Án tử hình – sự thất bại
(TMSS) Không biết tự bao giờ, án tử hình được áp dụng trong hệ thống pháp luật
của xã hội loài người. Trải qua thời gian, án tử hình cũng biến đổi và thi hành
dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là loại bỏ một con
người ra khỏi thế giới cách vĩnh viễn không một cơ hội sửa sai để trở nên người
lương thiện.
Hình thức tử hình mới tại Việt Nam - Tiêm thuốc độc (ảnh Internet)
Án tử - niềm tin và hy vọng bị lãng quên
Không cơ hội có lẽ không quan trọng bằng việc con người mất niềm tin và
hy vọng nơi nhau. Mất niềm tin vào sự thay đổi của một con người, kẻ được coi
là cặn bã, gây nguy hại cho xã hội, nên án tử hình là thích đáng. Mất hy vọng
vì người ta trở nên tuyệt vọng về con người đã phạm sai lầm, đôi khi là rất tai
hại cho xã hội nên cần loại bỏ. Không chỉ người khác mất niềm hy vọng vào kẻ
được coi là tử tù kia mà chính kẻ được coi là tử tù cũng mất luôn hy vọng sửa đổi
để trở nên người lương thiện. Thử hỏi, cuộc sống này có đáng sống khi con người
mất niềm tin và hy vọng nơi nhau!? Có
lẽ, đây là thất bại đầu tiên mà con người chứng kiến mà chẳng mấy ai nhận ra và
ít khi đi tìm căn nguyên vấn đề để giải quyết. Trong y học, người ta luôn nhắc
nhở nhau, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng, án tử hình chỉ cho chúng ta thấy
việc chữa cháy cho một cái ngọn trong một cuộc chạy đua mất mát niềm tin và hy
vọng nơi con người.
Án tử - công bằng hay nỗi đau
Khi chứng kiến một ai đó gây ra nỗi đau cho mình, thường phản ứng đầu
tiên là muốn cho kẻ đó phải chịu một hình phạt thích đáng xứng với những gì anh
ta đã làm - đây là phản ứng tự nhiên của
con người theo kiểu răng đền răng, mắt đền mắt. Sự công bằng với lý lẽ thuyết
phục mà nhiều người đưa ra. Sự công bằng ấy, ngày hôm nay được thực hiện bằng
pháp luật – một công cụ để vãn hồi trật tự xã hội. Nhưng, rất có thể, đây đơn
giản chỉ là sự trả thù!?
Trả thù, vì với pháp luật, người ta đã đòi lại được công bằng cho mình
theo một nghĩa nào đó. Nhưng, có khi nào người ta đòi được sự công bằng thực
sự. Đơn cử một ví dụ:
Khi bạn mua một chiếc bánh bao trị giá 5000vnđ. Bạn trả cho người bán
5000vnđ và bạn thấy là bạn công bằng và sòng phẳng. Vâng, đó là sự công bằng
trong giao hoán mà ta có thể nhìn thấy. Nhưng đằng sau sự công bằng có thể nhìn
thấy ấy, có khi nào ta trả được tâm tư và tình cảm của một người hết lòng để
làm ra miếng bánh thật ngon và đảm bảo cho sức khỏe của ta thay vì chiếc bánh
kém chất lượng bạn mua từ một người làm vì mục đích kinh tế. Công bằng đấy,
nhưng ta đã nợ người bán một tấm chân tình vì lòng tốt họ dành cho.
Cũng vậy, khi tòa xử án, nhiều người, nhất là nạn nhân lấy làm thỏa mãn
vì đã đòi lại được sự công bằng cho chính mình. Vậy, có khi nào tự hỏi bản thân
xem, bản án đó đã công bằng. Nếu có chăng chỉ là sự công bằng tương đối về mặt
giao hoán và ta nhận thấy những thương tổn của mình chỉ đơn giản là một bài
toán có thể cân đo đong đếm. Đặc biệt, với án tử hình, ta có thể vui vì vừa đòi
được sự công bằng cho mình, theo nghĩa nào đó, vừa loại được một mối nguy cho
xã hội loài người. Nhưng, có mấy ai nghĩ tới nỗi đau mà ta đang và sẽ gây ra
cho những người khác đàng sau vụ án. Cha mẹ, vợ con họ chẳng hạn. Ta đòi lại
được sự công bằng cho chính mình nhưng lại trở thành kẻ bất công khi gây ra nỗi
đau cho những con người khác. Và đơn giản, ta lại trở thành kẻ thù gây oán mà
người khác không được oán hận, đôi khi còn phải cám ơn. Nếu thực sự nghĩ đến
cùng, ai dám cho rằng, với bản án đó, nỗi đau sẽ mất đi vì ta đã lấy lại được
sự công bằng hay, nỗi đau còn đó và còn làm sản sinh thêm nhiều nỗi đau mới. Liệu
ta có thể cười được chăng khi chính ta, với sự công bằng tưởng chừng hợp lý ấy
lại là sự bất công đối với người khác?
