Các bài suy niệm
LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
Kh 11,19a;12,1-6a.10ab; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56
1. Mẹ lên trời
Tại nhiều giáo xứ bên Ý, vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, người ta có tục lệ rước kiệu như thế này:
Một kiệu Đức Mẹ từ
cuối làng đi lên. Còn một kiệu Chúa Giêsu từ đầu làng đi xuống. Cả hai
sẽ gặp nhau tại sân nhà thờ. Người ta sắp đặt để cả hai tượng đều cúi
đầu chào nhau ba lần, rồi sau đó cũng tiến vào nhà thờ, tượng trưng cho
việc Chúa Giêsu dẫn đưa Mẹ Ngài vào quê hương Nước Trời. Nghi thức này
tuy đơn sơ nhưng lại gây một ấn tượng mạnh mẽ nơi những người người tham
dự. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy niềm tin vào việc Đức Mẹ hồn xác
lên trời đã được manh nha từ một thời rất xa xưa. Thực vậy, vào năm 457,
Đức Giám Mục Giêrusalem đã viết như sau: Mẹ Maria qua đời, có các tông
đồ vây quanh. Nhưng rồi sau khi chôn cất được ít lâu, ngôi mộ bỗng được
mở ra, các tông đồ nhận thấy nó hoàn toàn trống rỗng và rồi các ông đã
kết luận Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.
Đúng thế, Chúa Giêsu
đã không muốn để Mẹ Ngài phải chịu một giây phút nào dưới quyền lực của
Satan và tội lỗi, nên đã ban cho Mẹ đặc ân vô nhiễm nguyên tội. Đồng
thời Ngài cũng không muốn thân xác tinh tuyền của Mẹ phải chịu cảnh mục
nát trong mồ, nên đã ban cho Mẹ đặc ân được về trời cả hồn lẫn xác.
Thiên Chúa Ba Ngôi cùng với triều thần thánh trên trời mừng rỡ chúc tụng
Mẹ.
Đó là niềm hạnh phúc
của những người thân yêu gặp lại nhau. Và đó cũng là niềm hạnh phúc mà
mỗi người chúng ta đều có thể mong đợi. Đúng thế, trong ngày lễ Mẹ về
trời chúng ta có thể nghĩ tưởng tới ngày chúng ta cũng sẽ được bước vào
quê hương Nước Trời, sau một cuộc đời trung thành phụng sự Chúa. Chính
tại quê hương Nước Trời này, chúng ta sẽ được gặp lại những người thân
yêu đã ra đi trước chúng ta.
Đồng thời chúng ta
cũng có thể suy nghĩ về sự chết. Thực vậy, cái chết không còn là một ngõ
cụt, một chấm dứt, như nhiều người thường bảo: chết là hết. Trái lại
đối với chúng ta, những người có đức tin, thì chết là giây phút chúng ta
được trở về nhà Cha, được sinh ra cho cuộc sống vĩnh cửu, được gặp lại
những người thân yêu như lời kinh nguyện Thánh Thể chúng ta vốn thường
nghe đọc: Xin cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời cùng với Đức
Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và toàn thể các thánh.
Chúng ta hãy sốt sắng
đọc kinh Kính Mừng và đặc biệt chú ý tới lời kêu xin: Cầu cho chúng con
là kẻ tội lỗi, khi này và trong giờ lâm tử.
Vì thế, hãy cầu
nguyện và ra sức uốn nắn những sai lỗi để đổi mới cuộc đời, nhờ đó trong
ngày sau hết chúng ta cũng sẽ được Chúa đón nhận vào quê hương Nước
Trời.
2. Một bản thánh ca bắt đầu vang lên.
Phúc âm thuật lại
những ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho Đức Maria, nhấn mạnh nhiều nhất
về Đức Maria gương mẫu đức tin. Phúc thay cho bà, vì bà đã tin … Nghĩ
về chúng ta, Thiên Chúa đã muốn rằng Mẹ Thiên Chúa phải được thỉnh mời
đáp bằng một tiếng vâng đối với điều vượt quá trí khôn Mẹ. Đức Maria
luôn luôn trả lời bằng một niềm tin toàn diện. Hiệp thông với dân tộc,
với thời đó, với Giáo hội tương lai, Đức Maria ca lên kinh Magnificat.
Giáo hội nhận ra mình trong bản kinh ấy. Chúng ta hãy hợp nhất với niềm
tin của Người. Đức Maria khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa, kiên quyết trong
thử thách, đóng vai kẻ tôi tới bệnh cạnh loài người, sống bằng suy niệm
và luôn vui sống.
Để hợp với bầu khí Mông Triệu, chúng ta suy niệm về một câu trích trong bản kinh Magnificat tuyệt vời này.
1) Thần trí tôi nhảy mừng.
Ca khúc Magnificat
giờ đây vang trên thiên quốc với tất cả âm điệu tiết tấu. Nhưng Đức
Maria đã hát lên ca khúc ấy lần đầu tiên trong một giai đoạn cuộc đời
dưới trần thế của Người, ở khoảnh khắc một mạc khải vừa được hé mở. Đức
Maria thoáng nhìn thấy định mệnh nhân bản của mình được thành toàn trong
cơ thể và thần trí. Thật vậy, Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng
Đức Maria, ngõ hầu nâng cao con người, ban cho con người phẩm giá thần
linh. Sự sống lại vinh hiển giống như hạt thóc vùi trong lòng đất nay hoá thành bông lúa chín vinh quang
dưới ánh mặt trời. Trong kinh Magnificat, ngay ở lúc khởi sự mầu nhiệm
Nhập thể, Đức Maria đã ca ngợi trước về niềm vui Phục sinh sau này.
Trong con người Đức Giêsu, Đức Maria thoáng nhận thấy Thiên Chúa muốn có
một lịch sử ấy, định mệnh ấy chỉ có thể là tuyệt diệu. Hơn nữa, đích
thân Thiên Chúa đến đổi mới lịch sử thân xác nhân loại bằng cách hướng
nó về Tình yêu của Thiên Chúa. Vẫn tiếng la lên vì sung sướng chào mừng
lúc khai mạc, sau này trở thành bản thánh ca phấn khởi trong ngày hoàn
tất. Cũng vậy, trong đời sống rất thực của chúng ta, trong thực tại xác
phàm, mặc dầu đau khổ, chúng ta hãy vui sướng nhận rõ điều gì chúng ta
có thể dâng lên Thiên Chúa để Người thánh hoá. Chớ quên rằng thân xác chúng ta được mời gọi để trở nên một cơ thể được ‘Kitô hoá’.
2) Trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi.
Đức Giêsu cứu chuộc
chúng ta bằng quyền năng Thiên Chúa của Người, Chúa cứu chuộc toàn bộ
con người chúng ta cả xác lẫn hồn. Toàn thể thân xác sẽ được cứu chuộc
chừng nào chúng ta tham dự trạng thái hiển vinh của cơ thể Đức Kitô.
Nhưng không được quên rằng Đức Kitô cứu chuộc chúng ta ngay từ bây giờ.
Đức Kitô phục sinh hiện hữu, sống trong trạng thái đặc biệt, Chúa ở
trong mỗi chúng ta như linh hồn ở trong mỗi phần nhỏ cơ thể. Những giới
hạn của bất cứ vật thể hữu hình nào không còn nữa đỗi với cơ thể Đức
Kitô. Kitô hữu kết hợp với Đức Ki-tô thì mang trong mình lời kêu gọi
sống lại vinh hiển. Điều này đúng vô cùng đối với Đức Maria Mẹ Thiên
Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ cho chúng ta được ‘hợp tác’ với sức
mạnh cứu độ của Cơ thể quang vinh Đức Giêsu hiện diện trong chúng ta.
Chừng đó, chính chúng ta cũng sẽ ca lên bản kinh Magnificat.
3. Mẹ lên trời
Từ tín điều Mẹ hồn xác lên trời, được mừng kính hôm nay, chúng ta rút ra được những kết luận nào.
