Chương IV
SỰ LIÊN HỆ GIỮA TÌNH TRẠNG VÔ TỘI NGUYÊN THỦY
VÀ TÌNH TRẠNG ĐƯỢC CỨU CHUỘC NHỜ ĐỨC KITÔ
1.
Khi trả lời cho những kẻ hỏi Người về sự đơn nhất và bất khả phân ly
của hôn nhân, Đức Kitô đã trưng dẫn những gì sách Sáng thế đã viết về
hôn nhân. Trong hai bài suy tư trước chúng tôi đã phân tích cả hai bản
văn kinh thánh được gọi là theo truyền thống ‘êlôhist’ (St 1) và theo truyền thống ‘yahvit’ (St 2). Giờ đây, chúng tôi muốn rút ra một vài kết luận từ những phân tích đó.
Khi Đức Kitô nói đến «thuở ban đầu», Người đòi những kẻ đang nói với Người phải vượt qua, theo nghĩa nào đó, ranh giới giữa tình trạng vô tội nguyên thủy và tình trạng phạm tội, khởi đi từ sự sa ngã đầu tiên mà sách Sáng thế đã ghi lại.
Người ta có thể nối kết ranh giới này với cây biết thiện biết ác như một biểu tượng. Trong bản văn truyền thống yahvit, cây này phân cách hai hoàn cảnh hoàn toàn đối nghịch nhau: hoàn cảnh vô tội nguyên thủy và hoàn cảnh tội nguyên tổ. Những hoàn cảnh này mang một chiều kích riêng nơi con người, nơi chiều sâu thẳm nhất của con người, trong nhận thức, trong lương tâm, trong lựa chọn và quyết định của con người. Tất cả những điều này đều có tương quan với Thiên Chúa Tạo Hóa, và cũng là (theo bản văn yahvit St 2 và 3) Thiên Chúa của Giao ước, một Giao ước cổ xưa nhất của Đấng Tạo Hóa với thọ tạo của Ngài, là con người. Cây biết thiện biết ác vừa diễn tả vừa là biểu tượng của Giao ước đã bị đổ vỡ trong tâm hồn con người, cây ấy phân cách và đặt đối mặt hai hoàn cảnh và hai tình trạng hoàn toàn đối nghịch nhau, đó là tình trạng trong trắng nguyên thủy và tình trạng tội nguyên tổ và đồng thời là tội riêng truyền lại từ nguyên tổ. Tuy nhiên, những lời của Đức Kitô nói viện tới «thuở ban đầu» ấy giúp chúng ta thấy nơi con người có một sự liên tục cốt yếu và một mối liên kết giữa hai tình trạng hay chiều kích khác nhau này của con người. Tình trạng tội lỗi là thành phần của «con người lịch sử», là kẻ mà chúng ta đọc thấy trong Matthêu 19 đã chất vấn Đức Kitô lúc bấy giờ, nhưng cũng là bất cứ người nào có thể sẽ hoặc đang đối thoại với Người trong mọi thời lịch sử, và do đó dĩ nhiên cũng là con người hiện nay. Nhưng tình trạng này – tình trạng “lịch sử” đúng nghĩa – nơi mỗi người không trừ ai, bén rễ sâu vào trong “thời tiền sử” thần học, tức là tình trạng vô tội nguyên thủy.
Vấn đề ở đây không chỉ là lối biện chứng. Qui luật của nhận thức tương ứng với qui luật của hữu thể. Không hiểu được tinh trạng tội lỗi “lịch sử” nếu không qui chiếu hay viện đến (và quả thật Đức Kitô đã viện dẫn điều ấy) tình trạng nguyên thủy (theo một nghĩa nào đó, là “tiền lịch sử”) và nguyên tuyền cơ bản. Bởi thế, ngay từ ban đầu, sự kiện tội lỗi xuất hiện như một tình trạng, một chiều kích của cuộc nhân sinh có liên hệ tới tình trạng nguyên tuyền thực sự của con người xét như là tình trạng nguyên thủy và nền tảng, như là một chiều kích của việc (con người) được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Điều này không chỉ ứng nghiệm cho con người đầu tiên, là người nam và người nữ, những vai diễn của vở kịch và là những nhân vật chính của các sự kiện được mô tả trong bản văn thuộc truyền thống yahvit của chương 2 và 3 sách Sáng thế, mà còn cho cả toàn bộ tiến trình lịch sử của cuộc nhân sinh. Bởi thế, có thể nói, con người lịch sử bám rễ sâu vào trong cái tiền sử thần học đã được mạc khải của mình[1], và do đó, mỗi một điểm của tình trạng tội lỗi lịch sử của mình được giải thích (cho linh hồn cũng như cho thể xác) với sự qui chiếu đến tình trạng vô tội nguyên thủy. Người ta có thể nói rằng việc qui chiếu này là sự “đồng thừa kế” về tội và về cả nguyên tội nữa. Nếu tội này có nghĩa, nơi mỗi con người lịch sử, là một tình trạng đánh mất ân sủng, thì đồng thời nó cũng bao hàm một sự qui chiếu đến ân sủng ấy, là chính ân sủng của tình trạng vô tội nguyên thủy.
