TMSS: Hãy trả lại cho các em quyền sống và tuổi thơ. Đứng đánh cắp tuổi thơ của các em! Hãy chung lòng với vị Mục tử của giáo hội lên tiếng bảo vệ các em!
Tệ nạn trẻ em lao động
Ngày 12-6-2014 là Ngày quốc tế chống tệ nạn trẻ em lao động.
Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 11-6-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ trẻ em chống lại nạn bóc lột lao động và những hình thức nô lệ khác. Ngài nói: ”Ngày mai 12-6 là Ngày quốc tế chống nạn bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên. Hàng chục triệu trẻ em bị bó buộc phải làm việc trong những điều kiện làm suy thoái con người, chịu những hình thức nô lệ và bóc lột, cũng như bị lạm dụng, ngược đãi và kỳ thị. Tôi nhiệt liệt cầu mong cộng đồng quốc tế có thể mở rộng việc bảo vệ xã hội cho các trẻ vị thành niên để loại trừ tai ương này. Tất cả chúng ta hãy tái quyết tâm, đặc biệt là trong các gia đình, để bảo đảm cho mỗi trẻ em nam nữ được bảo tồn phẩm giá và cơ may được tăng trưởng lành mạnh. Tuổi thơ trải qua trong thanh thản sẽ giúp các em tin tưởng hướng nhìn về cuộc sống tương lai”.
Ngày quốc tế chống nạn khai thác lao động trẻ em năm nay 2014 có đề tài sự bảo vệ xã hội. Theo thống kê năm 2012 của tổ chức UNICEF hiện nay trên thế giới có 168 triệu trẻ em lao động, trong đó có 87 triệu em tuổi từ 5 đến 17 phải làm các công việc nguy hiểm có hại cho sức khỏe, sự an ninh và phát triển của các em.
Vùng Á châu Thái Bình Dương có nhiều trẻ em lao động tuổi từ 5 tới 17 nhất, tức 77,7 triệu, so với 59 triệu của vùng nam sa mạc Sahara bên Phi châu, và 12,5 triệu của vùng châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi. Về tai nạn trong khi làm việc vùng nam sa mạc Sahara bên Phi châu dẫn đầu với tỷ lệ một trên năm em. Trong số các trẻ em lao động tuổi từ 5 tới 17 của thống kê năm 2012, có tới 59% trẻ em làm việc trong lãnh vực nông nghiệp, 32% trong các việc phục dịch khác nhau trong đó có 6,9% làm việc trong gia đình và 7,2% trong kỹ nghệ. Số các trẻ em làm các việc nguy hiểm lên tới 55 triệu trong đó có 30,3 triệu là trẻ gái. Số trẻ trai thuộc lứa tuổi cao nhất từ 15 tới 17 tuổi chiếm 55%, tức 47,5 triệu em phải làm các việc nguy hiểm.
Bà Carlotta Bellini thuộc phong trào ”Cứu các trẻ em” cho biết tình hình nghiêm trọng vì 70% tổng số các trẻ em lao động đã bắt đầu làm việc trước khi lên 16 tuổi, 40% đã làm việc trước khi được 14 tuổi, và 11% làm việc trước khi lên 11 tuổi. Nghiêm trọng hơn nữa là sự kiện đa số các trẻ em được phỏng vấn tuyên bố các em đã liên lụy trong các hoạt động bất hợp pháp trong lứa tuổi 12 tới 15.
Liên quan tới việc phòng ngừa nạn trẻ em lao động bà Bellini nói học đường phải là giây thắt lưng an toàn đầu tiên, khi an ninh trong gia đình giảm đi. Nhưng rất tiếc là học đường thường không cống hiến được các giải pháp hữu hiệu. Do đó cần phải canh tân học đường làm sao để đáp ứng được các đòi hỏi của các trẻ em vốn thường phải sống trong các môi trường khó khăn. Học đường phải chuẩn bị cho các trẻ em bước vào thế giới lao động, trao ban cho các em các cơ may, và biết lắng nghe các em.
Hiện tượng trẻ em lao động không chỉ hiện diện tại các nước đang trên đường phát triển bên Á châu, Đại dương châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Colombia và Brasil, nhưng cũng có tại các nước Âu châu, Hoa Kỳ và nhất là Đông Âu. Hiện tượng trẻ em lao động cũng có tại các vùng giầu tài nguyên có một nền kinh tế phồn thịnh, nhưng có thu nhập rất thấp tính theo đầu người, và có một số người phải sống trong cảnh không phát triển.
Thật ra không có các con số chắc chắn liên quan tới các trẻ em lao động trên thế giới, nhưng người ta biết vào thời xa xưa trẻ em đã bị khai thác sức lực cho nhiều công việc khác nhau. Thực tại này gắn liền với nạn nô lệ hay lãnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. Khi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi đầu nạn trẻ em lao động trong các nhà máy lan tràn, nhất là trong các nhà máy dệt, trong đó các em phải làm việc 15 giờ mỗi ngày và nhận được đồng lương thấp tới nỗi không đủ mua lương thực. Kể cả ngày nay nữa nhiều trẻ em, nhất là các trẻ em bên Phi châu, phải làm việc để mưu sinh nhưng cũng không đủ để mua một đĩa cơm.
