TMSS: Cha mẹ là người thầy đầu tiên của chính mình. Những gì chúng ta thể hiện hôm nay mang dấu ấn của mẹ cha rất nhiều. Cám ơn tác gia đã chia sẻ về nghiệp chữ cũng như cách cha mẹ dạy cho mình thế nào. Xin đem về đây lưu lại để thêm một lần nữa nhắc nhở, người thầy đầu tiên chúng ta cần nhớ đến chính là mẹ cha!
-------------------------------------------------------------------------------
Bố mẹ dạy Chữ – Nghĩa cho tôi như thế nào
Hà Đăng Hiển
(Tác giả gửi Blog Hahien)
Ra ngoài đời, anh em tôi có mỗi người một nghề. Anh Cả – xây dựng, Anh Hai – hóa chất, tôi và Chú Tư có bằng cơ khí, Chú Năm – thủy sản, Cô Sáu theo đuổi ngành y, và Chú Út – động lực. Những kiến thức của nghề là do các thầy cô ở nhà trường truyền lại.
Nhưng có lẽ do số mệnh, hầu hết anh em tôi đều vướng vào nghiệp
chữ-nghĩa, có người hầu như không còn dùng nghề trong công việc mà thay
thế hẳn bằng cái nghiệp này. Những khi bỏ công việc sang một bên, những
lúc trở về là “lũ ngẩn ngơ” (chữ của Bà Chúa Thơ Nôm), dù ít dù nhiều
hầu như ai cũng “chơi với chữ” ( tên một tập tản mạn văn của Chú Năm).
Chúng tôi học và thấm chữ-nghĩa ngay từ thuở nhỏ là từ Bố Mẹ.
Bố tôi là thầy giáo tiểu học gần suốt thời gian đi làm, một quãng
ngắn từ năm 1950 đến 1955 là công chức thứ thiệt của một cơ quan công
vụ. Bố tôi kể lại là để xin được vào làm trong Sở Kinh tế Miền Biển,
ngoài tiếng Pháp, Ông còn phải thể hiện kỹ năng đánh máy chữ bằng mười
đầu ngón tay, phải tự soạn công văn để xứ lý một vụ việc cụ thể, phải
viết ra giấy để ông sếp xem chữ-nghĩa ra sao và nét chữ có đủ đẹp hay
không. Vài ba cái lẻ tẻ ấy đối với Bố tôi chẳng là cái đinh gì.
Chữ-nghĩa của Bố tôi về cơ bản có hai kiểu chính, một dùng trong công văn công vụ, một dùng trong tư vụ tư văn.
Tôi bỏ nghề cơ khí từ năm 1983, chuyển sang nghề khác, lấy chữ –
nghĩa, mồm miệng, giấy bút làm phương tiện chính để hành nghề cho đến
khi che miệng gác bút. Những kiểu “kính gửi, kính thưa, kính xin, kính
chào…” và những thứ tương tự là do Bố tôi dạy. Việc phải đúng chính tả
và ngữ pháp được xem là đương nhiên, hai thứ đó là công cụ thô sơ nhất.
Sau này, khi được cơ quan cho đi học về hành chính, nghe giảng viên nói
văn phong hành chính không biểu cảm, tôi ngộ rằng điều ấy. Tôi đã được
nghe Bố tôi nói theo cách khác, đại loại là chữ-nghĩa loại này nhạt
nhẽo, hoặc tưởng là được việc nhưng thực ra là đấm bị bông.
Nói quá lên thế thôi, chứ chữ – nghĩa công văn công vụ của Bố tôi
(trong công sở, và ở nhà trường mà đối tượng phần lớn là bọn còn thò lò
mũi xanh) ngắn, rõ và đơn giản. Ảnh hưởng cả đến chữ – nghĩa tư vụ tư
văn của Ông, thành ra Mẹ tôi cũng có lý phần nào khi bĩu môi “thơ của Bố
các anh là thơ đóng hộp”.
Tin Bố đúng, tôi không dám viết những thứ đại loại như “Căn cứ chỉ đạo của ông A” (rồi đánh dấu chấm),
“theo số liệu thống kê cho thấy” hoặc “ ông A bày tỏ cảm ơn ông B” thậm
chí “bày tỏ cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của ông B” mà đôi khi tôi được
đọc, nghe trong văn bản công vụ hoặc trên báo giấy, báo hình. Tôi cá là
nếu Ông biết tôi viết như thế thì sẽ cho tôi ăn mắng là tốn cơm và phí
giấy mực, tại sao chưa hết câu đã tương cái dấu chấm vào, sao không xóa
đi chữ “theo”, chữ “bày tỏ” thì có phải là tiết kiệm không, còn cái “sự đón tiếp trọng thị” thì làm gì có mồm để lịch sự đỡ lời “không có gì đâu ạ”.