Kết luận thứ nhất, đó là Mẹ đã được đưa về trời, nơi mà một ngày kia chúng ta cũng sẽ đến.
Thực vậy, sở dĩ Mẹ đã được đưa về trời một cách kỳ diệu vì Mẹ không hề phạm tội, nên thân xác Mẹ không bị huỷ
hoại tiêu tan, cũng như thân xác Chúa Giêsu. Thân xác Mẹ trực tiếp đi
từ tình trạng dương thế qua tình trạng vinh quang mà không phải nếm mùi
mục nát. Sự hiện diện của Mẹ trên trời là lời hứa hẹn cho chúng ta, bởi
vì một ngày kia chúng ta cũng sẽ được ở đó với Mẹ.
Tuy nhiên, vì mang
thân phận tội lỗi, nên chúng ta sẽ không chuyển trực tiếp từ tình trạng
dương thế qua tình trạng vinh quang, nhưng sẽ phải trải qua một thời kỳ huỷ
hoại, một thời kỳ mục nát. Chúng ta giống như cây phượng. Khi mùa hè
trở về, nó trổ bông đỏ rực. Nhưng khi mùa thu tới, nó bắt đầu rụng lá để
rồi chỉ còn lại những cành cây trơ trụi vào mùa đông.
Cuộc sống của chúng
ta cũng giống như vậy. Khi mùa thu cuộc đời trở lại, chúng ta mất đi
toàn bộ vẻ đẹp thân xác, để rồi sẽ bị rữa thối trong lòng đất lạnh, một
khi chúng ta nằm xuống cùng với một cái chết. Thế nhưng khi giờ phút
sống lại đã điểm, thì một thân xác mới mẻ và xinh đẹp sẽ nở tươi trên
đống tro tàn bụi đất, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: khi gieo một hạt
giống vào lòng đất, nó sẽ không mọc lên nếu không bị chết đi. Và hạt
giống chúng ta gieo, há chẳng phải là một cây đầy đủ mà sau này sẽ lớn
lên sao. Thân xác của chúng ta lúc bấy giờ sẽ như thế nào? Thánh Phaolô
diễn tả:
- Thân xác hay chết này sẽ mặc lấy sự không hay chết và thân xác mục nát này sẽ không còn mục nát nữa.
Kết luận thứ hai việc
Mẹ được đưa về trời còn là nguồn trợ lực cho chúng ta khi chiến đấu để
chiếm lấy niềm vinh thắng mà Mẹ đang vui hưởng.
Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng chạy đến kêu cầu cùng Mẹ.
Douglas Hyde là một đảng viên Cộng sản, chủ bút một tờ báo lớn ở Anh Quốc. Ông đã kể lại sự mình trở về với Giáo hội như sau:
Ngày nọ, tình cờ ông
bước vào một nhà thờ Công giáo. Ngồi ở hàng ghế sau cùng, ông đưa mắt
quan sát và nhận thấy có một thiếu nữ bước vào, vẻ mặt đầy âu lo. Cô ta
đến trước bàn thờ Đức Mẹ, quỳ cầu nguyện một hồi
lâu, sau đó đứng dậy ra khỏi nhà thờ. Lúc cô ta đi ngang qua, ông nhận
thấy vẻ mặt đầy lo âu khi trước đã tan biến, nhường chỗ cho một vẻ mặt
phấn khởi và hy vọng.
Thế là ông cũng mon
men đến bên bàn thờ Đức Mẹ và trình bày câu chuyện đời mình, nhưng ông
không biết phải bắt đầu như thế nào. Sau này khi nhớ lại, thì hình như
ông ta đã nói với Mẹ:
- Lạy Mẹ dịu dàng và
đáng yêu, xin hãy tỏ ra nhân từ và khoan dung với con. Nhờ Mẹ giúp đỡ,
cuối cùng ông đã được ơn ăn năn trở lại.
Hãy tin tưởng chạy đến với Mẹ, bởi vì xưa nay chưa từng nghe có người nào kêu cầu Mẹ, mà Mẹ chẳng nhận lời.
4. Cảm nghiệm ơn Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Nếu có ai hỏi: Làm
thế nào để tiến bộ trên đường đạo đức, thay đổi nếp sống cũ, biết dấn
thân mến Chúa yêu người hơn? Tôi xin thưa: điều quan trọng nhất khởi đầu
cho một nếp sống mới là: cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong đời
mình. Khi đã nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương, ta sẽ không thể
làm điều gì khác hơn là mong muốn đáp lại tình yêu ấy.
Tình yêu kêu gọi tình
yêu. Tình yêu đáp trả tình yêu. Chúa Thánh Thần, nguồn tình yêu của
Thiên Chúa, sẽ giúp ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa và soi sáng thúc
giục ta đáp lại tình yêu ấy.
Sau khi Đức Mẹ ngoan
ngoãn nói lên lời “xin vâng”, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn Đức
Mẹ. Đức Mẹ mở rộng tâm hồn đón nhận và để mặc Người hướng dẫn cuộc đời
mình. Tứ đây, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn biến đổi. Đức Mẹ trở nên một
dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa Thánh Thần, hiến dâng trọn vẹn tâm hồn và thân xác để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những tác động của Chúa Thánh Thần trên Đức Mẹ.
Tác động thứ nhất: sự vội vã.
Vội vã đây không phải
là sự vội vàng hấp tấp. Cũng không phải là nôn nóng lo âu. Sự vội vã ở
đây có nghĩa là sự nhiệt tình hăng hái. Cảm nghiệm được tình yêu Thiên
Chúa trong tâm hồn, Đức Mẹ mau mắn, tha thiết muốn đáp trả. Nếp sống của
cô thôn nữ Maria đã thay đổi. Từ một thôn nữ dịu dàng, sống êm đềm
trong cuộc đời bình dị, Đức Mẹ giờ đây trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn,
hăng hái đền đáp lại Tình Chúa Yêu Thương. Từ một thôn nữ vui với công
việc nội trợ, khép mình trong làng xóm, Đức Mẹ đã mở cửa ra đi. Sự mở
cửa ra đi làm ta nhớ tới tác động của Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ.
Tác động thứ hai: tâm tình tạ ơn.
Cảm nghiệm được tình
Chúa thương yêu, lòng Đức Mẹ tràn đầy niềm cảm mến biết ơn. Niềm tri ân
cảm tạ đầy ứ trong lòng chỉ chờ dịp tuôn ra thành lời. Cảm nghiệm về ơn
lành vô biên của Thiên Chúa cũng là cảm nghiệm về sự thấp hèn bất xứng
của mình. Hai cảm nghiệm song song đó càng nâng cao, càng đào sâu niềm
tri ân cảm tạ. Cảm nghiệm ấy đã biến đổi Đức Mẹ, từ một cô gái kín đáo,
âm thầm trở nên một thi sĩ, một ca sĩ lớn tiếng ca tụng Tình Yêu Thiên
Chúa đối với kẻ nghèo hèn. Chúa Thánh Thần đã biến Đức Mẹ thành ngòi bút
thi sĩ như lời Thánh vịnh: Tim tôi dâng ý thơ tuyệt diệu. Dệt bài ca
dâng tiến Đức Vua. Lưỡi tôi tựa bút rung vạn điệu. Trong tay những thi
nhân anh tài. Khi nghe bà Isave chào, Đức Mẹ đã ứng khẩu tán tụng Chúa
bằng bài kinh ca ngợi tuyệt diệu.
Tác động thứ ba: thái độ chia sẻ.
Tình yêu Thiên Chúa
bao la đã đổ vào tâm hồn Đức Mẹ tràn đầy niềm vui. Niềm vui thánh thiện
và lớn lao đã thúc đẩy Đức Mẹ mau mắn lên đường đi thăm bà Isave. Đức Mẹ
không đến để khoe khoang, nhưng để chia sẻ. Nhờ Đức Mẹ đến mà bà Isave
và thánh Gioan Baotixita được chúc phúc. Đức Mẹ cũng đến để chúc mừng bà
chị họ đã được Chúa đoái thương. Tâm hồn được Chúa chiếm hữu đã khiến
Đức Mẹ trở nên quảng đại và hiệp thông, sẵn sàng chia vui sẻ buồn với
những người chung quanh.
