Dịch sởi cần đối phó ra sao?
Theo RFA
Đã có 108 trẻ bị chết do dịch sởi gây ra và hơn 7.000 ca bệnh khác
đang làm quá tải hàng chục bệnh viện lớn của hai thành phố Hà Nội và
HCM. Mặc Lâm có cuộc phỏng vần về dịch bệnh này với GS Nguyễn Văn Tuấn
để tìm hiều thêm về khía cạnh chuyên môn. GS Tuấn là một nhà khoa học y
khoa chuyên về "Dịch tễ học" và di truyền loãng xương. Ông hiện là giáo
sư thỉnh giảng cao cấp tại Đại học New South Wales, trưởng nhóm nghiên
cứu thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan của Úc.
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, thông tin tai biến do vắc-xin
chích ngừa sởi đã khiến phụ huynh không dám mang trẻ em chích ngừa và từ
đó con số tử vong lên cao. Là một GS về dịch tễ học ông nhận định gì về
nguồn dư luận này?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Thoạt đầu tôi cũng nghĩ các bậc phụ
huynh, cha mẹ lo ngại vụ vác-xin sau những vụ tai biến xảy ra, thế
nhưng tôi nghĩ vấn đề có lẽ lớn hơn những lo ngại mang tính tâm lý đó.
Sự thật thế này, tỷ lệ trẻ em được chích ngừa theo như một công bố của
một tập san quốc tế mà tôi mới đọc hôm qua lên đến 97%. Thế nhưng con số
97% này là những trẻ chỉ chích một lần thôi và nếu chỉ chích một lần
thì hiệu quả nó không cao, không thể 100% như mình tưởng, chỉ có thể
hiệu quả từ 85 tới 95% mà thôi. Nói cách khác khi chích một lần như vậy
thì có từ 5 tới 15% trẻ em vẫn có thể mắc bệnh sởi thành ra mình không
ngạc nhiên mấy khi bệnh sởi xuất hiện thỉnh thoảng đây đó khắp nơi trên
thế giới chứ không riêng Việt Nam khi chỉ chích ngừa một lần.
"Tôi mới phát hiện ra Việt Nam chỉ chích ngừa trẻ từ 9 tháng tuổi đến 9 tuổi thôi thay vì đến 14 tuổi và tôi nghĩ rằng đây là một lý do giải thích tại sao bệnh sởi năm nay nó lại xảy ra ở những trẻ em cao tuổi hơn ở những năm trước."
GS Nguyễn Văn Tuấn
Nhiều chuyên gia bây giờ họ nghĩ phải chích hai lần hoặc ba lần thì
mới có hiệu quả, đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là vể độ tuổi.
Tôi mới phát hiện ra Việt Nam chỉ chích ngừa trẻ từ 9 tháng tuổi đến 9
tuổi thôi thay vì đến 14 tuổi và tôi nghĩ rằng đây là một lý do giải
thích tại sao bệnh sởi năm nay nó lại xảy ra ở những trẻ em cao tuổi hơn
ở những năm trước.
Mặc Lâm: Thưa GS, kinh nghiệm thông tin về dịch bệnh
của các nước, đặc biệt là Úc, có khác với Việt Nam hay không? Và thông
tin kịp thời, chính xác, nhất là không có vùng cấm sẽ giúp gì cho việc
chống lại dịch bệnh?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Cái này cũng khó so sánh lắm. Chẳng
hạn tôi muốn nói tới Úc nơi mà tôi có lẽ am hiểu. Ở Úc thì bệnh sởi hầu
như đã bị kiềm soát và khống chế hoàn toàn. Thỉnh thoảng cũng có xảy ra
vài ba ca sởi thế nhưng những ca này thường thường du nhập từ nước
ngoài chứ không phải những trẻ em được sinh ra và lớn lên ở Úc.
Cho dù là du nhập từ nước ngoài và dù chỉ một trường hợp xảy ra thì
các giới chức y tế họ cũng có những việc làm rất nghiêm chỉnh. Đầu tiên
họ thông báo cho các gia đình, họ in những tờ rơi phát cho gia đình bệnh
nhân và những người sống chung quanh biết thế nào là bệnh sởi và cách
phòng chống ra sao. Quan điểm của họ là ngăn ngừa bệnh từ cơ sở chứ
không chờ cho tới khi nhập viện và cũng là một cách nhắc nhở rằng bệnh
sởi có thể tái phát chứ không phải hoàn toàn bị không chế 100% như nhiều
người tưởng.
Vấn đề thông tin ở đây tôi thấy họ rất thoải mái, cởi mở còn ờ Việt
Nam mình cũng không hiểu tại sao người ta không chịu công bố. Nhưng bây
giờ thì tôi lại nghĩ đã có hơn 100 trẻ em chết vì bệnh sởi thì chuyện
công bố hay không công bố có lẽ cũng không quan trọng mấy, nó chỉ là vấn
đề hành chính. Bây giờ cả thế giới người ta đều biết là dịch sởi đang
xuất hiện tại Việt Nam rồi.
