Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II |
Chương I
TIẾNG MÁU EM NGƯƠI TỪ ĐẤT KÊU ĐẾN TA
TIẾNG MÁU EM NGƯƠI TỪ ĐẤT KÊU ĐẾN TA
NHỮNG ĐE DOẠ HIỆN NAY CHỐNG LẠI SỰ SỐNG CON NGƯỜI
“Ca-in xông đến và giết chết Abel em mình” (St 4,8)
Căn nguyên của bạo lực chống lại sự sống.
7. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, cũng chẳng vui vì các sinh vật bị diệt vong; ngài dựng nên muôn vật, cốt cho chúng được tồn tại ... Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng con người để nó sống mãi, Ngài dựng con người theo hình ảnh Ngài. Chính bởi ác quỉ ghen tương mà sự chết đã xâm nhập thế gian; những ai thuộc về nó, đều kinh nghiệm đều đó (Kn 1,13-14; 2,23-24).
Tin Mừng về sự sống, được công bố ngay từ nguyên thuỷ với việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa nhằm đạt đến một cuộc sống sung mãn và hoàn hảo (xem St 2,7; Kn 9,2-3), đã bị chống đối bởi kinh nghiệm đau thương về sự chết, sự chết ấy đã xâm nhập vào thế gian, và gieo rắc sự tối tăm phi lý trên cuộc sống con người. Sự chết xâm nhập thế gian bởi ác quỉ ghen tương (xem St 3,1.4-5) và bởi ông bà nguyên tổ phạm tội (xem St 2,17; 3,17-19). Sự chết còn xâm nhập thế gian một cách ác liệt, tại vì Ca-in đã giết Abel em mình: “Vừa khi ra tới đồng vắng, Cain xông đến và giết chết Abel em mình” (St 4,8).
Sự giết người đầu tiên này được trình bày cách đặc biệt hùng hồn trong một trang tiêu biểu của sách Sáng Thế, một trang không ngừng được viết lại hằng ngày trong quyển lịch sử của các dân tộc, một cách thường xuyên tệ hại hơn.
Chúng ta cũng hãy đọc lại trang sách Thánh Kinh này, tuy cổ xưa và hết sức bình dị, nhưng đặc biệt phong phú về giáo huấn:
“A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ÐỨC CHÚA. A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ÐỨC CHÚA đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. ÐỨC CHÚA phán với Ca-in: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." Ca-in nói với em là A-ben: "Chúng mình ra ngoài đồng đi! " Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình. ÐỨC CHÚA phán với Ca-in: "A-ben em ngươi đâu rồi? " Ca-in thưa: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?" ÐỨC CHÚA phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất." Ca-in thưa với ÐỨC CHÚA: "Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Ðây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con." ÐỨC CHÚA phán với ông: "Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy." ÐỨC CHÚA ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. Ông Ca-in đi xa khuất mặt ÐỨC CHÚA và ở tại xứ Nốt, về phía đông Ê-đen.” (St 4,2-16).
8. Ca-in “căm giận lắm” và “xịu mặt lại” bởi vì “Thiên Chúa đoái nhận Abel và lễ vật anh dâng” (St 4,4). Bản văn Kinh Thánh không tiết lộ nguyên do vì sao Thiên Chúa quý chuộng hiến lễ của Abel hơn hiến lễ của Ca-in: tuy nhiên bản văn trình bày rõ ràng rằng: trong khi quý chuộng hiến vật của Abel, Thiên Chúa vẫn không cắt đứt cuộc đối thoại với Ca-in. Trong khi nhắc lại cho hắn về sự tự đo trước sự dữ: Ngài khuyến cáo hắn rằng: con người không hề được tiền định để làm điều dữ. Thật vậy, như Ađam xưa kia, Ca-in đã bị quyền lực ác hại của tội lỗi cám dỗ, thứ tội lỗi giống như một con vật hung dữ, ẩn nấp ngay trước cửa lòng anh ta, chờ chực đúng lúc xông vào con mồi. Còn Ca-in thì vẫn tự do trước tội lỗi. Anh ta có thể và phải chế ngự tội lỗi: "Nó thèm muốn người, nhưng ngươi, hãy chế ngự nó!" (St 4,7).
