Việt Nam: Tình trạng tử vong và chấn thương khi bị công an giam giữ phổ biến ở Việt Nam
16-09-2014
(Bangkok, ngày 16 tháng Chín năm 2014) –
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định qua bản phúc trình được công bố
hôm nay rằng tình trạng công an bạo hành những người bị câu lưu, giam
giữ, thậm chí trong một số trường hợp gây tử vong, xảy ra trên khắp các
vùng miền ở Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng chính quyền Việt Nam cần hành
động ngay lập tức để chấm dứt những cái chết mờ ám trong thời gian bị
giam giữ và tình trạng công an dùng nhục hình với những người bị giam,
giữ.
anh Ngô Thanh Kiều bị tra tấn đến chết với hình ảnh thương tâm như thế này trong khi anh không có tội gì và mới là người bị tình nghi- ảnh Người Lao Động |
Bản phúc trình dài 23 trang, với tiêu đề “Công bất an:
Những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở
Việt Nam,” trình bày một số vụ điển hình về nạn bạo hành của công an dẫn
tới tử vong hoặc chấn thương nặng cho những người bị giam giữ, tính từ
tháng Tám năm 2010 đến tháng Bảy năm 2014. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
ghi nhận tình trạng bạo hành tại 44 trong số 58 tỉnh, trải khắp các vùng
miền khác nhau ở Việt Nam và ở cả năm thành phố lớn.
“Vùng miền nào ở Việt Nam cũng có tình
trạng công an bạo hành dã man những người bị giam, giữ,” ông Phil
Robertson, Phó Giám đốc Phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
nói. “Đó là một vấn nạn nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đang đối
mặt, cần phải điều tra và bắt đầu truy cứu trách nhiệm những công an
hành vi bạo hành.”
Phúc trình được dựa trên kết quả tập hợp
và phân tích thông tin của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền từ các tờ báo
tiếng Việt do nhà nước quản lý, cùng với các tin bài từ các blog độc
lập, báo chí công dân và các hãng thông tấn nước ngoài. Rất nhiều sự vụ nêu trong phúc trình
chưa từng được công bố bằng tiếng Anh. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng
tiến hành khảo cứu tại Việt Nam để chuẩn bị cho phúc trình, nhưng cuối
cùng quyết định không phỏng vấn các nạn nhân và nhân chứng ở đó, vì gần
như chắc chắn việc đó sẽ dẫn tới hậu quả là những người trả lời phỏng
vấn sẽ bị trả đũa.
Trong nhiều trường hợp, những nạn nhân
bị chết trong khi công an giam giữ chỉ bị câu lưu vì những lỗi nhỏ.
Trong vụ việc xảy ra vào tháng Tám năm 2012, công an đánh Nguyễn Mậu
Thuận, ở Hà Nội, đến chết sau khi ông bị bắt giữ chỉ ba tiếng đồng hồ
trước đó vì một xích mích nhỏ với hàng xóm. Tháng Tám năm 2010, công an
đánh đập và xịt hơi ca, khiến ông Lê Phúc Hùng ở Gia Lai tử vong trong
khi tạm giữ vì bị nghi ăn trộm cuộn ống nước.
Nguyên nhân do phía công an đưa ra cho
những cái chết như trên thường làm dấy lên nghi ngờ và tạo ấn tượng về
sự bao che có hệ thống. Theo tuyên bố của công an thì đã có tới hàng
chục người, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, đã tự
tử bằng cách treo cổ hay những cách khác. Trong các vụ việc khác, công
an chỉ đưa ra những lời giải thích chung chung và thiếu tính thuyết
phục, như trường hợp của Nguyễn Văn Đức ở tỉnh Vĩnh Long. Theo kết quả
giảo nghiệm tử thi, anh bị chết vì tụ máu não và các chấn thương khác,
nhưng công an cho rằng nguyên nhân của chấn thương là do các bác sĩ “quá
mạnh tay” trong khi cấp cứu. Con số những người được cho là chết vì
bệnh tật trong khi giam giữ lớn đến mức đáng ngạc nhiên, dù nhiều người
trong số họ đang trẻ khỏe, trong độ tuổi 20 và 30. Tình trạng bị chấn
thương trong thời gian bị công an giam giữ cũng thường xuyên được ghi
nhận ở khắp các địa phương trong cả nước.
Một số nạn nhân sống sót nói rằng họ bị
đánh để ép nhận tội, đôi khi về những hành vi họ khẳng định không hề
thực hiện. Tháng Bảy năm 2013, công an tỉnh Sóc Trăng đánh và ép sáu
người nhận tội giết người. Nhiều người khác cho biết họ bị đánh vì dám
lên tiếng phê phán hay cố cãi lý với công an. Trong số nạn nhân của
những vụ đánh đập có cả trẻ vị thành niên và người mắc bệnh tâm thần.
Báo chí trong nước đưa tin về những sự
vụ này một cách không đồng đều, gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng
về tác động tiêu cực của tình trạng báo chí bị chính quyền kiểm soát.
