Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh (tiếp theo…)
Chương II (tiếp theo)
IV. Giáo Huấn của Giáo Hội
1. Ðối với việc thụ tinh nhân tạo
Thụ
tinh nhân tạo là làm cho thụ tinh không phải bằng cách giao hợp tự
nhiên, mà là bằng những kỹ thuật hỗ trợ nhân tạo, máy móc, như dùng ống
tiêm để chuyển tinh trùng vào bên trong âm đạo của người phụ nữ. Nếu lấy
tinh trùng của một “đệ tam nhân vô danh” thì gọi là thụ tinh nhân tạo
dị hợp hay khác nguồn (Fécondation artificielle hétérologue). Nếu lấy
tinh trùng của chồng chì gọi là thụ tinh nhân tạo đồng hợp hay cùng
nguồn (Fécondation artificielle homologue). Có 3 trường hợp:
a. Thụ tinh nhân tạo dị hợp (khác nguồn – AID: Artificial Insemination with the Donor’s sperm)
Vào
năm 1949, Ðức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã tuyên bố về việc thụ tinh nhân tạo
với tinh trùng của một người hiến vô danh (AID) là trái luân lý: “Sự
thụ tinh nhân tạo dị hợp nghịch với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm
giá của vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của đứa trẻ
được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân”.
Ngài
nói tiếp: “Luật của Chúa và luật tự nhiên tích cực công bố rằng sự
truyền sinh của đời sống con người mới chỉ là hậu quả của hôn nhân mà
thôi. Nhân phẩm của vợ chồng, sự thiện ích và giáo dục con cái được bảo
đảm chỉ có trong hôn nhân. Cũng vậy, việc thụ tinh nhân tạo bị kết án
nơi người vợ có chồng khi tinh trùng được lấy nơi người thứ ba chứ không
do chồng. Vợ chồng có quyền trên thân xác của nhau với mục đích truyền
sinh, cho dù vợ chồng đồng ý, việc thụ tinh nhân tạo cũng làm mất đi sự
ràng buộc hôn nhân lúc ban đầu, mà đúng ra sự ràng buộc luân lý và pháp
lý phải tồn tại giữa đứa con và cha mẹ như là kết quả tự nhiên của việc
truyền sinh trong hôn nhân”.
Thánh
Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trong Huấn Thị Donum Vitae, đã khẳng định: “Việc
nhờ đến giao tử của người thứ ba, để có được tinh dịch hay noãn cầu, là
một sự vi phạm tới sự cam kết hỗ tương giữa vợ chồng và là một thiếu sót
trầm trọng đối với tính duy nhất là đặc tính thiết yếu của hôn nhân.
Việc thụ tinh nhân tạo dị hợp phạm tới quyền của đứa trẻ, lấy mất đi của
nó mối liên hệ với nguồn gốc là mối quan hệ con cái – cha mẹ… Việc đó
cũng xúc phạm tới ơn gọi chung làm cha, làm mẹ của đôi vợ chồng…, tước
đoạt tính duy nhất và tính toàn vẹn của khả năng sinh sản của hai vợ
chồng…”
Vậy, có thể đi đến kết luận đối với việc thụ tinh nhân tạo dị hợp như sau:
“Vậy
phải coi việc làm cho một người phụ nữ có chồng thụ tinh nhờ tinh dịch
của một người cho không phải là chồng mình, và việc dùng tinh dịch của
một người đàn ông để làm cho thụ tinh một noãn cầu không phải của vợ
mình là trái phép, xét về mặt đạo đức. Ngoài ra, việc thụ tinh nhân tạo
nơi một người phụ nữ không kết hôn, độc thân hay góa bụa, dù cho tinh
dịch là của ai đi nữa, cũng không thể biện minh được về mặt đạo đức”.
b. Thụ tinh nhân tạo đồng hợp (cùng nguồn – AIH: Gọi là Artifical Insemination with the Husband’s sperm)
Giáo
Hội cũng lên án hành vi thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người
chồng (AIH), vì nó trái luân lý. Giáo huấn của Giáo Hội cũng dựa trên
tính chất đặc thù của việc vợ chồng và của sự tạo sinh con người. Ðức
Pi-ô XII nói:
“Trong
cơ cấu tự nhiên của nó, việc vợ chồng là một hành vi riêng tư, hai
người đích thân trực tiếp cộng tác với nhau, do bản chất của các tác
nhân và do tính chất của hành vi, việc này biểu lộ một sự hiến dâng
người nọ cho người kia, làm cho họ kết hợp nên một thân một xác như lời
Kinh Thánh”.
