Bẫy lừa iPhone 6 và cách xử lí khủng hoảng hình ảnh của người Sing
"Câu chuyện lúc đầu tưởng như chỉ thuộc về vấn đề luật pháp, thương mại, song càng về sau lại được dẫn dắt đến vấn đề lớn hơn, đó là việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh đất nước từ chính những người dân bình thường nhất chứ người dân không phải chỉ biết phê phán, bức xúc với xã hội và quốc gia họ đang sống."
Sở dĩ chúng ta chưa làm gì để giúp những trường hợp như Kay và Doris là do khá nhiều người đang bận bảo vệ quốc thể trên mạng rồi!Thẩm Hồng Thụy
Chủ
cửa hàng Mobile Air tại khu Sim Lim Square (Singapore) đã giăng bẫy bán
iPhone 6 giá nhập nhằng cho du khách Việt tên Phạm Văn Thoại khiến sau
đó anh này phải "quì, khóc, cầu xin" được hoàn trả lại tiền. Câu chuyện
thu hút truyền thông mấy ngày qua có nhiều điều đáng suy ngẫm.
Dù đã có sự can thiệp của cảnh sát và Hiệp hội Người tiêu dùng
Singapore, anh Thoại chỉ nhận được lại 400SGD (đôla Sing), còn lại
550SGD bị mất trắng. Người Sing đã xem đây là vết nhơ của một kiểu làm
ăn tại đất nước họ.
Điều lạ là vụ việc được đẩy lên cao trào không phải do phía nạn nhân người Việt hay báo chí Việt Nam, mà lại xuất phát từ The Straits Times
- một nhật báo hàng đầu của đảo quốc Sư tử, cùng với một số tờ báo và
trang mạng khác. Bên cạnh việc cảm thông cho người công nhân Việt lương
tháng 200 USD tích cóp muốn mua iPhone 6 tặng người yêu, The Straits Times
còn mạnh mẽ phê phán cách bán hàng lừa lọc của Mobile Air. Dễ nhận thấy
rằng, phương tiện truyền thông Singapore đẩy vấn đề lên đỉnh điểm để
thức tỉnh người dân của họ. Đảo quốc Sư tử đẹp, văn minh hiện đại, và
sạch, nhưng họ không chỉ muốn giữ hình ảnh sạch về môi trường sinh thái
mà còn muốn giữ sạch về tư cách sống và cách làm ăn trên thương trường.
Thông tin được The Straits Times
đăng tải dường như đã chạm vào niềm tự hào và lòng tự trọng của người
dân Sing. Chính vì thế chưa cần đến chính quyền ra tay, người dân Sing
với ý thức cao về luật pháp và hình ảnh đất nước, đã nhập cuộc "tẩy rửa"
vết nhơ Mobile Air một cách khá rộng rãi. Nhiều cá nhân tự nguyện giúp
đỡ cho anh Thoại đã đành, những doanh nhân như Gabriel Kang còn lên
trang web Indiegogo kêu gọi mọi người quyên góp tiền mua iPhone 6 bù đắp
thiệt hại cho anh Thoại. Số tiền Gabriel Kang dự kiến ban đầu chỉ cần
khoảng 1.350 USD để mua iPhone 6 bản 128GB và một ít quà gọi là để tặng
cho người công nhân Việt. Thế nhưng, Kang cho biết: "Tôi có một
cuộc họp. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, tôi quay lại và nhận được hơn
300 tin nhắn Facebook, 600 email và gần 3.000 USD quyên góp". Những ngày sau đó, số tiền quyên góp lên tới hơn 10.000 USD.
Tính
đến 10h ngày 7/11, chiến dịch quyên góp đã thu hút 1618 người đóng góp
với tổng số tiền là 12.188 USD, vượt xa mục tiêu đặt ra ban đầu.
Song song với chiến dịch quyên góp, dư luận Sing cũng truy tìm chủ cửa
hàng Mobile Air trên mạng khiến cho anh này phải lẩn trốn. Các cửa hàng
khác tại Sim Lim cũng treo biển cảnh báo về hành vi làm ăn lừa lọc.
Trong khi đó, Tòa án Tối cao Singapore đã đưa ra lệnh cấm kinh doanh đối
với một số cửa hàng tại Sim Lim có hành vi bán hàng bất chính, gài bẫy
du khách…
Người Sing đã làm như thế, dù tự phát nhưng bằng các
phương tiện và công cụ có thể, dưới mọi hình thức và góc độ, để thuyết
phục thế giới rằng "chúng ta không phải quốc gia kẻ cắp và lừa đảo", như
lời của doanh nhân Gabriel Kang khẳng định trên Indiegogo.