Tác động thứ bốn: dấn thân phục vụ.
Niềm tri ân cảm tạ,
niềm vui thánh thiện thực sự sẽ không dừng lại ở những bài ca trên môi
miệng. Cảm nghiệm về Tình Yêu Thiên Chúa trong trái tim sẽ mau chóng
biến thành hành động. Sự đền đáp tình yêu sẽ thúc đẩy người được yêu dấn
thân phục vụ trong những việc làm cụ thể. Chính vì thế Đức Mẹ đã không
ngần ngại ở lại phục vụ bà chị họ trong ba tháng.
Mừng lễ Đức Mẹ lên
Trời một cách có ý nghĩa nhất, đó là ta hãy noi gương Đức Mẹ: xin Chúa
Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn ta như Người đã đến trong lòng Đức Mẹ,
giúp ta con người được những ơn lành Chúa ban và giúp ta mau mắn đáp lại
tình yêu thương đó.
Xin Đức Mẹ giúp chúng
con biết ngoan ngoãn vâng theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng: để vội và
ra đi, để hân hoan tạ ơn, để quảng đại chia sẻ và để dấn thân phục vụ
anh em. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong đời bạn không?
2. Sẵn sàng làm theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, bạn có mong muốn điều này không?
3. Lên trời, dứt khỏi
trần gian. Đây có phải là một bước nhảy vọt không? Hay chỉ là tiếp nối
của quá trình từ bỏ chính mình trên trần gian?
5. Đức Maria: địa chỉ trên cao – ĐGM. Vũ Duy Thống
Cách đây ít lâu, khi
đọc báo hằng ngày, tình cờ tôi ghi nhận được một mẩu tin là lạ. Đó là
mẩu bố cáo đăng ký địa chỉ trên cung trăng. Ai muốn đứng tên chủ quyền
một thửa đất trên gương mặt chị hằng bảo đảm có bằng khoán giấy tờ công
chứng đường hoàng, hãy mau mau đăng ký, chọn vị trí trên bản đồ và nộp
tiền đầy đủ. Bảo đảm, chỉ vài ngày sau là được trao tận tay sổ hồng sổ
đỏ, để cứ mỗi đêm trăng sáng là có quyền vác kính viễn vọng ra ngắm
nghía chỉ trỏ giới thiệu với bạn bè về dự án tương lai địa chỉ trên cao
của mình.
Thấy mẩu tin ngồ ngộ,
tôi ghi nhận, và hôm nay lễ Đức Maria Mông Triệu, nghe vẳng bên tai bài
hát “Như một vầng trăng tuyệt vời, muôn ngàn tia sáng lung linh chốn
thiên cung” ca ngợi Đức Maria, bỗng dưng nhớ lại và liên tưởng: mỗi tín
hữu cũng có một địa chỉ trên cao, địa chỉ ấy mang tên Maria.
1. Đức Maria: một địa chỉ thiết định cho lòng tin.
Đây không phải là điều huyền hoặc do trí tưởng tượng con người bịa
ra trong một giờ cao hứng, đây cũng không phải là sản phẩm mang nặng
cảm tính do lòng đạo đức của giới lớp bình dân, đây càng không phải là
do nhất trí đồng ý giơ tay tán thành theo kiểu vào hùa mà không cần biết
đến có tự do hay không.
Không phải thế, mà là
kết quả suy tư lâu dài tìm kiếm của đời sống Giáo Hội. Trước năm 1950,
người ta có quyền bán tín bán nghi, tin hay không tin cũng chẳng hề hấn
gì, như thánh Tôma tiến sĩ; nhưng kể từ ngày lễ Các Thánh năm 1950, khi
Đức Giáo Hoàng công bố sự kiện Đức Maria Mông Triệu như một tín điều,
người ta không còn có thể dửng dưng được nữa, mà nhất thiết phải reo lên
vui mừng, vì đã sáng tỏ: trên cao, Đức Maria chính là địa chỉ của lòng
tin Công Giáo.
Thật vậy, Mẹ Vô Nhiễm
Nguyên Tội, nên không thể chịu hậu quả của Tội nguyên tổ là phải chết.
Mẹ trọn đời Đồng Trinh nên cứ lý cũng trọn đời trinh nguyên tồn tại. Mẹ
cung cấp chất liệu xác thân cho Ngôi Hai Thiên Chúa bước xuống đồng hành
với con người trong kiếp phận loài người, thì khi Phục Sinh về trời
vinh quang, Thiên Chúa cũng giữ gìn cho Mẹ mình thoát khỏi cảnh hư nát
thân xác. Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, nếu đã được Thiên Chúa yêu thương gìn
giữ từ thuở đời đời bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì cũng được Thiên
Chúa giữ gìn cho đến muôn đời bằng đặc ân Mông Triệu tuyệt diệu hơn mọi
người trần.
Cách khác, Mẹ Hồn Xác
Lên Trời là một ngôn ngữ mang tính dấu chỉ dễ đọc của một địa chỉ trên
cao, vốn đã có sẵn trong mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.
2. Đức Maria: một địa chỉ thiết thân của đời tín hữu.
Ngày nay có thể có
người nghĩ rằng: Đức Mari Mông Triệu chỉ là một tín điều, nghĩa là một
điều được Giáo Hội xác lập như đối tượng phải tin; lại nữa, cũng chỉ
được định tín cách nay chưa lâu, mới từ năm 1950, có chi mà quan trọng?
Giữa cộng đoàn, xin
được cùng với Giáo Hội nhắc lại rằng: đây không phải là chuyện thuần tuý
quy ước, mà đúng là chuyện thiết thân với mọi con người. Khi gọi một
chiếc xe là “xe máy” thì nó là “xe máy” dù chẳng có chút máy móc nào mà
chỉ là “xe đạp”. Đó là quy ước. Thế nhưng, khi tín điều thiết định thì
khác, vì ở đó cả vận mệnh đời sống của những kẻ tin cũng được định hình
theo.
Đức Maria về trời,
nhưng không về với đôi tay trắng, mà là nặng trĩu vận mệnh của cả Giáo
Hội, Đức Kitô là Đầu, mà vinh quang của Đầu tiến đến đâu thì vinh quang
của Thân Mình cũng tỏ hiện đến đó, nhưng qua việc Đức Maria về trời, tín
hữu nhận thấy rõ hơn vận mệnh đời mình.
Mẹ là người đi đầu cho ta được tiếp bước. Mẹ được đưa về trời là tiền đề cho lòng tin người
tín hữu: nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ như người
đi trước cho ta được theo sau. Mẹ được đưa về trời là tiền đề cho lòng
tin người tín hữu: nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ
như người đi trước cho ta được theo sau. Mẹ được đưa về trời là khuôn
mẫu cho niềm hy vọng: bên kia địa chỉ trần thế này là một địa chỉ trên
cao của cuộc sống phong phú đời đời. Mẹ là người đi mau cho ta được níu
kéo dắt dìu. Mẹ về trời xác lập một hướng đi cho lòng yêu mến: yêu trung
thành hôm nay sẽ được dẫn tới bến bờ yêu thương tinh ròng vĩnh phúc.
Thế đó, Đức Maria địa chỉ trên cao thiết thân cho mệnh đời tín hữu.
3. Đức Maria: một địa chỉ thiết thực cho mỗi cảnh đời.
