Song Chi
Hầu như không có ngày nào mà báo
chí, truyền thông trong nước lại không đưa tin về những vụ án mạng khác
nhau, gọi chung là “cướp, giết, hiếp”, với mức độ ngày càng tàn bạo, dã
man.
Hãy thử nhìn lại chỉ mới trong vòng vài ngày gần đây, từ
những vụ chưa phải là án mạng nhưng tính chất tha hóa về mặt đạo đức
khiến xã hội rúng động như vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, Hà Nội, cho
đến những vụ án mạng.
Ở Sài Gòn, một thanh niên “Phát cơm từ thiện bị kẻ xin cơm đâm chết” (báo Dân Trí). Ở Đồng Nai, chỉ vì “Giành mai táng, nhân viên trại hòm đâm người” (Báo Pháp Luật TP.HCM). Tại Hải Dương “Dân đánh chết trộm chó: cách trụ sở 1km, CA đến không kịp”
(báo Đất Việt). Và đây không phải lần đầu tiên người dân vì nổi giận
với dân trộm chó, đã xúm nhau đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Có khi
người dân còn đốt cả xe, cả người trộm chó!
Ngày 7.8, TAND Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) đưa ra xử vụ án “Thuê côn đồ xử hàng xóm”
(báo Thanh Niên). Vì cho rằng người hàng xóm thường trêu ghẹo vợ mình,
một người đàn ông ở Bình Dương đã thuê nhóm côn đồ đánh để dằn mặt,
nhưng không ngờ cả nhóm đã chém nạn nhân một trận tơi tả.
Dân thuê côn đồ xử nhau, ngay đến cán bộ nhà nước cũng có mối quan hệ bạn bè với giới xã hội đen. Một “Phó ban tổ chức Quận ủy Cầu Giấy bị bắt vì giới thiệu giang hồ thuê “sát thủ” (báo Người Lao Động), để rồi 2 sát thủ này đâm chết một chủ thầu xây dựng ngay giữa đường phố Hà Nội.
Trước đó đã từng có những vụ “Giám đốc lĩnh 2 năm 6 tháng tù vì thuê giang hồ giết người đòi nợ”,
(báo Lao Động), đó là nguyên giám đốc chi nhánh Cosveco, Nghệ An. Giám
đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải (huyện Hóc Môn,
TP.HCM) thuê giang hồ giết cấp phó bị kết án tử hình, sau đó chết trong
tù…
Còn công an, thay vì đại diện cho chính quyền đi ngăn chặn kẻ
xấu, kẻ ác thì trong những năm qua, lại xảy ra rất nhiều trường hợp công
an lạm quyền đánh dân, thậm chí dẫn đến tử vong. Đây là vài vụ trong
tuần qua:
Một thanh niên ở Tuyên Quang “Ngã gục trên đường, tử vong sau khi bị CSGT đánh” (báo Người đưa tin), chỉ vì không đội mũ bảo hiểm!
Tại Bắc Giang, “Công an xã dùng dép bạt tai, quật dùi cui đánh dân trọng thương ngay tại trụ sở”
(báo Dân Trí) chỉ vì ông này lên trình báo về việc hàng xóm gây ô nhiễm
môi trường nhưng không được giải quyết nên bức xúc, to tiếng với công
an.
Tình trạng công an đánh chết dân khi đang trong quá trình tạm
giữ để điều tra như đã nói, rất nhiều. Nhưng thường bị cho “chìm xuồng”
hay xử rất nhẹ (chẳng hạn, vụ vừa được đem ra xử ở Đắk Lắk “Công an đánh chết nghi can trộm bò: 18 tháng tù” (báo Tuổi Trẻ)-một mức án quá nhẹ cho một mạng người!).
Nên
những sự việc tương tự vẫn tiếp diễn. Và trong rất nhiều trường hợp,
nạn nhân được công bố là đã…tự tử tại đồn. Mới đây nhất, một nghi can đã
“Tự tử tại đồn công an sau khi bị bắt vì trộm gà” (báo Dân Trí), mà theo bài báo, tang vật chỉ là 21 con gà có tổng trọng lượng 31 kg!
