TMSS: Hãy cũng nhau cứu lấy một con người. Đặc biệt, với những con người có dấu hiệu oan sai như thế này!
---------------------
HẢI PHÒNG 7-12 (NV) .- Ông
Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng chờ hành quyết ở
Hải Phòng vừa gửi đơn thư cầu cứu tới các chính phủ Tây phương và các tổ
chức bảo về nhân quyền quốc tế.
Ông Nguyễn Trường Chinh (phải), cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. (Hình: Dân Việt) |
Ông Chinh đã từng gửi cả ngàn lá đơn tới các cơ quan, chức sắc cấp
cao nhất của đảng và nhà nước trình bày bản án từ hình mà con ông,
Nguyễn Văn Chưởng, bị áp đặt hồi năm 2008 dựa trên những chứng cứ ngụy
tạo và lời khai nhận tội sau những trận tra tấn thừa sống thiếu chết của
công an điều tra Hải Phòng.
Ngày 7/12/2014, ông Nguyễn Trường Chính gửi đơn kêu cứu tới Tổ chức
Ân xá Quốc tế, Khối Liên minh châu Âu, các Tổ chức nhân quyền thế giới
và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Hành động của ông là dấu hiệu của
sự thất vọng và tuyệt vọng vì suốt nhiều năm trời, cả con ông cũng như
ông đã liên tục kêu oan, kêu gọi xét lại nỗi oan khuất của Nguyễn Văn
Chưởng, đến các cấp đảng và nhà nước cao nhất của Việt Nam, không hề
thấy họ lay động.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lại cũng là “đại biểu nhân dân” của Hải
Phòng chắc chắn phải nhận được đơn kêu oan của cha con Nguyễn Văn Chưởng
nhưng cũng lờ đi.
“21h tối ngày 14/07/2007 xảy ra vụ án sát hại thiếu tá công an ở Đình
Vũ, Hải Phòng, cùng thời điểm xảy ra vụ án con tôi Nguyễn Văn Chưởng
đang có mặt ở xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương có rất nhiều người biết
(cách nơi xảy ra vụ án gần 40km)” Ông Nguyễn Trường Chinh viết trong lá
thư gửi các tổ chức quốc tế và các tòa đại sứ ngoại quốc ở Hà Nội.
Sự thực là như thế, ông viết “Nhưng công an, tòa án, viện kiểm sát
vẫn kết án tử hình con tôi mà không đưa ra được một bằng chứng xác thực
cụ thể nào chính xác Chưởng là hung thủ giết người, mà chỉ dựa vào lời
khai của Vũ Toàn Trung và Phương.”
Ông Chinh trình bày rằng “Cơ quan Cảnh sát điều tra và Tòa án cố tình
bỏ qua những chứng cứ ngoại phạm của con tôi như: Không cho các nhân
chứng mới đối chất tại tòa Phúc thẩm (đã được các luật sư đề nghị nhiều
lần). Không nghe lời kêu oan thảm thiết của các nghi phạm.”
Ông kể rằng “Trong suốt 08 năm gia đình tôi và Chưởng đã làm đơn kêu
oan lên các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội rất nhiều lần kể
cả đơn viết bằng Máu cho Chủ tịch nước nhưng không được tiếp nhận điều
tra làm đúng sự thật.”
Ông Chinh cho hay trong thư kêu cứu là hồi tháng 10/2014 vừa qua, tòa
án, viện kiểm sát đến thông báo cho gia đình ông và Chưởng ở trong tù
là “cuối tháng 12 năm 2014 sẽ thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn
Chưởng”.
Trong tình thế như vậy, ông buộc lòng cầu cứu các tổ chức quốc tế và
các tòa đại sứ các nước lên tiếp giúp đỡ để con ông khỏi chết oan vì cái
tội giết người hắn không hề phạm. Nguyễn Văn Chưởng, năm nay 31 tuổi,
cũng như các người khác bị lôi ra tòa đều đã tố cáo bị Công an điều tra
Hải Phòng “tra tấn dã man, ép cung” buộc họ phải chấp nhận để khi ra
tòa, nói ra sự thật.
Dù vậy, hệ thống luật pháp dựa vào công an không hề cứu xét lại bản
án dù các luật sư trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều nêu ra
các phi lý của bản cáo trạng.
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói chuyện với ký giả báo Người Đưa Tin. (Hình: Người Đưa tin) |
Trên Internet blogger ở địa chỉ <<http://mephu.blogspot.com/2014/12/ho-so-vu-sap-tu-hinh-oan-nguyen-van.html>> công bố các bản giám định vật chứng và y khoa mấy con dao, đoản kiếm và bao kiếm, dùng làm tang chứng vụ giết tên thiếu tá CA đều được báo cáo là không có dấu vết máu nào cả. Không có bản giám định nào nói có vân tay, mẫu máu nào của các nghi can, ngoài mẫu máu của nạn nhân, thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh.
