TMSS: Ngày nhà giáo đã qua. Song, đọc bài này của GS Nguyễn Văn Tuấn thấy ý nghĩa và gọi lại hình ảnh thân thương của những thầy cô giáo mình năm xưa. Xin phép được đưa về đây như một kỷ niệm để đôi khi đọc lại và gẫm suy về thời thế và cuộc đời!
-----------------
Tản mạn: Một vài kỉ niệm nhân Ngày nhà giáo
Tính đi tính lại,
Việt Nam có nhiều "Ngày" vinh danh. Nào là Ngày Phụ Nữ, Ngày Thầy Thuốc,
Ngày Nhà Giáo, v.v. Ở nước ngoài, như Úc chẳng hạn, tôi không thấy người ta kỉ
niệm những ngày này. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi mới biết hầu hết những ngày
vinh danh như vừa đề cập đều có xuất xứ từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ hoặc từ
Việt Nam.
Đa số các nước trên
thế giới (trên 100 nước) lấy ngày ngày 5/10 để làm Ngày Nhà Giáo Thế Giới
(World Teachers' Day). Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc cũng chấp nhận lấy
ngày 5/10 làm Ngày Nhà Giáo (1). UNESCO xem Ngày Nhà Giáo như là một cách làm
cho công chúng hiểu được và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các nhà giáo đến
việc phát triển nền giáo dục. Không có cái thông điệp chính trị gì trong Ngày
Nhà Giáo.
Thế thì tại sao VN
lấy ngày 20/11 làm Ngày Nhà Giáo? Hoá ra, ngày này xuất phát từ thế giới XHCN
cũ, và nó có cái ý nghĩa chính trị. Năm 1957, một số nhóm nhà giáo thuộc các nước
XHCN cũ nhóm họp ở Ba Lan để xây dựng nền giáo dục XHCN, nằm "bảo vệ những
quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo" và đấu tranh chống lại "nền
giáo dục tư sản, phong kiến" (2). Do đó, ngày này chỉ có các nước theo
XHCN kỉ niệm thôi, chứ đa số các nước khác trên thế giới lấy ngày 5/10 làm Ngày
Nhà Giáo. Nói như thế để thấy rằng VN tuy nói là đang hội nhập quốc tế, nhưng
trng thực tế vẫn còn lưu luyến một số "kỉ niệm" và biểu tượng thời
XHCN.
Tôi không dạy học một
cách chính thức, nhưng tôi nhận được rất nhiều chúc mừng nhân ngày Nhà Giáo
20/11. Dù xuất xứ của cái ngày này không được hay ho mấy (ví mang màu sắc chính
trị) nhưng thú thật tôi vẫn thấy nó có ý nghĩa tích cực. Tích cực không phải hiểu
theo nghĩa thầy cô được tặng bao thư đâu (vì đó là hối lộ rồi), mà theo ý nghĩa
nhắc nhở công chúng nhớ đến sự đóng góp hết sức quan trọng của người thầy trong
quá trình trưởng thành của một con người.
Trong đời người, ai
cũng có một người thầy hay một người cô đáng nhớ. Thời tôi còn học tiểu học, xã
hội ví von rằng thầy cô là cha mẹ thứ hai. Lớn lên mới thấy ví von đó rất đúng,
bởi vì thầy cô chính là những người thay cha mẹ dạy dỗ mình, chẳng những dạy chữ,
chuyển giao kiến thức, mà còn cách cư xử ở ngoài đời. Ở Úc này, tôi thấy nhiều
khi học trò nghe lời cô giáo còn hơn là nghe lời cha mẹ. Cứ mỗi lần cha mẹ người
Việt nói gì đó chưa hợp với văn hoá địa phương là bị con cái chỉnh sửa ngay: cô
giáo con dạy là như vầy, chứ không phải vậy!
Trong đời tôi thì
dĩ nhiên có nhiều thầy cô, kể ra khó hết được. Nhưng hai người để lại ấn tượng
nhất trong tôi là Thầy Phát (hiệu trưởng trường tiểu học dưới quê) và anh Hai
tôi. Tôi từng ghi lại những cảm nhận và kỉ niệm về hai người thầy đặc biệt này
(3). Mấy ngày gần đây khi nghe người ta bàn tán về môn văn, tôi chợt nhớ đến một
người thầy tên là Thầy B. Nhớ một cách day dứt, vì thầy là người gieo cái đẹp của
văn chương và đam mê viết văn cho tôi.
