Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae)
của Ðức Thánh Cha Phaolô VI
25 Tháng 7 Năm 1968
Thân gửi Chư Huynh đáng kính, các Vị Thượng Phụ,
các Vị Tổng Giám Mục, Giám Mục và các vị Giáo Quyền
tại những nơi giao hảo và hiệp thông với Tòa Thánh,
các Tu Sĩ, các Giáo Hữu thuộc thế giới Công Giáo
và toàn thể những Người Thiện Tâm Thiện Chí
Kính chào chư huynh khả kính và các con thân mến,
xin gửi đến tất cả phép lành Tòa thánh
Sự lưu truyền
đời sống
1. Nhiệm vụ lưu truyền đời sống là một nhiệm vụ
trọng đại của đôi phối ngẫu, một nhiệm vụ khiến họ trở nên những người tự động
tham dự vào trách nhiệm tạo dựng của Ðấng Tạo Hóa, một nhiệm vụ luôn luôn mang
lại cho họ nhiều nguồn an ủi, vui sướng lớn lao, song đồng thời thỉnh thoảng
cũng gây cho họ không biết bao nhiêu khó khăn, cực lòng.
Trong mọi thời
đại, việc thi hành nhiệm vụ lưu truyền đời sống thường đặt các đôi phối ngẫu
trước nhiều vấn đề thắc mắc, khó giải quyết; và đặc biệt những tiến hóa của xã
hội hiện đại đã gây rất nhiều biến chuyển, và tạo ra nhiều vấn đề mới, Giáo hội
không thể không lưu tâm đến những vấn đề này, vì đây là một lãnh vực có liên hệ
mật thiết với đời sống và hạnh phúc con người.
I. Những Khía Cạnh Mới Của Vấn Ðề
Về Quyền Hạn Của Giáo Quyền
Những dữ kiện
mới
2. Những biến chuyển mới xảy ra hết sức rõ ràng,
quan trọng và thuộc nhiều lãnh vực. Biến chuyển đầu tiên là việc dân số trên
thế giới gia tăng mau lẹ. Nhiều người tỏ ý lo ngại: với nhịp độ này, không mấy
lúc nữa, các tài nguyên thực phẩm sẽ không đủ cung ứng cho nhu cầu của con
người, vì nhịp độ sản xuất chậm hơn. Viễn tượng đó đã tạo ra một tâm trạng khắc
khoải, khiến nhiều gia đình, nhiều dân tộc chậm tiến phải lo âu, và các nhà cầm
quyền rất dễ ngã theo chủ trương làm mạnh để chặn đứng nguy cơ này. Ngoài ra,
các điều kiện làm việc, tình trạng nhà ở, và các nhu cầu đòi hỏi mới của nhân
loại trong lãnh vực kinh tế, giáo dục đã gây rất nhiều khó khăn trở ngại cho
việc dưỡng dục con cái một cách đầy đủ, nếu chúng đông quá.
Biến chuyển thứ
hai được phát hiện trong vai trò người đàn bà: giá trị cũng như vị trí của họ
trong xã hội hiện đang được người ta thảo luận, cân nhắc, xét lại. Sự biến
chuyển còn thấy ngay vấn đề tình yêu hôn nhân, trong ý nghĩa của các tác động
hôn nhân xét theo khía cạnh của tình yêu.
Cuối cùng, biến
chuyển quan trọng nhất hiện nay trên thế giới là việc con người đã tiến những
bước khổng lồ trong địa hạt chinh phục và tổ chức lại các lực lượng thiên
nhiên, và vì thế, họ cũng muốn áp dụng khả năng chinh phục ấy đối với chính bản
thân (xét trong khía cạnh toàn bộ) của họ: thân xác, đời sống vật lý, đời sống
xã hội và ngay cả các định luật vốn dùng làm tiêu chuẩn điều hành trong việc
lưu truyền đời sống, họ cũng muốn sửa đổi thay thế.
3. Lẽ tất nhiên tình trạng trên đây đã phát sinh
nhiều vấn đề mới. Người ta nghĩ rằng: Khi các điều kiện sinh hoạt đã thay đổi,
khi ý niệm về các hành vi hôn nhân đã xoay chiều để tạo sự hòa hợp và trung
thành giữa đôi vợ chồng, cố nhiên không thể không lưu tâm xét lại các định luật
luân lý có liên hệ đến hôn nhân, nhất là khi người ta nhận thấy, muốn tuân giữ
các định luật trên, nhiều khi phải hy sinh, phải có một chí can đảm phi thường.
Ðem áp dụng nguyên
tắc "toàn bộ" về vấn đề này, nhiều người tự hỏi: liệu có thể, với ý
thức và mục đích hạn chế bớt việc sinh sản và điều hòa nó một cách khoa học,
người ta có thể biến chế việc vô hiệu hóa năng lực sinh sản thành một hành vi
hợp pháp và khôn ngoan không? Nói cách khác, liệu người ta có quyền chấp nhận
quan điểm này: cứu cánh, mục đích của việc sinh sản không phải chỉ bao gồm mỗi
hành vi, mà trái lại, bao gồm toàn thể đời sống hôn nhân không?