Vấn đề được đặt ra ở
đây không chỉ là chuyện hiểu biết và tin tưởng, nghĩa là dừng lại trong
nhận thức, cho dẫu đó là bước đầu không thể thiếu được, nhưng quan trọng
hơn, là hỏi xem địa chỉ trên cao kia có để lại âm hưởng gì trong đời
sống hằng ngày? Có một bài hát “Kinh Tin Kính” kết thúc bằng câu quyết
tâm “Tin những gì Hội Thánh dạy con”. Tốt lắm, nhưng nghe sao vẫn cứ ngờ
ngợ, tin tất cả mà không lo chuyển hoá niềm tin vào cuộc sống
thiết thực, thì tự nó đã hàm chứa một nguy cơ của sự cả tin. Giống như
một cha sở cử hành Bí tích Xức Dầu cho một nữ bệnh nhân tân tòng trọng
tuổi, với những công thức tuyên tín dài dòng, bệnh nhân ấy trong cơn đau
đớn đã thốt lên: “Cha nói thánh tướng nào con cũng tin cả”. Thành thử,
hôm nay, khi tuyên xưng Đức Maria hồn xác về trời chính là lúc ta phải
nỗ lực tổ chức xây dựng đời sống nơi địa chỉ trần thế sao cho phù hợp
tương thích với địa chỉ trên cao mà ta tin yêu hy vọng.
Làm sao có thể về trời thanh nhàn khi cuộc đời này chưa thanh sạch tâm
hồn, chưa thanh bạch nếp sống, chưa thanh luyện ý chí, chưa thanh thoát
tư duy, chưa thanh cao tình cảm, chưa thanh thản nỗi đau đời và chưa
thanh thoả nhiệm vụ người người với nhau? Làm sao có thể về trời thênh
thang khi cuộc sống hôm nay vẫn còn bận bịu bỏ neo nơi những khuynh
hướng đam mê sùng bái, như là dục vọng buông lơi lòng tham không đáy hay
quyền bính vô độ? Và làm sao có thể về trời với Mẹ khi ta hằng ngày vẫn
còn gặp mình trên những lo toan tính toán làm ăn không chỉ dừng lại ở
mức “lương thực hằng ngày” “cầu vừa đủ xài” của Kinh Lạy Cha, mà còn
mong có mọi sự nhiều thêm nữa, trừ một sự là có điểm dừng?
Muốn có địa chỉ trên cao, hãy tích cực đăng ký xây dựng ngay từ địa chỉ trần thế này.
Qua một bài báo về kỹ
thuật hàng không, được biết rằng người ta đang tính tới chuyện bay cao
bay xa và bay nhanh hơn. Điều này đòi hỏi phải giải quyết ba thông số kỹ
thuật: giảm nhẹ thân tàu, tăng cường sức đẩy động cơ và trang bị bộ
phận định hướng tốt. Bất giác tôi nghĩ đến chuyến bay đời người về địa
chỉ trên cao, cũng cần trút nhẹ lo toan, gia tăng ơn thánh, và nỗ lực
định hướng theo gương Đức Mẹ. Như vậy, chuyến bay ấy chắc chắn sẽ cao xa
nhanh an toàn.
Chúc mọi người luôn
biết dâng cao tin yêu hy vọng, để làm quen với địa chỉ trên cao ngay từ
cuộc sống xem ra còn nhiều lũng thấp hôm nay.
Đức Maria địa chỉ
trên cao, dạy cho con biết qua bao tháng ngày, biết đường sống thánh từ
nay, ngày mai sẽ được thẳng bay về trời.
6. Mẹ Lên Trời là hy vọng của chúng ta
Tại một số thành phố
trong nước Ý có một cách mừng Lễ Mẹ Lên Trời thật đơn sơ nhưng có ý
nghĩa: Họ bắt đầu không phải ở nhà thờ nhưng ở đường phố chính. Việc cử
hành gồm hai cuộc rước.
Cuộc rước tượng Đức
Mẹ bắt đầu từ ngoại ô thành phố tiến vào trung tâm thành phố. Cuộc rước
này tượng trưng cho cuộc hành trình của Đức Mẹ từ cuộc sống trần gian
tiến về trời.
Cuộc rước khác là
cuộc rước tượng Chúa Giêsu qua các đường phố lớn. Ý nghĩa cuộc rước này
là Chúa Giêsu đi đón Đức Mẹ khi Đức Mẹ tiến vào thiên đàng.
Giây phút nổi bật là
khi hai cuộc rước gặp nhau tại một cổng chào được trang hoàng lộng lẫy.
Chúa Giêsu và Đức Mẹ cúi chào nhau ba lần nói lên rằng Chúa Giêsu chào
mừng Đức Mẹ tại cổng thiên đàng.
Sau nghi thức này,
tất cả mọi người kiệu Chúa Giêsu và Đức Mẹ vào nhà thờ. Ý nghĩa việc
rước này là Chúa Giêsu đưa Mẹ Ngài lên toà vinh quang trên trời. Khi mọi
người vào nhà thờ thì Thánh Lễ được bắt đầu.
Theo phương diện thần
học, Lễ Mẹ Lên Trời nói với chúng ta rằng cả hồn và xác Mẹ Maria đang ở
trên thiên quốc. Vì Đức Mẹ không vướng mắc tội lỗi, giống như thân xác
Chúa Giêsu, thân xác Mẹ không hư nát. Thể chất trần gian của Mẹ biến
sang thể chất thiên đàng.
Theo phương diện thực hành, Lễ Mẹ Lên Trời nhắc nhở rằng chúng ta một ngày nào đó cũng được ở trên thiên đàng cả hồn và xác.
Có khi chúng ta quên
rằng chúng ta cũng có thân thể trên thiên đàng. Dĩ nhiên, nó không phải
là cái xác hay chết này như là thân thể thiêng liêng giống như thân thể
Chúa Giêsu sau khi sống lại.
Nói về loại thân thể
của chúng ta trên thiên đàng, chúng ta tìm đọc Thư thứ I Thánh Phaolô
gửi cho Corintô: “Kẻ chết sống lại thể nào? Lấy thân xác nào mà đến?”
Thánh Nhân so sánh thân xác dưới đất này với hạt giống và thân thể trên
thiên đàng với cây lớn lên từ hạt giống đó: “Vật ngươi gieo nào phải là
thân hình tương lai, nó chỉ là cái hạt, như lúa mì hay thứ khác chẳng
hạn... Thiên Chúa cho nó hình thể nào tuỳ ý, mỗi
hạt đều được hình thù riêng... Có hình thể thuộc về trời, có hình thể
thuộc về đất. Việc kẻ chết sống lại cũng như thế: đã gieo sẽ mục nát,
sống lại rồi thành bất hủ. Gieo xuống là nhục, sống lại là vinh, gieo
vào đau yếu, sống lại mạnh khoẻ. Gieo thể xác sinh vật, sống lại thân hình thiêng liêng.” (I Cor 15:36-44).
Lễ Mẹ Lên Trời nhắc
nhở chúng ta một điểm thực hành nữa là Đức Mẹ ở trên trời là để giúp
chúng ta. Đức Mẹ không ngồi nghỉ, chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa, chờ đợi
chúng ta lên trời. Thật ra, Đức Mẹ luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta.
Đức Mẹ luôn giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến đấu tiến về quê trời. Đức
Mẹ trên trời có thế lực để giúp chúng ta.
Đó là tin mừng cho
chúng ta khi mừng Lễ Đức Mẹ. Phần thưởng Đức Mẹ nhận lãnh cho cuộc đời
phục vụ, hứa hẹn cho chúng ta cũng được thưởng công cho cuộc đời vất vả
của chúng ta. Chúng ta chắc chắn được hưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên
đàng. Chúa Giêsu đón mừng Đức Mẹ lên trời cũng sẽ chào đón chúng ta về
thiên đàng.
Chúng ta cùng cầu
nguyện, dùng lời kinh của lễ hôm nay: “Lạy Chúa chí thánh, hôm nay, Đức
Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình
ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân
thánh trong cuộc lữ hành trần thế. Chúa không muốn Người chịu cảnh hư
nát trong mồ, vì đã sinh hạ Con Cha yêu quí là Đấng ban sự sống cho mọi
loài.” Xin cho chúng con được cùng Đức Mẹ, một ngày nào đó trên thiên
đàng, ca tụng Chúa muôn đời.
