VỚI BÍ TÍCH THÂN XÁC CON NGƯỜI CẢM THẤY
MÌNH LÀ CHỦ THỂ CỦA SỰ THÁNH THIỆN
1. Sách Sáng thế cho thấy rằng cả hai người đàn ông và người đàn bà đã được tạo dựng nên cho cuộc hôn phối: «...Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ nên một xương một thịt» (St 2,24).
Từ đó một viễn tượng sáng tạo lớn lao được mở ra cho cuộc sống nhân loại, được đổi mới luôn nhờ «sinh sản» hay «tự sản». Viễn tượng đó bám rễ sâu vào trong tâm thức của nhân loại và cả trong ý thức đặc biệt của con người về ý nghĩa hôn phối của thân xác có giới tính nam và nữ. Người đàn ông và người đàn bà trong mầu nhiệm tạo dựng là tặng phẩm được trao ban cho nhau. Sự vô tội nguyên thủy biểu lộ và đồng thời xác định ethos hoàn hảo của tặng phẩm.
Chúng ta đã nói điều đó trong chương trước. Qua ethos của tặng phẩm, ta thấy lộ ra một phần của vấn đề về «chủ thể tính» (soggettività) của con người, kẻ được tạo dựng theo hình ảnh giống như Thiên Chúa. Trong trình thuật tạo dựng (đặc biệt là trong đoạn St 2,23-25) hẳn là «người đàn bà» không chỉ là «một đối tượng» hay một đồ vật (oggetto) đối với người đàn ông. Cả hai trước mặt nhau dù vẫn hoàn toàn là những đối tượng thọ tạo, nhưng người kia là «xương của xương tôi, thịt của thịt tôi», và là người khác giới với tôi (đàn bà/đàn ông), và cả hai trần truồng. Chỉ có một sự trần truồng làm người phụ nữ thành một «đối tượng» hay một sự vật cho người đàn ông (ham muốn) và ngược lại, mới là nguồn của mọi xấu hổ. Việc cả hai người «không cảm thấy xấu hổ» có nghĩa là người đàn bà đã không là «một đồ vật» (đối tượng) đối với người đàn ông, và ngược lại người đàn ông cũng như thế đối với người đàn bà. Sự trong trắng/vô tội trong tâm hồn cũng như «lòng trong sạch» của người này, một cách nào đó, đã không thể hạ thấp người kia xuống chỉ như một đồ vật một đối tượng. Nếu như «họ không cảm thấy xấu hổ», thì điều đó có nghĩa là họ sống cách sâu xa tâm thức trao ban (coscienza del dono), họ ý thức ý nghĩa hôn phối của thân xác của nhau, qua đó sự tự do của trao ban được diễn tả ra và toàn thể sự phong phú nội tâm của con người như là chủ thể (soggetto) được hiển lộ. Cái «tôi» (tự ngã) của mỗi người, người đàn ông và người đàn bà, đi sâu vào bên trong nhau như thế, như làm cho con người chủ thể không thể hạ giá người khác thành một «đồ vật» được. Điều đó bộc lộ cái dung mạo chủ thể của tình yêu ấy. Có thể nói rằng tình yêu này là «khách quan» (oggettivo) ở tận chiều sâu, vì nó được nuôi dưỡng bởi chính «tính khách quan» (oggettività) của tặng phẩm dành cho nhau.
2.
Sau khi con người, nam và nữ, đầu tiên phạm tội, họ sẽ mất ân sủng vô
tội nguyên thủy. Việc khám phá ra ý nghĩa hôn phối của thân xác đối với
họ sẽ không còn là một thực tại đơn giản của mạc khải và ân sủng. Thế
nhưng, ý nghĩa ấy sẽ vẫn còn như là một cam kết mà ethos của tặng phẩm trao ban cho con người,
được ghi khắc sâu xa trong tâm hồn con người, như là tiếng vọng lại của
sự vô tội nguyên thủy. Từ ý nghĩa hôn phối ấy tình yêu con người sẽ
hình thành, trong sự thật bên trong của nó và trong sự xác thực chủ quan
của nó. Nhờ bức màn của xấu hổ, con người sẽ tái khám phá liên tục
chính mình như người bảo vệ mầu nhiệm chủ thể, nghĩa là mầu nhiệm của sự
tự do trao ban. Như thế là để bảo vệ nó để không bị rơi vào bất kì quan
điểm nào xem tặng phẩm chỉ như là một đối tượng (sự vật) thuần túy.
3.
Nhưng giờ đây, ta thấy mình đang đứng trước bậc thềm của lịch sử thế
trần của con người. Người đàn ông và người đàn bà vẫn còn chưa bước qua
thềm nhà ấy để hướng tới nhận thức thiện và ác. Họ vẫn còn ngụp lặn
trong mầu nhiệm tạo dựng, và thấp thoáng trong cõi thâm sâu của mầu
nhiệm ẩn chứa trong tâm hồn họ là sự trong trắng, ân sủng, tình yêu và
sự công chính : «Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp!» (St 1,31).