Không bất công đâu! Họ đáng chịu những điều đó vì họ không biết dạy bảo
con cái hay khuyên răn người thân của mình! Có lẽ ta đã đúng khi nói điều đó,
nhưng mấy ai tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong sự sai lệch về nhân cách
và lương tâm của phạm nhân. Có lẽ, chúng ta sống chưa đủ tốt để phạm nhân thấy mà thay
đổi. Hay, chúng ta không dám lên tiếng mà im lặng vì thấy an tâm khi những
người đó không gây tổn hại cho mình. Một thái độ dửng dưng, đèn nhà ai nhà ấy
rạng đã khiến mối dây ràng buộc trong quần thể xã hội bị buông lơi. v.v. Một
cách nào đó, chính chúng ta có trách nhiệm trong đó nhưng ta lại thấy an tâm
khi mình không làm điều đó.
Thử phân tích một ví dụ: một nhà sản xuất bún tại Giao
Cù, Nam Trực, Nam
Định. Chỉ là sản xuất bún thôi nhưng đã khiến một con kênh đen kịt và gây ô
nhiễm đến 5km2. Mực nước ngầm ở đó nhiễm mùi xú uế nghiêm trọng mặc
dù đã khoan sâu đến 15m. Nhưng hỡi ôi, hiện tại, vẫn chưa có ai lên tiếng, từ
chính quyền xã cho đến những người dân sống quanh đó. Cái chết đang rình mò đến
từng ngóc ngách của cuộc sống nơi đây mà không ai chịu trách nhiệm và không ai
lên án. Tất cả chỉ thấy một điều, nước sông không phạm nước giếng, nên anh đừng
động đến tôi. Chính quyền thì cứ an tâm vì chưa có ai chết hay ung thư được
chứng minh là do sự ô nhiễm này, nên tất cả bình chân như vại.
Một ví dụ giản đơn như thế. Sờ sờ trước mắt như thế mà chúng ta còn thấy
an tâm huống chi nguyên nhân gây ra cái xấu nơi phạm nhân còn khó phân tích
chừng nào. Phải chăng, đó là sự thất bại của giáo dục trong một nền văn hóa đề
cao cộng đồng nhưng lại rất thờ ơ đối với cộng đồng. Một cộng đồng rất hình
thức nhưng lại quên đi những án tử âm ỉ mà không đấu tranh nhưng lại vui thú
khi loại bỏ được một con người. Thật buồn và chớ trêu khi cũng tại tỉnh Nam
Định ấy, một thôn văn hóa vì muốn giữ văn hóa và sự sạch sẽ cho thôn mình đã đi
vất rác cách lén lút xang thôn bên cạnh vào sáng sớm để họ trở thành thôn vô
văn hóa lúc nào không hay. Thật là tai hại của một chính sách thôn văn hóa hình
thức mà không xác định được văn hóa là gì. Có thể nói đây là án tử cho danh
hiệu thôn “VĂNG HÓA” thì đúng hơn.
Tất cả những ví dụ đau lòng trên chỉ đơn giản cho thấy một sự thất bại
trong giáo dục. Một nền giáo dục thiếu căn tính và chạy theo thành tích, danh
lợi, nhất là vật chất mà quên việc dạy đạo làm người. Một nền giáo dục chỉ còn
dạy sống cho mình thay vì sống cùng, sống với và sống cho cũng như sống vì
người khác nữa. Một nền giáo dục mang
tính cộng đồng cụ thể thay vì hình thức. Chính lỗ hổng này là một trong những
nguyên nhân gây nên tình trạng, những phạm nhân, một cách nào đó là những sản
phẩm của một nền giáo dục dạy con người ta chỉ chăm lo cho bản thân thay vì cho
cộng đồng. Và như thế, một cách nào đó, chúng ta đang lên án tử cho nhau! Liệu
ta có cười được chăng khi tìm cách loại bỏ một con người mà quên đi chính mình
cũng đáng bị loại bỏ nếu xét cho đến cùng. Biết như thế ta còn muốn lên án tử
nữa chăng?
Nếu vẫn còn muốn lên án tử vì muốn dằn mặt một số người nào đó hay muốn
răn đe thì thực tế đã cho thấy: những bản án đó chẳng răn đe được mấy khi chưa
đụng đến cốt lõi vấn đề nên vẫn còn đó nụ cười hể hả của một công ty chôn hàng
tấn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, vẫn còn đó di chứng của lợi nhuận nhà máy xi
măng bên cạnh khói bụi và ung thư ngày càng cao của những hộ dân lân cận…
Tựu chung, đó là một sự thất bại lớn khi giá trị răn đe rất thấp và
dường như cái chết cứ cận kề một cách tinh vi hơn mà con người vẫn cứ mãi hả hê
vì mình là kẻ vô can.
