Chương XXII:
Chu kỳ Biết – Sinh hạ và viễn tượng Sự Chết
1.
Chúng ta đang đến hồi kết thúc phần suy tư trong đó chúng ta đã cố theo
đuổi tiếng gọi của Đức Kitô gởi đến chúng ta qua Matthêu (19,3-9) và
Marcô (10,1-12): «Các ông không đọc thấy điều này sao : “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”?» (Mt 19,4-5). Sự kết hợp vợ chồng theo Sách Sáng thế được định nghĩa như là hành động «biết»: «Ađam ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra... và nói : “Tôi đã được một người nhờ Đức Chúa”» (St 4,1). Trong những suy tư trước chúng ta đã cố gắng làm rõ nội dung của cái «biết» Thánh kinh đó. Với cái «biết» đó, con người nam cũng như nữ, không chỉ đặt tên riêng cho mình như đã làm khi đặt tên cho các sinh vật khác (animalia) và bởi đó con người sở hữu chúng, nhưng còn «biết» theo nghĩa của đoạn St 4,1 (và cả những đoạn Kinh thánh khác). Điều đó có nghĩa là con người thực hiện điều mà danh xưng «con người»
muốn diễn tả: đó là thực hiện nhân tính trong con người mới được sinh
ra. Bởi thế, theo nghĩa nào đó con người thực hiện chính mình, tức là,
con người – nhân vị.
2. Bằng cách đó chu kì «biết-sinh hạ» của Kinh thánh khép lại. Chu kì «biết» đó được tạo thành bởi sự kết hợp các ngôi vị trong tình yêu thương, kết hợp với nhau mật thiết đến nỗi nên một xương một thịt. Sách Sáng thế vén tỏ cho chúng ta biết đầy đủ sự thật về chu kì này. Con người, nam và nữ, theo Kinh thánh nhờ «biết» nhau mà thụ thai và sinh con. Sinh linh mới đó giống con người và có thể được mang danh xưng «con người» («tôi đã được một người»). Như thế, con người, có thể nói được là, đã chiếm hữu được chính nhân tính, hay đúng hơn, chiếm lại được nhân tính. Thế nhưng, việc ấy xảy ra cách khác so với cách con người đã chiếm hữu các sinh vật khác (animali) khi đặt tên chúng. Thật vậy, khi đó con người đã trở thành chúa tể của các loài, đã bắt đầu thực hiện nội dung của mệnh lệnh Đấng Tạo Hóa: «Hãy chinh phục và thống trị mặt đất» (x. St 1,28).
3. Tuy nhiên, phần đầu của cũng mệnh lệnh ấy lại nói: «Hãy sinh sôi nẩy nở và nên đầy dẫy trên mặt đất» (St 1,28), nó mang một nội dung khác và chỉ một yếu tố khác. Trong hành động «biết» này, người đàn ông và người phụ nữ cho chào đời một hữu thể giống như họ, và có thể cùng nhau nói: «Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi» (St 2,24). Trong cái «biết» này cả hai người như «ngây ngất». Cả hai người như cùng bị mê dại vì cái nhân tính mà họ muốn diễn tả lại trong sự kết hợp và «biết» nhau, muốn sở hữu nó một cách mới mẻ. Cái nhân tính ấy được chào đời từ chính họ, từ chính nhân tính của họ, từ thân xác của người đàn ông và người đàn bà đã chín muồi cách kì diệu nơi họ. Và sau cùng, qua những chuỗi thụ thai và sinh hạ liên tiếp vốn đã có từ thuở ban đầu ấy, họ nhận được nhân tính ấy từ chính mầu nhiệm sáng tạo.
4. Theo nghĩa này, cái «biết» của Kinh thánh có thể được hiểu là «sở hữu». Có thể nhìn thấy ở đây một điều gì của Kinh thánh tương tự với «eros» hay chăng? Thật ra đây là hai lãnh vực ý niệm, hai thứ ngôn ngữ khác nhau: một của Kinh thánh và một của Platon. Phải thật thận trọng nếu chúng được dùng để giải thích cho nhau [1]. Thế nhưng, dường như trong mạc khải nguyên thủy không có ý tưởng người đàn ông sở hữu người phụ nữ, và ngược lại, như một thứ đồ vật. Nhưng đàng khác, ai cũng biết rằng do hậu quả của tội nhiễm sau khi tổ tông phạm tội, con người (đàn ông và đàn bà) phải xây dựng lại, dẫu rất khó nhọc, ý nghĩa của quà tặng trao hiến cho nhau cách vô vị lợi. Đây sẽ là chủ đề của chúng ta trong những phân tích sắp tới.