Thầy B dạy văn
chương cho tôi năm đệ ngũ. Nghe nói Thầy được biệt phái hay giải ngũ từ quân đội.
Thầy B người thấp, không đẹp trai mấy nhưng không xấu tướng, ăn nói rất hoạt
bát, miệng lúc nào cũng cười, áo chemise trong quần tây, đầu tóc chải chuốc
láng cóng. Nói chung, thầy toát lên cái air của người phong lưu, lịch thiệp. Thật
ra, thời đó, các thầy đều ăn mặc như thế. Thầy B khác các thầy khác là thầy có
chiếc vespa rất oách (thuở đó, chỉ có thầy B và thầy hiệu trưởng có vespa). Thầy
dạy văn tuyệt vời. Tôi phục lăn trí nhớ về văn thơ của thầy. Thầy có thể đọc
hàng chục bài thơ của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Thế Lữ, Thâm Tâm, v.v.
mà không sai chữ nào, và thầy có vẻ tự hào về trí nhớ đó. Chẳng những thế, thầy
có cách dạy văn rất tuyệt ở chỗ là mỗi một đoạn văn đều được kèm theo giải
thích về điển tích (như "sơn khê" có nghĩa là gì chẳng hạn) làm đám học
trò chúng tôi há hốc ra nhìn thầy giảng. Tôi có cảm giác là những lần thầy giảng
là những lần thầy độc thoại và hùng biện thì đúng hơn, vì chúng tôi rất ít khi
nào chất vấn gì cả.
Nhưng nói đến thầy
B, tôi phải nhắc đến cô H, dạy toán. Hình như lúc đó, Cô chỉ mới tốt nghiệp đại
học sư phạm vài năm thôi. Lúc đó, dù còn nhỏ nhưng đám học trò chúng tôi đã cảm
nhận được cô H đẹp lộng lẫy, y như câu nói "mặt hoa da phấn". Tôi vẫn
còn nhớ như in rằng Cô thường đến trường tên chiếc xe Honda Dame màu trắng, áo
dài bông, tóc dài ngang lưng, đeo kính mát đen (thời trang thời đó), và mặt lúc
nào cũng tươi như hoa. Dù xinh đẹp như thế, nhưnng mặt cô toát lên cái air rất
nghiêm trang, làm cho học trò gặp cô là … hơi ngán. Cô dạy toán cực kì thú vị
và hay. Tôi phải thú nhận rằng tôi ham mê toán thời đó cũng một phần là từ cách
dạy của cô. Sau này tôi vẫn sử dụng cách dạy đại số của Cô là phải làm từng bước
một, hay dấu = phải ngay hàng thẳng lối, hay dấu phân số phải nằm giữa dấu =, dấu
căn số phải viết đâu ra đó, vân vân. Đứa nào viết phương trình toán không đẹp
là bị khẻ tay ngay. Tôi là học trò cưng của cả thầy B và cô H, vì nói cho ngay,
lúc đó tôi học cũng khá và ngoan hiền, nên được nhiều thầy cô quí mến lắm.
Chuyện thầy B và cô
H xảy ra chung quanh hai lớp đối diện. Các phòng học của trường được thiết kế
theo kiểu bốn dãy phòng hình thành theo mô hình hình vuông, chính giữa là một
sân cỏ rộng. Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay có sắp xếp, cứ đến giờ học của cô H thì
phòng đối diện là giờ của thầy B. Những khi có giờ của cô H, thầy B cho mở cửa
toang, dạy rất hăng và … hay. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Sau này, nghĩ lại
tôi mới biết là những lời giảng của Thầy đều nhắm vào cô như là một cách tỏ
tình. Thật ra, lúc đó thầy B thương cô H (còn Cô có thương Thầy B hay không thì
chẳng ai biết, vì phụ nữ nhiều khi rất khó hiểu). Thầy oang oang giảng bài thơ
nổi tiếng của Nguyễn Bính: Nhà nàng ở cạnh
nhà tôi / cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn / Hai người sống giữa cô đơn /
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi … Thỉnh thoảng còn đem thơ Xuân Diệu ra
đọc: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu / Có
nghĩa gì đâu một buồi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt / Bằng mây nhè nhẹ
gió hiu hiu. Tôi thuộc lòng bài thơ này từ hồi nào chẳng hay.