7. Niềm an ủi
Hôm nay, chúng ta
mừng kính một tạo vật đầu tiên đã được khải hoàn và bước vào quê hương
nước trời. Tạo vật ấy chính là Mẹ Maria.
Bàu khí phụng vụ mang
một sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ
lên trời hiển vinh, để rồi nắm giữ vai trò quan trọng nhất, vai trò Nữ
vương trời đất, cũng như chiếm lấy một địa vị cao cả nhất, thật gần với
Thiên Chúa và trổi vượt trên mọi tạo vật, địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và
làm Mẹ nhân loại.
Thực vậy, sau những ngày tháng khổ đau, giờ đây Mẹ được vui hưởng niềm hạnh phúc bất diệt như lời thánh Phaolô đã diễn tả:
- Mắt chưa hề thấy,
tai chưa hề nghe và trái tim chưa một lần cảm nhận được những gì Thiên
Chúa đã sắm sẵn cho những người yêu mến Ngài.
Trong ngày mừng kính
Mẹ hồn xác về trời, chúng ta không phải chỉ ngợi khen và chúc tụng, mà
còn phải tìm lấy cho mình một niềm vui mừng và hy vọng.
Thực vậy, kể từ khi
Mẹ bước vào quê hương Nước Trời, chúng ta cảm thấy được an ủi và khích
lệ rất nhiều, bởi vì tình mẫu tử, một thứ tình cảm đẹp đẽ và tinh ròng
nhất của trái tim con người, đã được cụ thể hoá nơi Mẹ Maria trước ngai toà Thiên Chúa.
Nó không phải chỉ
mang lấy vẻ dịu hiền của tình thương, mà còn mang lấy vẻ uy nghi của
quyền năng, nhờ đó Mẹ sẵn sàng ra tay nâng đỡ và trợ giúp chúng ta trên
đường lữ thứ trần gian.
Đúng thế, trên đỉnh
đồi Canvê, Đức Maria đã trở nên Mẹ của nhân loại, cũng như trở nên Mẹ
của mỗi người chúng ta, qua lời trăn trối của của Chúa Giêsu:
- Này là Mẹ con… và này là con Mẹ.
Qua lời xin vâng
trong hoạt cảnh truyền tin, Mẹ đã cưu mang chúng ta. Đồng thời, qua
những đau khổ phải chịu, nhất là khi đứng dưới chân cây thập giá, Mẹ đã
sinh chúng ta trong đời sống ơn sủng. Và bây giờ ở trên trời, với tước
hiệu là Mẹ chúng ta, Mẹ vẫn nhớ đến từng người và Mẹ sẽ dùng tình thương
của một người mẹ và uy quyền của một vị nữ vương để bầu cử và giúp đỡ
chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
Chúng ta có thể nói được rằng:
- Mẹ nắm giữ số phận của mỗi người chúng ta trong lòng bàn tay yêu thương và quyền năng của Mẹ.
Vì thế, chúng ta hãy
chạy đến với Mẹ trong những phút giây hạnh phúc để cảm tạ, cũng như hãy
chạy đến với Mẹ trong những tháng ngày đau khổ để xin Mẹ chở che.
Trong cuộc sống dương
thế, Mẹ đã trải qua biết bao nhiêu cay đắng, nên Mẹ sẽ hiểu biết và
chia sẻ với chúng ta hơn ai hết, bởi vì “đoạn trường ai có qua cầu mới
hay”. Có khổ đau, thì mới dễ dàng cảm thông với người đau khổ. Nếu chúng
ta kêu cầu Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ trợ giúp và dẫn chúng ta đến cùng Chúa.
Douglas Hyde là một
người cộng sản, chủ trương tờ nhật báo “Công Nhân” tại Anh, đã trở lại
Công giáo trong một hoàn cảnh như thế này:
Sáng hôm ấy, đứng
trước cổng một nhà thờ Công giáo, ông ta nhìn thấy một thiếu nữ khoảng
hai mươi tuổi, khuôn mặt chất đầy những khổ đau. Cô ta bước vào nhà thớ
và quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ, nhưng khi cô ta ra về, thì dường như những nét khổ đau đã được xoá tan, không còn để lại một dấu vết nào cả.
Tò mò, ông ta cũng bước vào và đến bên tượng Đức Mẹ. Ông ta thắp lên một ngọn nến và quỳ
cầu nguyện. Thế nhưng, đầu óc thì trống rỗng, ông ta không thể nhớ nổi
một câu kinh mà hồi còn nhỏ ông ta đã thuộc lòng. Cây nến cứ giảm dần,
giảm dần. Sau cùng, ông ta nghe như có một tiếng nói thì thầm bên tai,
nhưng cũng không được rõ.
Sau khi ra khỏi nhà
thờ, ông ta cố gắng nhớ lại. Rồi ông ta đã mỉm cười, bởi vì trong lúc
cầu nguyện, ông ta đã khẽ hát một bản tình ca đang thịnh hành lúc bấy
giờ:
- Nàng xinh đẹp quá, xin hãy nhớ đến tôi…
Nhưng Mẹ Maria đã thấu suốt cõi lòng ông ta và đã dẫn đưa ông ta về cùng Chúa.
Với tình thương của
một người mẹ, Đức Maria sẵn sàng nâng đỡ chúng ta và với uy quyền của
một bậc nữ vương, Đức Maria có thể làm được tất cả những gì chúng ta kêu
cầu.
Chúng ta vốn thường đọc:
- Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.
Phải chăng đó là chính là niềm an ủi và khích lệ chúng ta gặp được khi mừng kính Mẹ hồn xác lên trời ngày hôm nay?
8. Theo Đức Mẹ lên trời – ĐGM. Bùi Tuần
Sắp đến lễ Đức Mẹ hồn
xác lên trời. Lên Trời là lên thiên đàng. Mẹ Maria lên trời là một sự
kiện đầy hân hoan. Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng
chính chúng ta cũng được lên trời.
Nhưng, để theo Đức Mẹ
lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của
Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc
1,18).
Thánh ý Chúa về ta là
thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như
tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ
Người, trước khi Người về trời: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại
Giêrusalem... cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Lời truyền dạy đó
phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống
động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về
Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống
mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm
vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc
này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.
Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.
Làm chứng cho Chúa
Làm chứng cho Chúa là
làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân
của Thầy” (Cv 1,8). Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng
Cứu thế. Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại. Phúc Âm
ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu
Kinh Thánh, và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu
khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người
mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để
được ơn tha tội. Chính các con là chứng nhân của những điều này” (Lc
24,45-48).
Chắc chắn chúng ta có
làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây. Làm chứng như thế cũng
đã là việc tốt. Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn
nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong
chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp. Hơn
nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa
Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.
Hôm nay, nếu tôi và
nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải
quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã
chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người. Tin Mừng qui chiếu vào
hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta. Tôi có kinh
nghiệm như vậy. Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ
không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa
Thánh Thần.
Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).
Kinh nghiệm cho tôi
hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu cứu độ thường đến với ta qua sức mạnh
của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn
đổi mới tâm hồn.
Chẳng hạn, trước đây
có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ
trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự
bình an của ơn Chúa hiện diện. Trước đây, có những tính tình rất tự phụ
tự mãn, coi như đã ximăng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay
họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ
và lời nói.
Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm. Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể.
Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Nhiều khi, nhìn thấy
những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong
các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công
việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục. Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng
Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa
phương.
Chính tôi đã cảm
nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong
những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để
soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.
Từ kinh nghiệm bản
thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn
ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh
Thần. Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng
hành với chúng ta trên đường truyền giáo.
Nhờ Mẹ Maria cầu bầu
Trên thánh giá, Chúa
Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26). Tôi
coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng
cho Chúa.
Xin tạm bỏ qua lý
thuyết cắt nghĩa lời đó. tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm
làm chứng điều này: Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc
chúng tôi làm chứng cho Chúa.
