Gởi người anh em đã ra đi nhưng còn nơi đất Thái,
"Thằng Hanh nó đi đâu rồi?"
Lẽ ra tôi không nên nhắc lại câu nói
này, bởi xét về mặt ngữ nghĩa, câu nói đó chỉ là một câu văn nói quá mộc
mạc, không phải là văn viết. Tuy nhiên, đó là câu hỏi của một bà mẹ đã
đặt ra khi đứng trước cái chết của một người con. Nhất nữa, người con ấy
còn trẻ.
Trong nhạc phẩm “Thu Cô Liêu”, cố nhạc sĩ Văn Cao đã viết :
“Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”
Đây là tâm trạng của người học trò khi
mùa hè đến. Mỗi mùa thi đi qua, người học trò lại thấy tuổi thơ đang lùi
dần về dĩ vãng, để lại một khoảng trống mênh mông trước mắt với trách
nhiệm trở thành người lớn, để gánh vác trách nhiệm gia đình khi bước vào
tuổi trưởng thành. Ca từ tôi rất thích từ khi nghe nhạc phẩm này là câu
“Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng”. Dẫu rằng ý tứ của tác giả chưa chắc đã diễn tả về lẽ ra đi hay ở lại của kiếp người. Lá xanh còn rụng, buồn chi lá vàng!
Từ khi tập tành tác vụ gắn liền với nhà
dưỡng lão, với bệnh viện, với những người lìa cõi thế ở đủ mọi độ tuổi,
tôi cứ tự hát cho mình câu hát của cố nhạc sĩ Văn Cao : Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng.
Khi đứng trước một người ra đi, đặc biệt với người lìa thế tuổi đời còn
trẻ, tôi tự đánh lừa, tự an ủi mình bằng một ý nghĩa rất khiên cưỡng
(vì có thể khác với ý nghĩa thực của nhạc sĩ Văn Cao) : người trẻ còn
mất huống chi người già!
Từ thời mới tập tu, mỗi khi mùa hè đến,
anh em trong lớp thỉnh sinh chúng tôi thường tranh thủ về thăm nhà nhau.
Lý do thật đơn giản. Cha Giám đốc Chu Quang Đương hay lặp lại câu nói,
không biết là vô tình hay hữu ý : Anh em nên gắn bó với nhau vì anh em là những người sống với nhau cả đời…Còn chúng tôi, cũng chỉ đi với anh em một chặng đường. Vì thế, anh em gắng mà hiểu, mà yêu thương nhau… Hơn nữa, không biết vô tình hay hữu ý, Cha thường gieo vào đầu chúng tôi điều này: Đối với Dòng Đa Minh, bố mẹ của anh em cũng là bố mẹ của mình.
Với đầu óc ngây dại trong đời Đa Minh, chúng tôi chẳng hiểu gì nhiều về
những điều Cha nói. Song kể từ đó, mỗi khi có dịp, chúng tôi lại sắp
xếp thời gian về thăm nhà nhau bởi ít nhất điều đó đem lại cho chúng tôi
niềm vui được đi đây đi đó, được thăm thú nhà nhau.
Thăm thú nhà nhau cũng có cái lợi là mình biết cha mẹ, anh em của anh em mình. Và lẽ dĩ nhiên, cha mẹ anh em mình biết mình.
Tôi dài dòng như thế chỉ với một mục
đích nhắc lại câu hỏi của mẹ anh Hanh, để người đọc không khó chịu vì sự
thô thiển, dân dã của câu hỏi ấy. Bảy anh em trong lớp chúng tôi xuống
xe, bước vào nhà anh Hanh trong một buổi chiều đầu tháng Sáu nóng bức,
Mẹ anh Hanh đã lần lượt nắm tay từng người trong tiếng khóc ngất, đặt
câu hỏi với tôi, với từng anh em : Thằng Hanh nó đi đâu rồi?
Bình thường, trả lời cho câu hỏi này
không khó. Tôi có thể bịa ra bất cứ một lí do nào để làm yên lòng bà mẹ
già, để làm cho bà được an tâm. Nhưng, trong hoàn cảnh này, tôi, chúng
tôi chỉ biết đứng chết trân và trong lòng chết điếng. Chúng tôi không
thể trả lời được câu hỏi tưởng chừng quá đơn giản này – câu hỏi của
người mẹ anh em mình cũng là mẹ của chúng mình đặt ra cho chúng mình.
Không phải bà không biết câu trả lời. Chắc chắn là như thế. Nhưng bà,
mặc dù đã hơn bảy mươi tuổi, vẫn ngơ ngác như một đứa trẻ hờn dỗi ở tuổi
lên ba. Chúng tôi đứng chết trân, không biết trả lời câu hỏi đó thế
nào. Riêng tôi, tôi có câu trả lời nhưng không thể nói ra lúc này, chỉ
biết hát thầm trong lòng : Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng.
Tôi chỉ an ủi chính tôi thôi, bởi nếu trả lời cho một bà mẹ mất con lúc
này chỉ là một lời an ủi rẻ tiền, vô tâm. Tôi chỉ hát thầm cho riêng
tôi Lá xanh rơi rụng buồn chi lá vàng…
Lảng tránh câu hỏi của bà mẹ, chúng tôi vào gặp Ba của anh Hanh, người đang ngồi trên giường bệnh. Ông nói với chúng tôi, giá như thằng Hanh nó chỉ cần về nhà một vài tiếng đồng hồ rồi nó đi luôn cũng được… Lại thêm một chữ giá mà
nặng hơn một ngàn kí! Chúng tôi lại đứng chết trân, không biết nên quay
trở ra hay quay trở vào trong căn nhà nóng bức vào một buổi chiều tháng
Sáu…
Chiều nay, một Sơ Đa Minh đang truyền
giáo ở Lạng Sơn (lớp Tập 1996-1997 học chung với anh em chúng tôi môn
Đời Sống Tâm Linh) gọi điện thoại hỏi tôi. Một câu hỏi tuy khác nhưng
sắc thái ý nghĩa vẫn là như thế : Có phải anh Hanh chết rồi hay không? Tại sao lại như vậy?
Tôi lại đứng chết trân. Tôi chỉ có thể trả lời rằng, H. hỏi tôi thì tôi
biết hỏi ai? Thôi, ráng mà sống cho tốt, làm được gì tốt thì làm…
Tôi trả lời như vậy là tự dối lòng mình,
bởi tôi biết câu trả lời. Tôi chỉ có thể hát thầm trong lòng đang khi
nghĩ đến người anh em : Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng… Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng…
Hoàng Thuỵ
0 Nhận xét