn tả tốt nhất một thứ “nhận thức tập thể” của các cá thể người. Tuệ quyển nảy sinh từ các tinh thần con người tương tác giao thoa nhau. Tuệ quyển
đã phát triển lên từng bước tương ứng với quá trình quần thể nhân loại
quan hệ với nhau, khi loài người sinh sôi nảy nở đầy trái đất. Khi loài
người tự tổ chức thành các hệ thống xã hội phức tạp hơn, thì tuệ quyển sẽ phát triển cao hơn trong nhận thức. Đó là quá trình bành trướng. Pierre Teihard de Chardin còn cho rằng tuệ quyển đang phát triển hướng tới hội nhập, đồng qui và thống nhất lớn lao, lên đến đỉnh tột cùng là Điểm Omega, mà theo nhãn quan của ông, đó là cứu cánh của lịch sử.
Viễn cảnh Siêu việt - Người
Tư tưởng về Tuệ quyển dẫn chúng ta một cách tự nhiên sang ấn tượng của tác phẩm Hiện tượng Con Người, đó là viễn cảnh Người sau khi đã nhìn được con đường tiến hóa của mình. Phần sách thứ ba của Teilhard de Chardin có tên Survie vừa
dễ hiểu vừa khó dịch; cái nghĩa đen bóng bẩy của nó là như sau: ta đã
biết trước khi có sự sống thì Vũ trụ này “sống” ra sao, rồi khi có sự
sống thì Vũ trụ này sống như thế nào, và sau hết, khi ta đã biết con người là một sự sống trong Tuệ quyển, khi ấy con người sẽ phải chọn lối sống như
thế nào để sự sống đích thực Người được tiếp tục phát triển mà không
biến mất chất Người. Tôi đoán rằng dịch giả Đặng Xuân Thảo chọn Sự Sống Siêu Việt là có ý đó.
De Chardin có câu nói tổng hợp rất có ý nghĩa: “Mọi điều thăng hoa cao đẹp đều hội tụ nhau”[8]
(“Tout ce qui monte, se converge”). Ngày nay con người có xu hướng đối
thoại, toàn cầu hóa, hòa giải, hơn là đối đầu và xé lẻ vị kỷ. Vào tháng 6
năm 1995, Jennifer Cobb Kreisberg viết trên tạp chí Wired rằng "Teilhard nhìn thấy hệ thống Mạng trước khi nó xuất hiện đến hơn nửa thế kỷ"…. “Teilhard
mường tượng ra một giai đoạn tiến hóa đặc trưng bởi một lớp màng thông
tin phức tạp bao phủ toàn cầu và được tiếp liệu bởi nhận thức của con
người. Nó nghe có vẻ điên rồ cho đến khi bạn nghĩ tới hệ thống Mạng, cái
hệ thống mạng điện tử khổng lồ bao quanh trái đất, chạy từ điểm này
sang điểm kia thông qua một tập hợp những sợi dây điện nối với nhau như
hệ thống thần kinh"[9].
Ấy thế mà, tự ban đầu, Teilhard de Chardin cũng chỉ khởi động công trình với giả thuyết có tính tư tưởng rằng
Ý nghĩa ưu việt của Con Người trong Tự Nhiên và bản chất hữu cơ của Nhân Loại – hai giả thuyết này có thể bị bác bỏ ngay tại điểm khởi đầu; nhưng nếu thiếu hai giả thuyết này, tôi không nhìn ra cách nào khác để có thể đưa ra một sự hình dung mạch lạc và toàn diện của Hiện Tượng Con Người.
Có thể hình dung thấy ảnh hưởng quan trọng của Hiện Tượng Con Người
đối với tư duy của mọi con người trong thế giới hiện đại. Teilhard de
Chardin phối hợp kiến thức khoa học uyên bác với cảm thức tôn giáo thâm
sâu để cảm nhận về các giá trị nghiêm túc.
