TMSS: Tuy ngành y Việt Nam có nhiều bất cập và nhiều người hành nghề như cái máy nhưng vẫn còn những bài viết cho ta cái nhìn quân bình hơn về ngành này. 27/2, ngày thầy thuốc Việt Nam nhận được bài viết này, chắc hẳn quý thầy thuốc cảm thấy mình được an ủi nhiều hơn!
------------------------------------------------------------------------
Phan Tất Đức
Trước đây, mẹ tôi rất muốn tôi
trở thành bác sĩ. Nhưng tôi đã không chọn nghề mà mẹ cho là cao quý và ý
nghĩa này. Bởi khi ấy tôi cho rằng bác sĩ là một nghề nguy hiểm, không
phù hợp với mình.
Phan Tất Đức Thạc sĩ ngành quản lý
|
Trong sự nghiệp chỉ cần gặp một sai lầm là bạn đã có thể phải trả giá
đắt, trong khi tôi vốn không phải là người cẩn thận, kỹ tính. Bây giờ,
sau khi chứng kiến những gì đang xảy ra xung quanh, tôi càng cho rằng
mình đã lựa chọn đúng.
Mới đây, tôi đọc được câu chuyện về nỗi trăn trở của một bác sĩ chuyên
khoa I ở huyện Hồ Lăk, tỉnh Đăk Lăk, liên quan đến khoản phụ cấp dành
cho bác sĩ làm việc ở những xã đặc biệt khó khăn bị cắt bớt 200.000
đồng.
Câu chuyện khiến tôi ngạc nhiên, dù tôi nắm khá rõ chế độ đãi ngộ dành
cho các y bác sĩ. Theo Quyết định số 73/2011, thì một ca trực 24/24h của
một bác sĩ ở bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt chỉ được 115.000
đồng/người/phiên trực. Con số này giảm dần qua các tuyến chuyên môn, và ở
tuyến thấp nhất là trạm y tế xã chỉ còn 25.000đ/người/phiên trực. Còn
về mổ xẻ thì bác sĩ mổ chính nhận được thù lao 280.000đ cho một ca phẫu
thuật thuộc loại đặc biệt, có thể kéo dài hàng chục giờ đồng hồ, căng
thẳng tột độ. Với những loại phẫu thuật ít phức tạp hơn, số tiền này
cũng ít đi, với mức tối thiểu chỉ còn 50.000đ cho bác sĩ.
Tương tự, một cán bộ y tế khi tham gia chống dịch bệnh cũng chỉ nhận
được tối đa 150.000đ/người/ngày. Nhưng mức này chỉ dành cho những bệnh
dịch thuộc loại rất nguy hiểm, như thảm họa Ebola, SARS.
Mức phụ cấp như vậy đã là cao đáng kể (gần gấp ba lần) so với chế độ mà
các cán bộ y tế nhận được theo Quyết định 155/2003. Điều đó nghĩa là
mức đãi ngộ dành cho các bác sĩ của chúng ta chưa bao giờ cao. Vì vậy,
tôi ngạc nhiên khi biết người ta lại còn tính đến chuyện cắt giảm.
Thế nhưng, nhiều người thường nhìn vào một số trường hợp cá biệt của
những bác sĩ tiếng tăm ở các thành phố lớn để quy nạp cho toàn bộ ngành
Y, mà quên đi cuộc sống của số đông là rất khó khăn, giống như anh bác
sĩ ở Hồ Lăk kia.