5. Mạc khải về thân xác, ở trong Sách Sáng thế và nhất là trong chương 3, tỏ lộ cách rõ ràng và ấn tượng rằng chu kì «biết-sinh hạ», vốn bén rễ sâu xa từ trong tiềm thể của thân xác con người, được đặt bên dưới qui luật của đau khổ và sự chết, sau khi tổ tông phạm tội. Thiên Chúa Giavê nói vời người đàn bà: «Ta sẽ làm cho ngươi đau đớn thật nhiều khi thai nghén; trong đau đớn, ngươi sẽ sinh con đẻ cái» (St 3,16). Ở chân trời cái chết xuất hiện trước mắt con người, cùng với mạc khải ý nghĩa sinh sản của thân xác trong hành vi của đôi vợ chồng «biết» nhau. Người đàn ông đầu tiên đặt tên cho vợ mình là Evà, «vì bà là mẹ của chúng sinh» (St 3,20), khi ông đã nghe được lời tuyên án xác định toàn bộ cái viễn ảnh của cuộc sống con người «từ bên trong» của cái biết thiện biết ác. Viễn ảnh này được xác nhận bởi những lời sau đây: «Ngươi sẽ về lại bụi đất, vì tự đất ngươi đã được rút ra. Bởi ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về đất bụi» (St 3,19).
Tính chất căn bản của bản án đó được xác nhận bởi chứng cớ kinh nghiệm của toàn thể lịch sử của con người trên trái đất này. Chân trời sự chết mở rộng ra trên toàn thể viễn ảnh cuộc sống con người trên trái đất, một cuộc sống vốn đã được cắm vào trong chu kì «biết-sinh hạ» nguyên thủy của Kinh thánh. Con người đã phá vỡ Giao ước với Đấng Tạo Hóa, khi hái trái cây biết thiện biết ác thì bị Thiên Chúa Giavê tách lìa khỏi cây sự sống: «Bây giờ phải làm sao cho nó đừng giương tay hái cả cây sự sống nữa mà ăn, hầu được sống mãi mãi» (St 3,22). Bằng cách đó, sự sống đã được ban cho con người trong mầu nhiệm tạo dựng không bị lấy đi. Nhưng sự sống ấy bị hạn chế ở trong biên giới của sự thụ thai, sinh nở và sự chết, và trầm trọng hơn, bị giam hãm trong viễn ảnh của tội lỗi di truyền. Tuy nhiên, sự sống ấy lại được ban cho con người, theo nghĩa nào đó, như một nhiệm vụ trong cùng chu kì luôn tái diễn. Câu nói: «Ađam ăn ở với («biết») Evà vợ mình, bà đã mang thai và sinh con» (St 4,1) giống như một dấu ấn in vào mạc khải nguyên thủy của thân xác ngay từ thuở ban đầu của lịch sử con người trên trái đất. Lịch sử này luôn được hình thành mới mẻ trong chiều kích căn bản nhất của nó gần như từ «thuở ban đầu», nhờ chính hành động «biết-sinh hạ» ấy, điều mà Sách Sáng thế đã nói tới.
6. Bởi thế, mỗi người mang trên mình mầu nhiệm của «thuở ban đầu» của mình, được nối kết chặt chẽ với ý thức vế ý nghĩa sinh sản của thân xác. Xem ra St 4,1-2 không nói về đề tài mối tương quan giữa ý nghĩa sinh sản và hôn phối của thân xác. Có lẽ ở đây chưa tới lúc, cũng không phải là nơi, giải thích mối tương quan này mặc dù trong những phân tích kế tiếp điếu ấy có vẻ rất cần thiết. Sẽ cần phải đặt lại những câu hỏi liên hệ tới sự biểu hiện xấu hổ nơi con người, xấu hổ của người nam và của người nữ, mà trước đó con người không hề kinh nghiệm. Nhưng giờ đây, chúng ta chưa để ý đến điều đó. Điều đáng chú ý vẫn còn là sự kiện «Ađam ăn ở với («biết») Evà vợ mình, bà đã mang thai và sinh con». Đây chính là ngưỡng cửa của dòng lịch sử của con người. Đây là «thuở ban đầu» của con người trên trái đất. Đứng ở ngưỡng cửa này người nam và người nữ ý thức ý nghĩa sinh sản của thân xác mình: nam tính ẩn chứa trong mình ý nghĩa của phụ tính và nữ tính ẩn chứa ý nghĩa của mẫu tính. Nhân danh ý nghĩa đó, một ngày kia Đức Kitô sẽ đưa ra một câu trả lời minh bạch cho vấn đề được đặt ra bởi những người Pharisêu (x. Mt 19; Mc 10). Mặt khác, khi đi sâu vào nội dung đơn sơ của câu trả lời ấy, chúng ta cũng đồng thời cố làm sáng tỏ bối cảnh của cái «thuở ban đầu» mà Đức Kitô tham chiếu tới. Thần học thân xác có gốc rễ từ nơi đó.