Teilhard
de Chardin buộc các nhà thần học phải xem xét tư tưởng của họ trong
viễn tượng tiến hóa mới của con người, và các nhà khoa học thì cũng phải
xem xét lại các hệ lụy trí thức của họ. Teilhard de Chardin vừa soi
sáng vừa giúp thống nhất cách nhìn thực tại của chúng ta, không thể mãi
mãi chủ trương rằng khoa học và tôn giáo phải và chỉ có thể hoạt động
trong những ngăn chật ních tư tưởng lắm khi đố kỵ. Những người có tinh
thần tôn giáo không thể quay lưng với thế giới tự nhiên, và những người
có tinh thần duy vật không thể từ chối tầm quan trọng của kinh nghiệm
thiêng liêng và cảm thức tôn giáo.
Hà Nội, 17 tháng 6 năm 2014
Tác giả gửi BVN
[1]
Giới thiệu sách “Hiện tượng con người” của Teilhard de Chardin, bản
dịch tiếng Việt của Đặng Xuân Thảo, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Tri thức
xuất bản, 2014, Hà Nội, 564 trang. Bài thuyết trình chiều ngày 20-6-14
tại L'Espace, Hà Nội.
[2] Trong Lời người dịch. Những chỗ in nghiêng nếu không có chú thích khác đều lấy từ bản dịch tiếng Việt của “Hiện tượng con người”.
[3]
“ … tôi phát hiện khi lần đầu tôi gặp cha Teilhard de Chardin tại Paris
năm 1946, cha và tôi cùng đi tìm kiếm, và đã đang theo đuổi những con
đường song hành từ khi chúng tôi là những thanh niên tuổi hai mươi.”
“Tôi có đặc ân làm bạn và người trao đổi thư tín với cha Teilhard de
Chardin trong gần mười năm, và bây giờ tôi được đặc ân giới thiệu cuốn
sách này, công trình đáng chú ý nhất, cho các độc giả nói tiếng Anh”.
Rút từ bản sửa chữa lần cuối ngày 20 tháng Ba năm 2007, theo đường dẫn
sau: http://arthurwendover.com/arthur/science/phenom10.html
[4] Ngoài bản thuyết trình về lý thuyết tiến hóa theo quan điểm của Teilhard de Chardin “Hiện tượng con người” – Le Phénomène Humain, in năm 1955, viết trong những năm từ 1938 đến 1940, còn có một số tác phẩm chính liên quan đến đề tài đang bàn:
· Le Groupe Zoologique Humain (1956), “Nhóm động vật người”, viết năm 1949, chi tiết hóa hơn nữa các luận điểm của Teilhard de Chardin.
· Le Milieu Divin (1957), “Môi trường thiêng liêng”, viết từ 1926 đến 1927, hướng đến cuộc sống có tín ngưỡng của người thế tụ
· c.
· L'Avenir de l'Homme (1959) “Tương lai con người”, các tiểu luận viết từ 1920 đến 1952 về sự tiến hóa của ý thức người (Tuệ quyển - Noosphère).
· L'Energie Humaine (1962), “Năng lượng người”, các tiểu luận viết từ 1931 đến 1939, về đạo lý và tình yêu.
· L'Activation de l'Energie
(1963), “Sự kích hoạt năng lượng”, đoạn tiếp của “Năng lượng người”,
các tiểu luận viết từ 1939 dến 1955 nhưng không định công bố, bàn về
tính phổ quát và tính không thể đảo ngược của hành động người.
[5] Tên đầy đủ của tác phẩm là: On the Origin of Species by Means of Natural Selection, or the Preservation of Favoured Races in the Struggle for Life (“Về
vấn đề Nguồn gốc các Loài nhờ Chọn lọc tự nhiên hoặc sự Bảo tồn các
Loài ưu đẳng trong Cạnh tranh sinh tồn”) được công bố năm 1859 của
Charles Darwin.
[6] Còn nhớ, trong thời Pháp thuộc có bộ Sách Hồng (phỏng theo Livres Roses),
số nào của tháng nào cũng có mục gây tò mò chẳng hạn như về trí nhớ của
chó của mèo. Một con chó đem mấy khúc xương đi giấu để gặm dần. Và nó
nhớ được bao nhiêu khúc, quên bao nhiêu…
[7] Theo Julian Huxley, tài liệu đã dẫn
[8] Julian Huxley, tài liệu đã dẫn
0 Nhận xét