Sự ghen tương và cơn giận dữ đã thắng Ca-in trước lời khuyến cáo của Thiên Chúa, bởi đó cho nên Ca-in xông đến và giết chết em mình. Như chúng ta đọc được điều này trong sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo: “Trong câu chuyện Ca-in giết chết Abel, Kinh Thánh mặc khải ngay từ buổi đầu lịch sử nhân loại là trong con người đã hiện diện cơn giận dữ và lòng tham lam, hậu quả của tội nguyên tổ. Con người trở nên thù địch của kẻ đồng loại”. (10)
Anh giết em. Như trong tội huynh đệ tương tàn đầu tiên này, trong tất cả mọi tội giết nguời, tình thân tộc “thiêng liêng” bị xâm phạm, tình thân tộc liên kết mọi người thành một đại gia đình tất cả cùng chia sẻ một điều thiện hảo duy nhất và căn bản đó là một phẩm giá ngôi vị ngang nhau. Cũng không hiếm trường hợp tình thân tộc “máu mủ” bị xâm phạm một cách tương tự, ví dụ như khi những đe doạ chống lại sự sống phát triển trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: đó là trường hợp phá thai, hay trong toàn cảnh gia đình hoặc thân tộc rộng lớn hơn, trường hợp hưởng ứng hoặc khuyến khích việc làm cho chết êm dịu.
Ở nguồn gốc của mọi bạo lực chống lại tha nhân, có việc nhượng bộ cái suy luận của Ác thần, tức là của “tên sát nhân từ ban đầu” (Ga 8,44), Như tông đồ Gioan nhắn nhủ chúng ta: “Vì đây là lời loan báo mà anh em đã nghe từ đầu rằng: chúng ta hãy thương yêu nhau, đừng như Ca-in, nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình (1 Ga 3,11-12). Như vậy tội giết em ngay từ khởi nguyên lịch sử là một bằng chứng đáng buồn về cách thức mà theo đó sự dữ phát triển nhanh chóng đến mức kinh ngạc: thêm vào sự phản nghịch của con người chống lại Thiên Chúa nơi vườn địa đàng, là cuộc tử chiến của con người chống lại con người.
Sau khi xảy ra tội ác, Thiên Chúa can thiệp để trả thù cho nạn nhân. Đối diện với Thiên Chúa, Đấng hạch hỏi hắn về số phận của Abel, Ca-in, thay vì tỏ ra bối rối và cầu xin ơn tha thứ, lại kiêu căng tránh né vấn đề: “Tôi không biết. Tôi là người bảo vệ em tôi sao?” (St 4,9) - “Tôi không biết”: Ca-in gian dối tìm cách che đậy tội ác. Chính như vậy đó mà điều này đã thường xảy ra và vẫn còn xảy ra khi những lý luận rất khác biệt nhau đang được dùng để biện minh và bao che cho những tội ác ghê tởm nhất vẫn luôn mãi chống lại con người. “Tôi là người bảo vệ em tôi sao?” - Ca-in không màng nghĩ đế em mình và từ chối lãnh nhận trách nhiệm của mọi người về một người. Tức khắc ta nghĩ đến những khuynh hướng hiện tại đang làm cho con người quên mất trách nhiệm của mình đối với đồng loại: ta có rất nhiều triệu chứng, trong số đó là triệu chứng mất tình liên đới đối với những thành phần yếu đuối nhất của xã hội như những người lớn tuổi, bệnh nhân, người tị nạn, trẻ em; tiếp đến là triệu chứng vô cảm mà ta thường nhận thấy trong các mối quan hệ giữa các dân tộc, ngay cả khi liên quan đến những giá trị căn bản như sự sống, tự do và hoà bình.
