Năm ngoái, trong chuyến công tác ở Đà Nẵng, trên chuyến xe cán bộ đồng chí đưa về nhà khách, anh em rộn ràng câu chuyện. Mình hỏi:
- Tình hình từ khi anh Bá Thanh ra bắc có gì hay k các anh?
Đón ngay được ý, các anh ấy thở dài đánh thượt:
- Chán lắm! Từ khi anh Thanh đi, tư duy lãnh đạo thành phố trở về với nếp cũ, lại ù lì, chậm chạp, sợ mất địa vị. Nhớ năm nào, khi ảnh còn ở đây, có người cho rằng thời thế giúp thành phố trở nên như thế và chỉ ghi công cho anh ấy một chút thôi. Nay k ai nói vậy vì đã rõ đến 90% là do con người. Ảnh đi rồi, k ai thay thế được.
Nhớ lại câu chuyện này mình lại đắng lòng, dân tộc Việt sao cực quá. Biết đến bao giờ người mình mới được “sung sướng”? Chìa khóa chính là ở khâu lãnh đạo. Lãnh đạo giỏi, ai cũng được nhờ.
Lịch sử Việt Nam đã có những giai đoạn có người anh hùng sinh ra trong thời bình mà không hủ bại; văn trị, võ công tài ba như Lê Thánh Tông. Về văn, Ngài minh oan cho lão thần Nguyễn Trãi, xây dựng Bộ luật Hồng Đức, phát triển nền kinh tế “thóc lúa đầy đồng mà trâu bò chẳng thèm ăn”. Về võ, Ngài huy động 30 vạn quân, (đội quân đông nhất trong lịch sử phong kiến) đánh Chiêm Thành, mở rộng bờ cõi đến tận kinh đô Đồ Bàn, tức là Quy Nhơn, Bình Định. Câu nói bất hủ của Ngài: "Ai để mất 1 thước sông, 1 thước núi thì đáng tội tru di" vẫn sang sảng đến hôm nay.
Lịch sử Việt Nam đã có những giai đoạn ai đọc cũng phải ngậm ngùi nuối tiếc về một vị vua anh hùng áo vải Quang Trung ra đi quá sớm khiến đất nước lỡ cơ hội trở thành nước giàu mạnh. Giai đoạn Quang Trung nổi dậy chính là khoảng thời gian nước Mỹ có bản Hiến pháp, nước Nhật có Minh Trị, nước Thái có Rama VI.
Thời buổi này, nhìn lại lịch sử cận đại, ta thấy gì? Một Bá Thanh đang bị “trói” ở Ba Đình. Họ trao cho chức vụ nhưng không cho vào Bộ Chính trị, không cho kinh phí … để khỏi thực thi được quyền lực gì. Thấm thoắt hết khóa, đến tuổi, mời bác về hưu an dưỡng là xong.
Đất nước có lãnh đạo tài hoa quan trọng lắm. Đâu đó có câu ngạn ngữ: “Đàn cừu được một con sư tử lãnh đạo có thể đánh bại đàn sư tử bị một con cừu lãnh đạo”. Dân tộc ta là một đàn sư tử. Đi vài chục nước trên thế giới, tôi thấy người mình thông minh hơn nhiều dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới nhưng đất nước của chúng ta lại chậm phát triển hơn họ. Tất cả bởi lãnh đạo của chúng ta là những “con cừu”.
Hồi mình mới đi làm, các vị lãnh đạo đi đâu cũng nói: “Đất nước của chúng tôi vừa thoát khỏi chiến tranh nên chậm phát triển”. Ngày hôm nay, k ai dám thốt ra câu này, thậm chí còn k dám nói xuất phát điểm của Việt Nam thấp dù đó là sự thật. Ít nhất nhạy cảm chính trị của họ cho biết. Đã ngót 40 năm từ ngày đó và sự lạc hậu, phát triển theo chiều ngang, thậm chí xuống dốc trong nhiều lĩnh vực là hoàn toàn do năng lực lãnh đạo của Đảng nói chung, của cá nhân lãnh đạo nói riêng.
Người tài thì hay khó tính nhưng k để bụng. Họ đòi hỏi tiêu chí cao về sự nghiêm túc, sâu sắc, khoa học, chính xác, đặc biệt là kỉ luật và vì sự đòi hỏi này đôi khi họ gắt gỏng và trở thành tâm điểm chỉ trích trong chính trường. Nó khác với quy luật người kém lên làm lãnh đạo là “chủ nghĩa chúng mình”, xuề xòa thế nào cũng được, cùng ê kíp thì o bế, che chắn cho nhau, chén rượu, cuộc cười. Ngoài ê kíp, thì huynh đệ mình “đồng lòng, góp sức” kiềm chế nó, nếu nó còn cứng cổ thì loại bỏ nó. Kiểu làm chính trị của chính trường xã hội chủ nghĩa VN là thế. Với kiểu làm chính trị này, chính trường ngoài quán nhậu hoạt động rất xôm và người tài thường bị cô lập trong phòng làm việc và còn sót lại rất ít.
Quan sát “làng dân chủ” trong ngoài nước, quả thực mình thấy cũng thất vọng lắm. Chẳng có ai bằng hoặc hơn nội bộ ĐCSVN, cũng bê tha, bia rượu, nhậu nhẹt, hút hít và vô kỉ luật. Chẳng thể nào tin với thứ văn hóa này mà người Việt Nam có thể đi tắt đón đầu vươn lên sánh vai với các nước. Tố chất thông minh của người Việt rốt cục chỉ dừng lại ở cái gọi là “khôn lỏi” và “tắt mắt” mà thôi.
Đã đến lúc mình tin tưởng vào khoa học và kỉ luật là 2 yếu tố cơ bản để vực cả dân tộc Việt Nam trỗi dậy. Các dân tộc văn minh đều hơn chúng ta ở 2 điểm này, chứ sự thông minh của họ cũng k hơn. Thực ra với khoa học và kỉ luật, chúng ta tự do hơn. Ai sẽ là nhà lãnh đạo giúp cả 90 triệu người trở thành một dân tộc khoa học và kỉ luật đây? Trước hết bản thân người đó phải là một trí thức lớn, quảng đại, có ý thức chính trị, sống, làm việc khoa học và kỉ luật. Cái này ở trong chính trường Việt Nam đang thiếu đây; trong Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày hôm nay còn thiếu nữa là.
Vương Quế Phương tâm sự
Hà Nội, ngày 26/4/2014
0 Nhận xét