Từ những gì đã mất
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhậu say trong một buổi tiệc, viên phó công an xã đi đến nơi có 2
người phụ nữ không hề quen biết đang ngồi, và ôm hôn. Khi bị phản ứng,
viên công an này lại tiếp tục ôm hôn người thứ hai, đồng thời nói chắc
nịch và thách thức rằng muốn biết ông ta “là ai” thì cứ lên công an xã.
Tức giận vì sự càn quấy này, hai người phụ nữ đi lên công an xã Giao
Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nơi họ cư ngụ để hỏi cho ra lẽ.
Không ngờ tất cả những viên chức nơi đó dù chưa kịp nghe lý lẽ, đã đều
đứng về phe viên công an, nạt nộ họ như tội phạm. Thậm chí, sau đó công
an ở xã còn còng tay họ và lên gối vào mặt người phụ nữ dám lên tiếng về
quyền của mình. Câu chuyện được kể lại, tưởng chừng như trong một vở
tuồng tố cáo chế độ phong kiến xa xưa nào đó, thế nhưng mỉa mai thay,
lại mới vừa diễn ra trước đám đông dân chúng trong một ngày tháng 11
này.
Những câu chuyện kể như vậy cứ xuất hiện ngày càng nhiều trên các
trang báo. Nhiều như trên một gương mặt của một xã hội xuất hiện những
vết thẹo không thể xoá và quay quắt. Những vết thẹo làm căng thêm nỗi
đau về một xã hội ngày càng bất an, trong đó, thật khó tả khi nỗi bất an
lại xuất hiện từ quyền con người của phụ nữ Việt Nam đang ngày càng
mong manh trong thời hiện đại. Trong lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Mai
Thy, sinh năm 78, khi thấy tất cả cán bộ và công an ở trụ sở tay bắt mặt
mừng với nhau và nạt nộ chị, chị Thy và người bạn đã “ngao ngán và biết
chắc có thưa, trình bày thế nào cũng không ăn thua”. Khổ nổi, danh dự
và niềm tin vào lẽ phải vẫn thúc đẩy chị lên tiếng và gánh lấy hậu quả.
Cũng trong những ngày đầu tháng 11, tin tức cho hay một ca sĩ nữ có
tên tuổi ở Việt Nam sang Mỹ trình diễn, đã nhờ luật sư gửi thư đến một
toà báo lớn ở thành phố Westminter, Mỹ để khởi kiện vì có bài viết mô tả
về đêm diễn của cô với cộng đồng người Việt khiến cô không thấy hài
lòng. Đơn kiện này đòi tờ báo phải xin lỗi, dựa trên quyền danh dự cá
nhân và nghề nghiệp của cô. Điều đáng nói là, người ca sĩ này trước đó ở
Việt Nam, nhiều năm liền cô bị báo chí và vài cá nhân trong ngành thời
trang phê bình, tấn công thậm tệ, nhưng không thể nào đáp trả được. Ngay
trong một xã hội mà lúc nào hình ảnh người phụ nữ cũng được ngợi ca là
bình đẳng và phát triển, một ca sĩ tên tuổi cũng từng phải ngậm đắng
nuốt cay chịu đựng khi bị chà đạp, thì thử hỏi tại miền tỉnh lỵ xa xôi,
một phụ nữ vô danh sẽ phải làm gì khi bị bủa vây xúc phạm?
Phải chăng những người phụ nữ phải đi thật xa mới tìm thấy được công
lý cho đời mình? Những dòng tin về các người chồng Đài Loan, Hàn Quốc
đánh vợ Việt Nam phải ra toà, phải bồi thường… có khi lại là một niềm an
ủi cho phụ nữ Việt Nam mỗi ngày vẫn nhìn thấy các bài diễn văn vô nghĩa
về quyền bình đẳng giới, quyền của phụ nữ. Một người có quê cũng từ Bến
Tre lưu lạc lên thành phố, kể rằng chị từng có quán cà phê yên ổn. Cho
đến một ngày viên công an xuất hiện với nghi ngờ rằng chị bán ma tuý.