9. Nhưng Thiên Chúa không thể để cho tội ác không bị trừng phạt: từ mặt đất nơi máu đã đổ ra, máu của nạn nhân kêu nài Thiên Chúa thực thi công lý (x. St 37,26; Is 26,21; Ed 24,7-8). Từ bản văn này, Giáo Hội đã rút ra cách nói: “Tội lỗi kêu nài Thiên Chúa báo thù”, và Giáo Hội bao gồm trong đó trước tất cả, tội cố ý sát nhân (12). Đối với dân Do Thái cũng như đối với nhiều dân tộc thời Thượng Cổ, máu chính là sự sống” (Đnl 12,23) và sự sống, nhất là con người, chỉ thuộc quyền Thiên Chúa; bởi vậy ai xâm phạm đến sự sống con người thì, một cách nào đó, xâm phạm đến chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa chúc dữ Ca-in và ngay cả ruộng đất cũng chẳng cho hắn hoa trái (x. St 4,11-12). Và Ca-in bị trừng phạt: hắn đến ở trong đồng hoang và sa mạc. Bạo lực giết nguời thay đổi tận gốc khung cảnh cuộc sống con người. Ruộng đất, trước kia là “Vườn Eden” (St 2,15), nơi phì nhiêu sung túc, nơi gặp gỡ thanh thản và thân tình giữa con người với Thiên Chúa, giờ đây trở nên “Xứ Nod” (St 4,16), chốn “cùng cực”, hoang vắng và xa cách Thiên Chúa. Ca-in sẽ là “kẻ lang thang khắp cùng trái đất” (St 4,14): sự bất ổn, tính thất thường không ngừng đeo đuổi hắn.
Thế nhưng Thiên Chúa, Đấng luôn luôn nhân hậu ngay cả khi Ngài trừng phạt, “đặt một dấu trên Ca-in, để người đầu tiên bắt gặp, không giết hắn” (St 4,15): Thiên Chúa ban cho Ca-in một dấu đặc biệt, không nhằm mục đích đày đoạ cho hắn bị những người khác ruồng rẫy, mà để hắn được bảo vệ và bênh vực khỏi những kẻ muốn giết hắn, dù là để trả thù cho cái chết của Aben. Tuy là tên sát nhân, nhưng Ca-in vẫn giữ phẩm giá cá biệt của mình và chính Thiên Chúa bảo đảm cho phẩm giá đó. Rõ ràng ở đây biểu lộ huyền nhiệm trái nghịch của sự công bằng đầy khoan dung của Thiên Chúa, như thánh Ambrôsiô đã viết: “Vừa khi xảy ra cuộc huynh đệ tương tàn, tức là tội nặng nhất trong các thứ tội, đúng vào lúc mà tội lỗi len lỏi vào, tức khắc giới luật khoan dung của Thiên Chúa được mở rộng: vì rằng, nếu phạm nhân bị trừng trị ngay lập tức, thì loài người, khi họ trừng phạt, cũng sẽ không thể tỏ ra khoan dung nhân hậu, mà họ sẽ thẳng tay trừng trị ngay phạm nhân. (…) Thiên Chúa đuổi Ca-in đi xa khỏi mặt Ngài và, bởi vì hắn bị thân nhân ruồng bỏ, Thiên Chúa đưa hắn đi xa giống như đày hắn vào nơi cách ly, vì lẽ hắn đã để mất sự ôn hoà hiền hậu của loài người mà mặc lấy sự hung dữ tàn bạo của loài thú hoang dã. Dù vậy, Thiên Chúa không muốn trừng phạt tên sát nhân bằng sự sát nhân, bởi vì Ngài muốn tội nhân ăn năn hối lỗi hơn là phải chết” (13).
“Ngươi đã làm gì thế?” (St 4,10)
Thiếu vắng giá trị của sự sống.
10. Chúa phán bảo Ca-in: “Người đã làm gì thế? Hãy nghe tiếng máu của em ngươi đã từ đất kêu đến ta” (St 4,10). Tiếng máu do tay con người đổ ra không ngừng kêu than, từ đời nọ sang đời kia, vang lên những cung điệu, những âm sắc khác nhau và luôn luôn mới mẻ.
Câu Chúa hỏi: “Ngươi đã làm gì thế?” mà Ca-in không thể tránh né, cũng là câu Chúa hỏi con người thời nay, để con người ý thức về sự lan rộng và tính nghiêm trọng của mọi xâm phạm đến sự sống đang tiếp tục ghi dấu sâu đậm trên lịch sử loài người. Câu hỏi ấy được gửi tới con người để họ tìm ra vô số nguyên nhân gây nên và nuôi dưỡng những xâm phạm nầy, và để họ suy nghĩ một cách hết sức nghiêm túc về những hậu quả từ đó phát sinh cho sự tồn tại của mọi người và mọi dân tộc.
Một số đe doạ đến từ thiên nhiên, và thường thuờng con người có thể cữu vãn được, nhưng chúng lại trở nên trầm trọng hơn bởi con nguời cố tình chểnh mãng, không lo chạy chữa; có những đe doạ khác, trái lại, đã xảy đến từ những tình trạng bạo động, hận thù hoặc từ những quyền lợi đối nghịch xô đẩy nhóm người này tấn công nhóm người kia, lao mình vào tội giết người, vào chiến tranh, vào các cuộc chém giết hoặc những cuộc diệt chủng.