Công an thì lộng hành, còn tòa án?
Dư
luận còn chưa quên ông Nguyễn Thanh Chấn, người “nổi tiếng” vì bị tù
oan 10 năm ở Thanh Hóa đang theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường; thì trong
lúc đó, một vụ án oan sai khác, gây xôn xao dư luận không kém ở Sóc
Trăng, với 7 thanh niên bị bắt oan cũng đã được đem ra xử: “Vụ oan sai ở Sóc Trăng: Khởi tố 2 điều tra viên, 1 nguyên kiểm sát viên” (Báo Người Lao Động).
Điều
làm cho mọi người bàng hoàng là những cách tra tấn tàn bạo, gây tổn
thương lâu dài, nghiêm trọng cho người bị nhục hình, của các điều tra
viên, qua lời kể của các nạn nhân.
Một xã hội mà luật pháp không
hề được tôn trọng, thậm chí chính những người đại diện cho chính quyền,
cho công an, tòa án, giới cán bộ quan chức…lại ngang nhiên vi phạm pháp
luật và được cái bộ máy ấy che chở. Vậy thì có gì lạ khi người dân cũng
coi thường pháp luật, sẵn sàng “tự xử” người khác vì một lý do nào đó?
Tội
ác ở quốc gia nào mà chẳng có, nhưng tội ác trong xã hội Việt Nam hiện
nay thực sự đang làm cho mọi người lo ngại chính vì nó ngày càng nhiều
và trở thành “bình thường”.
Tội ác trở nên bình thường, khi xảy ra hàng ngày, từ Nam tới Bắc, từ các thành phố lớn cho tới nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tội
ác trở nên bình thường, khi xảy ra trong bất cứ môi trường nào của xã
hội, kể cả những nơi tưởng chừng an toàn nhất, như nhà trường, nhà chùa,
hay bệnh viện.
Khi kẻ thủ ác có thể là bất cứ ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, và không chỉ là những người ít học, thiếu hiểu biết.
Có
thể là một sinh viên đại học, xuất thân từ một gia đình đàng hoàng tử
tế như Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ án chấn động giết bạn gái cũ, rồi chặt
đầu vứt ở nơi khác để phi tang.
Có thể là một bảo mẫu như vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở Thủ Đức, TP.HCM đánh chết trẻ 18 tháng tuổi.
Có
thể là một nhà giáo, một Hiệu trưởng, như vụ án mua dâm nữ sinh chấn
động một thời với “nhân vật” chính là Sầm Đức Xương, nguyên Hiệu trưởng
Trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Sầm Đức Xương đã
dụ dỗ nhiều em học sinh sau đó sử dụng các em để “thết đãi” các vị khách
quý là quan chức trong tỉnh, thậm chí còn bảo các em tìm thêm các bạn
khác để bán dâm!
Có thể là một bác sĩ như bác sĩ Tường, thẩm mỹ
viện Cát Tường, Hà Nội, giải phẫu làm chết nạn nhân xong vứt xác xuống
sông Hồng phi tang, đến 9 tháng sau mới tìm thấy xác.
Có thể là một nhà sư trong vụ “Sư thầy giết người yêu, phi tang xác vì không chịu phá thai” (Tin Mới) ở Trà Vinh v.v…
Nghĩa
là không chừa một ai, một giới nào. Đáng nói hơn, đó là những con người
hoàn toàn bình thường, không hề có tiền sử bị bệnh tâm thần. Và những
tội ác họ gây ra không chỉ vi phạm luật pháp mà còn chà đạp lên mọi điều
cấm kỵ thiêng liêng nhất của ngành y, ngành giáo hay tôn giáo.