7. Trong con người, ý thức về ý nghĩa của thân xác và ý thức về ý nghĩa sinh sản của thân xác gặp gỡ ý thức về sự chết, có thể nói đó là viễn cảnh chắc chắn nằm sẵn nơi chúng. Tuy nhiên, chu trình «biết-sinh sản» luôn trở lại trong lịch sử con người. Trong đó, sự sống luôn đấu tranh không ngơi nghỉ với cái viễn ảnh lạnh lùng của sự chết, và luôn chiến thắng. Điều đó giống như cái lí do sự sống – vốn biểu lộ ra qua «sinh sản» - không bao giờ đầu hàng bao giờ cũng là bởi cái «biết» ấy. Với cái biết ấy, con người vượt qua nỗi cô độc của mình và lại quyết định tự khẳng định mình trong một «tha nhân». Cả hai, người nam và người nữ, khẳng định điều đó trong một con người thứ ba mới được sinh hạ. Trong sự khẳng định này, «cái biết» trong Kinh thánh xem ra có được một tầm vóc còn lớn hơn. Dường như nó có một chỗ ở trong «thị kiến» của chính Thiên Chúa, với thị kiến đó trình thuật tạo dựng con người thứ nhất (người «nam» và người «nữ» được tạo dựng «theo hình ảnh của Thiên Chúa») kết thúc. «Thiên Chúa thấy mọi sự mình đã làm ra ... thật là tốt đẹp» (St 1,31). Dẫu con người có hết mọi kinh nghiệm cuộc sống của mình, dẫu chịu nhiều đau khổ, thất vọng về chính bản thân mình, dẫu sống trong tình trạng tội lỗi, và sau cùng dẫu sống dật dờ trong viễn cảnh sự chết, nhưng «cái biết» luôn được đặt ở «khởi đầu» của cuộc «sinh hạ». Như thế, xem ra con người được tham dự vào «thị kiến» của chính Thiên Chúa : Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa «thấy ... quả thật, điều ấy rất tốt đẹp». Ngài luôn xác nhận lại sự thật của những lời này.
------------------------------------
[1] Theo Platon, «eros» là tình yêu khao khát cái Đẹp siêu việt và bộc lộ sự khao khát vô độ hướng đến đối tượng vĩnh cửu của nó. Bởi thế, eros luôn nâng những gì thuộc phạm trù nhân bản hướng đến cảnh vực thần linh, nơi duy nhất có thể thỏa mãn nỗi hoài niệm của linh hồn vốn bị giam hãm trong vật chất. Đó là một tình yêu không lùi bước trước sức mạnh lớn lao nhất, hầu đạt tới được sự xuất thần ngất ngây của kết hợp. Do đó, đó là một tình yêu qui ngã (egocentrico), là dục vọng thèm khát dẫu nó hướng đến những giá trị cao cả (x. A. Nygren, Erôs et Agapé, vol. II, Paris 1951, pp. 9-10).
Qua các thế kỉ, qua nhiều biến đổi, ý nghĩa của «eros» đã bị hạ thấp giá trị chỉ còn mang ý nghĩa thuần túy về dục tình. Đoạn văn sau đây của P. Chauchard có vẻ thậm chí như khước từ những đặc tính về tình yêu nhân văn nơi «eros»: «Phát triển tính dục không hệ tại ở những mánh khóe kĩ thuật nhạt nhẽo, nhưng ở sự nhìn nhận đầy đủ tính tâm linh của nó, bởi lẽ eros chỉ mang tính nhân văn khi nó được Agapé ban sức sống và Agapé đòi hỏi phải được nhập thể trong Erôs» (P. Chauchard, Vices des vertus, vertus des vices, Paris 1963, p. 147).
So sánh cái «biết» của Kinh thánh và «eros» của Platon người ta thấy sự khác biệt giữa hai quan niệm này. Khái niệm của Platon dựa trên cơ sở là sự hoài niệm cái Đẹp siêu việt và sự trốn thoát khỏi thế giới vật chất. Ngược lại, Kinh thánh hướng tới thực tại cụ thể, và xa lạ đối với não trạng nhị nguyên phân biệt giữa tinh thần và vật chất cũng như không hề biết tới thái độ thù nghịch đặc biệt đối với vật chất («Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp»: St 1,10.12.18.21.25).
Trong khi quan niệm của Platon về eros vượt quá ranh giới của cái «biết» nhân văn trong Kinh thánh, quan niệm hiện nay thì lại xem ra quá chật hẹp. Cái «biết» Kinh thánh không giới hạn ở sự thỏa mãn bản năng hay hưởng thụ khoái lạc, nhưng đó hoàn toàn là một hành vi nhân văn, có ý hướng sinh sản, và cũng là sự biểu lộ của tình yêu liên vị (x. St 29,20; 1Sm 1,8; 2Sm 12,24).
0 Nhận xét