Và làm sao không kể đến bạo lực chống lại sự sống của hàng triệu sinh linh, nhất là của trẻ em, là nạn nhân của sự bần cùng, thiếu dinh dưỡng và đói khát, nguyên do vì sự phân phối của cải không công bằng giữa các dân tộc và giữa các giai cấp xã hội? Hoặc là, ngay trước khi xuất hiện trong chiến tranh, bạo lực đã gắn liền với việc mua bán các loại vũ khí, tạo thuận lợi cho cuộc leo thang của biết bao xung đột quân sự đẫm máu trên thế giới ? Hay còn nữa, việc truyền bá các mầm mống của sự chết được tác động bởi sự xuống cấp vô tâm của những cân bằng sinh thái, bởi sự bành trướng đầy tội ác của ma tuý hay bởi việc khuyến khích các loại hình sinh hoạt tính dục mà, ngoài việc chúng không thể được chấp nhận về phương diện luân lý, chúng còn cho thấy trước những hiểm hoạ nặng nề đối với sự sống ? Không thể nào kể ra cho hết được một tràng dài những đe doạ chống lại sự sống con người, vì trong thời đại chúng ta những đe doạ ấy được che đậy dưới rất nhiều hình thức, hoặc được công bố rõ ràng hoặc ém nhẹm phỉnh gạt.
11. Nhưng chúng ta, muốn đặc biệt tập trung chú ý về một loại hình thức khác của những việc xâm phạm, liên quan đến sự sống vừa mới nẩy sinh cũng như sự sống vào những giờ phút cuối cùng; những thứ xâm phạm này mang những đặc trưng mới mẻ so với quá khứ và khơi dậy nhiều vấn đề đặc biệt nghiêm trọng: bởi sự việc chúng hướng tới chỗ làm biến mất đi khỏi lương tâm quần chúng tính cách “tội ác” của chúng, và mặc lấy một cách trái nghịch tính cách “quyền lợi”, đến nỗi người ta đòi hỏi từ phía Nhà nước một sự công nhận đích thật, thực chất và hợp pháp và, tiếp theo đó, đòi hỏi được đưa ra thực hiện nhờ vào sự can thiệp không phải trả tiền của chính các nhân viên y tế. Những sự xâm phạm ấy đánh thẳng vào sự sống con người trong những hoàn cảnh hết sức bấp bênh, khi mà sự sống thiếu mọi khả năng tự vệ. Sự việc càng nghiêm trọng hơn nữa khi mà, phần lớn những xâm phạm này được thực hiện ngay bên trong gia đình, nơi mà, trái lại do bởi cơ cấu của nó, được gọi là “cung thánh của sự sống”.
Làm sao người ta có thể đi đến một tình trạng như thế ? Phải để ý đến nhiều yếu tố. Ở hậu trường là sự khủng hoảng sâu sắc của nền văn minh làm nẩy sinh mối hoài nghi đối với chính mình những nền tảng của tri thức và luân lý đạo đức, và ngày càng gây khó khăn đối với cảm nhận rõ ràng ý thức về con người, về những quyền lợi, bổn phận của con người. Thêm vào đó những khó khăn rất khác biệt trong cuộc hiện sinh, trong giao tiếp, được đánh dấu bởi thực tế của một xã hội hỗn tạp trong đó các cá nhân, các cặp vợ chồng, các gia đình thường thường bị đơn độc trước những vấn đề của họ. Cũng có những hoàn cảnh nguy cập vì nghèo khổ, lo âu hay cùng cực trong đó sức cố gắng để sinh tồn đã quá mức, nỗi đau đã vượt sức chịu đựng, trong đó những bạo lực phải chịu, đặc biệt những bạo lực xúc phạm đến phụ nữ, đòi buộc, đôi khi tới mức anh hùng, những sự lựa chọn nhằm bênh vực và thăng tiến sự sống.