Trong ngày bị kết án tử hình (phiên tòa tháng 6-2008), Nguyễn Văn Chưởng chỉ kịp ném lại cho gia đình một lá thư kêu oan “viết” bằng các que tăm đan trên một miếng chăn nhỏ.
Ngày 27 tháng 11, 2013, báo Người Ðưa Tin cho phóng viên tới nhà giam tử tù ở Hải Phòng gặp Nguyễn Văn Chưởng. Trong cuộc tiếp xúc này, khi được hỏi trong hồ sơ có ghi: “Chưởng không nghề nghiệp, nghiện ma túy, nên đã đi cướp, giết người và trong lúc điều tra không bị đe dọa, tra tấn, bức cung, nhục hình.”
Báo Người Ðưa Tin (NÐT) kể: Chưởng mỉm cười cho biết: “Họ nói sai, em có nghề nghiệp hẳn hoi và chưa từng biết đến chất gây nghiện nào, nên không có lý do gì để em phạm tội. Còn những vết tích khi bị tra tấn, nhục hình vẫn in hằn trên thân thể em.”
“Không chỉ dừng lại ở việc dùng hình với em, họ còn đe dọa lấy tính mạng người thân trong gia đình em. Lúc đó em chỉ có một suy nghĩ là cần hy sinh để bảo vệ người thân và không còn cách nào khác là phải nghe theo sự sắp đặt của công an điều tra,” Chưởng nói.
Khi được hỏi về phiên tòa xử vụ án dẫn đến cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Sinh, Chưởng cho hay: “Quá trình xét xử tại tòa, em cảm thấy họ không dám nhìn nhận thẳng vào sự thật là em không có tội. Hôm đó chỉ có bị cáo Trung (chủ quán quán cà phê trên đường Ðình Vũ, người Kiến Thụy, Hải Phòng - PV) nhận giết Thiếu Tá Sinh và bị kết án 23 năm tù. Em và Trung không có quan hệ gì ngoài việc em hay ngồi uống cà phê tại quán của Trung.”
“Em thấy bất công, tại phiên tòa họ không triệu tập nhân chứng nào và khi bị cáo Phương (người yêu Trung - PV) có mặt tại tòa, họ lại không cho đối chất với em. Ðặc biệt phía điều tra không hề để ý đến những bằng chứng khách quan do người thân và làng xóm cung cấp. Ðặc biệt vào thời điểm xảy ra vụ án, có rất nhiều cuộc gọi đến và đi từ số điện thoại 0974863087 của em. Khi cung cấp bảng kê họ cũng lờ đi,” Chưởng nói.
Cũng theo Chưởng, tờ NÐT viết, việc xét xử như vậy là không đúng pháp luật, gạt bỏ quyền lợi chính đáng không chỉ của Chưởng, mà của nhiều người dân khác, đặc biệt để bỏ lọt tội phạm.
Khi được hỏi về việc có liên quan đến cái chết của Thiếu Tá Sinh, “Chưởng khẳng định, đêm 14 tháng 7, 2007, Chưởng và Trịnh Xuân Trường cớ mặt tại xã Bình Dân (huyện Kim Thành, Hải Dương), cách nơi xảy ra vụ án gần 40km.”
Tờ NÐT nói, “Tử tù Chưởng còn cung cấp thêm một thông tin mà bị lực lượng điều tra viên công an Hải Phòng bỏ qua, đó là vào chập tối ngày 14 tháng 7, 2007, Chưởng còn vào tận nhà ông Trịnh Xuân Trinh (bố Trường) xin phép cho Trường về quê mình chơi. Và Chưởng có mặt tại nhà ăn cơm tối vào khoảng 20h ngày 14 tháng 7, 2007, sau đó đi thăm bạn bè hàng xóm.”
“Việc em và Trường có mặt tại địa điểm Bình Dân được nhiều người dân làm chứng. Vào thời điểm xảy ra vụ án, em đang qua nhà Tuất chơi cùng 2 vợ chồng nó. Lúc về em còn gặp nhiều người khác như bác Chung, bác Khương, cô Mến... Như vậy là đủ để thấy em không liên quan đến vụ án mạng kinh hoàng này,” Chưởng kể.
Vợ và em của Chưởng cũng đã bị ép cung và đã chấp nhận ký tên trên những tờ giấy nhận tội do Công an điều tra đạo diễn, sau đó khi ra tòa đã nói lại cho đúng sự thật.
Nếu các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và các tòa đại sứ can thiệp không có tác dụng, Nguyễn Văn Chưởng sẽ chỉ còn đếm từng ngày. (TN)
0 Nhận xét