Người ta còn đi xa
hơn nữa và tự hỏi rằng: với tinh thần trách nhiệm ngày một lớn của con người
cận đại, liệu đã đến lúc nên cho phép họ căn cứ vào lý trí, ý muốn của mình để
tự điều hòa lấy vấn đề sinh sản, hơn là cứ phó mặc cho các định luật sinh lý.
Quyền hạn của
giáo quyền
4. Những vấn đề trên đây đòi hỏi Giáo hội phải suy
nghĩ cân nhắc lại một cách kỹ càng các nguyên tắc của học thuyết luân lý liên
quan đến hôn nhân: một học thuyết tuy căn cứ trên các định luật thiên nhiên,
song lại được Thiên Chúa mặc khải, soi sáng và phong phú hóa thêm.
Cố nhiên không
người giáo hữu nào phủ nhận quyền hạn của Giáo hội trong việc giải thích luật,
dầu luật ấy là luật luận lý tự nhiên. Quả vậy, như các vị tiền nhiệm của Ta đã
nhiều lần tuyên bố (Ðức Piô IX trong Quipluribus, Ðức Piô XI trong Casti
Connubii, Ðức Piô XII trong Magnificat Dominum, Ðức Gioan XXIII trong Mater et
Magistra), khi Chúa Giêsu Kitô trao quyền Thiên Chúa của mình lại cho Thánh
Phêrô và các Tông đồ, sai các Ngài đi khắp các nước truyền rao các giáo huấn
của Người (Mt 28,18-19), Chúa đã đặt các Ngài làm người chính thức bảo vệ và
giải thích toàn thể bộ luật lý, không phải chỉ lề luật Phúc âm, mà cả các lề
luật tự nhiên nữa, vì lề luật tự nhiên biểu lộ thánh ý của Chúa, và vì muốn
được cứu rỗi, không thể không tuân hành luật lệ ấy được (Mt 7,21).
Với sứ mạng trên,
Giáo hội thường xuyên ban hành một nền giáo huấn mạch lạc liên quan đến bản
chất của hôn nhân cũng như về phương pháp sử dụng một cách đứng đắn quyền lợi
của hôn nhân, và về nhiệm vụ của các đôi vợ chồng. Ðặc biệt, trong thế kỷ hiện
đại, các giáo huấn thuộc loại này được ban hành và phổ biến nhiều hơn bao giờ
hết (Catechismus Concilii Tridentini, Divini Illius Magistri của Ðức Piô XI, các
diễn văn của Ðức Piô XII, Mater et Magistra của Ðức Gioan XXIII...)
Những nghiên cứu
đặc biệt
5. Ý thức được sứ mạng Chúa giao phó, ta đã xác
nhận và mở rộng Ủy ban nghiên cứu mà vị tiền nhiệm của Ta, Ðức Gioan XXIII, đã
thành lập từ tháng 3 năm 1963. Ủy ban này gồm nhiều chuyên viên thuộc các tôn
giáo, tín ngưỡng khác nhau, và cả một số người có đôi bạn, với các ý kiến liên
quan đến các vấn đề mới thuộc lãnh vực "đời sống hôn phối", đặc biệt
lưu ý vấn đề điều hòa sinh sản, để giáo quyền đầy đủ yếu tố, tài liệu cần thiết
hầu trả lời thích đáng cho giáo dân cũng như cho dư luận thắc mắc của nhân loại
(Diễn văn của Ðức Phaolô VI ngày 23/6/1964, 24/3/1965, 29/10/1966).
Nhờ công việc
nghiên cứu của Ủy ban nói trên, nhờ các ý kiến phán đoán, khuyến cáo của các
chư huynh trong hàng Giám mục, hoặc tự ý, hoặc theo lời Ta yêu cầu đã gom góp
thêm vào, Ta thấy có thể đánh giá, ước lượng mọi khía cạnh của vấn đề phức tạp
này. Vì thế, Ta hân hoan và nhiệt thành gửi lời cám ơn tất cả các vị.
Câu trả lời của
giáo quyền
6. Tuy nhiên, một điều cần phải nói ngay là các kết
luận của Ủy ban trên đã đưa ra không thể coi như có tính cách quyết định và Ta
nhận thấy có nhiệm vụ phải tự cứu xét thêm, lý do vì tính cách quan trọng của
vấn đề cũng có, mà cũng vì các nhân viên trong Ủy ban không hoàn toàn đồng ý về
các định luật luân lý sẽ đem ban hành, và chấp nhận là có một số tiêu chuẩn của
các biện pháp đề nghị đã đối nghịch lại học thuyết luân lý về hôn nhân do giáo
quyền chủ trương một cách kiên quyết từ trước đến nay.
Vì những lý do đó,
sau khi đích thân xem xét các tài liệu đệ trình, sau khi cân nhắc cẩn thận, sau
khi cầu xin Thiên Chúa ban ơn soi sáng, Ta sẽ nhân danh Chúa Kitô ủy thác, trả
lời những vấn đề thắc mắc được nêu ra trong lãnh vực hôn nhân.
0 Nhận xét