Tất cả điều đó cho thấy, ít ra một phần, rằng ngày nay có thể là như đang thiếu vắng giá trị của sự sống, dù rằng lương tâm không ngừng phơi bày sự sống là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Chính từ sự kiện đó, người ta nhận thấy phải cố gắng che giấu một số những xúc phạm đối với sự sống, với sự sống vừa nảy sinh hoặc đối với sự sống ở vào những giây phút cuối cùng, bằng những thuật ngữ vay mượn ở ngữ vựng về sức khoẻ nhằm đánh lạc hướng cái nhìn về vấn đề trong cuộc là quyền sinh tồn của một con người cụ thể.
12. Thực ra, nếu nhiều khía cạnh quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay có thể giải thích bằng một cách nào đó bầu khí luân lý bất ổn mù mờ và đôi khi giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân nơi một số người, thì cũng không kém phần chân thực rằng chúng ta đang đối đầu với một thực tại rộng lớn hơn mà người ta có thể coi như là một cơ cấu thực thụ của tội lỗi, đặc trưng bởi ưu thế của một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới, nền văn hoá nầy tự biểu lộ trong nhiều trường hợp như một “nền văn hoá thực thụ của sự chết”. Nền văn hoá sự chết này được tích cực khích lệ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị mang phần nào quan niệm thực dụng của xã hội.
Nhìn vào các sự việc theo quan điểm trên, ta có thể, bằng một cách nào đó, nói về một cuộc chiến của những kẻ có quyền lực chống lại những kẻ yếu đuối; sự sống đáng lý cần đượcc tiếp đón, yêu thương và chăm sóc, thì bị xem là vô tích sự hoặc bị coi như một gánh nặng không kham nổi, và bởi vậy sự sống bị từ chối bằng nhiều cách. Do đau ốm, tật nguyền hay đơn giản hơn nhiều, do chính sự có mặt của mình, ai mà động chạm đến sự yên thân hay những tập quán sinh sống của những người được ưu đãi hơn, sẽ bị coi như một kẻ thù cần phải đề phòng hoặc phải loại bỏ. Như thế bung ra một “âm mưu chống lại sự sống”. Âm mưu này không chỉ liên quan đến con người trong những mối quan hệ cá nhân, gia đình hoặc đoàn thể mà còn đi xa hơn nữa, đến độ lay chuyển và làm biến dạng, trên bình diện quốc tế, những quan hệ giữa các dân tộc và giữa các chính phủ.
13. Để tiếp tay cho việc thực hiện phá thai được lan rộng hơn, người ta đã đầu tư và tiếp tục đầu tư những số tiền đáng kể nhằm cập nhật việc bào chế các loại thuốc có thể giết chết phôi thai ngay trong bụng mẹ mà không cần phải nhờ đến bác sĩ. Về điểm nầy, chính sự nghiên cứu khoa học xem ra gần như chỉ chuyên tâm sản xuất những dược phẩm mỗi ngày mỗi đơn giản và hữu hiệu hơn chống lại sự sống và, đồng thời, có khả năng tránh cho sự phá thai khỏi mọi hình thức kiểm soát và trách nhiệm xã hội.
Người ta thường xác quyết rằng việc ngừa thai, đã trở nên chắc chắn có kết quả và dễ thực hiện đối với mọi người là phương cách hữu hiệu nhất để khỏi phá thai. Người ta cũng tố cáo Giáo hội Công giáo trong thực tế đang ủng hộ phá thai bởi vì Giáo Hội không ngừng cương quyết truyền dạy tính bất hợp pháp về luân lý của việc ngừa thai. Nhìn kỹ vấn đề, lời tố cáo này thực ra lại đáng quí. Quả thực, có thể rằng nhiều trong số những người sử dụng các phương tiện ngừa thai, cũng có ý tránh chuớc cám dỗ phá thai về sau. Nhưng mà những giá trị trái ngược hiện hữu trong “tầm mức ngừa thai” rất khác biệt với công việc đầy trách nhiệm của tình cha tình mẹ, thực hiện trong sự tôn trọng lẽ phải toàn vẹn của hành vi hôn nhân. Những giá trị trái ngược đó càng làm cho chước cám dỗ phá thai trở nên mãnh liệt, khi phải đối đầu với sự cưu mang ngẫu nhiên một sự sống không được mong ước. Kỳ thực, nền văn hoá thúc đẩy đến việc phá thai đã đặc biệt phát triển trong các giới từ chối giáo huấn của Giáo Hội về việc ngừa thai. Thực vậy, về phương diện luân lý, ngừa thai và phá thai là những điều ác có biệt tính khác nhau: ngừa thai đối kháng với lẽ phải toàn vẹn của hành vi tính dục như cách biểu lộ đặc trưng của tình yêu trong hôn nhân, còn phá thai thì huỷ diệt sự sống của một con người; ngừa thai đối nghịch với nhân đức khiết tịnh trong hôn nhân, phá thai đối nghịch với nhân đức công bằng và vi phạm trực tiếp giới răn của Thiên Chúa: “Chớ giết người”.