Nhiều người biết Đức
Mẹ, trước khi biết Chúa. Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ, trước khi cầu
nguyện với Chúa. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an
ủi cho những ai lo buồn. Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé
nhỏ, mọn hèn.
Riêng với những người
làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn,
khó nghèo. Bởi vì, để làm chứng cho Đấng cứu thế là Đấng rất khiêm tốn,
khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái
ngược với khó nghèo khiêm tốn.
Hơn nữa, Chúa chỉ ban
ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn. Như lời
Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin
ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái
biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy
Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Người sống bé mọn với Chúa,
luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.
***
Trên đây là một
thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời. Tôi thấy rõ tôi không đi
một mình. Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn
tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu độ. Người là Tin
Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã
đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về
trời.
9. Vinh quang
Ngày lễ Thăng thiên, chúng ta cử hành sự kiện Chúa Giêsu được tôn vinh, còn hôm nay ngày lễ Mông triệu, chúng ta cử hành sự kiện Mẹ Maria được tôn vinh. Chúng ta được lãnh nhận ơn Cứu độ từ Chúa Giêsu, nhưng chúng ta được lãnh nhận Chúa Giêsu từ Mẹ Maria.
Có một câu chuyện kể
về cách thức người Da Đỏ Comache đã từng cầu nguyện để cho có mưa “Lạy
Thầy Linh vĩ đại, xin nói cho chúng tôi biết chúng tôi đã làm điều gì
sai trái, khiến cho ngài tức giận. Xin nói cho chúng tôi biết chúng ta
phải làm gì, để ngài sẽ cho mưa xuống một lần nữa, và phục hồi sự sống
cho mảnh đất của chúng tôi”. Họ cứ cầu nguyện như thế trong vòng ba
ngày, nhưng vẫn không hề có mưa. Trẻ con và người già bắt đầu chết.
Thế rồi những người
lớn tuổi trên bộ lạc đi lên các ngọn đồi, để lắng nghe tiếng gió thổi,
mang theo giọng nói của Thần Linh. Khi trở về, họ nói với dân chúng
“Cảnh hạn hán gây ra là do tính ích kỷ của chúng ta. Từ bao năm qua,
chúng ta đã lấy đi đủ thứ từ mặt đất, mà không hề trả lại gì cả. Tất cả
chúng ta phải làm của lễ toàn thiêu, để dâng lên
Thần Linh những tài sản giá trị nhất của chúng ta. Chúng ta phải rải tro
trên mặt đất. Rồi mưa sẽ đến, và sự sống sẽ trở lại trên mặt đất. Rồi
mưa sẽ đến, và sự sống sẽ trở lại trên địa cầu”.
Dân chúng cảm ơn Thần
Linh về thông điệp đó. Nhưng khi trở về nhà, và nhìn vào những tài sản
giá trị nhất của mình, họ lại lưỡng lự, và bắt đầu tìm cách thoái thác.
Thay vì hy sinh những tài sản giá trị nhất, họ chỉ hy sinh một số thứ
khác thay thế vào đó. Bây giờ, một cô bé tên là Miriam, có một con búp
bê màu xanh, mà cô bé yêu quý trên hết mọi thứ khác. Vì là một đứa trẻ
duy nhất còn sống sót, cô bé nhận ra rằng mình cũng phải hy sinh. Thế là
một đêm kia, cô bé bò ra khỏi căn lều, đem theo con búp bê và một cây
quy diêm, rồi đi lên đỉnh đồi. Tại đó, cô bé châm lửa đốt con búp bê.
Vừa khóc, cô bé vừa nhìn con búp bê biến thành tro bụi. Sau đó, cô bé
dùng bàn tay thu gom đống tro lại, và ném lên không trung. Sao cho gió
sẽ rải đám tro đó lên mặt đất. Rồi cô bé lăn ra ngủ vùi ngay tại đỉnh
đồi.
Sáng hôm sau khi thức
dậy, cô bé nhìn khắp mặt đất, và thấy mặt đất phủ đầy những bông hoa
màu xanh, khắp cả một vùng xa tít tắp mà tầm mắt của cô bé có thể thấy
được. Dân chúng rất vui mừng khi nhìn thấy sự kiện xảy ra. Ngay tức
khắc, họ nhận ra được điều mình phải làm. Họ cảm thấy xấu hổ vì tính ích kỷ
của mình, mỗi người đều lấy số tài sản mà họ đã cất giữ rất cẩn thận,
hi sinh đốt đi, và rải đám tro đó lên mặt đất. Một lần nữa, họ bắt đầu
cầu nguyện với Thần Linh, và lần này Thần Linh đã nhận lời họ. Chẳng bao
lâu, một cơn mưa bắt đầu chút xuống. Khi nhìn thấy sự kiện đó, họ ôm cô
bé Miriam, người đã làm cho họ hổ thẹn, vì đã không làm theo yêu cầu
của Thần Linh.
Câu chuyện nhỏ này
giúp chúng ta hiểu được vai trò của Đức Maria, và nhận ra được tại sao
Giáo hội tôn vinh ngài trong ngày hôm nay. Chính thông qua sự hy sinh
Con của ngài, mà ơn tha thứ, bình an và yêu thương của Thiên Chúa đã
tuôn đổ xuống trên mặt đất, và mang lại sự sống cho chúng ta, Đức Maria
đóng một vai trò sống còn trong của lễ hy sinh đó.
Mẹ đã sẵn lòng đem
Đức Giêsu đi vào trong thế giới này. Mẹ hết lòng yêu thương Người, và
quý trọng Người vượt lên trên tất cả mọi thứ sở hữu khác. Nhưng khi công
trình Cứu Độ toàn dân đòi hỏi rằng chính Đức Giêsu phải hy sinh, thì Mẹ
vẫn đứng về phía Người, ngay cả mặc dù nỗi đau khổ giống như một lưỡi
gươm sắc nhọn, đã đâm thâu qua trái tim Mẹ.
Hôm nay, chúng ta
mừng kính ngày Mẹ được tôn vinh trên trời, có nghĩa là Mẹ được chia sẻ
trọn vẹn vinh quang của Đức Kitô. Đây là một ngày dành cho niềm vui và
ca ngợi. Mẹ sẽ thúc giục chúng ta phải quảng đại hơn trong việc đi theo
Con của Mẹ, và trong việc hy sinh những gì chúng ta quý giá, để mang lại
sự sống cho những người khác.
Đức Maria được chúc
phúc vì Mẹ là mẹ của Đức Giêsu. Nhưng Mẹ còn được chúc phúc hơn vì,
giống như cố bé Miriam, Mẹ đã lắng nghe và vâng phục lời của Thiên Chúa.
Mẹ sẽ giúp đỡ chúng ta cũng biết vâng phục Lời Chúa, và từ đó, chúng ta
được đi theo Đức Giêsu trên đường dẫn tới vinh quang.
10. Lòng tự trọng
Bà Elisabét nói với
Đức Maria “Em được chúc phúc nhất trên tất cả mọi phụ nữ”. Quả thật đó
là một lời khen ngợi vĩ đại. Lời khen ngợi này nói lên vị trí đứng đầu
của Đức Maria. Nhưng điều gì đã xảy ra Mẹ có khước từ lời khen ngợi này
một cách nhẹ nhàng, nhưng quy tất cả mọi sự về Thiên Chúa, và về lòng từ
ái củ Người đối với Mẹ “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng Toàn Năng
đã làm cho tôi biết bao nhiêu cao cả”.
Có thể chúng ta đã
được dạy dỗ rằng sự khiêm tốn bao hàm sự tự đánh giá thấp bản thân mình.
Nhưng đức khiêm nhường trái ngược với điều đó. Đây là sự nhận ra điều
tốt đẹp nơi bản thân mình với lòng biết ơn, nhưng thừa nhận rằng điều
tốt đẹp đó là một ân sủng của Thiên Chúa.
