"Chỉ cần sở hữu một Ngòi Bút thật sắc bén,
Bạn có thể có cả thế giới trong tay!"
(nguồn sucmanhngoibut)
Dưới bất kể thời đại và thể chế nào, dù văn minh đến đâu vẫn có những khiếm khuyết của nó. Và vì thế, cần có những tiếng nói can đảm để bảo vệ sự thật và công lý.
Bảo vệ sự thật và công lý mỗi người có cách thế riêng mình. Người thì đấu tranh trực diện. Người thì âm thầm qua những con chữ. Mỗi bên có được thế mạnh riêng của mình.
Người đấu tranh trực diện dễ dàng thu hút được sự chú ý của nhiều người và mọi người cũng thấy được những cái lợi trước mắt. Người đấu tranh trực diện có khả năng quy tụ được đám đông nhưng cũng có thể rất dễ gây mất hòa khí hay khó giữ chân được đám đông. Vì vậy, họ luôn cần đến những cố vấn tinh thần, hay nói khác hơn là những kẻ có chữ. Tuy nhiên, người đấu tranh trực diện cũng là những người dễ dàng bị những thế lực xấu truy bắt và thậm chí bị thủ tiêu. Nhưng, có lẽ họ sẽ sợ những người có chữ hơn cả
Những kẻ có chữ phần nhiều thì trói gà không chặt. Người có chữ chưa chắc đã nói hay. Song, người có chữ luôn có cách của mình để bày tỏ chính kiến và truyền đi những thông điệp của mình. Người có chữ luôn luôn nhận thức được mình phải làm gì và làm như thế nào. Đấu tranh trực diện là điều cần thiết song để những người theo mình đấu tranh có được một nhận thức đúng đắn và duy trì được nó mới khó. Về điều này, người có chữ luôn muốn làm và làm chủ yếu vì nó. Họ dùng con chữ để thay đổi nhận thức của một con người, một thế hệ thậm chí cả một dân tộc, một đất nước.
Việc thay đổi nhận thức này không hề dễ dàng. Nó là một hành trình dài và gian nan. Nhiều khi, vì muốn thay đổi nó, người ta bị cho là kẻ khùng, kẻ lạc loài. Lạc loài vì kết quả không đến trong ngày một ngày hai nhưng nhiều khi, đến tận ngày nhắm mắt xuôi tay, người gieo vẫn chưa thấy cây trổ hoa sinh trái. Ấy vậy, người có chữ vẫn âm thầm gieo trồng vì ý thức được rằng: gieo hành động thì dễ những không lâu bền; gieo nhận thức thì khó khăn nhưng sẽ bền vững và đem lại kết quả lâu dài bởi: muốn thay đổi tận căn một điều gì, người ta phải thay đổi nhận thức trước tiên. Chính nhận thức làm cho con người có được tự do, thứ tự do mà không một nhà tù nào có thể giam hãm. Điều này chỉ có thể làm được qua con đường giáo dục, và giáo dục cũng có nhiều cách thức để thể hiện tốt nhất để thay đổi nhận thức.
Chính vì giáo dục là điều quan trọng nên các chế độ độc tài thường muốn kiểm soát giáo dục và giáo dục chỉ là sản phẩm của riêng họ. Họ không chấp nhận một quan niệm hay một lối thể hiện khác với họ. Họ muốn tất cả như những con rô-bốt được đào tạo từ một lò. Mặc dù có cảm xúc và tri giác đấy nhưng con người quả thực trở thành cỗ máy không hơn không kém. Vì vậy, bất kể một ai, sống dưới chế độ độc tài toàn trị, muốn thay đổi nhận thức của người khác bằng con đường giáo dục và ngòi bút của mình đều trở thành kẻ thù của độc tài. Bản thân họ, những người có chữ chẳng muốn trở thành kẻ thù của ai những họ vẫn là kẻ thù của những kẻ chỉ đi tìm kẻ thù - kẻ độc tài - muốn kìm kẹp người khác và cả xã hội.