Nhưng mà, ngay với bản chất và trách nhiệm luân lý khác biệt này, ngừa thai và phá thai rất thường liên kết chặt chẽ với nhau như những trái của cùng một cây. Thật ra thì cũng có những trường hợp trong đó người ta phảl đi đến ngừa thai và ngay cả phá thai vì sự thúc bách của nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên những khó khăn nầy không bao giờ có thể châm chước việc tuân giữ trọn vẹn giới luật của Thiên Chúa. Nhưng mà, trong rất nhiều trường hợp khác, việc thực hành ngừa thai và phá thai đang đâm rễ sâu vào tâm lý hưởng thụ khoái lạc và sự vô trách nhiệm trong vấn đề tính dục; những việc thực hành nầy giả thiết một quan niệm ích kỷ về tự do, chỉ thấy trong việc sinh đẻ một trở ngại cho sự phát triển nhân vị của mỗi người. Như thế sự sống đã có thể nảy sinh từ quan hệ tính dục lại trở thành kẻ thù cần phải tuyệt đối tránh xa; và phá thai trở nên giải pháp duy nhất có thể và là phương cách xử lý trong trường hợp bị vỡ kế hoạch.
Tiếc thay, ngày càng bộc lộ lõ nét sự liên quan chặt chẽ mà ta thường bắt gặp trong mọi tâm trạng giữa việc thực hành phá thai và ngừa thai; và điều này càng được xác định một cách báo động bởi sự cập nhật việc bào chế các chất hoá học, các dụng cụ đặt trong tử cung và các thứ vác-xanh; những thứ đó càng được phân phát dễ dàng như các phương tiện tránh thai ngay từ giai đoạn phát triển đầu tiên của sự sống nơi một con người mới.
14. Ngay cả các kỹ thuật truyền sinh nhân tạo khác nhau là những kỹ thuật duờng như phục vụ sự sống và là những thực hành nhắm đến mục tiêu này, thực tế cũng đang mở ra những cách thức mới chống lại sự sống. Ngoài việc các kỹ thuật này không thể chấp nhận được về mặt luân lý bởi vì chúng tách rời sự truyền sinh thuộc lãnh vực hoàn toàn nhân bản khỏi hành vi vợ chồng (14), chúng còn có tỷ lệ thất bại cao, không những trong việc thụ tinh mà còn trong việc phát triển sau này của phôi, có nguy cơ tử vong trong thời gian thường là rất ngắn. Hơn nữa, đôi khi người ta sản xuất phôi với số lượng nhiều hơn nhu cầu để cấy vào tử cung của phụ nữ và các “phôi dư” này, như người ta gọi, sau đó bị loại bỏ hoặc được dùng như những cuộc nghiên cứu dưới danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học hoặc y học. Thực ra đây là những cuộc nghiên cứu biến sự sống con người thành một thứ "chất liệu sinh học" đơn giản mà người ta có thể tuỳ ý sử dụng một cách tự do.
Việc chẩn đoán tiền sản, không làm nổi lên những khó khăn luân lý nếu nó được thực hiện để xác định những săn sóc nếu có đối với em bé chưa sinh ra, lại trở nên rất thường trở nên dịp để đề nghị phá thai và gây ra phá thai. Chính việc phá thai có tính cách ưu sinh, mà việc hợp pháp hoá trong dư luận chung phát sinh từ một tâm trạng - được nhận thức sai lầm rằng đó là hoà hợp với những đòi hỏi “chữa bệnh" – chỉ tiếp đón sự sống theo một số điều kiện nào đó và từ chối sự giới hạn, tàn phế, tật nguyền.