Vào thập niên 1980 bên Phi châu, Á châu và Nam Mỹ người ta ước đoán có hơn 5 triệu trẻ em lao động. Nhưng hiện nay số trẻ em lao động là 168 triệu, cũng có người cho rằng có tới 250 triệu. Có nhiều lãnh vực lao động khác nhau như lãnh vực sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ, đánh cá và làm việc trong các thành phố. Trong lãnh vực nông nghiệp trẻ em làm việc trong các ruộng vườn của gia đình hay làm việc như công nhân của các hãng đa quốc trong các đồn điền. Trong lãnh vực kỹ nghệ các trẻ em từ 7 tới 15 tuổi làm việc trong các xưởng dệt vải, dệt thảm, may quần áo hay trong các xưởng chế bóng đá hay giầy dép.
Lý do gây ra nạn trẻ em lao động là cảnh nghèo túng của gia đình. Các em phải làm việc để mưu sinh và nuôi sống gia đình. Cũng có nhiều trường hợp các em bị cha mẹ bán cho chủ để trả nợ cho gia đình. Đây là trường hợp nhiều trẻ em Ấn Độ làm việc trong các xưởng dệt thảm. Và có nhiều chủ nhân xích chân các em vào máy dệt vì sợ các em bỏ trốn. Vì phải làm việc như thế nên thường khi các em cũng không đựơc học hết bậc tiểu học. Tình trạng mù chữ này khiến cho các em không biết tới các quyền của mình, cả khi các em trở thành công nhân trưởng thành. Thật thế, có rất nhiều công nhân bị giới chủ nhân khai thác bóc lột vì mù chữ, nên không biết chủ bắt ký giấy trong đó nói những gì. Họ bị bó buộc phải tuân lệnh chủ nhân hết năm này sang năm khác, và có khi cả đời cho tới chết.
Câu chuyện em bé Iqbal người Pakistan nổi loạn chống lại các đàn áp và bạo lực của chủ đã trở thành biểu tượng tranh đấu cho phẩm giá và các quyền lợi của trẻ em lao động.
Tại các nước kỹ nghệ tân tiến như Italia cũng có nạn trẻ em lao động. Cứ 20 trẻ em dưới 16 tuổi thì có 1 em phải làm việc. Italia có 5,2% trẻ em trong lứa tuổi từ 7 tới 15 phải làm việc, tức tương đương với 260.000 em. Đó là kết qủa cuộc điều tra có tên gọi là ”Cuộc chơi đã hết” do phong trào ”Cứu các trẻ em” và Hiệp hội Bruno Trentin trình bầy trước bộ trưởng lao động và các giới chức liên hệ. Rất nhiều trẻ em bị khai thác lao động là các trẻ em bi bỏ rơi không có ai và cơ cấu xã hội nào săn sóc lo lắng cho các em.
Nạn trẻ em lao động tại miền bắc và miền trung Italia rất thấp, nhưng cao tại miền nam, và rất cao trên đảo Sicilia, vùng Foggia và Vibo Valentina. Theo thống kê năm 2011 có 16% người trẻ trong lứa tuổi 18-24 đã học xong trung học, nghĩa là rất cao so sánh với các nước Âu châu khác. Và hiện tượng này đi song song với nạn trẻ em lao động. Tìm hiểu chi tiết hơn người ta thấy hầu như 3/4 trẻ em làm việc cho gia đình: 41% trong các hoạt đông nghề nghiệp của cha mẹ, 33% trong gia đình, và trong số 26% làm việc cho thân nhân bạn bè có 12,8% làm việc cho các người bà con, và 13,8% làm việc cho bạn bè.
Có ba công việc thông thường nhất: thứ nhất là trong lãnh vực khách sạn, quán nước, quán ăn, phụ bếp, hầu bàn, làm bánh chiếm 18,7%; thứ hai là buôn bán chiếm 14,7% kể cả nghề bán rong; thứ ba là sinh hoạt tại đồng quê chiếm 13,6%, từ trồng tỉa cho tới chăn nuôi súc vật. Tiếp theo đó là các sinh hoạt thủ công nghệ chiếm 8,9%, giữ trẻ em chiếm 4%, làm việc văn phòng chiếm 2,8%, và trợ giúp trong các xưởng chiếm 1,5%.
Hầu như 45% cho biết được trả tiền công và tỷ lệ gia tăng trong các sinh hoạt thuộc lãnh vực gia đình.
Liên quan tới việc phối hợp công việc làm và học hành 23% cho biết mệt nhọc nhưng là điều có thể làm được; 11% coi là rất mất sức tới độ phải chọn việc làm khi qúa mệt không chịu nổi nữa. Nhưng 65,4% người trẻ vị thành niên cho rằng không có vấn đề gì khi vừa đi làm vừa đi học.
Đa số các trẻ em được phỏng vấn không biết mình bị khai thác bóc lột và cũng không biết hợp đồng làm việc là gì. Miền Nam Italia là vùng có nhiều nguy cơ cho các trẻ em lao động hơn là miền trung và miền bắc. Cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế khiến cho tệ nạn trẻ em lao động trở thành nghiêm trọng hơn, vì gia đình rơi vào cảnh túng thiếu.
Tuy luật lệ Italia cấm trẻ em lao động và Italia cũng đã phê chuẩn hiệp ước Liện Hiệp Quốc năm 1989 về các quyền của trẻ em, nhưng chính quyền chưa thành công trong cuộc chiến chống lại nạn trẻ em lao động. Đã có một số sáng kiến được đưa ra như thăng tiến nhãn hiệu hàng hóa, để bảo đảm chúng đã không được làm bởi các trẻ em lao động, nhưng thật ra không đem lại các kết qủa mong ước. Vì các em lại bị bó buộc phải làm các việc khác có khi còn nguy hiểm hơn trước. Và số trẻ em nô lệ bị cướp mất tuổi thơ vẫn còn rất nhiều trên thế giới ngày nay.
Linh Tiến Khải (R.Vatican)
0 Nhận xét