Viết đến đây, tôi chột dạ. Bố mình thành người thiên cổ đã mười năm
có lẻ , hơn nữa bây giờ từ,ngữ, câu cú (cùng với nhiều thứ khác) đang
quay tít mù trong cái cối xay của công cuộc “cải cách giáo dục căn bản, toàn diên và triệt để”
vừa mới được các đỉnh cao trí tuệ đề xướng. Biết đâu đấy có khi các bạn
công chức, các bạn biên tập viên viết và nói thế là đúng, biết đâu đấy
mình lạc hậu rồi. Nếu quả vậy, tôi cam lòng nhận sai, và “bày tỏ xin lỗi
cái sự hồ đồ với các bạn trong nghề”.
Lan man một tí, xin trở lại với chữ – nghĩa của Bố tôi. Ông vốn là
người lạc quan yêu đời và cực hóm, những phiền muộn của mình được Ông
cất kỹ, người ngoài không biết. Những dịp cả nhà tụ tập, Ông là người
hay nói đùa, kể chuyện hài, thậm chí tiếu lâm…, trong khi Mẹ tôi hầu như
không bao giờ như thế. Trong đời thường, Ông chơi với chữ, đùa với chữ,
bỡn cợt với chữ, theo một kiểu riêng.
Bố tôi “xuất đối dị”, thử xem đứa nào vượt được “đối đối nan”. Đó là vế đầu “Phố Đông Kinh đông kinh”. “Những người muôn năm cũ”
đã từng ở Hải Phòng đều biết Đông Kinh là con phố từ hông Nhà Hát Lớn
kéo thẳng đến cổng Chợ Sắt, nay là phố Phan Bội Châu. Tôi bóp đầu bóp
trán, cuối cùng cũng trả nợ được Ông. “Rừng Yên Thế yên thế”. Tôi được một lần vênh vang tự đắc.
Thành ngữ “đồng không mông quạnh”, tục ngữ “thứ nhất ỉa đồng, thứ nhì quận công” được Bố tôi gói vào hộp thơ của mình. Những ngày ở nơi sơ tán, sáng sáng Ông ra thăm đồng. Ông tức cảnh thành thơ “ta ngồi mông quạnh giữa đồng không…” [1]. Hình như trong bức tranh ấy, từ “quạnh” không còn có nghĩa là cô liêu, hiu quạnh. Bạn hãy hình dung mùa đông, sáng tinh mơ ra cánh đồng, kéo quần, ngồi xuống thì mông quạnh
có nghĩa là gì ? Tôi nghĩ các nhà từ điển học (không tính các loại Vũ
Chất) cũng nên xem xét bổ sung giải thêm nghĩa cho cái từ “mông quạnh” này.
Ông “chơi” luôn cả món từ Hán – Việt. Về cái câu “nhất cận thị nhị cận giang”, Ông bảo các cụ nhà ta đã dịch nôm thành ra “thứ nhất đau mắt thứ nhì dắt răng”.
Phát hiện này xứng đáng được cụ Nguyễn Lân đưa vào sách giải nghĩa của
Cụ nếu còn tái bản. Viết bài cho báo Người Giáo Viên Nhân Dân, ông giữ
tên khai sinh của mình. Nếu tôi không nhầm, Ông chỉ có một bút danh cho
tư văn, Ông ký “Havanop”, nghe na ná như Casanop hay Lecmontop… bên
Nga. Ba cậu con trai đầu của Ông Nội tôi được người trong nhà lần lượt
gọi là Cậu Mốc, Cậu Ếch, Cậu Ộp. Cái tên Cậu Ộp theo Bố tôi mãi cho đến
khi Ông ra ở riêng. Bút danh của Ông chẳng phải là ốp iếc gì cả, chính
xác là Hà Văn Ộp. Đó là lúc Ông bỡn cợt chính mình.
Mẹ tôi làm thơ từ khi còn là thiếu nữ cho đến khi về với tổ tiên. Bài
thơ đầu tiên của Mẹ tôi đăng trên một nhật báo trước năm 1945, bài
“Phiên Chợ Quê”, được ký dưới tên Bạch Ngưu. Tài sản tinh thần của Mẹ
tôi nhiều gấp bội Bố tôi, qua mỗi chặng thời gian lại có những sắc thái
khác nhau. Bà lấy bút danh là Tân Phong, sau này là Nguyễn Thị Tân Phong
[2]. Dưới mỗi bài thơ của Bà do chính mình chép tay,
bao giờ Bà cũng vẽ một chiếc lá trước chữ ký, không chiếc lá nào là
“chiếc lá cuối cùng”. Lần viết bản Phả hệ của họ Hà năm 1996, bà lấy tên
mình với tư cách là người chấp bút là Nguyễn Hữu Thị, người con gái của
dòng Nguyễn Hữu Bắc Hà.