Trong khi theo đuổi cùng cái logíc đó, người ta đi đến chỗ từ chối những săn sóc thông thường sơ đẳng nhất và ngay cả thức ăn đối với những trẻ em sinh ra đã mang tật nguyền hoặc những chứng bệnh nặng. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay còn trở nên bối rối hơn nữa vì những đề nghị được đưa ra đây đó trong cùng lãnh vực của quyền phá thai, cả đến giết con mới sinh nữa, là điều làm quay trở lại một giai đoạn man rợ mà người ta hy vọng đã vượt qua vĩnh viễn rồi.
15. Những đe doạ không kém nặng nề cũng đè nặng trên những người mắc bệnh bất khả trị và trên những người hấp hối, trong một bối cảnh xã hội và văn hoá là bối cảnh, khi gia tăng sự khó khăn trong việc đương đầu và chịu đựng đau khổ, đã làm cho mạnh mẽ hơn cám dỗ giải quyết vấn đề đau khổ bằng cách loại bỏ sự đau khổ đến tận gốc bằng việc giúp cho chết sớm đi vào lúc được xem là thuận tiện nhất.
Xét đến sự chọn lựa này, thường cũng gặp những yếu tố có bản chất khác nhau là những yếu tố, tiếc thay, đồng quy ở kết cục kinh khủng do kinh nghiệm đau đớn dữ dội và kéo dài, có thể có tính cách quyết định. Điều này thử thách thế quân bình đôi khi không vững vàng của cuộc sống cá nhân và gia đình, bởi vì, một đàng, bệnh nhân có nguy cơ cảm thấy bị đè nặng do sự mỏng dòn của mình mặc dù hiệu quả ngày càng cao của cơ quan y tế và cứu tế xã hội; đàng khác, bởi vì, nơi những người có liên hệ trực tiếp với bệnh nhân, điều này có thể tạo nên một tình cảm thương xót có thể được cảm nhận rõ mặc dù tình cảm đó bị hiểu sai. Tất cả những điều đó làm cho ra trầm trọng do môi trường văn hoá không nhận thức được ý nghĩa cũng như giá trị nào trong đau khổ, trái lại xem đau khổ là điều ác tiêu biểu nhất phải loại bỏ bằng bất cứ giá nào; điều đó đặc biệt được gặp thấy trong các trường hợp không có một quan điểm tôn giáo nào để có thể giúp hiểu một cách tích cực mầu nhiệm đau khổ.
Nhưng trong toàn bộ bối cảnh văn hoá, cũng không thiếu sự cân nhắc việc con người có thái độ của thần Promêthê tin có thể tự phong mình là chủ của sự sống và sự chết, bởi vì con người định đoạt chúng, trong khi thực tế con người bị thua và bị đè bẹp do một cái chết đóng lại mọi viễn tượng về ý nghĩa và hy vọng một cách không thể đảo ngược được. Chúng ta thấy điều này biểu lộ một cách bi thảm trong việc phát triển cái chết êm dịu có tính cách che giấu và lừa lọc, hoặc được thực hiện công khai và thậm chí được hợp pháp hoá. Ngoài việc được xem là thương bệnh nhân bị đau khổ, đôi khi cái chết êm dịu được biện minh bằng lợi ích, đó là tránh cho xã hội những tiêu tốn phi sản xuất. Như thế người ta dự kiến loại bỏ các trẻ sơ sinh dị dạng, các người tàn tật nặng hoặc không có khả năng, các người già, nhất là nếu họ không có tự do, và các bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối. Chúng ta không được phép im lặng trước những hình thức chết êm dịu khác xảo trá hơn nhưng không kém trầm trọng và có thực. Những hình thức này có thể được trình bày chẳng hạn như nếu, để có được nhiều hơn nữa các bộ phận trong cơ thể cho việc ghép ráp, người ta tiến hành lấy các bộ phận này mà không tôn trọng các tiêu chuẩn khách quan thích hợp để xác minh rằng người hiến tặng thực sự đã chết.
16. Thông thường các đe doạ và xâm phạm sự sống được liên kết với một hiện tượng có tính thời sự, đó là hiện tượng dân số. Hiện tượng này xảy ra mỗi nơi mỗi khác trên trái đất: tại các nước giầu và phát triển, người ta ghi nhận sinh suất giảm sút một cách đáng lo ngại, ngược lại, thường thường các nước nghèo có tỉ lệ gia tăng dân số cao, khó có thể chịu đựng được trong bối cảnh phát triển thấp về mặt kinh tế và xã hội, hoặc thậm chí dưới mức phát triển trầm trọng. Đứng trước tình trạng dân số quá đông của các nước nghèo, thì, trên bình diện quốc tế hiện đang thiếu những sự can thiệp có tính cách toàn cầu - như các chính sách gia đình và xã hội nghiêm túc, các chương trình phát triển văn hoá cũng như việc sản xuất và phân phối tài nguyên một cách công bằng -, trong khi đó người ta lại tiếp tục thực hiện các chính sách chống sinh sản.
