Phép cứu trường sinh
Lương y THÁI HƯ
1. Tuổi trời và Thọ mệnh
"Phản lão hoàn đồng" hoặc "trường sinh bất lão", chỉ là những truyền thuyết mang tính thần thoại, trái quy luật tự nhiên, trên thực tế không có khả năng. Tuy nhiên, ước mong sống đến cực hạn của thọ mệnh, thì lại là ước vọng có thể thực hiện.
Những năm gần đây, các nghiên cứu hiện đại về lão khoa đã tiến triển nhanh chóng. Quá trình lão hóa đã được khảo sát trên rất nhiều phương diện và đã đạt được nhiều thành quả.
Y học hiện đại đã xây dựng nên những lý thuyết có tính thuyết phục, dựa trên những luận cứ khoa học vững chắc. Tuy nhiên hiện tại khoa học vẫn chưa có được một quan điểm thống nhất về quá trình lão hóa và điều đáng tiếc nhất là những luận thuyết hiện đại đó, vẫn còn ít giá trị thực tiễn.
Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra được biện pháp hoặc loại thuốc đặc hiệu, có khả năng kiềm chế sự lão hóa, kéo dài tuổi xuân và tuổi thọ.
Trong khi đó, từ ngàn năm xưa, y học cổ truyền phương Đông đã có những kiến giải độc đáo về cực hạn của thọ mệnh (giới hạn của tuổi thọ), lịch trình sinh mệnh và quá trình lão suy của con người. Và đặc biệt nhất là, đi kèm với những lý thuyết đó là một hệ thống các phương pháp dưỡng sinh hữu hiệu, mà mỗi người có thể thực hành ngay trong sinh hoạt thường ngày.
Trước hết là cực hạn thọ mệnh. Con người cuối cùng có thể sống được bao nhiêu lâu, đó là vấn đề cho đến nay khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác.
Đối với vấn đề này, 2000 năm trước, "Nội kinh" - bộ sách kinh điển của Đông y đã đưa ra nhận định: "Chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ" (Hết tuổi trời, qua trăm năm là đi); cho rằng, cực hạn của thọ mệnh - giới hạn của tuổi thọ bình quân là 100.
Sách "Nội kinh" còn nói tới những trường hợp thượng thọ, có tính đột phá, vượt qua cực hạn đó, gọi là "Thiên thọ quá độ", nghĩa là có thể vượt qua tuổi trời, sống tới ngoài trăm tuổi. Trên thực tế, những trường hợp thượng thọ như vậy, từ xưa đến nay không phải hiếm gặp.
Đông y quan niệm, tiến trình sinh mệnh của con người diễn ra theo quy luật cơ bản: "Sinh, trưởng, tráng, lão, tử" - Sinh ra, trưởng thành, tráng thịnh, lão suy và tử vong.
Tiến trình sinh mệnh của mỗi một con người, đều phải trải qua 5 giai đoạn cơ bản như vậy. Lão suy là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình sinh mệnh đó. Giai đoạn lão suy nói chung thường bắt đầu từ 50 tuổi. Cho dù mọi người đều không muốn lão hóa, nhưng đó là một hiện tượng, quy luật phổ biến. Tất cả các cá thể sống, đều sẽ phải dần dần lão hóa, suy lão và tử vong.
Tuy tất cả mọi người đều sẽ bị lão suy, nhưng ở từng cá thể quá trình đó bắt đầu sớm hay muộn, thì không giống nhau. Sự khác biệt đó, tuy được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, như giới tính, đặc điểm di truyền và thể chất, cũng như hàng loạt nhân tố khác, nhưng yếu tố chủ yếu, đóng vai trò quyết định, đó là dưỡng sinh.
Đông y cho cho rằng, người thực hành tốt đạo dưỡng sinh thì, như "Nội kinh" viết: "Xuân thu giai độ bách tuế nhi động tác bất suy" - nghĩa là sống đến 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, không có những biểu hiện của sự lão suy. Còn người không biết dưỡng sinh thì "Niên bán bách nhi động tác giai suy" - nghĩa là mới 50 tuổi, đã có những biểu hiện lão suy rất nặng, mắc nhiều bệnh, thậm chí tử vong.
