Phần 7: Lời kể của nạn nhân
Ông Trần Anh Kim, hiện đang sống tại Thái Bình, có ông nội, bác
và bố là nạn nhân của cụôc cải cách ruộng đất, bị quy là quốc dân đảng
và địa chủ, bị đem ra đấu tố và xử tội. Ông Kim sẽ kể lại câu chuyện đau
thương này của gia đình ông qua cuộc phỏng vấn do Việt Hùng thực hiện.
|
hình ảnh một cuộc đấu tố |
Việt Hùng: Lập lại trang sử về cuộc cải cách ruộng đất, trường hợp gia đình ông như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Anh Kim: Ông nội tôi là người sớm giác ngộ cách
mạng, cho nên khi được tư tưởng của ông HCM trao dồi vào tư tưởng của cụ
thì cụ giáo dục tất cả gia đình hết lòng vì cách mạng. Về đào hầm bí
mật, mà mới ngay gần đây thôi chúng tôi vừa đào một hố ga thì trúng hầm
bí mật đó, tôi định gọi ủy ban xác định là hầm bí mật nhà tôi đây.
Ông tôi ủng hộ, hưởng ứng "tuần lễ vàng" của Hồ chủ tịch phát động,
cho nhà nước mượn 1075 vuông vải để may áo mùa đông binh sĩ để cho du
kích mặc để đánh giặc.
Đấy là ông nội tôi. Còn bố tôi mua 1000 công phiếu kháng chiến, ủng
hộ 9 áo sợi. Bố tôi hoạt động cách mạng từ năm 21 tuổi, tức là từ năm
1942. Đến năm 1948 thì bố tôi được kết nạp vào đảng CSVN. Đến cải cách
ruộng đất, sau năm 1954 giải phóng, sau đó thì giảm tô, đến cải cách
ruộng đất thì người ta quy cho ông tôi là địa chủ, và quy cho bố tôi là
Quốc Dân Đảng.
Bố tôi là phó bí thư Quốc Dân Đảng và bác tôi là bí thư Quốc Dân
Đảng. Bác tôi bị bắn luôn, ông ấy nhận thì bị bắn luôn. Còn bố tôi thì
kiên quyết không nhận. Không nhận thì người ta tra tấn, người ta thắt
hai dây thừng vào hai ngón chân cái rồi người ta kéo lên sàn nhà, bố tôi
đau quá, kêu khóc, xin thả xuống. Kêu khóc to quá thì người ta lấy rơm,
lấy rạ nhét vào mồm.
Toàn bộ những cái bố tôi kể thì tôi còn ghi được nguyên cuốn băng. Cứ
làm như thế, hàng ngày làm như thế, làm để bắt nhận là QDĐ. Bố tôi
không nhận QDĐ, bố tôi bảo rằng bố tôi chẳng biết QDĐ là ai cả, chỉ biết
đảng viên đảng CS thôi. Thế người ta không quy được cho bố tôi QDĐ thì
người ta lại đưa bố tôi lên địa chủ luôn.
Địa chủ ngày đó là địa chủ "phân" anh ạ. Thí dụ mỗi một thôn là mấy
địa chủ thì cứ thế người ta đưa lên thôi. Cuối cùng thì cũng bị tù không
án, hai năm. Mà khốn nạn hơn thời tôi tù nhiều. Tức là tay thì trói
cánh khuỷu ra đàng sau, chân thì cùm, quần áo thì chẳng có mặc, cứ nằm
như thế ở dưới sàn chuồng trâu thôi.
Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ, khoảng 10 tuổi, tôi mang cơm cho bố tôi thì
khổ thế này: đầu tiên mang ra ngõ thì mình cũng chẳng biết gì cả, lúc
bắt bố tôi thì tôi biết nhưng bắt ông tôi thì tôi không biết. Lúc bắt bố
tôi thì tôi chỉ biết khóc thôi. Tôi thấy tự nhiên người ta đến nhà
mình, 5 người đến, người ta dằn bố mình ra người ta trói mang đi, nói
thằng này là QDĐ, trói mang đi thì mình chỉ biết khóc thôi. Không biết
làm gì cả.
Đến trưa mẹ tôi về, kể chuyện cho mẹ tôi nghe thì mẹ tôi cũng lăn ra
khóc luôn. Thế là hai mẹ con cùng khóc. Lúc bấy giờ mẹ chỉ động viên,
thôi bây giờ con mang cơm cho bố con với cho ông thôi...
Ra ngõ thì gặp đội, thế là nó quát ầm lên: "thằng này con nhà QDĐ,
cháu địa chủ, tại sao mày gặp chúng tao mày không chào, mày không quì
xuống". Lúc bấy giờ biết đâu được, chỉ khóc thôi. Tôi khóc và bắt đầu
quỳ xuống, nó bảo từ nay trở đi mày gặp chúng tao mày phải quỳ xuống,
mày lạy các ông đội, xin phép các ông đội, xin phép các ông cốt cán để
tôi mang cơm cho ông tôi, cho bố tôi, thế thì chúng tao cho đi.