Trong phòng thẩm vấn, chị bị đánh bằng những cuốn sách dày vào hai thái
dương đến ngất đi mà không biết vì sao. Sự việc sau đó tìm ra thủ phạm,
nhưng chị không hề có được một lời xin lỗi, thậm chí còn bị đe doạ là
không được lên tiếng với bất cứ ai, ngay tại quê nhà của mình.
Có thể cuộc sống đã khiến con người quen với băng-rôn, quen với tiếng
vỗ tay ồn ào huyễn ảo… và rồi chỉ còn biết thì thầm với những nghịch
cảnh bất toại diễn ra trước mắt mỗi ngày. Trong những bài báo mô tả về
việc khám phá các động mại dâm, hình ảnh và tên tuổi của những cô gái
đang bị coi là kẻ xấu luôn được trần trụi giới thiệu, minh bạch như một
khoái cảm của một nền báo chí nhiều nhục dục hơn công lý. Quyền và phẩm
giá của phụ nữ Việt sẳn sàng bị trả về không, mỗi khi có cơ hội. Gần
đây, việc khám phá một nhóm nam nữ vị thành niên ở Đà Nẳng sống quan hệ
chung chạ lẫn nhau, báo chí không ngại ngần khi rõ tên họ, năm sinh từng
em, trong đó có những em chỉ vừa 15, 16 tuổi. Chắc chắn dù có bị trừng
phạt, những đứa trẻ đó mãi mãi không còn bao giờ tin vào hai chữ “giáo
dục”, một khi chúng đã không còn tìm thấy bàn tay nâng đỡ mà chỉ có sự
chà đạp thú tính và không thương tiếc.
Một trong những kiểu hình ảnh không khó gặp trên các trang mạng, là
khi các cô gái bị bắt vì tội mại dâm hay bia ôm… nhiều cô gái không còn
một mảnh vãi che thân phải chịu đựng cho máy quay phim chĩa vào người
soi mói một cách bỉ ổi. Hoặc cũng thiếu những hình ảnh các cô gái gục
đầu che mặt trong quán bar, nhà nghĩ khi công an ập vào. Nếu đó là những
bức ảnh “nghiệp vụ”, thì tại sao lại có thể lọt ra ngoài và được phát
tán với một niềm khoái cảm như vậy? Trên những bài báo mô tả về mại dâm,
người đọc giờ chỉ còn nhìn thấy sự mô tả tồi tệ như mua vui về những
người phụ nữ hơn là tìm hiểu với trái tim con người. Những kẻ mua dâm
luôn được che chở, còn những người bán dâm thì bị hành hình bởi ngôn từ
và hình ảnh. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm nay, người Việt không còn khả
năng nói về người Việt đủ nhân ái bằng một phóng sự của nhà báo Pháp
Mathieu Bruckmuller trên tờ The 20 Minutes, khi buồn bã mô tả về những
người phụ nữ nghèo khó ở quận 6, Sài Gòn, bán dâm để lấy 3,4 USD trên
những chiếc chiếu tạm, gần đó là những đứa con của họ.
Dĩ nhiên, cuộc sống luôn có hai mặt của nó. Thế nhưng nếu hai mặt là
hai cực nằm xa thăm thẳm nhau, thì lại là một khía cạnh khác giới thiệu
về một căn bệnh của xã hội thích giả tạo và chối từ sự thật. Bớt đi
những khẩu hiệu hừng hực về giá trị và quyền của phụ nữ, dành thêm thời
gian thật để tôn trọng phẩm giá và công lý vốn đã quá mong manh cho
những người em, người mẹ, người chị… là điều cần thiết lúc này. Biết
trân trọng quyền con người, thật sự, ở từng sự kiện nhỏ nhất, đôi khi là
cách gần nhất để dựng lại nền móng đã hoang tàn. Những nền móng của sự
tử tế và nhân cách tốt đẹp của người Việt hôm nay, mong manh và dường
như đang mất.
________________________
Tham khảo
Tham khảo
0 Nhận xét