ĐỨC GIOAN 23 VÀ
GIOAN PHAOLÔ 2 – HAI VỊ THÁNH CỦA
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.
Có lẽ tất cả
chúng ta đang trông chờ một biến cố trọng đại của Giáo hội Công giáo, là ngày
tuyên phong hiển thánh của hai vị Đại Giáo Hoàng sống đồng thời với chúng ta: Đức
Gioan 23 và Gioan Phaolô 2.
Thánh lễ phong thánh sẽ diễn ra vào ngày
27/04/2014, tính theo lịch Hội thánh Công giáo nhằm ngày Chúa Nhật Kính Lòng
Chúa Thương Xót do chính Đức Gioan Phaolô 2 thiết lập. Ngoài ra, phải kể đến lý
do khác cũng liên quan đến vị Giáo Hoàng này, đó là việc ngài mất vào đúng vọng
ngày Kính Lòng Chúa Thương Xót năm 2005. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, như thế đủ
lý do để chọn ngày đặc biệt này để tổ chức một biến cố quan trọng, đánh dấu các
nhân đức anh hùng của vị Tông Đồ Lòng Chúa Thương Xót. Nói như thế, không có
nghĩa việc Đức Gioan 23 cũng được tuyên phong trong ngày này chỉ là “ăn theo”.
Thật vậy, việc quyết định tuyên phong hai vị cùng một ngày, được Đức Thánh Cha
Phanxicô giải thích: Đức Gioan 23 là vị có công triệu tập Công Đồng Vatican 2,
còn Đức Gioan Phaolô 2 lại là người áp dụng và quảng diễn, hơn thế nữa, chính
ngài đã đi bước trước trong việc thực hành những hướng dẫn của Công Đồng trong
đời sống mình. Nhưng đây không phải là điểm chung duy nhất mà chúng ta có thể
nhận ra nơi hai vị Giáo hoàng. Thật vậy, cách nào đó khi chọn ngày này, Đức
Thánh Cha đương kim muốn công bố với thế giới hai mẫu gương như hai chứng nhân
của Lòng Thương Xót Chúa.
ĐỨC GIOAN 23
Các tín hữu thời
bấy giờ đặt cho ngài một danh hiệu rất thân thương: Đức Giáo Hoàng Gioan nhân hậu.
Điều này không chỉ giúp chúng ta phân biệt ngài với 22 vị Giáo Hoàng Gioan trước
đó mà còn nhằm nêu bật nét đặc sắc của vị Giáo hoàng thứ 261 kế vị Thánh Phêrô
cai quản Hội thánh Công giáo. Thật vậy, ngài nhân hậu trong cách tiếp xúc thân
tình với mọi người. Ngài sống giản dị trong sinh hoạt hằng ngày và đơn sơ như
con trẻ trước mặt Chúa. Thật vậy, ngài vẫn thường nhất quyết với lập trường:
“Luôn luôn và với hết mọi cố gắng, tôi sống đơn sơ”, và “Càng thêm tuổi đời,
càng thêm kinh nghiệm thì tôi càng nhận thấy rằng, con đường an toàn nhất để
tôi nên thánh là cố gắng canh phòng để đơn giản tất cả, sao cho được thật sự
đơn sơ tối đa và thật bình thản” (trích Nhật ký tâm hồn). Và mọi sự đều đơn giản
với ngài như nhận định của Đức Phanxicô khi gọi ngài là “vị Giáo Hoàng miền
quê”. Chắc hẳn, lòng nhân hậu hay thương xót của vị Giáo Hoàng miền quê đối với
mọi người, phần nào diễn tả thái độ nội tâm của ngài trước Vị Thiên Chúa giàu
lòng nhân hậu và hay thương xót.
Thật vậy, tư chất
này một lần nữa đã được Cha Juan Arias diễn tả trong tác phẩm Thiên Chúa mà tôi không tin.
Hồi ấy, ngài
đang làm Giáo chủ Venise. Ngài được báo cáo về tình trạng của một vị linh mục
mà ngài coi sóc có đời sống trụy lạc gây gương mù gương xấu cho mọi người. Ông
này thường lui tới một nơi không mấy xứng đáng với hàng Giáo sĩ. Một hôm, ngài
quyết định đến tận nơi ông thường lui tới. Ông tái mặt đi khi giáp mặt ngài.
