Chương XVIII
SỰ VÔ TỘI NGUYÊN THỦY VÀ
TÌNH TRẠNG LỊCH SỬ CỦA CON NGƯỜI
1.
Chúng ta tiếp tục suy tư trên cơ sở giả thiết tất cả những gì đã gặt
hái được cho tới nay qua những phân tích trước đây. Chúng phát xuất từ
câu trả lời của Đức Giêsu cho những kẻ chất vấn Người (Tin mừng thánh
Matthêu 19,3-9, và thánh Marcô 10,1-12), về vấn đề hôn nhân, về sự bất
khả phân ly và tính duy nhất của hôn nhân. Thầy Giêsu đã khuyên họ xem
xét kĩ lưỡng điều vốn có từ «thuở ban đầu». Và chính nhờ đó,
trong những bài suy tư của chúng ta cho đến nay, chúng tôi đã cố tạo lại
cách nào đó cái thực tại hiệp nhất, hay đúng hơn, hiệp thông ngôi vị,
vốn được đôi bạn nam nữ sống từ «thuở ban đầu». Kế đến, chúng tôi đã thử đi sâu vào nội dung súc tích của câu St 2,25: «Bấy giờ, con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau».
Những lời đó nói đến hồng ân về sự vô tội (hay trong trắng) nguyên thủy, đồng thời tỏ lộ đặc tính của nó một cách tổng hợp. Trên cơ sở ấy, thần học đã xây dựng hình ảnh tổng thể về sự trong trắng và công chính nguyên thủy của con người trước khi có tội nguyên tổ, bằng cách áp dụng phương pháp khách thể hóa, vốn là đặc thù của siêu hình học và của nhân học siêu hình. Trong bài phân tích này, chúng tôi nghiêng về việc xét đến khía cạnh chủ thể tính nhân văn hơn. Vả lại, mặt ấy xem ra gần gũi với các bản văn nguyên thủy hơn, nhất là trình thuật thứ hai về tạo dựng, tức bản văn Giavít.
2. Không như một số chú giải nào đó, điều sau đây xem ra là khá rõ ràng: đó là «kinh nghiệm về thân xác» - điều mà chúng ta có thể rút ra từ các bản văn cổ St 2,23 và St 2,25 – cho thấy con người đã đạt tới một mức độ «tâm linh hóa» khá cao nào đó rồi, khác với tình trạng cũng bản văn ấy nói tới sau khi phạm tội nguyên tổ (St 3), tình trạng mà chúng ta đã biết đến từ kinh nghiệm của con người «lịch sử». Trong tình trạng nguyên thủy đó, con người sống một mức độ tâm linh rất khác, hình thành nên bởi những sức mạnh bên trong chính con người phối hợp với nhau, khác với tình trạng hiện nay. Con người nguyên thủy sống tương quan giữa xác và hồn như ở một mức độ khác, một tỉ lệ cân xứng nội tại giữa các cảm giác, tình cảm và tâm linh ở tầm mức khác, nghĩa là những giác quan nội tại qui hướng về các ơn huệ của Chúa Thánh Thần ở một tần suất khác. Tất cả những điều ấy thích ứng và đồng thời xác định tình trạng vô tội nguyên thủy của con người, và cũng giúp ta hiểu hơn trình thuật của Sáng thế. Thần học cũng như Huấn quyền của Giáo hội đã cho những chân lí nền tảng này một hình thức riêng [1].
3. Trong khi phân tích cái «thuở ban đầu» theo hướng thần học thân xác, chúng ta dựa trên lời của Đức Kitô, những lời chính từ miệng Người đã tham chiếu đến «thuở ban đầu». Người nói : «các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ?”» (Mt 19,4). Như thế, Người đã truyền cho chúng ta và vẫn luôn truyền cho chúng ta hãy quay về với mầu nhiệm tạo dựng sâu thẳm. Và chúng ta đã làm điều đó với ý thức trọn vẹn về ơn huệ tình trạng vô tội nguyên thủy, tình trạng riêng của con người trước khi phạm tội. Dẫu có hàng rào ngăn cách không thể vượt qua giữa chúng ta với tình trạng của con người nam và nữ xa xưa lúc bấy giờ (nhờ ơn huệ của tình trạng ân sủng gắn liền với mầu nhiệm tạo dựng), tình trạng cả hai người vốn là quà tặng cho nhau, thế nhưng chúng ta cũng thử tìm hiểu tình trạng vô tội nguyên thủy ấy như thế nào trong mối liên hệ với tình trạng «lịch sử» của con người sau khi phạm tội : «status naturae lapsae simul et redemptae» (tình trạng của bản tính vừa đã sa ngã vừa được cứu chuộc).
Từ tình trạng «hậu nghiệm lịch sử» (a posteriori storico), chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa nguyên thủy của thân xác, và mối liên hệ giữa thân xác với bản tính vô tội nguyên thủy trong «kinh nghiệm thân xác», như đã được trưng ra một cách thật ý nghĩa trong trình thuật của Sách Sáng thế. Chúng ta kết luận rằng điều quan trọng và thiết yếu là xác định mối liên hệ này, quan trọng không những đối với «tiền sử thần học» của con người trong đó cuộc sống lứa đôi hầu như được thấm nhập hoàn toàn bởi ân sủng vô tội nguyên thủy. Nó còn quan trọng thiết yếu vì có thể mạc khải cho chúng ta biết những cội rễ thường tồn của ethos [thiên hướng – N.D.] của thân xác, về phương diện nhân văn và (nhất là) về thần học.