Ngày nay, về mặt tâm
lý trị liệu, người ta nhấn mạnh rất nhiều vào lòng tự trọng. Sự tự ti
mặc cảm đưa đến tình trạng bất hạnh cho tất cả mọi người, còn lòng tự
trọng cao độ đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Chúng ta được hướng
dẫn rằng điều quan trọng là cảm thấy bản thân mình tốt đẹp, yêu mến
mình, có khả năng để nói rằng “Tôi là người tốt”.
Về một mặt nào đó,
đây là một phương pháp tốt. Tự trọng là điều tốt đẹp. Thật quan trọng
khi có được một hình ảnh tốt đẹp về bản thân, nhưng sự tự ý thức này
phải được xây dựng trên sự thật, nếu không, đó chỉ là một việc xây dựng
trên cát.
Chúng ta có lý do để
nên có lòng tự trọng cao độ. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nói
rằng “Tôi có giá trị lớn lao, một nhân cách vĩ đại. Thiên Chúa đã tạo
dựng tôi theo hình ảnh Người, Người gìn giữ và yêu thương tôi, vì tôi có
tư cách là con cái của Người”. Do đó, chúng ta có quyền cảm thấy hài
lòng về bản thân mình được đón nhận mọi sự từ nơi Thiên Chúa. Từ đó,
chúng ta không nên chần chừ trong việc đọc lời kinh thật tươi đẹp và vui
mừng của chính Đức Maria “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng Toàn
Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.
Tuy nhiên, điều này
không hoàn toàn đúng sự thật đối với chúng ta. Chúng ta cũng có mặt tối,
khiến cho chúng ta bị sự dữ chế ngự, và vì thế, chúng ta cần được cứu
độ. Tâm lý học sẽ không cứu nỗi chúng ta. Tâm lý học lại còn không thừa
nhận rằng chúng ta cần được cứu độ. Chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa có
thể cứu độ chúng ta. Chúng ta không được e sợ khi nhìn vào khía cạnh tối
tăm của bản thân mình.
Sự tự trọng không
đúng cách làm cho chúng ta bối rối ngay với chính mình, và do đó khiến
chúng ta chỉ tập trung vào bản thân. Mặt khác, lòng tự trọng đích thực
lại giúp chúng ta biết quên mình, và làm cho chúng ta biết yêu thương
hơn, có nhiều khả năng tiếp cận với người khác hơn. Chúng ta nhận thấy
điều này nơi Đức Maria.
Sau khi nghe được những lời khen ngợi tuyệt vời của bà Elisabét, Mẹ có thể trở về nhà ngay tức khắc, và sự phô bày mình ra dưới ánh nắng
của sự tự khen ngợi mình, mong đợi người khác phục dịch mình. Nhưng
thay vào đó, Mẹ ở lại với người chị họ lớn tuổi trong vòng ba tháng, để
giúp đỡ bà trong thời kỳ mang thai.
Hôm nay, chúng ta ca
ngợi vinh quang của Đức Maria. Bởi vì Mẹ đã chia sẻ cuộc đời, sự thương
khó, và sự chết của Đức Giêsu khi còn tại thế, điều này phù hợp với việc
Mẹ được chia sẻ vinh quang của Người trên Nước Trời. Nhưng chúng ta
không được nghĩ rằng mọi sự đều dễ dàng đối với Mẹ. Sự thật gần như trái
ngược lại. Mẹ cũng phải sống cuộc đời của mình trong bóng tối đức tin.
Đối với Mẹ, không hề có con đường tắt nào cả. Mẹ đã không chỉ lắng nghe
lời Thiên Chúa, mà còn thực hành nữa.
Chúng ta cũng được
mời gọi chia sẻ vinh quang của Chúa Giêsu. Đức Maria người mẹ thiêng
liêng của chúng ta, sẽ giúp đỡ chúng ta trong những giây phút chán nản
và thất bại. Mẹ ở trên trời không có nghĩa là Mẹ không thể giúp đỡ chúng
ta trên trái đất này. Nói một cách chính xác, chính vì hiện nay Mẹ đang
được ở cùng Thiên Chúa, mà Mẹ càng có thể giúp đỡ chúng ta hơn nữa.
11. Ai hy sinh hơn ai?
Có vị bề trên một tu
viện nổi tiếng thánh thiện và hạnh phúc. Một tu sinh dưới quyền ngài,
khi biết được sự từ bỏ ít người làm được, và thấy đời sống hết sức thánh
thiện của ngài, bèn thốt lên:
- «Thưa Cha, đời sống
Cha thật là tuyệt vời, Cha đã từ bỏ mọi sự giàu sang sung sướng để tìm
Thiên Chúa, và để dạy cho chúng con sự khôn ngoan của Ngài».
- «Con đã nói phản
lại sự thật rồi! - Vị bề trên trả lời - Cha chỉ bỏ có vài cuộn giấy bạc
và những thú vui trần tục để chinh phục một niềm phúc lạc vô biên. So
với cái kho tàng tâm linh quí báu này thì đó có thật là một sự hy sinh
chăng? Trái hẳn lại, chính những người thế gian đã từ bỏ và hy sinh
những kho tàng tâm linh vô giá trên đường Đạo để chạy theo những của cải
vật chất giả tạm vô thường.
«Những vị khổ tu tuy
áo quần đơn sơ thô thiển, trong người không giữ riêng một đồng bạc, lại
trở thành những phú ông về tâm linh. Còn những người tỷ phú kiêu hãnh
lại là những kẻ đáng thương về tâm linh mà không hay biết. Đó chính là
điều mâu thuẫn về sự dứt bỏ và hy sinh».
Vì thế, trong đời sống Ki-tô hữu hiện nay, chúng ta cần xác định một lần cho rõ ràng và dứt khoát
mục đích cuộc đời ta là gì, ta chọn cái lợi lớn hay cái lợi nhỏ, loại
hạnh phúc ta mong muốn là loại nào: ngắn hạn hay dài hạn, đích thực hay
giả tạm, tuỳ thuộc hoàn cảnh bên ngoài hay độc lập
với mọi hoàn cảnh, v.v… Một khi đã xác định rồi thì ta chỉ cần sống
theo sự lựa chọn nền tảng đó. Lúc đó ta không còn nghĩ là mình phải hy
sinh cái này hay cái kia, nghĩ như thế là chỉ nghĩ đến cái ta bị mất mà
không nghĩ đến cái ta sẽ được. Thánh Phao-lô nói: «Những đau khổ chúng
ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải
nơi chúng ta» (Rm 8,18). Nếu cái được lớn hơn cái mất thì làm sao gọi là
hy sinh được? Còn nếu cái mất lớn hơn cái được thì mới đáng gọi là hy
sinh, và nếu lựa chọn như thế thì thật là ngu xuẩn!
Sự khôn ngoan như thế
thật đáng khâm phục, nhưng nó vẫn phảng phất mùi vị kỷ: lo cho hạnh
phúc của mình, cho dù là hạnh phúc vĩnh cửu. Sự thánh thiện của Mẹ
Ma-ri-a không dừng lại ở sự vị kỷ «cao cả» đó, mà vượt lên cao nữa, vượt
khỏi những gì là vị kỷ của mình. Theo niềm tin Công giáo, Mẹ đã được
Thiên Chúa giữ gìn khỏi mọi tội lỗi và khỏi vòng kiềm toả
của tội lỗi. Vì thế, nhờ ơn Chúa và nỗ lực bản thân, Mẹ đã thắng vượt
mọi hình thức ích kỷ cho dù vi tế nhất. Điều đó không có nghĩa là Mẹ
không bị cám dỗ về tính vị kỷ, nhưng Mẹ luôn luôn chiến thắng. Động lực
khiến Mẹ luôn luôn chiến thắng chính là tình yêu mạnh mẽ đối với Thiên
Chúa và tha nhân. Mẹ yêu Thiên Chúa vì Thiên Chúa, yêu tha nhân vì tha
nhân, chứ không phải vì mình. Chính vì thế, Mẹ không còn đặt nặng hạnh
phúc - cho dù là vĩnh cửu - của mình, mà đặt nặng vinh quang và thánh ý
của Thiên Chúa. Chính vì thế, Mẹ trở nên người đạt được hạnh phúc vĩnh
cửu ở mức độ cao nhất, trọn vẹn nhất. Đúng như lời Đức Giêsu nói: “Ai
muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì
Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25; x. Mc 8,35; Lc 9,24; Ga
12,25). Mẹ đã sống tinh thần câu Tin Mừng này một cách trọn hảo nhất.