Nhưng ông càng ngạc nhiên vì không thấy phản ứng tiêu cực nào nơi vị Giáo chủ.
Ngài cầm lấy tay ông và một cách nhẹ nhàng xin ông tháp tùng ngài về Tòa Thượng
Phụ. Vào tới văn phòng, ngài quỳ xuống trước mặt vị linh mục và nói: “Xin cha
vui lòng cho con xưng tội”. Vị linh mục hết sức ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước sự
khiêm tốn của vị Giáo Chủ. Ông xúc động và xấu hổ, muốn khước từ lời thỉnh cầu
này nhưng cuối cùng, cũng đồng ý nghe vị Giáo chủ thú tội. Sau khi đã nhận phép
lành của bí tích giao hòa, vị Giáo chủ ôm hôn ông và nói: “Cha mong muốn con
nên nghĩ đến hồng ân kỳ diệu Chúa ban cho con là được tha tội cho người ta, kể
cả Đức Giáo Chủ của con. Ước gì ơn huệ này cổ võ con hết sức tránh xa tội lỗi
trong đời sống con…”.
Qua một ví dụ
điển hình kể trên đây chúng ta thấy được đức khiêm tốn và lòng nhân hậu hay
thương xót của Đức giáo hoàng Gioan 23. Lòng bao dung ấy không dừng lại ở cảm
xúc nhất thời nông nổi mà đối xử với vị linh mục như một người cha từ tâm. Nếu
Đức Giáo Chủ tức giận và trục xuất vị linh mục bất xứng – điều này nằm trong
quyền hạn của ngài, thì ngài đã nhẫn tâm dập tắt tim đèn đang le lói. Hay nếu
ngài thiếu bình tĩnh mà thốt ra những lời thóa mạ thì chắc hẳn vị linh mục ấy
có trở về thì cũng khó có thể tiếp tục sống đúng trách nhiệm vì những mặc cảm
và những tổn thương. Trái lại, với tất cả sự nhẫn nại và từ tâm của một người
cha, ngài đã thu phục nhân tâm để ông quay về mà không bị mặc cảm với những quá
khứ lỗi lầm. Nếu như Người Cha nhân hậu không chờ nghe một lời tạ tội của con
mình thì ở đây, vị Giáo chủ lại trông chờ một lời xá giải từ tội nhân. Qua
nghĩa cử đó, chúng ta nhận ra rõ ràng rằng ngài rất ý thức tình trạng yếu đuối,
mỏng giòn của bản thân mà không dám lên án người khác. Việc thú tội của ngài
không phải là một hình thức qua loa nhưng phát xuất từ một trái tim chân thành
trước Chúa. Có lẽ, chính khi ngài dám thú tội với vị linh mục ấy lại là cách
giúp tội nhân can đảm đối diện với thực tại bản thân. Ở đây, chúng ta cảm nhận
một phép lạ đến từ bí tích của Lòng Thương Xót Chúa. Qua bí tích này, ngài đã
giới thiệu cho các tội nhân và giúp họ cảm nhận một Thiên Chúa giàu Lòng Thương
Xót. Tắt một lời, ngài xứng đáng mệnh danh là vị thánh, tông đồ của
Lòng Thương Xót Chúa.
Thiết tưởng
cũng cần nhắc lại giáo huấn của Đức Phanxicô khi bàn đến vấn đề này: “Chúng ta
phải đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn…tòa giải tội không phải là phòng
tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là điều khích lệ chúng
ta làm điều lành càng nhiều càng tốt” (Evangelii Gaudium số 44). Những lời này
đã được Đức Gioan 23 thực hiện cách đây hơn 50 năm nhưng nó vẫn còn mang tính
thời sự trong một xã hội mất dần cảm thức tội lỗi như ngày nay.
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ 2
Ngoài những lý
do đã nêu trước đây, chúng ta sẽ có khá nhiều giai thoại nói về Đức Gioan
Phaolô II trong hơn 27 năm triều đại Giáo Hoàng của ngài; tuy nhiên trong bài
viết ngắn này, chúng ta chỉ chọn những giai thoại và sự kiện liên quan đến Lòng
Thương Xót.