Tội
ác trở nên đáng báo động khi người ta giết nhau không chỉ vì những mối
oán thù, ghen tuông, mâu thuẫn sâu đậm, mà còn vì những lý do hết sức
vặt vãnh, cỏn con, vô lý…như bị phát chậm một suất cơm từ thiện!
Khi người ta không chỉ giết kẻ thù, người lạ mà còn giết người yêu, cha mẹ, chồng/vợ, giết cả con. Nào “Đau lòng những vụ án nghịch tử xuống tay với bố mẹ” (Người đưa tin), “Hà Tĩnh: bố mẹ giết con rồi ném xuống sông phi tang” (Tin Mới), “Giận vợ, dùng kéo giết con gái sơ sinh” (Người Lao Động)…
Đã
có rất nhiều bài báo, những hội thảo xung quanh vấn đề tội ác gia tăng ở
Việt Nam và nhiều nhà báo, nhà giáo, nhà tâm lý học, xã hội học…đã cố
đi tìm câu trả lời.
Trong đó, chúng ta đã nói đến những nguyên
nhân thuộc về môi trường xã hội. Một xã hội luôn đề cao những giá trị
vật chất, chạy theo bằng cấp, địa vị, tiền bạc và những hình thức hào
nhoáng bên ngoài mà coi nhẹ những giá trị bên trong của con người như tư
cách, đạo đức, danh dự, lòng liêm sỉ…
Một xã hội mà những điều
không tử tế, cái ác, cái xấu không bị trả giá đích đáng, trong khi sự tử
tế, cái thiện, cái đẹp thì lắm lúc bị coi thường; những kẻ vô lương,
bất tài, kém đức nghiễm nhiên chiếm những chỗ ngon lành trong xã hội,
sống trên đầu trên cổ người khác trong khi nhiều người lương thiện, có
tài có đức bị thiệt thòi, không ngóc đầu lên được.
Một xã hội
không tôn trọng luật pháp. Một xã hội có quá nhiều bất công phi lý,
khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nhưng lại thiếu vắng tự do dân chủ
và nhân quyền thì bị chà đạp.
Chúng ta cũng đã nói đến những
nguyên nhân do giáo dục. Giáo dục sa sút thậm tệ, môi trường giáo dục từ
lâu đã không còn là nơi dạy cho con người niềm tin vào sự học, vào sự
thật, thậm chí nhiều khi đã trở thành nơi bán chữ, chạy điểm, chạy bằng…
Không
còn niềm tin vào luật pháp, không có bệ đỡ từ giáo dục, nhưng còn chỗ
tựa vào tôn giáo thì con người cũng có được sự an ủi, và “thanh chắn” để
tự dừng lại trước khi phạm tội. Nhưng ở Việt Nam, tôn giáo đối với
nhiều người, chỉ là mê tín thay vì niềm tin và sự hiểu biết thực sự.
Cuối cùng chỉ còn lại gia đình, nếu may mắn bình yên, êm ấm là chỗ trú
ngụ cuối cùng, nếu không, con người thực sự bơ vơ, khủng hoảng.
Khi
phải sống trong một môi trường xã hội, một chế độ như vậy, con người
thường dễ cảm thấy bực bội, tức giận không đâu, cộng thêm sức ép thường
trực của cơm áo gạo tiền, những vấn đề cá nhân phải đối mặt hàng
ngày…Tất cả sẽ tạo ra những ẩn ức tâm lý.
Khoan nói đến những vụ
án được suy tính, sắp xếp kỹ, trong những vụ án có tính chất bất ngờ
không đoán trước, nguyên nhân sâu xa một phần từ những nỗi bức bối, ẩn
ức bên trong, từ sự bơ vơ, khủng hoảng về tinh thần, và chỉ cần một lý
do nào đó, cùng với việc con người mất đi lý trí, sự sáng suốt trong
khoảng khắc, tội ác sẽ xảy ra.
Và khi từ thể chế chính trị, môi trường xã hội, giáo dục…còn chưa thay đổi thì đừng hy vọng tội ác sẽ giảm đi hay biến mất.
0 Nhận xét