Việt Nam trong top 10 nước thi hành án tử hình cao nhất thế giới năm 2013
Theo VOA
Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước thi hành án tử hình nhiều nhất
trên thế giới trong năm 2013, theo phúc trình vừa công bố của tổ chức Ân
xá Quốc tế.
Chỉ tính riêng khu vực Châu Á, Việt Nam xếp thứ ba với ít nhất 7 vụ xử tử trong năm qua, sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Ân xá Quốc tế nói theo thống kê họ kiểm chứng được, trong năm 2013
có thêm ít nhất 148 phạm nhân bị tuyên án tử hình tại Việt Nam, chủ yếu
là các phạm nhân giết người, những người phạm tội liên quan tới ma túy,
và một ít tử tội về kinh tế như tham nhũng.
> Bà Janice Beanland, nhà vận động nhân quyền cho Việt Nam thuộc Ân xá Quốc tế, nói với VOA Việt ngữ:
> Bà Janice Beanland, nhà vận động nhân quyền cho Việt Nam thuộc Ân xá Quốc tế, nói với VOA Việt ngữ:
“Số án tử hình của Việt Nam khá cao và Việt Nam là một trong
nước nước chưa thật sự có dấu hiệu tiến tới việc hủy bỏ án tử hình.”
Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam hiện nay, giữ án tử hình là khách quan
và phù hợp để răn đe, trấn áp trước thực trạng tội phạm ngày càng gia
tăng.
Giới hữu trách Việt Nam nói đối với Việt Nam, duy trì án tử hình là
cần thiết để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và lợi ích chung
của xã hội.
Tuy nhiên, Ân xá Quốc tế nói luận cứ này không có bằng chứng thuyết phục. Bà Beanland nói:
“Án tử hình không có tác dụng răn đe, giúp giảm tỷ lệ tội phạm
nghiêm trọng như nhiều người nói. Chưa có một cuộc nghiên cứu nào chứng
minh điều này một cách khoa học.”
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, người hành nghề luật trên 20 năm nay tại
miền Nam, tán đồng quan điểm này. Ông Lương cho rằng bỏ án tử hình là
xu hướng tất yếu trong một xã hội văn minh.
Ông nói tử hình dù có ý nghĩa răn đe nhưng không phải là biện pháp giải quyết tối ưu:
“Kêu gọi bỏ án tử hình là phù hợp với xu thế thời đại và tính
nhân. Ở Việt Nam tội phạm nhiều do nhiều nguyên nhân, nhất trong đó là
vấn đề tham nhũng và giáo dục pháp luật, chứ không phải bỏ án tử hình là
tội phạm sẽ tăng lên. Dù tử hình có tính răn đe cao, nhưng nhắm tới
nguyên nhân để giải quyết vấn đề tội phạm, chứ không phải dùng biện pháp
tử hình mà hữu hiệu được.”
Theo luật sư Lương, có nhiều biện pháp hữu hiệu khác ngoài án tử hình có thể giúp giải quýêt các vấn đề xã hội:
“Nếu không có án tử hình, giải quyết vấn đề xã hội bằng nhiều
biện pháp như giáo dục, thay đổi thể chế lãnh đạo của nhà nước, chứ
không phải dùng tử hình làm biện pháp. Việt Nam đã ký nhiều công ước
quốc tế, đối với việc tử hình, tôi nghĩ nên được điều chỉnh theo khuynh
hướng bãi bỏ. Có thể tiến độ chậm, nhưng việc tiến tới bãi bỏ tử hình là
phù hợp với quy luật lịch sử.”
Ân xá Quốc tế nói một số lý do khiến án tử hình tại Việt Nam đặc
biệt đáng lưu tâm và nguy hiểm hơn so với các nước khác bao gồm hệ thống
pháp luật và môi trường pháp lý tại Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo tính
minh bạch-công bằng; quyền được hỗ trợ pháp lý, quyền được tiếp xúc với
luật sư chưa được tôn trọng; vai trò của luật sư tại các phiên tòa còn
mờ nhạt; và thực trạng tra tấn, bắt giam tùy tiện vẫn còn tiếp diễn.
Việt Nam tái tục thi hành án tử hình hồi tháng 8 năm ngoái sau hơn 1
năm rưỡi tạm ngưng và chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc thay vì xử
bắn như trước đây, viện dẫn lý do nhân đạo. Sự tạm hoãn này xuất phát từ
những khó khăn trong khâu nhập khẩu độc dược từ Liên hiệp Châu Âu.
Ân xá Quốc tế cho rằng tử hình dù bằng hình thức nào vẫn là một việc làm phi nhân đạo và vi phạm nhân quyền.
Tổ chức này trích số liệu từ Bộ Công an cho hay tính tới tháng 11
năm ngoái, có 678 phạm nhân chờ thi hành án tử hình tại Việt Nam. Trong
số này, ít nhất 110 người đã quá giai đoạn kháng cáo và phải đối mặt với
các vụ xử tử.
Luật pháp Việt Nam không cho phép công bố số liệu chính thức về việc vận dụng án tử hình.
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu khu vực Châu Á và cả thế giới về áp dụng và thi hành án tử hình.
0 Nhận xét