Trần Hà Linh
Để
thuận tiện cho việc theo dõi các diễn biến của vụ án Hồ Duy Hải, Luật
Khoa tạp chí sẽ liên tục cập nhật các diễn biến của vụ án tại bài viết
này. Các diễn biến được cập nhật có thể là diễn biến mới xảy ra hoặc
diễn biến đã xảy ra trước đây nhưng chưa được cập nhật. Lần cập nhật gần
nhất là: 11:39 đêm 17/3/2015.
14/1/2008
Buổi sáng, hai nạn nhân Nguyễn Thị Ánh
Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) được phát hiện đã chết
tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Nạn nhân Hồng bị cắt
lìa cuống họng, trên mặt có nhiều thương tích, nằm ngửa bên dưới chân
cầu thang, áo bị cuốn lên khỏi ngực. Bên cạnh đó, thi thể Nguyễn Thị Thu
Vân (21 tuổi) trong tư thế nằm ngửa, đầu gối lên đùi trái của Ánh Hồng,
chân trái dang ra và gác lên một cái ghế xếp, cổ có vết cắt và trên đầu
có nhiều dấu vết do vật cứng va chạm. Số tiền 1.400.000 đồng, một số
điện thoại, sim card và nữ trang cũng biến mất khỏi hiện trường.
Cơ quan điều tra triệu tập Nguyễn Văn
Nghị (28 tuổi, ngụ tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), là một
trong hai người bạn trai của nạn nhân Ánh Hồng, và ban đầu được xác định
là nghi can số một.
16/1/2008
Cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập 3
người thợ bạc của tiệm vàng Kim Long, gần Bưu cục Cầu Voi, trong đó có
Nguyễn Mi Sol, được biết cũng là bạn trai của nạn nhân Hồng.
21/3/2008
- Cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm
giam Hồ Duy Hải (23 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) và
xác định đây chính là hung thủ.
- Nhân chứng Nguyễn Văn Thu ra chợ mua
một con dao nộp cho Ban Công an xã và khẳng định “nó giống với con dao
đã mất” tại hiện trường. Sau này, con dao này được Viện Kiểm sát Nhân
dân tỉnh Long An sử dụng để truy tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người.
22/3/2008
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An ra
quyết định phê chuẩn lệnh bắt số 03, ngày 21/3/2008 của Cơ quan Cảnh sát
Điều tra – Công an tỉnh Long An, nhưng trong quyết định đó, tên người
bị bắt là Nguyễn Duy Hải chứ không phải Hồ Duy Hải.
11/4/2008
Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Long
An ban hành kết luận giám định ghi rõ: “Các dấu vết vân tay thu được
tại hiện trường vụ án ngày 14.1.2008 tại Bưu cục Cầu Voi… không phát
hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.
24/6/2008
Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, bà Lê
Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân) đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp
cho cơ quan điều tra để làm vật mô phỏng chứng cứ. Cùng với con dao được
mua từ chợ ngày 21/3/2008, chiếc thớt này được Viện Kiểm sát Nhân dân
tỉnh Long An sử dụng để truy tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người.
TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối
với Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản, đồng thời buộc bị
cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 60 triệu đồng. Hồ Duy Hải đã
làm đơn kháng cáo ngay sau đó.
28/4/2009
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM
bác đơn kháng cáo của Hồ Duy Hải, tuyên y án sơ thẩm. Hồ Duy Hải đã làm
đơn xin giảm án gửi cho Chủ tịch nước ngay sau đó.
17/5/2012
Chủ tịch nước quyết định bác đơn xin giảm án của Hồ Duy Hải.
25/11/2014
Tòa án Nhân dân tỉnh Long An thông báo
với gia đình về Quyết định thi hành án tử hình, theo đó, Hồ Duy Hải sẽ
bị xử tử hình vào ngày 5/12/2014.
4/12/2014
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi công
văn cho Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát
Nhân dân Tối cao đề nghị chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình
đối với Hồ Duy Hải.
Ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND –
Chủ tịch Hội đồng thi hành, viết bút phê xác nhận với gia đình Hồ Duy
Hải về việc tạm dừng thi hành án tử hình.
5/12/2014
Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tổ chức họp báo công bố thông tin và trả lời chất vấn về vụ án Hồ Duy Hải.
Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội ra tuyên bố hoan nghênh quyết định hoãn thi hành án tử hình, kêu gọi Việt Nam đình chỉ thi hành bản án này và bãi bỏ án tử hình.
24/12/2014
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Tư
pháp Quốc hội, làm việc với gia đình Hồ Duy Hải theo chương trình giám
sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
05/1/2015
Ông Lê Hữu Thể – Phó Viện trưởng Viện
Kiểm sát Nhân dân Tối cao – cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có
công văn đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Công an cử cán bộ tham
gia tổ công tác liên ngành để thẩm định lại kết quả điều tra, truy tố,
xét xử vụ án Hồ Duy Hải.
Ông cũng nói rằng, ngoài hai cơ quan
trên thì Ban Nội chính Trung ương cũng sẽ vào cuộc xem xét, làm rõ Hồ
Duy Hải có bị kết án tử hình oan hay không.
05/3/2015
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải,
và bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hải, gặp gỡ đại diện phái đoàn Liên
minh Châu Âu tại Hà Nội, tìm cách nhờ EU giúp đỡ, can thiệp kêu oan cho
Hải.
13/3/2015
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh
án TANDTC Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng
hình sự và bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm Bồi thường của nhà
nước. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu ra 5 vụ án đặc biệt nghiêm
trọng, có dấu hiệu oan sai, trong những năm qua: Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn
Chưởng, Lê Bá Mai, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn.
Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án
Trương Hòa Bình đáp: “Quá trình điều tra tuy có sai sót nhưng không làm
thay đổi vụ án, vì vậy Tòa vẫn giữ nguyên bản án tử hình”, “Bây giờ bản
án đã có hiệu lực pháp luật. Chưa phát hiện ra căn cứ để kháng nghị”.
(Tiếp tục cập nhật)
Tổng hợp từ:
0 Nhận xét