"Quan điểm của họ là ngăn ngừa bệnh từ cơ sở chứ không chờ cho tới khi nhập viện và cũng là một cách nhắc nhở rằng bệnh sởi có thể tái phát chứ không phải hoàn toàn bị không chế 100% như nhiều người tưởng. Vấn đề thông tin ở đây tôi thấy họ rất thoải mái, cởi mở còn ờ VN mình cũng không hiểu tại sao người ta không chịu công bố"
GS Nguyễn Văn Tuấn
Mặc Lâm: Trong ngày hôm nay bác sĩ cả ba bệnh viện lớn
là bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Bệnh nhiệt
đới trung ương đều thừa nhận là đã vỡ trận, có nghĩa là thua trắng trước
dịch sởi. Điều này theo GS có nguy hiểm và làm cho xã hội thêm hoảng
loạn hay không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng rất ngạc nhiên khi mới đọc
tờ báo thấy họ dùng chữ “vỡ trận”. Thú thật mình không biết chữ vỡ trận
này nó đặt trong cái bối cảnh nào và mình phải hiểu như thế nào. Tôi
đoán rằng họ muốn nói là bệnh viện quá tải, không khả năng đáp ứng yêu
cầu của bệnh nhân chứ không phải họ không điều trị được đâu. Bởi vì điều
trị bệnh sởi đối với các bác sĩ, chuyên gia trong những bệnh viện trung
ương không phải là chuyện khó.
Tuy nhiên đúng như lời anh nói thì các chuyên gia của bệnh viện cấp
trung ương mà nói như thế thì cũng đúng là làm cho công chúng hồi hộp và
đối với đồng nghiệp thì nó hơi khó nghe một chút.
Mặc Lâm: Các bệnh viện tuyến trước đã thất bại khiến
bệnh nhân tràn trở về địa phương làm cho dịch bệnh lan rộng và nguy cơ
mất kiểm soát ngày càng lớn, theo GS phải đề phòng thế nào trước tình
trạng này trong tương lai.
GS Nguyễn Văn Tuấn: Dịch bệnh không phải chỉ riêng về
sởi. Theo tôi nghĩ dịch bệnh là vấn đề y tế cộng đồng mà y tế cộng đồng
có chức năng chủ yếu phòng ngừa bệnh tật. Thế nhưng một điểm đáng chú ý
là tại Việt Nam thì hệ thống y tế cộng đồng còn rất yếu. Do đó tôi nghĩ
ưu tiên của y tế Việt Nam không phải là trang thiết bị hiện đại, những
ca mổ đắt tiền mà là hệ thống y tế toàn cộng đồng.
"Trong các nạn dịch SARS hay H1N1vài năm trước tại VN con số tử vong không lớn như chúng ta thấy hiện nay. Thế nhưng lúc đó nói theo ngôn ngữ VN thì cả hệ thống chính trị đều vào cuộc để phòng ngừa bệnh. Nhưng hiện nay có hơn 100 trẻ em chết vì bệnh sởi mà hình như cả hệ thống chính trị không vào cuộc"
GS Nguyễn Văn Tuấn
Nói gì thì nói bệnh truyền nhiễm vẫn là mối đe dọa rất lớn đến dân số
Việt Nam thành ra phải kiện toàn hệ thống y tế cộng đồng hơn nữa. Ngăn
ngừa bệnh ngay từ cộng đồng chứ không phải chờ đến các bệnh viện cấp
trung ương như chúng ta thấy đang quá tải hiện nay.
Mặc Lâm: Tổ chức y tế thế giới WHO hôm nay vừa khuyên
Việt Nam nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp tuy có hơi muộn sau khi hơn
100 trẻ đã chết. GS có chia sẻ gì về vai trò của các tổ chức y tế trước
việc hỗ trợ cho Việt Nam?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi có nhận xét rất là thú vị không
biết anh có chia sẻ hay không. Trong các nạn dịch SARS hay H1N1vài năm
trước tại Việt Nam con số tử vong không lớn như chúng ta thấy hiện nay.
Thế nhưng lúc đó nói theo ngôn ngữ Việt Nam thì cả hệ thống chính trị
đều vào cuộc để phòng ngừa bệnh. Nhưng hiện nay có hơn 100 trẻ em chết
vì bệnh sởi mà hình như cả hệ thống chính trị không vào cuộc. Tôi mới
đặt một câu hỏi tại sao có sự khác biệt về hai thời điểm như vậy?
Cò lẽ trước đây vấn đề mang tính quốc tế và các cơ quan y tế quốc tế
như WHO, CPC của Mỹ họ gây sức ép với chính quyền Việt Nam thành ra
người ta phải vào cuộc. Còn bây giờ vấn đề nó đang xảy ra cho người Việt
của mình có lẽ do đó những cơ quan quốc tế có vẻ im lặng và có lẽ chính
vì vậy nên Việt Nam không làm gì cả.
Đúng ra là họ có làm chứ nói không có làm gì thì không đúng nhưng mức
độ hành động của họ rất là khiêm tốn. Tôi nghĩ thế này, chẳng lẽ mỗi
một vấn đề gì thì chúng ta cũng cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan
quốc tế hay sao? Vấn đề bệnh sởi nó đâu có gì phức tạp nên cũng không
cần các cơ quan quốc tế làm gì. Việt Nam chỉ cần tích cực hơn một chút,
truyền đạt thông tin đến cộng đồng sớm hơn một chút thì vần đề có lẽ sẽ
giảm thậm chí là ngăn ngừa trong tương lai.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư.
0 Nhận xét