Tôi biết Mẹ tôi có ý hướng tôi theo nghiệp văn chương. Bằng nhiều
cách, Bà dẫn tôi vào thơ. Trong cái tủ kính xập xệ bày sách tronh nhà,
nếu chỉ kể riêng thơ thì có thơ của các bậc tài danh Tiên Điền, Hồ Xuân
Hương, Đặng Trần Côn, Yên Đổ, Tú Xương; có Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư,Tế
Hanh Xuân Diệu; mà cũng còn có Tố Hữu với Việt Bắc, Gió Lộng.
Đối với tôi, thơ là tranh vẽ, những câu thơ dưới đây tôi thuộc từ thiếu thời.
“Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy- thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu…”
“Ba gian nhà cỏ thấp le te- Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe…”
“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai – Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối – Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”
“Lá sen xanh thắm hương sen ngát – Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ – Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc – Theo về tận cửa mới tan mơ”
……..
……..
Tôi cũng thuộc những câu kiểu khác, đại loại như “Rét nhiều nên ấm nắng hanh…” và “Núi cao bởi có đất bồi – Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu”.
Mẹ tôi bảo văn chương thì đừng ép chữ. Chữ – nghĩa thì đẹp, nhưng
giống như con mèo nhung, không cẩn thận thì nó cào cho đấy. Làm văn lúc
nào bí thì cứ bỏ đi chơi, tự nhiên thế nào cũng có lúc chữ nó đến. Tương
tự như thánh thần chỉ đến với người đang quay quay lên đồng, nàng thơ
(và các nàng không thơ) chỉ sà đến người say say tỉnh tỉnh, dại dại khôn
khôn, còn người say và dại thì các nàng ấy ghét, người tỉnh và khôn thì
các nàng ấy sợ.
Ngẫm ra đúng quá. Cứ cưỡng ép con chữ thì có chuyện ngay. Mùa xuân
thì làm gì có nắng hanh , cái thứ nắng khó chịu. Núi thì có thể đứng vì
có chân, có thể vươn cao vì có đỉnh có đầu, cũng có thể nằm vì có sườn
có lưng, nhưng không thể ngồi vì làm gì có đít.
Sắp học xong phổ thông, Mẹ bảo tôi thi vào Khoa Văn Trường Đại học
Tổng hợp. Tôi nghe theo Anh Cả, nộp hồ sơ vào Khoa Chế tạo máy Đại học
Bách khoa. Tôi biết mình không theo đuổi được nghiệp văn chương vì hai
lý do, thứ nhất là vốn chẳng dày dặn gì, nhưng thứ hai – lý do chủ yếu –
tôi “nguội”, hay nói theo ngôn ngữ đương đại là không “máu”. Đã không “
máu” thì Nàng thơ cũng chả dại gì mà chìa má cho tôi. Ông Nhạc tôi có
lần bảo người ta có ba cái vạ bất thình lình, đó là vạ mồm, vạ vịt, vạ
văn chương. Nói nghiêm chỉnh, tôi không sợ vạ, chẳng qua là mình kém
duyên với chữ – nghĩa mà thôi.
Nghĩ cũng may. Nhỡ ra tốt nghiệp Tổng hợp Văn, ma xui quỷ khiến lại
bỏ nghề đi học xây vài ba cái thứ vu vơ, rồi thành ra lú la lú lẫn thì
phí cả một đời.
Mẹ tôi dành cho tôi khá nhiều thời giờ tâm tình về chuyện văn chương
và không văn chương. Sau này Bà có ba đánh giá và dự báo về đời tôi. 1.
“Anh là đứa ngụy ngôn”; 2.“Anh là kẻ chung thân bôn tẩu đa mang chữ
tình” và 3.“Anh là người lúc giữa đời nóng bao nhiêu, thì khi về vườn
nguội bấy nhiêu” – đấy là kết luận của Bà về tôi.
Những lúc “duy lý” “ngụy ngôn”, chữ – nghĩa khô, nhạt, đó là của tôi.
Với số phận suốt đời chạy theo chữ tình, tôi cố gắng ăn nói viết lách
sao cho kịp Mẹ, còn khi “nóng nguội” mà chữ – nghĩa cứ tưng tửng từng
tưng thì tôi hình dung thấy Bố đang tủm tỉm cười.
Tôi học chữ – nghĩa từ Bố Mẹ tôi như thế đấy.
———————————-
Chú thích của Blog Hahien:
[1] “Bài thơ mông quạnh” mà tác giả đề cập đã được đăng trong bài NÀY
[2] Đọc thêm về thơ Nguyễn Thị Tân Phong ở ĐÂY
0 Nhận xét