Có vài lần thầy nhờ
tôi trao thư cho cô H. Thư thường được gửi bằng bao thư màu hồng, kẹp trong một
cuốn sách. Thầy B chỉ đơn giản nói với tôi là "đến giờ toán, em giao thư
này cho cô H dùm thầy nhé". Thú thật, lúc đó tôi chưa biết điều đó có ý
nghĩa gì, nhưng được Thầy giao cho “trọng trách” như thế là hãnh diện lắm rồi!
Còn phần cô, tôi nhớ chỉ có 2 lần cô nhờ tôi trao thư cho Thầy B.
Bẵng đi một thời
gian dài cũng trên 10 năm gì đó, đến đầu năm 1981, tôi tình cờ gặp lại Thầy và
Cô, lúc này đã là vợ chồng. Cả Thầy và Cô đều … “mất dạy”. Nhìn Thầy da xậm nắng,
dáng dấp phong trần, tôi hỏi qua Thầy làm nghề gì. Thầy cho biết sau 1975 đi học
cải tạo 2 năm, ra khỏi trại không còn dạy học, làm đủ thứ nghề khuân vác, đạp
xe lôi, buôn bán để sống qua ngày. Nay thì Thầy có việc làm tương đối ổn định
hơn: bán vé xe đò! Còn Cô thì tôi không biết làm gì. Tôi hỏi dạo này người ta
vượt biên nhiều quá, sao Thầy Cô còn ở đây, thì Thầy méo miệng cười buồn nói:
tiền đâu, nghèo rớt mồng tơi mà. Nhìn hai người, tôi chợt ngậm ngùi cho khó
khăn mà hai người phải trải qua. Tôi không còn nhận ra một Thầy B sang trọng
ngày nào, không còn nhận ra cô H thướt tha, đài các của ngày xưa. Ôi, thời thế
làm cho Thầy và Cô tôi nghèo khó và tiều tụy như bây giờ. Thế nhưng Thầy vẫn
tươi cười, thậm chí còn mời tôi đi uống cà phê! Hôm đó là ngày tôi gặp hai Thầy
Cô lần cuối, vì chỉ vài tháng sau là tôi rời Việt Nam.
Cho đến nay, hơn 30
năm sau, tôi vẫn chưa gặp lại Thầy B và cô H. Còn thầy Phát dưới quê tôi thì đã
ra người thiên cổ sau khi mất chức hiệu trưởng ngay sau năm 1975. Anh Hai tôi
thì không biết qua đời vào ngày nào, chỉ biết là năm 1981, vì chuyến vượt biển
đó tất cả 21 người trên tàu đều biệt vô âm tín. Nhưng hình bóng của các thầy và
cô vẫn in đậm trong tôi, mãi mãi không thể xóa mờ được. Cho dù tôi có trở thành
chức danh gì trong xã hội phương Tây nhưng những chữ mà các thầy cô đã gieo vào
tôi lúc đầu đời sẽ không bao giờ quên.
Sau này, tôi thỉnh
thoảng trở thành … thầy. Thật ra, nói “thầy” cho oai, chứ tôi ít khi nào lên lớp.
Ấy thế mà lâu lâu tôi nhận vài lá thư chúc mừng nhân ngày Nhà giáo từ những bạn
mà tôi chỉ có dịp giảng một vài bài trong các lớp học ngắn hạn bên VN. Điều
đáng nói là có những bạn tôi chưa từng giảng một bài nào, thậm chí có bạn tôi
còn chưa gặp mặt ngoài đời, nhưng cũng có gửi thư chức mừng, và nghĩa cử đó quả
thật làm tôi xúc động và ấm lòng. Thời đại thực dụng bây giờ và trong bối cảnh
đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay mà còn có người biết tình thầy trò, còn
nhớ đến câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thì chẳng là một niềm an ủi sao.
Xin thành thật cám
ơn các bạn đã có những lời chúc mừng tôi nhân Ngày Nhà giáo. Tôi cũng nhân dịp
này mà chúc các bạn gặt hái được nhiều thành công trong học tập và nhiều may mắn.
=====
0 Nhận xét