Trong
diễn văn tại Ðại Hội Thế giới lần II ở Naples về khả năng sinh sản và
không sinh sản (Fécondité et là stérilité) của con người, ngày
19.5.1956, Ðức Pi-ô XII đã nói: “Không bao giờ được tách rời các khía
cạnh của việc vợ chồng và các điều tốt lành của hôn nhân, đến độ tích
cực loại bỏ hoặc ý định tạo sinh, hoặc việc giao hợp”.
Ðức
Phao-lô VI cũng bác bỏ hình thức thụ tinh này (AIH) dựa trên ý định của
Thiên Chúa muốn liên kết hai ý nghĩa của việc vợ chồng, đó là kết hợp
và tạo sinh. Ngài nói:
“Kết
hợp và tạo sinh, bằng một mối dây không thể tháo gỡ và con người không
thể tự ý phá bỏ. Trong thực tế, việc vợ chồng, do cấu trúc thâm sâu của
nó, kết hợp hai vợ chồng bằng một mối dây liên kết rất sâu sắc, khiến họ
đủ khả năng tạo nên những đời sống mới, theo các luật lệ đã được ghi
tạc trong chính hữu thể của người nam và người nữ. Chính bằng cách bảo
vệ hai khía cạnh chính yếu: kết hợp và tạo sinh, mà việc vợ chồng giữ
trọn được ý nghĩa yêu thương lẫn nhau một cách đích thực và duy trì sự
qui hướng về ơn gọi cao quí làm cha mẹ của con người”.
Cũng
theo chiều hướng giáo huấn đó, Ðức Gio-an Phao-lô II, trong buổi tiếp
kiến chung ngày 16.1.1950, đã nói rằng: “Hai vợ chồng biểu lộ cho nhau
tình yêu riêng của họ trong “ngôn ngữ thể xác”, nó bao gồm rõ rệt “những
ý nghĩa phu phụ” cùng với những ý nghĩa phụ mẫu” . Và trong diễn văn
tại Hiệp Hội các Thầy thuốc thế giới khóa 35, ngày 29.10.1983, Ngài đã
nói: “Con người bắt nguồn từ một sự tạo sinh nối liền với sự kết hợp
không những sinh lý mà còn thiêng liêng của cha mẹ, là những người được
kết hợp nhờ dây liên kết hôn nhân”.
Chính
Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong Hiến Chế GS. 51, cũng đã nói: “Chính
những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo
phẩm giá đích thực của con người, đều phải được kính cẩn tôn trọng…
những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và
sinh sản con cái trong khung cảnh tình yêu đích thực.”
Bộ
Giáo Luật 1983, điều 1061, khoản 1, nói rằng: “Hôn nhân gọi là thành
nhận và thành toại, nếu đôi bên đã theo cách thức hợp với nhân tính thực
hiện tác động phu thê tự nó có khả năng sinh sản con cái; tác động này
là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và làm cho vợ chồng trở thành một
xương một thịt.”
Vậy,
con người phải được đón nhận trong cử chỉ kết hợp và yêu thương của cha
mẹ, do đó, việc tạo sinh một đứa bé phải là hoa trái của sự dâng hiến
người nọ cho người kia, việc dâng hiến này được thực hiện trong việc vợ
chồng, trong đó, hai người cộng tác vào công trình của tình yêu sáng tạo
như người tôi tớ, chứ không phải như kẻ làm chủ.
c. Việc chuyển tinh dịch:
Khi
Ðức Pi-ô XII lên án hình thức thụ tinh nhân tạo khác nguồn (AID) và
cùng nguồn (AIH), thì Ngài lại để ngỏ một hình thức gọi là “phương tiện
nhân tạo nhằm giúp cho hành vi vợ chồng đạt được cứu cánh của nó”. Ngài
nói: “Không nhất thiết cấm đoán việc sử dụng một số phương tiện nhân tạo
chỉ nhằm giúp cho hành vi tự nhiên dễ dàng hoặc chỉ giúp cho hành vi tự
nhiên thực hiện bình thường, đạt được cứu cánh của nó”.