Con người xuất hiện trong thế giới hữu hình này như một diễn tả cao
nhất của tặng phẩm thần linh, bởi lẽ nó mang trong mình chiều kích nội
tâm của tặng phẩm. Và với nó, con người đem vào thế giới cái họa ảnh
(giống) đặc biệt của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Với nó, con người
siêu vượt và thống trị trên cả cái “sắc tướng” (visibilità) của mình
trong thế gian, trên cả xác thịt của mình, giới tính nam-nữ của mình, sự
trần truồng của mình. Một phản ảnh của họa ảnh này còn là sự ý thức
nguyên thủy về ý nghĩa hôn phối của thân xác, thấm nhập bởi mầu nhiệm vô
tội nguyên thủy.
4. Như thế, trong chiều kích đó, một bí tích nguyên thủy được thiết lập, được hiểu như là dấu chỉ thông truyền một cách hữu hiệu mầu nhiệm vô hình ẩn giấu nơi Thiên Chúa từ muôn thuở, vào trong thế giới hữu hình này. Đây là mầu nhiệm của Sự Thật và Tình Yêu, mầu nhiệm của sự sống thần linh, mà con người được tham dự thực sự. Trong lịch sử của con người, sự vô tội nguyên thủy khai mào sự tham dự này và nó cũng là nguồn mạch của hạnh phúc nguyên thủy. Bí tích, như là dấu chỉ hữu hình, được thiết lập với con người xét như là một «thân xác», nhờ giới tính nam và giới tính nữ «hữu hình» của mình. Thật vậy, thân xác và chỉ có thân xác, mới có khả năng làm cho điều vô hình – như cái tâm linh và thần linh – thành hữu hình. Thân xác đã được tạo dựng để chuyển giao vào trong cái thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa, và như thế nó là dấu chỉ của mầu nhiệm ấy.
5. Do đó, trong con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, chính bí tích của tạo thành, bí tích của thế giới, theo nghĩa nào đó, đã được tỏ lộ ra. Quả thật, con người nhờ thân xác với giới tính nam-nữ của nó đã trở thành dấu chỉ hữu hình của nhiệm cục Sự Thật và Tình Yêu, có nguồn mạch nơi chính Thiên Chúa và đã được tỏ lộ ra trong mầu nhiệm tạo thành. Trên nền hậu cảnh rộng lớn này mà chúng ta hiểu trọn vẹn hơn những lời căn bản của bí tích hôn phối, được trình bày trong câu St 2,24 («người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt»). Trên nền rộng lớn này mà chúng ta hiểu hơn nữa rằng những lời của câu St 2,25 («con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau»), nhờ ý nghĩa nhân học sâu xa của những lới ấy, diễn tả sự kiện rằng cùng với con người sự thánh thiện cũng đi vào thế giới hữu hình, một thế giới được tạo dựng cho con người. Bí tích thế giới, và bí tích con người trong thế giới, xuất phát từ nguồn suối thần linh là sự thánh thiện, và đồng thời nó được thiết lập cho sự thánh thiện. Sự vô tội nguyên thủy, nối kết với kinh nghiệm về ý nghĩa hôn phối của thân xác, là chính sự thánh thiện, vốn là điều giúp con người diễn tả mình ra cách sâu xa với thân xác của mình, và điều đó có được chính là nhờ sự «thành thật trao hiến» chính bản thân mình. Ý thức trao hiến là điều kiện, như trong trường hợp ở đây, của «bí tích thân xác». Nơi thân xác mình, của một người nam hay của một người nữ, con người cảm thấy mình là chủ thể của sự thánh thiện.
6. Với ý thức về ý nghĩa thân xác của mình đó, con người nam cũng như nữ, bước vào thế giới như một chủ thể của sự thật và tình yêu. Có thể nói rằng đoạn St 2,23-25 tường thuật lại lễ hội đầu tiên của nhân loại với kinh nghiệm nguyên thủy tròn đầy về ý nghĩa hôn phối của thân xác. Đó là một lễ hội của nhân loại với nguyên ủy phát xuất từ những nguồn mạch Sự Thật và Tình Yêu thần linh tuôn đổ vào trong chính mầu nhiệm tạo thành. Dẫu từ rất sớm sủa, biên giới của tội lỗi và sự chết đã lan rộng trên cánh đồng của lễ hội nguyên thủy ấy (St 3), nhưng ngay từ mầu nhiệm tạo thành chúng ta đã kín múc được một niềm hy vọng đầu tiên. Đó là, hoa trái của chương trình của Thiên Chúa (nhiệm cục thần linh) về Sự Thật và Tình Yêu, vốn được mạc khải «từ thuở ban đầu», là Sự Sống chứ không phải Sự Chết, là «ơn gọi hưởng vinh quang» chứ không phải là sự tiêu diệt của thân xác con người vốn được tạo dựng theo «hình ảnh của Thiên Chúa» (x. Rm 8,30).
0 Nhận xét