Ngừa thai, triệt sản và phá thai dĩ nhiên phải được kể vào trong số nguyên nhân góp phần vào việc gây ra các tình hình chống sinh sản một cách mạnh mẽ. Người ta có thể dễ dàng bị cám dỗ dùng đến các phương pháp này và những xâm phạm đến sự sống trong các hoàn cảnh “bùng nổ dân số”.
Cảm thấy lo lắng do sự hiện diện và sinh sôi nẩy nở của con cái Israel, vua Ai Cập thời cổ đại tìm mọi cách đàn áp họ và ra lệnh giết tất cả các con trai do những người phụ nữ Do Thái sinh ra (x. Xh 1,7-22). Nhiều người có quyền lực trên thế giới hiện nay cũng xử sự theo cách đó. Họ cũng cảm thấy lo lắng về sự phát triển dân số hiện tại và họ sợ các dân tộc sinh sản nhiều nhất và nghèo nhất đang đe doạ sự sung túc và sự yên ổn của đất nước họ. Do đó thay vì muốn đương đầu và giải quyết các vấn đề nghiêm trọng này trong sự tôn trọng phẩm giá của con người và của gia đình, cũng như sự tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của mọi người là được sống, thì họ lại muốn làm mọi cách thúc đẩy và áp đặt một sự kế hoạch hoá rộng rãi việc sinh sản. Có một điều kiện bất công đó là người ta sẵn sàng viện trợ nhân đạo nếu nước nhận viện trợ chấp nhận chính sách chống sinh sản.
17. Nhân loại thời nay bày ra một cảnh tượng thật sự đáng báo động khi chúng ta không chỉ nhìn vào những lĩnh vực khác nhau trong đó những vi phạm chống lại sự sống đang phát triển mà còn số lượng những xâm phạm này nữa, cũng như sự hỗ trợ và nhất trí mạnh mẽ của xã hội, của luật pháp, của một bộ phận nhân viên y tế.
Như tôi đã nhấn mạnh điều này tại Denver nhân dip ngày Quốc tế giớí trẻ lần thứ VIII, “các đe doạ chống lại sự sống không giảm bớt theo thời gian. Trái lại, chúng mang những chiều kích to lớn. Đây không chỉ là những đe doạ đến từ bên ngoài, từ những sức mạnh của thiên nhiên hoặc của những “Cain” giết chết những "Abel"; không, đây là những đe doạ được soạn thảo một cách khoa học và có hệ thống. Thế kỷ thứ 20 sẽ là một thời kỳ tấn công rộng rãi chống lại sự sống, một loạt vô tận những cuộc chiến đấu và một sự tàn sát thường xuyên sự sống của những con người vô tội. Các tiên tri giả và các ông thầy giả đã thu được thành công lớn nhất (15). Ngoài những mục tiêu có thể là đa dạng, và có tính thuyết phục cả đến nhân danh tình liên đới, thực ra chúng ta đang đứng trước một điều khách quan đó là “âm mưu chống lại sự sống”, trong đó người ta thấy bao gồm những thể chế quốc tế gắn liền với việc cổ võ và vạch ra những chiến dịch thực sự nhằm phổ biến ngừa thai, triệt sản và phá thai. Cuối cùng, người ta không thể chối cãi rằng các phương tiện truyền thông thường đồng loã với âm mưu này bằng cách truyền bá trong dư luận quần chúng một tâm trạng coi việc sử dụng ngừa thai, triệt sản, phá thai và thậm chí chết êm dịu như một dấu hiệu của sự tiến bộ và chinh phục tự do, trong khi người ta mô tả những quan điểm vô điều kiện ủng hộ sự sống như là những kẻ thù của tự do và tiến bộ.
-----
(10) Số 2259.
(11) Xem Bàn về No ê của Thánh Ambrôsiô, 26,94-96.
(12) Xem sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1867 và 2268.
(13) Bàn về Cain và Abel, II,10,38.
0 Nhận xét