2. Trong chương 19 Tin mừng theo thánh Matthêu, khi Đức Kitô nhắc đến «thuở ban đầu», Người không chỉ dùng thành ngữ ấy để chỉ tình trạng vô tội nguyên thủy như một chân trời mà cuộc nhân sinh trong lịch sử đã đánh mất. Đồng thời, chúng ta có quyền coi những lời từ chính miệng Người thốt ra đó thâu tóm toàn thể lí lẽ của mầu nhiệm cứu chuộc. Thật vậy, như chúng ta đã thấy cũng trong các bản văn yahvit St 2 và 3, sau khi con người, nam cũng như nữ, phá vỡ Giao ước nguyên thủy với Đấng Tạo Hóa của mình, đã nhận được lời hứa cứu chuộc đầu tiên. Lời hứa này được ghi trong St 3,15 [1] và được gọi là Tiền Tin mừng. Từ đó, con người bắt đầu sống trong viễn tượng cứu chuộc. Như thế, con người “lịch sử” – kẻ mà Mt 19 nói tới đang tra vấn Đức Giêsu thời ấy, cũng như con người thời nay – được tham gia vào viễn tượng này. Không chỉ tham gia vào lịch sử tội lỗi nhân thế, trong tư cách như là chủ thể thừa kế đồng thời là chủ thể cá vị độc nhất của lịch sử này, con người lịch sử còn tham gia vào lịch sử cứu độ nữa, với tư cách là chủ thể và là người đồng sáng tạo nên lịch sử ấy. Vì vậy, con người không chỉ bị khép lại trước tình trạng vô tội nguyên thủy do tội lỗi mình, nhưng đồng thời lại được khai mở lối vào mầu nhiệm cứu chuộc được hoàn thành trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Thánh Phaolô, tác giả của thư gửi tín hữu Rôma, đã diễn tả viễn ảnh cứu chuộc ấy trong đó con người “lịch sử” đang sống, ngài viết: «…cả chúng ta cũng rên xiết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa … cứu chuộc thân xác chúng ta nữa» (Rm 8,23). Chúng ta đừng quên viễn ảnh đó khi chúng ta đang theo sát lời Đức Kitô viện tới «thuở ban đầu» khi Người nói về sự bất khả phân li của hôn nhân. Nếu «thuở ban đầu» ấy chỉ dùng để nói về cuộc sáng tạo con người «là người nam và người nữ», nếu – như chúng ta đã nói – thành ngữ ấy chỉ đưa những người đối thoại vượt biên giới giữa tình trạng tội lỗi của con người và tình trạng vô tội nguyên thủy, mà không đồng thời mở rộng đến viễn tượng «cứu chuộc thân xác», thì người ta sẽ không hiểu đúng câu trả lời của Đức Kitô. Chính viễn ảnh cứu chuộc thân xác này bảo đảm sự liên tục và thống nhất giữa tình trạng kế thừa tội lỗi và tình trạng vô tội nguyên thủy của con người, mặc dù về mặt lịch sử tình trạng vô tội này đã bị đánh mất không thể cứu vãn được. Và cũng hiển nhiên Đức Kitô có toàn quyền trả lời câu hỏi của các tiến sĩ Luật-Giao ước (x. Mt 19 và Mc 10) trong viễn tượng cứu chuộc, nền tảng của Giao ước.
3.
Nếu như trong bối cảnh thần học về con người-thân xác đã được phác họa
cơ bản như trên chúng ta nghĩ đến phương pháp phân tích xa hơn nữa về
mạc khải của cái «thuở ban đầu», trong đó một cách thiết yếu các chương
đầu của sách Sáng thế phải được tham chiếu đến, ngay lập tức chúng ta
phải lưu ý đến một nhân tố đặc biệt quan trọng đối với giải thích thần
học: nó quan trọng vì liên hệ đến mối tương quan giữa mạc khải và kinh
nghiệm. Khi giải thích mạc khải về con người, nhất là về thân xác, vì
những lí do dễ hiểu, chúng ta phải căn cứ trên kinh nghiệm, bởi vì chủ
yếu nhờ kinh nghiệm mà chúng ta nhận biết con người-thân xác. Được soi
sáng bởi những nhận định nền tảng đó chúng ta hoàn toàn có quyền xác
quyết rằng cái kinh nghiệm “lịch sử” này của chúng ta, một cách nào đó,
phải dừng lại trước ngưỡng cửa của sự vô tội nguyên thủy của con người,
bởi vì về sự ngây thơ nguyên thủy thì kinh nghiệm con người không còn
tương thích nữa. Tuy nhiên, nhờ ánh sáng của những nhận định sơ khởi
trên, chúng ta phải đi đến xác quyết rằng kinh nghiệm của con người,
trong trường hợp này, là một phương tiện hợp pháp tới mức nào đó để giải thích thần học,
và là một điểm tham chiếu không thể thiếu được cần phải nhớ đến khi
giải thích «thuở ban đầu». Phân tích bản văn chi tiết chúng ta sẽ thấy
rõ ràng hơn.