4. Con người bước vào trong thế giới, và có thể nói, đã đi vào mạng lưới thâm sâu nhất của tương lai và lịch sử mình, với ý thức về ý nghĩa hôn phối của thân xác mình, một thân xác với giới tính nam và nữ của mình. Sự vô tội nguyên thủy bộc lộ ý nghĩa ấy làm nên tình trạng «đạo đức» (etica) và hơn thế nữa, về phần mình, nó làm nên tương lai của ethos con người. Điều ấy hết sức quan trọng đối với thần học thân xác. Đó là lí do tại sao chúng ta phải xây dựng thần học thân xác này «từ thuở ban đầu», trong khi theo đuổi cẩn thận những lời chỉ dẫn của Đức Kitô.
Trong mầu nhiệm tạo dựng, người đàn ông và người đàn bà được Đấng Tạo Hóa «trao ban» cho nhau một cách đặc biệt. Điều đó không chỉ ở trong phạm vi cặp vợ chồng đầu tiên và sự hiệp thông ngôi vị đầu tiên, nhưng trong toàn bộ viễn tượng của cuộc sống và gia đình nhân loại. Sự kiện căn bản của cuộc sống con người trong mọi giai đoạn của lịch sử của mình, đó là Thiên Chúa «đã tạo dựng họ có nam có nữ», và quả thật Ngài luôn luôn tạo dựng con người với cách thức như thế và luôn luôn là như thế. Hiểu những ý nghĩa nền tảng ẩn chứa trong chính mầu nhiệm tạo dựng, cũng như ý nghĩa hôn phối của thân xác (và những điều kiện nền tảng của ý nghĩa ấy) là điều quan trọng và thiết yếu để biết con người là ai và con người phải là ai, và từ đó biết phải tổ chức sinh hoạt của mình như thế nào. Đó là điều thiết yếu và quan trọng cho tương lai của ethos con người.
5. Đoạn St 2,24 cho thấy rằng cả hai người đàn ông và người đàn bà đã được tạo dựng nên cho cuộc hôn phối: «bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ nên một xương một thịt». Từ đó mở ra một viễn tượng sáng tạo lớn lao. Chính viễn tượng cuộc sống của con người ấy được liên tục làm cho mới nhờ «sự sinh sản» [procreazione] (hoặc ta cũng có thể nói, nhờ «sự tự sản» [autoriproduzione]). Viễn tượng đó bám rễ sâu vào trong tâm thức của nhân loại (x. St 2,23) và trong ý thức đặc biệt về ý nghĩa hôn phối của thân xác (St 2,25). Người đàn ông và người đàn bà, trước khi là chồng là vợ (cụ thể điều đó chỉ được nói tới ở St 4), từ mầu nhiệm tạo dựng họ xuất hiện trước hết như là anh em chị em trong cùng nhân tính. Hiểu ý nghĩa hôn phối của thân xác với giới tính nam và nữ của nó biểu lộ cho người ta thấy sự tự do thâm sâu của họ, sự tự do của trao ban.
Từ đó khai mào sự hiệp thông các ngôi vị, trong đó người ta gặp gỡ nhau và trao ban cho nhau hoàn toàn với trọn vẹn con người chủ thể mình. Như thế cả hai triển nở như là những con người–chủ thể, và giúp nhau triển nở qua thân xác và qua sự «trần truồng» mà không bị xấu hổ. Trong sự hiệp thông các ngôi vị đó, sự đơn độc nguyên thủy thâm sâu (của con người đầu tiên và của tất cả mọi người) được bảo đảm hoàn toàn, nhưng đồng thời sự đơn độc ấy một cách kì diệu được thấm nhập và mở rộng ra bởi tặng phẩm tha nhân. Nếu người đàn ông và người đàn bà không còn là tặng phẩm vô cầu trao ban cho nhau như xưa kia nữa trong mầu nhiệm sáng tạo, bấy giờ họ sẽ nhận ra nhau rằng mình «trần truồng» (x. St 3). Và bấy giờ nảy sinh trong tâm hồn họ sự xấu hổ vì trần truồng, là điều mà họ chưa từng cảm thấy trước đó trong tình trạng vô tội nguyên thủy. Sự vô tội nguyên thủy vừa bộc lộ vừa tạo nên ethos hoàn hảo của tặng phẩm trao ban. Chúng ta sẽ còn trở lại luận cứ này.
-------------------------
[1] «Si quis non confitetur primum hominem Adam, cum mandatum Dei in paradiso fuisset transgressus, statim sanctitatem et justitiam, in qua constitutus fuerat, amisisse... anathema sit» (Conc. Trident.,
Sess. V, can. 1, 2; D.B. 788, 789). (Dịch: «Nếu ai không tuyên tín rằng
Ađam, con người đầu tiên, sau khi đã phạm giới răn của Chúa trong vườn địa đàng và lập tức mất đi sự thánh thiện và sự công chính mà Chúa đã thiết lập... thì bị tuyệt thông» (Cđ Trentô, kỳ họp thứ 5 (17/6/1546), điều 1, 2; DB 788, 789).
0 Nhận xét