Trước tiên,
chúng ta phải kể đến thông điệp thứ 2 trong triều đại Giáo Hoàng của ngài,
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Có thể nói, thông điệp là bức tranh tổng
thể diễn tả hình ảnh về Vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thông điệp đã tạo một
tiếng vang lớn trong một thế giới loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình và
giới thiệu một Thần dược chữa lành căn bệnh mất dần cảm thức tội lỗi nơi con
người thời đại, là Lòng thương xót. Ngoài ra, từ thông điệp này, chúng ta có thể
cảm nhận về trực giác của một vị chủ chăn liên quan đến Thiên Chúa là Cha giàu
lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân.
Điều này được
diễn tả từ sự kiện vị đại diện thánh Phêrô bị ám sát vào năm 1981 trong một
chuyến hành hương Mẹ Fatima tại Bồ Đào Nha. Sau khi bình phục, điều đầu tiên là
ngài muốn đến thăm Ali Agca – người đã ám sát ngài và đã nói với anh rằng ngài
đã tha thứ cho anh trong giây phút đầu tiên gặp gỡ. Có thể nói, đây là cách diễn
tả công khai về cảm nghiệm của một người được Chúa tha thứ và khát mong cũng được
nói lời tha thứ người khác.
Ngoài ra, với ý
thức bản thân đầy yếu đuối và tội lỗi, cũng như nhận ra những lỗi lầm trong quá
khứ của Giáo hội, nên vào năm thánh 2000, ngài đã thay mặt Giáo hội để nói lời
xin lỗi cộng đồng nhân loại về những cuộc Thập Tự Chinh, Tòa Án xử dị giáo, sự
phân biệt đối xử dành cho phụ nữ và các nhóm sắc tộc. Cũng trong tinh thần
khiêm tốn và phó thác ấy, vào tháng tám năm 2002, tại Lagiewniki, nơi Chị
Faustina đã sống và qua đời, Đức Gioan Phaolô 2 phó thác cả thế giới cho Lòng
Thương Xót Chúa, tin tưởng vào lòng bao dung không bờ bến của Thiên Chúa.
"Thế giới ngày nay cần thật nhiều Lòng Thương Xót của Thiên Chúa! Nơi đâu
có ghen ghét và hận thù, có chiến tranh và đau khổ gây nên chết chóc cho người
vô tội, nơi đó cần Lòng Thương Xót của Chúa để bình tâm đón nhận hòa bình. Nơi
nào không có sự tôn trọng phẩm giá con người, nơi đó cũng cần Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa, để mang ánh sáng và phẩm giá cao quý cho con người. Bởi vì điều
này, và ở nơi tôn nghiêm này, tôi muốn trân trọng dâng hiến cả thế giới cho
Lòng Thương Xót Chúa".
Có thể nói, ý
thức dâng hiến cả thế giới cho lòng thương xót Chúa, nơi vị giáo hoàng người
Balan đã cắm rễ sâu trong bí tích giao hòa, bí tích của lòng thương xót. Thật vậy,
có giai thoại kể rằng:
Scott Hahn, học
giả vĩ đại về Kinh Thánh và là một mục sư Tin Lành đã cải đạo
theo Công Giáo. Trong khi đi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, ông đi dọc theo các giáo
xứ ở Roma, ông thấy một người hành khất với vẻ mặt quen thuộc, hỏi ra mới biết
người này chính là bạn của ông từ thời chủng viện và được thụ phong linh mục
cùng ngày với mình. Sau một hồi trao đổi, ông được biết người này đã mất niềm
tin và ơn gọi của mình ra sao. Khi chia tay, người hành khất xin ông và Giáo
Hoàng cầu nguyện cho mình.
Sau đó, linh mục
đi gặp vị Giáo Hoàng với một thổn thức sâu sắc không thể giấu được. Ông bộc lộ
hết sự kiện liên quan đến người bạn hành khất cho ngài nghe. Nghe xong, Đức
Gioan Phaolô 2 cho ông một cuộc hẹn ngày mai cùng người bạn ấy đến gặp ngài.