Mẹ đã được Thiên Chúa
thưởng vì sự chọn lựa đầy khôn ngoan và sáng suốt đó. Mẹ đã đạt được
hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu vì Mẹ đã sống phù hợp với sự chọn lựa đó
suốt cả cuộc đời, trong tất cả mọi hoàn cảnh. Viec Mẹ là người duy nhất
trên trần gian được về thiên đàng cả hồn lẫn xác cùng với Đức Giêsu là
một ơn xứng đáng với sự lựa chọn căn bản rất tuyệt vời của Mẹ. Chúng ta
hãy bắt chước Mẹ trong cách chọn lựa căn bản của chúng ta.
Mẹ về trời có nghĩa là mẹ đang sống. Sự sống của Mẹ không phải chỉ giới hạn trong cuộc đời, nhưng bao trùm cả lịch sử: Lịch sử của cả loài người lẫn lịch sử của mỗi người chúng ta.
Vâng ngay từ thuở đời đời Thiên Chúa đã muốn cho người mẹ đó luôn ở với chúng ta.
1. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên khi con người vừa có mặt trên trái đất này, Mẹ đã có mặt ở đó:
"Ta sẽ đặt giữa ngươi và người phụ nữ
Giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ một mối thù địch
Người phụ nữ đó sẽ đạp dập đầu mi." (St 3,15)
2. Rồi khi đến thời đến buổi, lúc Thiên Chúa muốn thực hiện lời hứa của Người, Mẹ Maria đã có mặt ở đó. Bằng lời Xin Vâng với tất cả tâm tình phó thác, Mẹ để cho Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình để làm những việc Thiên Chúa muốn làm trong chương trình cứu rỗi loài người chúng ta.
-
Ngày Chúa Giêsu Đấng Cứu thế ra đời, khởi đầu công việc cứu thế, Mẹ có mặt ở đó để chứng kiến giây phút trọng đại này.
-
Lúc Chúa khởi sự cuộc đời công khai, tại tiệc cưới Cana, Mẹ có mặt ở đó như một người mẹ luôn lo lắng cho con cái của mình.
-
Lúc Chúa rao giảng: Mẹ có mặt xa xa; nhưng khi Chúa bị treo trên
Thánh Giá: Mẹ đứng thật gần. “Mẹ đứng sát cạnh Chúa Giêsu... như một trợ lực cho người con để Ngài làm xong những công việc cần phải làm cho mọi sự được hoàn tất.”
-
Rồi ngày đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Giáo hội, Mẹ có mặt ở đó với
tất cả lòng yêu thương để khích lệ các tông đồ can đảm dấn thân vào
cuộc sống mới: Cuộc sống làm chứng cho Chúa Giêsu Phục sinh.
-
Mẹ đã hiện ra với nữ tu Catharina Labouré tại khu phố Dubac ở Thủ đô nước Pháp năm 1830
-
Năm 1846 tại La Salette, Mẹ hiện ra với hai trẻ mục đồng: Mélaine (10 tuổi) và Maximin (15 tuổi)
-
Tại Lộ Đức năm 1858 với cô bé chăn cừu Bernadette
-
Tại Pontmain 1871 với Cha Barbedette và cậu Eugène
-
Tại Pellevoisin 1876 với Estelle Faguette (12 tuổi)
-
Tại Fatima 1917 với ba trẻ: Giaxinta (7 tuổi)- Phanxicô (9 tuổi) - Và Lucia 10 tuổi)
-
Tại Beauring Bỉ với Albert (11 tuổi) - Fernande Versin (15 tuổi) Gilberte Degeimbre (9 tuổi) và André Degeimbre (14 tuổi)
-
Và sau đó tại Banneux cũng ở tại nước Bỉ với Mariette (12 tuổi)
-
Tại Hang Ba suối ở Roma với 1 người đàn ông và ba em nhỏ: Ông Bruno
Cornachiola và ba em là: Isala (10 tuổi) - Carlô (7 tuổi) và Gioanfraco
(4 tuổi)
-
Cuối cùng chúng ta cũng không quên Mẹ đã hiện ra nhiều lần cách đây 200 năm tại La Vang.
Vâng chúng ta hãy biết nghe lời Mẹ.
Một hôm trong đám những người hành hương đến Arc có một người đàn bà mang đại tang. Bà vào giữa nhà thờ đứng như trời trồng ở giữa mọi người. Bà có vẻ rất đau khổ. Lý do là chồng bà, một người đã bỏ đạo từ lâu cách đây mấy bữa đã nhảy xuống sông tự tử… đã chết mà không được lãnh nhận những bí tích cuối cùng. Cha Gioan Maria Vianey đi qua… Bà chưa kịp nói gì thì Cha ghé vào tai bảo bà:
- Ông nhà đã được cứu rỗi rồi.
Thấy người đàn bà có vẻ quá ngạc nhiên, cha nói lại một lần nữa:
- Tôi đã bảo ông nhà đã được cứu rỗi rồi mà.
Bà thắc mắc hỏi lại với một giọng đầy hoài nghi, cha nhấn mạnh từng tiếng:
- Tôi bảo bà là ông nhà đã được cứu rỗi rồi. Ông hiện đang ở trong Luyện ngục. Phải cầu nguyện nhiều cho ông ta. Giữa nhịp cầu và dòng nước ông đã có được một thời gian để ăn năn thống hối. Bà còn nhớ là trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho làm một bàn thờ trong phòng của bà không? Thỉnh thoảng, chồng của bà, mặc dầu đã bỏ đạo cũng đến hợp lời cầu nguyện với bà. Thái độ đó đã đem lại cho ông ta ơn thống hối và tha tội vào phút cuối cùng của cuộc đời.
Lạy Mẹ Maria
Đã một lần Mẹ nhận nhân loại chúng con làm con của mẹ
Và từ dạo ấy
Mẹ đã yêu nhân loại với tất cả tấm lòng từ mẫu
Chúng con là những người trong khối nhân loại ấy
Và như thế chúng con đã đương nhiên là con của Mẹ
Và đương nhiên là Mẹ thương chúng con.
Đã một lần Mẹ nhận nhân loại chúng con làm con của mẹ
Và từ dạo ấy
Mẹ đã yêu nhân loại với tất cả tấm lòng từ mẫu
Chúng con là những người trong khối nhân loại ấy
Và như thế chúng con đã đương nhiên là con của Mẹ
Và đương nhiên là Mẹ thương chúng con.
Xin dạy chúng con
biết chiêm ngắm Chúa Kitô
và suy đi nghĩ lại những Lời của Người
trong tâm tình yêu mến như Mẹ.
biết chiêm ngắm Chúa Kitô
và suy đi nghĩ lại những Lời của Người
trong tâm tình yêu mến như Mẹ.
Xin dẫn lối cho chúng con
trên bước đuờng theo Chúa
cũng như đem Chúa đến cho mọi người.
trên bước đuờng theo Chúa
cũng như đem Chúa đến cho mọi người.
Xin dạy chúng con biết luôn bước đi trên con đường tình yêu
Với tâm tình phó thác.
Với tâm tình phó thác.
Xin dẫn chúng con
đến sự sống muôn đời
bằng cách đặt bàn tay chúng con
vào bàn tay của Chúa Kitô
Đấng đã có lần nói với mọi người
Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Amen
đến sự sống muôn đời
bằng cách đặt bàn tay chúng con
vào bàn tay của Chúa Kitô
Đấng đã có lần nói với mọi người
Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Amen
TMSS st
0 Nhận xét