'Một lần chỉ đường 5.000 đồng', vì sao?
Đằng
sau tấm bảng này là một tâm trạng bực dọc bởi cách ứng xử thiếu văn hóa
của một số người qua đường. Giờ đây nó đã được dỡ bỏ. Ảnh T.L
Tấm bảng 5.000 đồng một lần chỉ đường được viết sau lưng bìa lịch nhỏ
nhưng có sức "công phá" ghê gớm đến người Sài Gòn. Ở cái xứ mà tính
phóng khoáng được coi là bổn chất thì tấm bảng ấy làm tổn thương biết
bao người. Nhưng có ai dè đâu...
Cũng
chỉ vì gần nhà, cũng chỉ vì có chút rầu lòng và cũng vì muốn tìm hiểu
nguồn cơn cớ sự thay vì chỉ đưa tấm hình rồi bình phẩm cho sự nguội lạnh
của lòng người (mà thực ra nó đã nguội lắm rồi), vài người bỗng dưng
muốn tìm hiểu coi vì sao mà người ta nỡ “chém” nhau năm ngàn đồng cho
một lần hỏi đường.
Và
ở cái góc ngã tư đó, nơi luôn đông nghịt xe, dòng người luôn loay hoay
vì người muốn quẹo phải luôn bị vướng bởi người đi thẳng nhưng dừng đèn
đỏ. Nơi mà chẳng cần đến giờ cao điểm, dòng người đợi từ đèn xanh sang
đèn đỏ luôn kéo dài tới gần nhà thờ Tân Định. Nơi mà người ta chọn cách
leo lề để có thể luồn lách qua đám đông phía trước. Nơi ấy, có tấm
bảng 5.000 đồng cho một lần chỉ đường.
Hỏi
chuyện chị bán thuốc lá về tấm bảng mấy nay gây ồn ào giờ đâu. Chỉ tay
hất hàm vô người vá xe giọng đầy hờn trách: “Đó, ông vá xe đó đó, cái
bảng đó không phải của tui à nhe”. Rồi chị cho hay, “mấy bữa chỉ vì cái
bảng của ổng mà người đi ngang hứ há, chỉ trỏ, không thèm ghé vô mua
thuốc tui luôn”. Thấy nhiều người cười khì vì câu chuyện của chị bán
thuốc, ông vá xe, tác giả tấm bảng năm ngàn một lần chỉ đường quay qua
hậm hực: “Thì tui gỡ rồi, như bà thì bà có chịu được hàng ngày không mà
nói tui này nọ”.
Lúng
túng đôi tay lấy tiền thối cho người mua, chị bán thuốc hình như tự
thấy mình “đấu tố” hơi quá bèn phân trần: “Cũng tội ổng mấy chú ơi, vá
xe đây chục năm trời rồi, ai hỏi ổng cũng chỉ đường. Chắc tại mấy bữa
trời nóng nên ổng đổ quạu”.
Được
lời như cởi tấm lòng, ông vá xe nói luôn cái sự ấm ức: “Tui nói thiệt
với mấy chú, tui ít ăn học nhưng tui biết lễ nghĩa là gì. Mà sao giờ
nhiều người hỏi đường trỏng trỏng kỳ lắm”.
Ông
vá xe kể, nhiều người tấp xe vô thay vì “chú cho con hỏi”, họ “quất”
luôn: “Này cháu bảo, đi về chợ Bến Thành đường nào thế”, thậm chí vài
người hỏi ông mà chẳng cần chủ ngữ, chỉ đơn giản “thế đi qua cầu Công Lý
đường nào ấy nhỉ”.
Ông
vá xe nói, ông nghe “không lọt cái lỗ tai”. Nhưng điều ông ghét nhất,
ông nhấn mạnh: “chúa ghét” là cái kiểu hỏi xong te te đi không thèm một
lời cảm ơn, không buồn gật đầu chào cho “ra vẻ có lễ nghĩa”.
Ông
kể, có bữa mới bưng tô cơm, chưa lùa được miếng nào vô miệng, thấy có
người hỏi, ông cũng tận tình chỉ. “Xong, người ta đi thẳng, không thèm ừ
hử với tui một câu”.
Ông
vá xe hỏi ngược, nếu là mấy chú, mấy chú có cộc không? Ừ thì cũng cộc
thiệt, đứng nắng, mua thuốc và nghe hai người phân trần vậy thôi là cũng
thấy cộc lắm rồi.
Thật ra, ở xứ Sài Thành,
vẫn còn nhiều người giữ được ngọn lửa muốn giúp người lắm chớ. Chỉ có
điều, muốn giữ lửa thì cũng cần phải có chút rơm, muốn người ta tốt với
mình thì xá gì câu cảm ơn hay hỏi với giọng điệu tử tế. Đừng để lòng
người nguội dần chỉ bởi “đó là thói quen quê mình” trong cách ứng xử ở
một không gian khác.
Hoá
ra cớ sự của tấm bảng chỉ đường một lần 5.000 đồng là vậy. Ông cũng nói
thiệt, treo cái bảng lên cho bõ ghét chứ có lấy của ai đồng nào đâu.
Chị bán thuốc thấy vậy cũng than thêm:
“Chú
biết không, mấy ông công an đứng sờ sờ ngay đó, rồi mấy chú áo xanh cầm
cờ đứng ngay đó. Nhưng không biết sao người đi đường ngại không muốn
hỏi mấy ông công vụ đó. Họ toàn né, hỏi tụi tui không à. Tụi tui biết
thì chỉ đường, có khi không biết thì bị làu bàu. Cũng khó chịu thiệt”.
Chợt
nhớ chuyện những bình nước miễn phí để dọc đường cho người đi bán buôn
dọc đường có cái giải khát như dưới quê người ta để chum nước với cái
gáo dừa. Chợt nhớ chuyện ngay góc ngã tư gần bệnh viện Từ Dũ, người dân
làm luôn cái bảng chỉ đường chi tiết để người hữu sự biết chốn mà đi,
khỏi hỏi, khỏi bị cò lừa. Chợt nhớ những chỗ vá xe, bơm xe không lấy
tiền của người tàn tật.
Thật
ra, ở xứ Sài Thành, vẫn còn nhiều người giữ được ngọn lửa muốn giúp
người lắm chớ. Chỉ có điều, muốn giữ lửa thì cũng cần phải có chút rơm,
muốn người ta tốt với mình thì xá gì câu cảm ơn hay hỏi với giọng điệu
tử tế. Đừng để lòng người nguội dần chỉ bởi “đó là thói quen quê mình”
trong cách ứng xử ở một không gian khác.
Tất Đạt - Người Đô Thị
0 Nhận xét