Có
lẽ từ lời nói này của Ðức Pi-ô XII, Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trong
Huấn Thị Donum Vitae, đã nói rằng: “Việc truyền tinh nhân tạo đồng hợp
bên trong hôn nhân, không thể chấp nhận được, trừ trường hợp người ta
không dùng phương tiện kỹ thuật để thay cho việc giao hợp, nhưng chỉ coi
nó như một trợ cụ, giúp cho việc giao hợp được dễ dàng và đạt được cứu
cánh riêng của nó”
Tuy
nhiên, vấn đề đặt ra là hình thức lấy tinh dịch như thế nào để được coi
là hợp luân lý? Ðây là một vấn nạn đang được tranh luận nhiều giữa các
nhà thần học. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này trong phần quan điểm của
các thần học gia dưới đây. Ở đây, lập trường của Huấn Quyền Giáo Hội thì
đối với những tiến trình nào lấy tinh dịch của người chồng để cho thụ
tinh với trứng nơi người vợ bằng cách giao hợp với bao cao su, giao hợp
nửa chừng hay thủ dâm, thì bị coi là trái luân lý và bị cấm. Ðức Pi-ô
XII đã bác bỏ mọi hình thức thụ tinh cùng nguồn mà trong đó tinh dịch
được cung cấp từ những hành vi đi ngược với tự nhiên.
Thánh
Bộ Giáo Lý Ðức Tin nói: “Nếu phương tiện kỹ thuật làm cho việc giao hợp
dễ dàng hay giúp nó đạt được những mục tiêu tự nhiên của nó, phương
tiện đó có thể được chấp nhận về mặt đạo đức. Ngược lại, nó không hợp
đạo đức, nếu nó thay thế việc giao hợp. Việc truyền tinh nhân tạo thay
thế việc vợ chồng bị cấm đoán, vì có sự cố tình tách biệt hai ý nghĩa
của vợ chồng. Việc thủ dâm thường làm để có tinh dịch, là một dấu chỉ
khác của sự tách biệt nói trên: ngay cả khi làm vì mục đích tạo sinh,
thủ dâm vẫn mất cái ý nghĩa kết hợp của nó”.
Bộ
Giáo Lý Ðức Tin cũng bác bỏ hình thức thủ dâm trên đây, bởi vì: “Nó
thiếu cái quan hệ vợ chồng mà đạo đức đòi hỏi, quan hệ thực hiện được ý
nghĩa trọn vẹn của việc dâng hiến hỗ tương và tạo sinh con người, trong
một tình yêu chân thực”.
2. Ðối với việc thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization)
Trong
bài nói chuyện với những thành viên của Ðại Hội Thế Giới lần thứ II về
sự thụ thai và son sẻ ngày 19.5.1956, Ðức Pi-ô XII đã lên án là vô luân
đối với hình thức thụ tinh trong ống nghiệm. Ngài nói: “Về những thí
nghiệm thụ tinh thai nhi trong ống nghiệm nhân tạo phải bị loại bỏ như
một điều vô luân và tuyệt đối bất hợp pháp”. Ðức Gio-an XXIII đã cấm
dùng các phương pháp tạo sinh không phù hợp với nhân phẩm con người.
Ngài nói:
“Thiên
nhiên đã trao việc thông truyền sự sống con người cho một hành vi, được
thực hiện bởi một chủ thể ý thức – và do đó bị chi phối bởi các luật
rất thánh của Thiên Chúa: các luật có tính bất khả xâm phạm và bất biến
này phải được nhìn nhận và tuân giữ. Vì vậy, không được dùng các phương
tiện và các phương pháp luật cho phép dùng trong việc truyền sinh các
thảo mộc và cầm thú”.
Sở dĩ Giáo Hội cấm hình thức thụ tinh trong ống nghiệm là vì nhiều lý do:
-
Vì phương pháp lấy tinh trùng khỏi người chồng liên quan đến hình thức
dùng bao cao su, giao hợp nửa chừng, hay thủ dâm, vốn đã bị Giáo Hội lên
án.