Không chỉ nhận mức lương, phụ cấp vừa phải, đội ngũ nhân viên y tế của
Việt Nam còn làm việc trong điều kiện rất thiệt thòi. Nếu ai đã đến bệnh
viện ở các nước phát triển sẽ thấy số bệnh nhân mà một bác sĩ Việt Nam
phải khám chữa hàng ngày là vượt xa đồng nghiệp. Khi đến một bệnh viện ở
nước ngoài, tôi từng trộm nghĩ, nếu các bác sĩ của chúng ta không bị
quá tải; mỗi ngày họ chỉ phải thăm khám vài ba trường hợp như ở đây thì
chắc họ cũng sẽ chậm rãi, tỉ mỉ, nói cười vui vẻ không khác gì những
đồng nghiệp kia, chứ chưa cần nói đến việc được nhận mức lương thuộc
hàng cao nhất xã hội như ở nước khác. Theo kết quả cuộc điều tra thu
nhập lao động và giờ làm năm 2012 của Australia thì thu nhập của một bác
sĩ không có chức danh quản lý là 2862,3 AUD/tuần, trong khi thu nhập
bình quân tính chung mọi ngành nghề của Australia chỉ là 1471,7 AUD/tuần
với nam và 1226,4 AUD/tuần với nữ. Còn thời gian làm việc của các bác
sĩ Australia chỉ trung bình từ 42 đến 45 giờ/tuần, ít hơn hẳn đội ngũ y
bác sĩ Việt Nam.
Y tế Việt Nam đang tồn tại rất nhiều nghịch lý không dễ tháo gỡ trong
ngày một ngày hai, và cũng không phải chỉ ngành Y mà giải quyết được. Cả
xã hội chỉ trích tình trạng quá tải và lộn xộn trong bệnh viện. Nhưng
làm sao có thể giảm tải được ở tuyến trung ương khi mà chúng ta có thói
quen đi thẳng lên tuyến cao nhất? Tuần vừa rồi trong chuyến xe từ Hải
Dương đi Hà Nội, tôi gặp một gia đình đưa thẳng con gái 8 tháng tuổi lên
Viện Nhi Trung ương khám vì… cháu hay khóc đêm, dù trước đó họ chưa cho
cháu đi khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào tại địa phương.
Chúng ta còn có tật xấu là vào bệnh viện sẽ bằng mọi cách để được khám
sớm nhất. Nếu không được đáp ứng, họ sẽ cho là có tiêu cực và nổi nóng,
dẫn đến cả tình trạng đuổi đánh cán bộ y tế. Trong khi đó, ở nhiều nước,
trừ trường hợp cấp cứu, còn lại người bệnh phải đi đúng tuyến. Cụ thể ở
Australia, trước khi đến bệnh viện bạn phải đặt lịch khám với một
General Practitioner nào đó (phòng khám của bác sĩ đa khoa). Sau đó, nếu
General Practitioner không giải quyết được, họ mới viết giấy cho bạn
đến bệnh viện. Ngay cả khi đến bệnh viện, bạn cũng có thể phải chờ rất
lâu do họ ưu tiên bệnh nhân theo mức độ nguy cấp.
Như nhiều lĩnh vực khác, ngành y tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất
cập để bạn có thể chỉ trích. Nhưng khác với một số lĩnh vực, trong y
khoa, có một tỷ lệ nhất định những sự cố là không thể tránh khỏi. Số
liệu sau có thể giúp bạn tham khảo. Theo báo cáo Viện Y khoa Mỹ
(Institute of Medicine) đưa ra năm 2000, hàng năm những sai sót y tế của
Mỹ gây ra từ 44.000 cho đến 98.000 ca tử vong lẽ ra có thể phòng tránh
được, ngoài ra đấy cũng là nguyên nhân gây ra một triệu trường hợp chấn
thương. Còn ở Việt Nam bất kỳ tai biến nào cũng có thể trở thành sự kiện
chấn động, bị cả xã hội lên án.
Các bác sĩ và ngành Y nước ta đang bị đánh giá một cách thiếu công
bằng, xuất phát từ sự thiếu thông tin, thiếu cái nhìn đa chiều từ dân
chúng. Tôi vẫn tin rằng những cán bộ y tế, như anh bác sĩ ở Hồ Lăk kia
sẽ còn sẵn sàng dấn thân, xông pha hơn nữa, kể cả khi có bị cắt nốt phần
phụ cấp còn lại, nếu họ nhận được cái nhìn cảm thông chia sẻ hơn.
0 Nhận xét