Thế thì cuối cùng từ đấy thì cứ quen như vậy. Cứ ra ngõ gặp người ta
là phải quỳ xuống, xong lại xin phép các ông cốt cán để tôi mang cơm cho
ông tôi, cho bố tôi. Gọi là cơm nhưng có cơm đâu, chủ yếu là khoai
thôi.
Nắm cơm mang xuống thì thế này. Người ta dùng ngay cái trét xúc cứt
đấy ông ạ, xúc phân gà, nó xắn vào chén cơm. Tôi cũng chẳng biết gì cả,
tôi chỉ biết người ta làm như vậy thôi. Nhưng ông thôi thì rất hăng. Ông
tôi bảo tại sao lại phải làm như vậy thì nó bảo là phải kiểm tra xem
bọn địa chủ nó có tiếp tế cho nhau không, nó có thông tin cho nhau
không, chúng ta phải kiểm tra.
Có hôm thì họ làm như vậy, có hôm thì không có trét, nó rút ngay cái
cọc ở chuồng lợn bên cạnh con trâu, thế thì họ chọc vào cơm, chọc luôn
vào khoai, bảo chúng tao phải kiểm tra. Năm đó thì có gì đâu, có cái gáo
dừa thôi mà. Cái gáo dừa treo hai cái dây lủng là lủng lẳng đem nước vô
cho ông - nó đổ đi một nữa xong nó đái vào đấy. Tôi cũng chẳng biết gì,
chỉ biết như thế thôi.
Nhưng ông tôi quát rầm lên thì nó bảo rằng cho chúng mày uống để mà
sáng mắt ra, cho chúng mày hết tư tưởng bóc lột, hết tư tưởng ức hiếp
nhân dân. Nó cứ chửi ông tôi như thế - tôi cũng chỉ biết khóc, chẳng
biết làm thế nào cả. Mình chỉ mang đi cho ông, mang đến chỗ thì lại về
rồi.
Việt Hùng: Chúng tôi xin được chia sẻ những nỗi đau của
gia đình và lật lại một trang sử thì chúng tôi cũng muốn đi tìm lại
những sự thật. Thưa ông Trần Anh Kim, ông nói rằng ông cụ thân sinh ra
ông cũng bị quy kết vào thành phần địa chủ trong vụ cải cách ruộng đất,
ông nội cũng vậy, ông bác thì bị bắn chết vì nhận là QDĐ. Ông nói rằng
cuốn băng mà ông cụ thân sinh kể lại...
Ông Trần Anh Kim: Tôi vẫn còn ạ. Mà kể lại cho đồng đội tôi
nghe thì anh em đồng đội nó ghi chớ thật ra mà nói nhà tôi cũng chẳng có
máy ghi âm. Đồng đội nó nghe cũng phát khóc lên vì chuyện ấy.
Việt Hùng: Ông nói là lúc đó ông mới có 10 tuổi. Lúc những cuộc đấu tố đó, ông còn nhớ là vào thời điểm nào?
|
Ông Trần Anh Kim |
Ông Trần Anh Kim: Chính xác ngày thì tôi không nhớ, tôi phải về nhà tôi hỏi lại.
Việt Hùng: Vậy thì ông nội ông và ông cụ thân sinh của ông tên là gì ạ?
Ông Trần Anh Kim: Ông nội tôi là ông Trần Ngọc Toản, còn bố
đẻ tôi là Trần Ngọc Chất. Khi bố tôi và ông nội tôi ra thì có một cái
như thế này. Sau khi ra rồi thì lúc bấy giờ là sửa sai, sửa sai thì...
Việt Hùng: Như vậy là tù bao nhiêu năm?
Ông Trần Anh Kim: Hai năm.
Việt Hùng: Ông nói rằng hôm ông bác của ông bị bắn chết khi nhận là QDĐ...
Ông Trần Anh Kim: Ông bác tôi là đảng viên đảng CS, ông bác
tôi nhát hơn bố tối, nên khi bị tra tấn nặng quá thì ông nhận, nhận cái
thì nó bắn luôn.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Việt Hùng: Và chuyện đó xảy ra ở tại thôn nào...
Ông Trần Anh Kim: Xóm La Xuyên, xã Bố Tiến huyệnVũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Việt Hùng: Thế còn trường hợp ông cụ thân sinh của ông
đưa ra để đấu tố, cũng như ông nói rằng buộc dây thừng vào hai ngón chân
cái để kéo lên trần nhà là ở tại địa phương hay ở đâu ạ?