Trong một số vụ, báo chí đưa tin sát sao và chi tiết, vạch rõ những nội
dung bất nhất trong các thông cáo và những sai phạm của công an, như
trong vụ Nguyễn Công Nhựt, người được cho là đã “tự tử” trong đồn công
an ở tỉnh Bình Dương vào tháng Tư năm 2011. Nhưng ngược lại, có những vụ
quan trọng khác không hề được báo chí đăng tải, như cái chết của Hoàng
Văn Ngài, người dân tộc thiểu số H’Mong vào tháng Ba năm 2013 ở tỉnh Đắk
Nông. Các nhà báo cũng cho biết, trong một số vụ, chính quyền địa
phương cản trở báo chí tiếp cận gia đình nạn nhân để phỏng vấn.
“Việt Nam nên để cho báo chí làm công
việc điều tra và đưa tin về những vụ lạm quyền của chính quyền,” ông
Robertson nói. “Báo chí độc lập có thể giúp đưa ra ánh sáng những vụ
việc dễ bị ỉm đi.”
Công an gây ra các sai phạm nghiêm
trọng, thậm chí chết người, ít khi phải đối mặt với hậu quả tương xứng.
Trong nhiều trường hợp được chính thức công nhận là bạo hành, những công
an liên quan chỉ bị kỷ luật nội bộ nhẹ nhàng, như phê bình hay khiển
trách. Hiếm khi có chuyện hạ cấp bậc, thuyên chuyển hay buộc ra khỏi
ngành, còn bị truy tố và kết án thì càng hiếm hơn nữa. Ngay cả những
trường hợp bị khởi tố và kết án, công an dường như cũng được nhận những
mức án nhẹ hoặc được hưởng án treo.
Trong một vụ, công an liên quan còn được thăng chức sau khi gây ra bạo hành. Vào tháng Bảy năm 2010, phó công an xã Nguyễn Hữu Khoa ở La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội)
bị tố cáo đã đánh đập một tài xế xe tải tên là Nguyễn Phú Sơn. Không rõ
vụ việc được điều tra, xử lý như thế nào mà tới tháng Mười Hai năm đó,
Nguyễn Hữu Khoa đã được thăng chức trưởng công an xã.
“Việt Nam cần nhanh chóng điều tra một
cách vô tư về tất cả những khiếu tố liên quan đến công an bạo hành, và
có hành động mạnh khi các bằng chứng thể hiện rõ hành vi bạo hành,” ông
Robertson nói. “Chừng nào công an chưa nhận được một tín hiệu dứt khoát,
rõ ràng từ các cấp lãnh đạo cao nhất của chính quyền rằng bạo hành sẽ
không được dung thứ, thì người dân thường còn bất an khi bị rơi vào tay
công an.”
Trong một số vụ việc, Tổ chức Theo dõi
Nhân quyền nhận thấy rằng công an bắt người chỉ dựa trên những nghi vấn
mơ hồ, không có bằng chứng kèm theo, sau đó đánh đập để ép buộc họ thú
tội. Công an thường xuyên bỏ qua trình tự pháp lý cần thiết để bảo vệ
người dân khỏi bị ngược đãi hay bắt giữ tùy tiện, và ngăn cản luật sư và
người trợ giúp pháp lý tiếp cận ngay lập tức với thân chủ của mình.
“Tất cả những người bị bắt giữ cần phải
được phép tiếp xúc ngay lập tức và không bị cản trở với luật sư của mình
để giảm thiểu nguy cơ bị công an bạo hành trong khi thẩm vấn,” ông
Robertson phát biểu.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định
rằng chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức đưa ra chính sách không dung
thứ đối với hành vi bạo hành của công an, cung cấp các chương trình huấn
luyện tốt hơn cho công an ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp xã, và lắp
đặt hệ thống máy ghi hình ở những cơ sở thẩm vấn và tạm giam. Chính
quyền cũng cần tạo điều kiện tăng cường vai trò của trợ giúp pháp lý đối
với những nghi can và người bị tạm giữ, đồng thời bảo đảm tự do ngôn
luận của nhà báo và trên mạng internet.
Chính quyền cần thành lập một ủy ban độc
lập về các khiếu tố đối với công an để xem xét và điều tra tất cả các
khiếu tố về bạo hành và sai phạm của công an, và tạo điều kiện ở cấp cao
nhất cho việc tiến hành các cuộc điều tra nhanh chóng, vô tư, và việc
truy tố xét xử những hành vi sai phạm và bạo hành của công an.
“Các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các nhà
tài trợ nước ngoài đang hỗ trợ Việt Nam thiết lập chế độ pháp quyền
không nên để những hành xử lạm quyền của công an được duy trì,” ông
Robertson nói. “Cần phải có những tiếng nói đồng loạt, tạo sức ép buộc
chính quyền hành động để chấm dứt nạn công an bạo hành.”
0 Nhận xét