Cửa hàng Mobile Air phải đóng cửa trước sức ép của dư luận
Dư luận Sing không có lỗi trong vụ việc Mobile Air gây ra, nhưng họ ý
thức được rằng đất nước nhỏ bé của họ giàu mạnh lên, nổi tiếng trên thế
giới, được nhiều tập đoàn hùng mạnh chọn là nơi để đặt văn phòng tổng
hành dinh Châu Á cũng là nhờ vào hình ảnh được xây dựng thành công là
một đất nước hiếu khách, luật pháp nghiêm minh, hiện đại lịch sự. Nếu
hình ảnh đẹp đẽ đó bị hoen ố, thì trách nhiệm tẩy rửa và gột sạch nó
không chỉ thuộc về chính quyền mà tất cả mọi người dân cũng phải góp
sức. Bởi hình ảnh đó còn mang tới việc làm, thu nhập, sự sung túc cho
chính họ.
Trong rất nhiều lời ngỏ muốn giúp đỡ cho mình, anh
Phạm Văn Thoại đã chọn phương án chỉ nhận món quà 550 SGD đúng với khoản
tiền anh đã bị chủ cửa hàng Mobile Air lấy mất. Một cách thể hiện có tư
cách và cũng rất đáng hoan nghênh của anh Thoại: Chỉ cần bù đắp đủ số
tiền mình đã mất chứ không ham hố, tham lam. Tình thế này buộc phía
doanh nhân Kang, người đã đứng ra quyên góp được số tiền khá lớn, phải
tính đến một phương án khác để tiêu số tiền đã quyên góp được một cách
đúng người đúng việc và có hiệu quả nhất. Và sáng kiến của doanh nhân
Kang là mời đôi lứa Phạm Văn Thoại quay trở lại Singapore trong một
chuyến du lịch với "nụ cười và hạnh phúc".
Qua một sự cố, một sự
khủng hoảng, dư luận Sing đã thức tỉnh và nhìn lại mình, nhưng điều họ
làm được hơn nữa là tái xây dựng hình ảnh đất nước Sing trong mắt du
khách, sẽ vẫn là một quốc gia đầy tình người và cởi mở, thân thiện. Thay
vì để anh Thoại, người đã được bù đắp 550USD nhưng có thể sẽ mãi nghĩ
về Singapore với một ấn tượng không mấy tốt đẹp và cũng có thể chẳng bao
giờ muốn quay lại đây du lịch lần thứ hai thì doanh nhân Kang - như một
người đầu lĩnh của dư luận Singapore, lại muốn dùng số tiền quyên góp
được mời anh Thoại quay lại đất nước họ lần thứ hai, để được chào đón,
chăm sóc và trên hết là để làm sạch ấn tượng không hay của người du
khách Việt về đất nước Sing. Một cách ứng xử và xử lí mà theo tôi, không
có sách vở hay trường lớp nào dạy nhưng họ lại làm rất tốt. Nếu mỗi
người dân của một quốc gia không ý thức được hình ảnh đẹp đẽ của quốc
gia mình, nếu không có tình yêu sâu nặng với đất nước mình, và đặc biệt
nếu không phải là những công dân đầy trách nhiệm, thì không thể nghĩ ra
một cách làm như thế để bảo vệ và làm sáng thêm hình ảnh đất nước.
Câu chuyện lúc đầu tưởng như chỉ thuộc về vấn đề luật pháp, thương mại,
song càng về sau lại được dẫn dắt đến vấn đề lớn hơn, đó là việc xây
dựng và bảo vệ hình ảnh đất nước từ chính những người dân bình thường
nhất chứ người dân không phải chỉ biết phê phán, bức xúc với xã hội và
quốc gia họ đang sống.
Câu chuyện công nhân Phạm Văn Thoại bị
gài bẫy mua iPhone 6 từ cửa hàng Mobile Air đã gợi nhớ lại vụ việc hai
du khách người Hồng Kông là Kay (nam) và Doris (nữ) bị giất mất túi xách
trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TPHCM) khiến họ mất hết tiền bạc và giấy
tờ tùy thân, buộc phải mang những tấm bưu thiếp ra bày bán trên đường
Bùi Viện để có tiền ăn và trong xúc cảm bi thương đó cô gái đã bật khóc
một cách tội nghiệp.
Hình ảnh đáng thương về Kay và Doris đã
khiến không ít người dân Việt phẫn nộ và cảm thấy xấu hổ vì tệ nạn giật
dọc phổ biến ở TP.HCM. Một số người cũng đã tự nguyện giúp Kay và Doris
chỗ ở miễn phí. Nhưng cũng chỉ đến thế… Rồi Kay và Doris cũng nhận lại
được hộ chiếu và trở về nước nhưng điều đáng nói là sẽ chẳng có gì níu
kéo, mời gọi họ quay trở lại Việt Nam ngoài một ấn tượng không đẹp khó
phai. Và chúng ta, ít nhất là ngành du lịch, đã làm gì trong một vụ việc
điển hình trong dư luận như thế, để mời gọi họ quay lại với một sự chào
đón thân thiện và cởi mở?
Tôi ủng hộ anh Thoại nhận lời mời
quay lại Singapore để cởi bỏ hơn là cứ để ấn tượng không tốt, và cũng để
đáp lại thấm thịnh tình của người dân Sing.
0 Nhận xét