-
Tiến trình thụ tinh trong ống nghiệm tách biệt hành vi hôn nhân khỏi sự
truyền sinh. Ngay cả khi tinh trùng được lấy cách hợp pháp thì hình
thức thụ tinh trong ống nghiệm cũng bị cấm chỉ. Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin
khẳng định:
“Theo
Giáo Lý truyền thống về các điều tốt lành của hôn nhân và phẩm giá của
con người, Giáo Hội đứng ở quan điểm đạo đức vẫn chống việc thụ tinh
trong ống nghiệm; việc này tự nó trái với luật đạo đức và đi ngựơc lại
phẩm giá của việc tạo sinh và của sự kết hợp vợ chồng, ngay cả khi người
ta làm mọi cách để tránh việc sát hại phôi thai người”.
-
Vì việc thụ tinh trong ống nghiệm chỉ là kết quả của kỹ thuật và kỹ
thuật chủ trì việc thụ tinh. Do đó, nó không được Giáo Hội chấp nhận.
Bởi vì:
“Nó
không thực sự có được, cũng không tích cực được mong muốn như là sự
biểu thị và hoa trái của một hành vi đặc thù của sự kết hợp vợ chồng.
Như vậy, trong việc thụ tinh trong ống nghiệm đồng hợp, ngay cả xét
trong bối cảnh của những việc giao hợp thực sự, việc tạo sinh con người,
khách quan mà nói, thiếu sự hoàn thiện riêng của nó: đó là nó phải là
đích điểm và hoa trái của một việc giao hợp, trong đó hai vợ chồng có
thể trở thành “cộng tác viên của Thiên Chúa” trong việc thông ban sự
sống cho một nhân vị mới”.
-
Vì việc thụ tinh trong ống nghiệm dẫn đến một sự “thặng dư” phôi thai,
bị hủy bỏ hoặc cho đông lạnh, nhiều phôi sẽ bị hy sinh vì những lý do ưu
sinh, kinh tế hay tâm lý… hoặc đem dùng làm vật thí nghiệm. Các kỹ
thuật hay hình thức này gây thiệt hại cho sự toàn vẹn của sự sống phôi
thai và do đó, Giáo Hội lên án: “Các phương thức đó trái với phẩm giá
con người có nơi phôi thai và đồng thời phạm tới quyền của mọi người
được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân”.
3. Ðối với việc sinh sản vô tính trên con người (Human Cloning)
Ðây
là một vấn đề lớn vừa mới phát sinh trong những năm gần đây. Do đó,
chúng ta chỉ có Giáo huấn của Vị Giáo Hoàng đương nhiệm là Ðức Gio-an
Phao-lô II và của ủy ban Giáo Hoàng Học Viện về sự sống cũng như của
Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin.
Trong
phương pháp tạo sinh dòng vô tính, ta nhận thấy có liên quan đến vấn đề
sản xuất phôi thai, lấy tế bào gốc và việc cấy ghép cơ phận. Do đó, ta
sẽ lần lượt tìm hiểu xem Giáo Huấn của Giáo Hội nói gì về các vấn đề đó.
Việc sinh sản vô tính nơi con người là một hành động không thể chấp
nhận được về mặt luân lý. Bởi vì, phương pháp này nảy sinh ra nhiều hậu
quả nghiêm trọng, không chỉ về thể lý hay tâm lý, mà còn ảnh hưởng trực
tiếp đến lãnh vực luân lý đạo đức. Do đó, Giáo Hội lên án phương pháp
này.
Phản
ứng chống lại cuộc thí nghiệm sinh sản vô tính một phôi thai người đầu
tiên do Công ty Mỹ tiến hành được công bố trên truyền ngày 25.11.2001,
tại Va-ti-can ngày 28.11.2001, Ðức Gio-an Phao-lô II đã nói:
“Sinh
sản vô tính là một mối nguy lớn cho sự sống… Chủ nghĩa nhân đạo thực sự
có thể không bao giờ cho phép những phương pháp và những cuộc thí
nghiệm, là những mối đe dọa có chương trình cách hệ thống và khoa học,
chống lại sự sống con người. Hãy bảo vệ không khoan nhượng sự sống và
giá trị con người trong việc tôn trọng luật luân lý”. Ngài nói tiếp:
“Mọi thủ thuật nhằm thương mại hoá bộ phận con người hay xem chúng như
vật đổi chác hay mua bán đều không thể chấp nhận được về mặt luân lý, vì
rằng sử dụng thân thể như một “đồ vật” là phạm đến phẩm giá của con
người, dẫu cho mục đích có tốt đi nữa thì những cách xử lý đó cũng vẫn
là bất hợp pháp về mặt luân lý”.