Vị linh mục trở lại giáo xứ này và nói cho người
bạn của mình về mong muốn của Đức Giáo Hoàng. Ban đầu, ông từ chối thẳng mặt và
coi đó như một điều không tưởng. Nhưng sau khi được thuyết phục, người hành khất
theo linh mục về nơi lưu trú để thay quần áo và một cơ hội thanh tẩy đang đến.
Hai người đã có
mặt để sẵn sàng dùng bữa với Đức Thánh Cha, sau khi ăn xong, ngài nói với linh
mục ấy hãy ra ngoài để hai người có chuyện riêng. Ngài nói người hành khất hãy
lắng nghe ngài xưng tội. Nhưng người đàn ông này ngạc nhiên và trả lời rằng con
không còn là một linh mục nữa, con chỉ là tên ăn mày trên đường hành hương. Đức
Giáo Hoàng đã trả lời, "Tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn mày lòng thương
xót của Thiên Chúa. Người hành khất nói tiếp, "nhưng con không còn quyền
nào trên sứ vụ mục tử nữa". Đức Giáo Hoàng nói, "Cha là Giám Mục
Rôma, Cha có thể giải quyết điều đó".
Thế rồi, người
đàn ông lắng nghe lời xưng tội của Đức Giáo Hoàng nhưng lời xá giải vị linh mục
này bỏ lâu quá không còn nhớ. Một lần nữa, ngài lại nhắc công thức cho vị linh
mục này để ngài nhận phép lành của bí tích. Chứng kiến và cảm nghiệm lòng khiêm
tốn của vị mục tử đứng đầu Giáo hội, ông cũng quỳ xuống xin ngài giải tội cho
ông sau bao ngày khước từ tình Chúa và ông đã khóc lóc thảm thiết trong vòng
tay của ngài. Sau một hồi lắng đọng, ngài ra lệnh truyền cho ông hãy quay về
nơi ông hành khất mà mục vụ cho họ. Thế là lòng thương xót lại một lần nữa được
lan tỏa và loan truyền đến những người bất hạnh.
Qua đó, chúng
ta thấy được sự bao dung của vị mục tử, người đã hơn một lần cảm nghiệm tình
yêu lòng thương xót và sự tha thứ đến từ Thiên Chúa. Cũng một thể thức như Đức
Gioan 23, ngài thực sự là vị thánh vĩ đại, tông đồ của lòng thương xót Chúa.
* * *
Thiết tưởng, mỗi
lần tham dự trực tiếp hay gián tiếp các Thánh Lễ tuyên phong các thánh là mỗi lần
chúng ta xác tín lại lời tuyên xưng về một trong bốn đặc tính của Giáo hội là Thánh Thiện. Mà gương của hai vị thánh
Giáo Hoàng cho chúng ta một kinh nghiệm: Thánh
thiện trước tiên là ý thức bản thân như một tội nhân (thánh
Gioan Thánh Giá). Thật vậy, chính khi ý thức mình là tội nhân, đó là bước đầu cho
việc thay đổi và chấp nhận biến đổi bản thân nhờ lòng thương xót của Chúa. Điều
này, cũng được chính ĐTC Phanxicô làm gương cho chúng ta khi bộc bạch: “Tôi là
một kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”, “Tôi là kẻ có tội, nhưng tôi tin tưởng
vào lòng thương xót và nhẫn nại vô hạn của Thiên Chúa”. Đó là kinh nghiệm của
những người đã cảm nghiệm, trải nghiệm, đồng thời, chứng nghiệm lòng thương xót
và sự tha thứ của Thiên Chúa. Để kết thúc xin gợi lại tâm tình của Đức
Phanxicô, như một lời nhắn nhủ chân tình gởi đến những người thiện chí đang
khao khát một cuộc biến đổi nội tâm: “Người luôn luôn nhìn chúng ta với lòng
thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Chúng ta đừng sợ đến gần
Người! Người có một con tim thương xót! Nếu chúng ta cho Người thấy các vết
thương nội tâm của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, Người luôn luôn tha thứ cho
chúng ta. Người là lòng thương xót tinh tuyền”.
An Mai Đỗ.
O.Cist.
0 Nhận xét