Như vậy, bí quyết để có thể hưởng hết tuổi trời mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, không có gì khác hơn là thực hành cho tốt đạo dưỡng sinh.
Đối với các lý luận và phương pháp dưỡng sinh của y học cổ truyền phương Đông, tất nhiên còn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh, kiểm định. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, đó là một hệ thống lý luận có giá trị thực tiễn rất cao. Các tư liệu lịch sử cho thấy, các nhà dưỡng sinh học và những người tu tập theo "Đạo dưỡng sinh" của y học cổ truyền, nói chung thường khỏe mạnh và đạt tới tuổi thọ rất cao.
Trong phạm vi bài viêt này, "Thuốc vườn nhà" không thể liệt kê hết tất cả các quan niệm, biện pháp và phương pháp dưỡng sinh trường thọ, mà các nhà dưỡng sinh đã sáng tạo ra trong suốt cả quá trình lịch sử lâu dài. Chỉ xin nói đến một phương pháp tương đối đơn giản, nhưng là một phương pháp kinh điển, dễ thực hiện, ít tốn kém, mà có thể mang lại hiệu quả rất cao, đó là "Phép cứu trường sinh", theo cách đặt tên của người Nhật.
2. Phép cứu trường sinh
"Cứu" là một phương pháp chữa bệnh rất quen thuộc, dân gian thường dùng chữa trị nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên, đối với tác dụng tăng cường sức khỏe và tuổi thọ của phép cứu, thì không phải mọi người đều biết rõ.
Xét về ngữ nghĩa: "Cứu" là "hơ nóng". Để hơ nóng huyệt vị, có thể dùng nhiều loại nhiên liệu (chất đốt) khác nhau, nhưng lá ngải cứu là thứ được sử dụng nhiều nhất, nên khi nói đến "phép cứu", người ta thường gọi là "cứu ngải". "Phép cứu" là biện pháp dùng sức nóng tác động lên "huyệt vị", nhằm khai thông kinh mạch, điều hòa khí huyết, cân bằng Âm Dương, nâng cao sức khỏe và phòng trị bệnh tật.
Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã phát hiện, trên cơ thể con người có 34 huyệt, được mệnh danh là những "Huyệt trường thọ". Thường xuyên cứu ngải, hoặc xoa ấn các huyệt vị đó, có tác dụng tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Kết quả nghiên cứu hiện đại đã cho thấy, cứu ngải trên các huyệt trường thọ, có tác dụng xúc tiến quá trình tạo máu, cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy huyết dịch lưu thông, điều hòa huyết áp, tăng cường khả năng chống lạnh của cơ thể, tăng cường miễn dịch, kháng viêm, giảm đau và chống dị ứng, ...
Kết quả nghiên cứu gần đây còn cho thấy, cứu ngải còn có tác dụng cải thiện chức năng của màng tế bào, thúc đẩy quá trình phục hồi hệ thống men trong nội bào.
Như vậy, cứu ngải có khả năng tăng cường sức khỏe, sức chống bệnh và kéo dài tuổi thọ, đúng như Đông y đã phát hiện từ ngàn năm trước.
Thực tế lâm sàng cho thấy, trong số 34 huyệt đề cập ở trên, có 8 huyệt quan trọng nhất là: "Quan nguyên", "Khí hải", "Thần khuyết", "Trung quản", "Túc tam lý", "Nội quan", "Dũng tuyền" và "Bách hội".
Trong số 8 huyệt này, "Túc tam lý" là huyệt được người Nhật hết sức hâm mộ. Tại Nhật, cứu huyệt "Túc tam lý" đã trở thành thói quen phổ biến, ở những người từ ba bốn mươi tuổi.
Hiện tại, phép "Cứu Túc tam lý" được người Nhật gọi là "Phép cứu trường sinh". Nguyên do là, trong một lần tiến hành điều tra về chất lượng dân số, người ta đã phát hiện, trong một gia tộc, tổng cộng có tới 20 người có tuổi thọ trên 100 tuổi; bí quyết trường thọ của gia tộc đó là, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đều đặn thực hành "Phép cứu túc tam lý".
