Bài Học Khiêm Nhường
(Lc 14, 1. 7-11)
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Thánh Martinô De Porrès, Tu Sĩ (1569-1639)
Martinô là kết quả của một cuộc hôn nhân không chính thức, vì thế ngay từ nhỏ, ngài đã bị mang tiếng xấu là đứa con ngoại tình. Thuộc hàng nô lệ da đen, nhưng ngài chọn ngay sự xấu xa, hèn hạ này để tiến đức.
Năm 22 tuổi, Martinô vào dòng Ða Minh với tư cách người giúp việc. Nhưng Bề Trên nhà dòng thấy ngài có nhiều nhân đức nổi bật nên đã chọn làm trợ sĩ và đã được khấn trọn đời. Từ đó, ngài chuyên lo giúp đỡ người nghèo khó, ốm đau, nhất là hạng người nô lệ da đen. Ngài cũng giúp họ nhận biết rằng tất cả mọi người bình đẳng trước nhan thánh Người.
Martinô ngay từ nhỏ đã được nhiều ơn đặc biệt như nói tiên tri, làm phép lạ, ngất trí. Ðằng khác, ngài còn có trí thông minh khác thường.
Sau những ngày phục vụ Chúa qua những người sống chung quanh, ngài đã yên nghỉ trong Chúa.
Năm 1836, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô XVI đã phong ngài hàng Chân Phước và Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tôn lên bậc Hiển Thánh năm 1962.
Suy Niệm: Bài Học Khiêm Nhường
Sống
trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi
những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để
đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho
mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin
Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ
hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Thật
thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà
một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức
chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời
gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót:
khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân
vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi
vào chỗ cuối.
Xét
bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là
việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn
chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu
tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là
một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.
Lời
khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với
Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc
mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt
ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi
xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên
Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ
và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao
trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa
chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Với
lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra
cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường
khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé
trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
0 Nhận xét