Ông Trần Anh Kim: Ở tại địa phương, tại chuồng trâu nhà ông
Dụng ngay cùng xóm. Nhưng bố tôi vẫn cứ để trong lòng thôi. Bạn bè đến
động viên thì bây giờ mới kể lại, kể lại thì mới đem máy ghi âm ghi lại
hết được cái đó.
Việt Hùng: Trước khi qua đời thì ông cụ thân sinh của
ông có kể lại cho những người đồng đội cũ thì mọi người có ghi được cuốn
băng ghi âm đó à. Thời gian đó là thời gian nào thưa ông?
Ông Trần Anh Kim: Có ạ. năm 1993.
Việt Hùng: Một tuổi thơ của ông đã bị hằn trong tâm tư,
vào lúc mà ông nói khi ông lên 10 tuổi. Bây giờ nếu mỗi lần nhớ lại thì
cảm tưởng của ông như thế nào?
Ông Trần Anh Kim: Bố tôi với ông tôi, sau khi sửa sai thì ra
vẫn cứ động viên tôi là thôi con à bây giờ bác hồ làm sai bác hồ sửa
rồi thì bỏ qua tất cả đi, xong gia đình nhà ta trở lại vị trí cũ thôi,
vẫn tinh thần cách mạng thôi.
Thế thì vào năm 1958, vào hợp tác xã thì lại là gia đình gương mẫu và
vào hợp tác xã đầu tiên. Còn được bao nhiêu của cải làm được lại góp
vào hợp tác xã hết. Tôi lúc bấy giờ, năm 58, thì lên 12 tuổi. Bắt đầu đi
học cấp một rồi. Lao động hết mình đấy ông ạ. Bởi vì tôi vào thiếu
niên, vừa làm đội trưởng đội thiếu niên, rồi sang làm chỉ huy liên đội.
Chuyên môn đi kẻ khẩu hiệu, kẻ băng biển, hô khẩu hiệu. Có nghĩa là mình
biết làm công tác chính trị ngay từ nhỏ ông ạ. Lúc bấy giờ thì quên hết
những nỗi đau đi thôi, để phục vụ cho "cách mạng" thôi.
Việt Hùng: Thưa ông, ở tại tỉnh Thái Bình, những gia đình trong vụ cải cách ruộng đất theo ghi nhận thì có nhiều không?
Ông Trần Anh Kim: Những người bị oan ức bây giờ kể lại thì
rất nhiều. Nếu bây giờ tôi đi lại tất cả những nhà đó thì ai người ta
cũng kể như thế. Như lúc đầu tôi nói là địa chủ "phân" mà. Giả sử một
xóm tôi có 2, 3 địa chủ chẳng hạn, thì cứ tỷ lệ thì nhân lên.
Coi như là địa chủ phân, nghĩa là chưa được như thế là chưa đạt được
tiêu chuẩn, nhân lên và cứ phân như thế thôi. Bây giờ cần nhân thì có
thôi, một thôn khoảng 3 địa chủ thì một xã có bao nhiêu thì nhân lên thì
nó thành ra ngay thôi.
Việt Hùng: Thưa ông, bây giờ cụ cải cách ruộng đất đã đi
qua. Cá nhân ông, tuổi thơ của ông đã chứng kiến những cảnh như vậy và
gia đình ông là nạn nhân. bây giờ nhìn lại, mỗi lần nhắc đến lịch sử đau
buồn này thì...
Ông Trần Anh Kim: Nghĩ đến lịch sử đau buồn này thì tôi vẫn
nói với bạn bè rằng gia đình tôi 3 đời bị cộng sản đè nén, áp bức rồi,
bị cướp trắng tay rồi, đời ông nội tôi, đời bố tôi, rồi đến đời tôi,
cướp trắng tay như vậy rồi. Cho nên tôi vẫn nói với anh em, bạn bè rằng
tao không căm thù chế độ này thì thôi chớ chế độ này lấy quyền gì để căm
thù tao.
Thế còn đời tôi, tôi nói là đời tôi từ nhỏ đến giờ tôi luôn luôn giữ
trong sạch, và chính vì giữ trong sạch cho nên tôi mới dám vạch trần
những thối tha, những bẩn thỉu. Bây giờ tôi gọi là cái thác lọan của cái
chế độ này.
Quý thính giả vừa nghe Việt Hùng trao đổi với ông Trần Anh Kim
hiện đang ở Thái bình về tấn thảm kịch mà gia đình ông là nạn nhân trong
cuộc cải cách ruông đất 50 năm trước tại miền Bắc Việt Nam. Kỳ tới,
chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả câu chuyện của một nạn nhân khác: ông
Nguyễn Văn Thủ, lúc đó ở Hưng Yên. Mong quý thính giả đón nghe.
0 Nhận xét