Sách "Văn khố danh gia mạn bút" (Nhật), có ghi lại sự việc: Năm Bảo Nguyên thứ 15, tháng 9, ngày 11, trong buổi lễ mừng thọ các "Thọ tinh", người ta đã hỏi cụ Mãn Bình, người cao tuổi nhất trong số đó, về bí quyết trường thọ, đã được trả lời "Thực ra không có bí quyết gì kỳ lạ, chỉ cần đều đặn cứu huyệt "Túc tam lý"; hàng tháng, chỉ cứu từ ngày sóc (mồng một) tới ngày mồng 8, tháng này sang tháng khác, suốt năm không nghỉ".
Số lần cứu thay đổi cụ thể như sau:
- Bên phải: Ngày sóc cứu 8 mồi; mồng hai 9 mồi; mồng ba 11 mồi; mồng bốn 11 mồi; mồng năm 9 mồi; mồng sáu 9 mồi; mồng bẩy 8 mồi; mồng tám 8 mồi.
- Bên trái: Ngày sóc 9 mồi; mồng hai 11 mồi; mồng ba 11 mồi; mồng bốn 11 mồi; mồng năm 10 mồi; mồng sáu 9 mồi; mồng bẩy 9 mồi; mồng tám 8 mồi.
Trên cơ thể mỗi người, có 2 huyệt "túc tam lý", ở trên 2 chân, trái và phải, đối xứng với nhau. Vị trí của huyệt "túc tam lý" nằm ở dưới đầu gối, dưới xương bánh chè 3 tấc và cách sống chân ra phía ngoài 1 tấc.
Theo thuyết Kinh lạc, "Túc tam lý" là huyệt vị nằm trên kinh Túc dương minh vị, có tác dụng điều lý Tỳ Vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân, ...
Từ xưa dân gian đã lưu truyền câu tục ngữ về tác dụng của huyệt vị này như sau: "Nhược yếu an, Tam lý mạc yếu can" - nghĩa là, muốn khỏe mạnh bình an, thì huyệt Túc tam lý không được khô; ý là phải cứu liên tục, khiến da ở huyệt vị bị bỏng lở liên tục, không bao giờ khô.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy: Cứu ngải trên huyệt Túc tam lý có tác dụng chống lão hóa rõ rệt. Thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người độ tuổi 50 và lão niên.
Trên thực tế, để tăng cường sức khỏe, tăng sức chống bệnh, kéo dài tuổi thọ và tuổi xuân, người xưa thường tiến hành cứu huyệt Túc tam lý theo cách như sau:
- Chuẩn bị sẵn một số mồi ngải. Mồi ngải được chế từ lá ngải cứu khô, bằng cách loại bỏ gân và cuống lá, vò thật mịn, sờ vào mềm như nhung, nên gọi là "ngải nhung". Dùng 3 ngón tay nhúm một ít ngải nhung, đặt lên khay men, ép thành hình chóp nón, kích thước cỡ bằng hạt ngô.
- Cắt gừng thành từng lát, đường kính 2-3cm, dầy 2-3mm, lấy kim châm một số lỗ ở giữa, sau đó đặt lên trên huyệt Túc tam lý.
- Đặt mồi ngải lên lát gừng, đốt cháy, khi cháy hết thay mồi thứ hai, rồi thứ ba. Mỗi huyệt (bên phải và bên trái) 3 mồi; ngày cứu 1 lần, liên tục 3 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác.
Cũng có thể thay mồi ngải bằng điếu ngải. Điếu ngải có thể tự chế bằng cách cuốn ngải nhung thành điếu, hoặc mua tại các hiệu thuốc Đông y. Châm điếu ngải, rồi hơ trên huyệt Túc tam lý mỗi bên. Mỗi huyệt hơ nóng khoảng 10-15 phút, thấy da hồng lên là được.
Cứu ngải tuy là một phương pháp dưỡng sinh đơn giản, an toàn và dễ thực hiện. Tuy nhiên, cứu ngải cũng có một số chống chỉ định nhất định. Vì vậy, khi ứng dụng tốt nhất cần được sự tư vấn, hoặc tiến hành dưới sự giám sát của thầy thuốc Đông y.
0 Nhận xét