Xem ra những lời trong thư gởi tín hữu Rôma nói trên giúp cho hướng nghiên cứu của chúng ta được tập trung tốt hơn vào mạc khải của «thuở ban đầu» là điều mà Đức Kitô đã căn cứ khi nói về sự bất khả phân li của hôn nhân (Mt 19 và Mc 10). Tất cả những phân tích tiếp theo trên cơ sở các chương đầu của sách Sáng thế gần như tất yếu sẽ phản ánh sự thật lời của thánh Phaolô: «Cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa … cứu chuộc thân xác chúng ta nữa». Nếu chúng ta tự đặt mình vào vị thế đó – phù hợp rất sâu xa với kinh nghiệm [2] – «thuở ban đầu» hẳn sẽ nói cho chúng ta bao nhiêu điều ngập tràn trong ánh sáng mạc khải, điều mà thần học trước hết muốn trả lời cho chúng ta. Những phân tích sau đây sẽ giải thích cho chúng ta hiểu tại sao thần học này phải là thần học về thân xác và nó được hiểu theo nghĩa nào.
[1] Bản dịch Cựu ước bằng tiếng Hy lạp, tức là bản Bảy Mươi, khoảng thế kỉ thứ II trước Công nguyên, đã giải thích đoạn St 3,15 theo nghĩa hướng đến Đấng Cứu Thế (Messiah) bằng cách dùng đại từ giống đực autòs thay cho danh từ sperma giống trung tiếng Hy lạp (tương đương với từ semen trong bản La tinh Vulgatha). Truyền thống Do thái vẫn tiếp tục cách giải thích đó.
Khoa
chú giải kitô giáo, bắt đầu từ thánh Irênê (Adv. Haer. III, 23, 7) trở
về sau xem đoạn văn này như «tiền-Tin-mừng » (Protoevangelo) loan báo
trước Chúa Giêsu Kitô sẽ thắng Satan. Vài thế kỉ gần đây các học giả
kinh thánh đã giải thích đoạn này cách khác nhau, và một số đã đặt vấn
đề hoài nghi lối chú giải theo nghĩa hướng đến Đấng Cứu Thế. Nhưng thời
gian gần đây, người ta trở lại đoạn văn đó dưới một khía cạnh hơi khác.
Tác giả thuộc truyền thống Yahvit nối kết tiền lịch sử với lịch sử của
Israel, một lịch sử với đỉnh cao là triều đại vua messiah Đavit, là
triều đại sẽ thực hiện lời hứa của St 3,15 (x. 2Sm 7,12).
Tân
ước đã minh họa sự thực hiện lời hứa đó cũng trong một viễn tượng
messiah: Đức Giêsu là Đấng Messiah, dòng dõi vua Đavit (Rm 1,3; 2Tm
2,8), sinh ra làm con một người phụ nữ (Gl 4,4), là Ađam-Đavit mới (1Cr
15), đấng phải trị vì «cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân
Người» (1Cr 15,25). Và sau cùng, Kh 12,1-10 đã cho thấy sự hoàn tất
chung cuộc của lời tiên tri trong St 3,15. Dù không phải là một lời loan
báo rõ ràng và trực tiếp về Đức Giêsu, như là Đấng Messiah của Israel,
nhưng đoạn đó cũng dẫn tới Người qua truyền thống hoàng vương và messiah
nối liền Cựu và Tân ước.
[2] Ở đây, khi nói về sự tương quan giữa “kinh nghiệm” và “mạc khải”, đúng hơn nói về sự đồng qui kì lạ của hai điều này, chúng tôi chỉ muốn nói lên rằng con người trong tình trạng hiện hữu trong thân xác như hiện tại trải nghiệm rất nhiều giới hạn, đau khổ, đam mê, yếu đuối và cuối cùng là chính cái chết, nhưng đồng thời những trải nghiệm này cũng hướng hiện hữu nơi thân xác ấy của con người đến một tình trạng hay một chiều kích khác biệt. Khi thánh Phaolô viết về «sự cứu chuộc thân xác», ngài đã dùng ngôn ngữ mạc khải; quả thực kinh nghiệm không thể nắm bắt được nội dung hay, đúng hơn, thực tại ấy. Đồng thời, trong toàn thể nội dung này, tác giả của Rm 8,23 đã đề cập tới tất cả những gì đã được ban tặng cho mình cũng như, theo một cách nào đó, cho mọi người (không liên hệ tới mạc khải) qua kinh nghiệm cuộc sống con người, vốn là một đời sống nơi thân xác.
Bởi thế, chúng ta có quyền nói về tương quan giữa kinh nghiệm và mạc khải, đúng hơn, chúng ta có quyền đặt vấn đề về tương quan giữa chúng, cho dẫu đối với nhiều người, giữa hai điều đó có đường ranh giới phân cách hai bên hoàn toàn tương phản, hoàn toàn trái ngược nhau. Đối với họ, lằn ranh này hẳn phải được vạch ra giữa đức tin và khoa học, giữa thần học và triết học. Khi tạo cho mình một quan điểm như thế, họ chú ý nhiều tới những ý niệm trừu tượng hơn là con người xét như là một chủ thể đang sống.
0 Nhận xét