Án tử - vô cảm có hệ thống
Khi tòa tuyên án tử hình, phần lớn bị hại sẽ thấy vui mừng vì mình đã
đạt được mục đích là lấy lại sự công bằng cho mình. Vui vì mình đã thỏa mãn
được phần nào trong nỗi đau mà kẻ kia phải trả xứng với việc nó làm. Vui lắm,
hả hê lắm nhưng hình ảnh tử tù kia sẽ quay quắt hoài trong tâm trí mình. Cho dù
có loại được con người đó nhưng tâm trí sẽ không ngừng suy tưởng tới. Nỗi đau
còn đó, dai dẳng và đeo đuổi suốt cả cuộc đời. Đó - nỗi đau do sự vô cảm mà kẻ
thủ ác đã gây ra cho người bị hại.
Cánh người dân xem thi hành án tử hình (nguồn internet)
Nhưng đến lượt mình, với vai trò của bên thắng cuộc, và cả những người
đứng ngoài quan sát vụ án, vô tình ta cũng trở thành kẻ vô cảm trước một mạng
sống – một con người- mà chẳng thấy xót sa. Có xót là xót cho nỗi đau của mình
chứ mấy ai đau cho nỗi đau của người mang án tử hay cho thân nhân của họ. Một cách
nào đó, đây chính là mặt nạ của tính vô cảm có hệ thống được trả thù bằng pháp
luật.
Hẳn chúng ta vẫn không thể quên các vụ người dân đánh chết trộm chó tập
thể. Lạ thay, người dân chẳng thấy đau đớn gì trước một sinh mạng bị tước đoạt
nhưng còn hả hê khi đã loại được một mối nguy. Thậm chí, khi một số người bị
bắt, nhiều người đồng loạt viết đơn tự thú mình góp phần gây ra cái chết của kẻ
trộm chó nhằm giải thoát cho hai người kia như xảy ra ở Quảng Trị mấy ngày qua (http://motthegioi.vn/Columnist/68-nguoi-tu-thu-giet-nguoi-phai-chang-mang-nguoi-qua-re-60894.html?fb_action_ids=692672140779756&fb_action_types=og.likes
). Chao ôi, mạng người không bằng mạng chó. Con người xót xa cho con chó thay
vì đồng loại của mình. Đấy chẳng phải là sự vô cảm tập thể sao? Vô cảm được che
đậy bằng vỏ bọc của đạo đức và bảo vệ tài sản của mình. Tất nhiên sự so sánh là
khập khiễng khi một bên, người dân không nại đến pháp luật mà tự sử, một bên là
có tòa án và pháp luật bảo vệ. Nhưng, cả hai đều cho thấy một điều: đau khổ của
đồng loại chẳng liên quan gì đến tôi và tôi thấy an tâm khi kẻ thủ ác kia phải
trả giá bất chấp hậu quả đàng sau thế nào.
Phải chăng, đây là điều mà Đức Thích Ca gọi đời là bể khổ. Khổ ải trầm
luân hoài vậy sao? Đời không còn đáng yêu và đáng để sống hầu có thể dung nạp
một con người nữa chăng. Tới đây, ta nhớ lại câu nói của thầy Đinh Đăng Định
trăng chối lại cho người thân: không được giữ lòng thù hận, chúng ta không
phải là kẻ thù của nhau. Bởi đâu thầy cất lên được những lời nói đó. Xin
thưa, thầy đã có một cuộc đấu tranh để loại trừ cái ác và gieo vào đó mầm
thiện, ngay cả đến cái chết cũng không ngăn cản được thầy. Thầy đấu tranh không
phải để loại trừ kẻ thủ ác nhưng là để bảo toàn sự sống và làm cho xã hội này
đáng sống, đáng để yêu thương. Thầy đấu tranh để chống lại KẺ đáng tử hình gấp
bội những kẻ phải lãnh án tử hình kia mà ta thấy. Nhưng thầy không đấu tranh để
loại bỏ mà đấu tranh để cho tất cả con người được sống đúng với phẩm giá con
người. Một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên cho một cộng đồng thay vì một nhóm
lợi ích. Thầy đã không vô cảm trước nỗi đau của người đồng loại nên thầy đã
chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Vậy còn chúng ta thì sao? Bởi đâu thế giới này có nhiều kẻ thù? Chính
chúng ta phải tìm lại câu trả lời cho chính mình!
Trên đây là một vài điểm nho nhỏ chúng ta có thể nhận thấy phía sau án
tử hình bên cạnh những tổn thất về kinh tế và những mặt trái khác nữa chúng ta
sẽ cùng nhau phân tích trong một dịp khác. Hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều người
cùng chia sẻ, cùng lên tiếng để bảo vệ sự sống tự nhiên của con người, ít ra là
trong tư cách của đồng loại. Mong lắm thay!
0 Nhận xét