Cũng vì biết được sức mạnh của người có chữ mà dưới bất kể thời đại độc tài nào, sách vở luôn bị kiểm duyệt ngặt nghèo. Thậm chí bị coi như là chứng tích để quy tội và kết án. Hẳn chúng ta không quên cuộc cách mạng văn hóa bên Trung Quốc hay những cuộc đốt sách của Việt Nam theo dòng lịch sử. Có rất nhiều những cuốn sách có giá trị đã bị bỏ đi. Thậm chí, những cuốn sách ấy đến từ những phương trời xa xôi với những con người xa cách nhưng cũng trở thành kẻ thù. Tôi còn nhớ độc một status trên facebook, một người cảm thấy tiếc nuối vì sau năm 1975 đã phải đốt biết bao sách quý bằng tiếng anh tiếng pháp. Đốt sách vì nếu để thì bị quy chụp là theo thế lực thù địch. Cũng với những lý do đó, Việt Nam đã bị chững lại trên đà phát triển vì những người có chữ hầu hết đều bị đi cải tạo hoặc không được trọng dụng.
Không được trọng dụng nhưng những người có chữ - có tâm luôn tìm ra cách để thi triển sức mạnh của con chữ. Nếu xưa cha ông ta sáng chế ra chữ Nôm để duy trì truyền thống trước kẻ thù Phương Bắc và sau này là chữ quốc ngữ thì, ngày nay, người có chữ, với tất cả tâm huyết của mình sử dụng sức mạnh của truyền thông. Họ không ngừng học hỏi để có thể viết bài cho các trang web, viết blog, dùng facebook để nói lên tiếng nói của mình. Hơn ai hết, họ hiểu rằng: thời đại công nghệ thông tin và với thế giới phẳng này, mọi sự đều có thể lan truyền cách nhanh chóng. Họ không chỉ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nhưng dùng cả sinh ngữ toàn cầu vì ý thức rằng: nếu xưa biết đọc biết viết là hết mù chữ thì hôm nay không biết anh ngữ hay một ngoại ngữ khác và công nghệ thông tin thì coi như là mù chữ. Và họ đã làm được điều đó.
Chính họ, những kẻ dùng con chữ quần tụ là và tạo nên một sức mạnh to lớn đến nỗi những kẻ độc tài phải cảm thấy run sợ. Sự run sợ ấy được thể hiện bằng những khoản luật và nghị định này nọ để kiểm duyệt và kiềm tỏa tự do thông tin. Với những khoản luật trên trời ấy, nhiều người đã bị quấy rối và tù đày vì chính những con chữ của mình. Họ bị quấy rối và tù đày vì muốn thay đổi nhận thức của mình và của người khác. Họ bị quấy rối và tù đày đơn giản vì họ nói lên sự thật và loan truyền cho người khác biết về quyền con người. Tuy nhiên, họ không thể bị cầm tù vì không ai có thể cầm tù được nhận thức của họ. Hơn nữa, với thời đại công nghệ thông tin, những gì họ đưa lên internet được lưu truyền và lưu trữ cách nhanh chóng. Vì vậy, kiềm tỏa thông tin là một việc làm thực sự vô ích và vô bổ.
Vô ích và vô bổ vì, nếu xưa kia họ có thể đốt sách và bị cô lập để cô lập người có chữ, thì nay, họ chẳng thể đốt cháy internet. Đốt cháy internet họ cũng cô lập và chặn đứng đường phát triển của mình. Mặt khác, ở ngoài kia, trên không gian mạng, có biết bao người trong ngôi làng toàn cầu đang cùng làm nhiệm vụ thay đổi nhận thức với những con chữ. Cuộc chiến thay đổi nhận thức không còn bị giới hạn ở tầm mức quốc gia nữa nhưng đã lên tới mức toàn cầu. Trong thế giới phẳng này, bịt miệng người có chữ quả là không dễ. Cám ơn thế giới phẳng đã tạo thêm sức mạnh cho những con chữ dù người viết ra chúng có thể trói gà không chặt. Nhà văn Nguyễn Quang Lập bị liệt nửa người là minh chứng cụ thể cho điều này.
Viết đến đây, tôi cũng thật sự mừng vì ngày nay, cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình có sự phối hợp chặt chẽ giữa người đấu tranh trực diện và người đấu tranh bằng con chữ. Sự phối hợp này tạo nên sức mạng mà bất cứ thể chế độc tài nào cũng phải run sợ. Run sợ vì sức mạnh của con chữ. Con chữ thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động. Tất cả nhờ vào bàn tay kẻ sĩ. Họ trở thành những nghệ sĩ với những con chữ nhân quyền và sự thật để giải phóng con người. Họ là tác nhân để sự thay đổi được vững bền. Họ là người âm thầm gieo mầm tự do và sự thật bằng chính ngò bút của mình.
Cám ơn! Xin cám ơn những người "chói gà không chặt"! Vì Ngòi Bút chắc chắn sẽ đánh bại Lưỡi Gươm!
TMSS
06/12/2014
0 Nhận xét