Chính
Ðức Phao-lô VI đã khẳng định: “Con người phải tôn trọng luật của quá
trình sinh sản, ấy là nhìn nhận mình không phải là chủ nhân ông của
nguồn sống nhân loại mà chỉ là thừa tác viên cho ý định của Tạo Hóa. Vì
con người ta không có toàn quyền về thân xác mình thế nào, thì với một
lý do đặc biệt hơn nữa, cũng không có toàn quyền về những khả năng sinh
sản, chúng thuộc về lưu truyền sự sống, mà Thiên Chúa là nguyên tắc.
“Sinh mạng con người phải được coi như là sự thánh” – Lời huấn từ của
Ðức tiền nhiệm Gio-an XXIII – vì ngay từ khởi nguyên, nó trực tiếp kêu
gọi đến tác động tạo thành của Thiên Chúa”.
Vì
phương pháp sinh sản vô tính cũng bao hàm các kỹ thuật truyền sinh nhân
tạo, mà các kỹ thuật này đều bị Giáo Hội lên án, vì lý do phản lại đạo
đức – luân lý. Trong Thông Ðiệp Tin Mừng về Sự sống, Ðức Gio-an Phao-lô
II nói: “Ngày nay, các kỹ thuật truyền sinh nhân tạo khác nhau, là những
kỹ thuật dường như phục vụ sự sống… thực tế cũng đang mở ra những thách
thức mới chống lại sự sống. Ngoài việc các kỹ thuật này không thể chấp
nhận được về mặt luân lý, bởi vì chúng tách rời sự truyền sinh thuộc
lãnh vực hoàn toàn nhân bản khỏi hành vi vợ chồng, chúng còn có tỷ lệ
thất bại cao, không những trong việc thụ tinh mà còn trong việc phát
triển sau này của phôi, có nguy cơ tử vong, thời gian thường là rất
ngắn…”.
Trong
diễn từ tại Hội Nghị Quốc Tế Về Cấy Ghép diễn ra tại Rô-ma, ngày
29.8.2000, Ðức Gio-an Phao-lô II nói: “Trong mọi biến cố, các phương
pháp không kính trọng phẩm giá và giá trị của con người phải luôn luôn
bị loại bỏ. Tôi đang đặc biệt nghĩ đến những toan tính dùng phương pháp
sinh sảnh vô tính trên con người nhằm có những cơ quan để cấy ghép:
Những kỹ thuật này, trong mức đó� chúng liên quan đến việc sử dụng và
phá hủy những phôi thai con người, không thể chấp nhận được về mặt đạo
đức – luân lý, dù khi những mục tiêu đề ra tự nó là tốt”.
Cũng
trong diễn từ này, Ngài cũng khẳng định mục đích căn bản của y khoa là
phục vụ sự sống con người, nhưng nó vẫn có những giới hạn, do đó, y khoa
phải được thực hiện theo một tiêu chuẩn căn bản liên quan đến phương
diện nhân loại học và đạo đức học. Ngài nói: “Mục đích căn bản của y
khoa là phục vụ sự sống con người… Trong phạm vi của khoa học y khoa,
tiêu chuẩn căn bản phải là sự bảo vệ và cổ võ sự thiện hảo toàn diện của
con người, phù hợp với phẩm giá độc nhất là phẩm giá của chúng ta do
bởi nhân tính chúng ta. Bởi vậy, hiển nhiên là mọi tiến trình của y khoa
được thực hiện trên con người đều có giới hạn: không chỉ những giới hạn
về khả năng kỹ thuật mà còn những giới hạn được xác định bởi lòng kính
trọng đối với chính nhân tính, hiểu trong sự toàn vẹn của nó: “Ðiều gì
có thể về mặt kỹ thuật, thì không vì lý do đó mà có thể chấp nhận về mặt
đạo đức”.
Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT
0 Nhận xét